Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp doanh giới Hoa Kỳ

Trưa ngày 25-6-2008, sau khi chứng kiến buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục giữa hai quốc gia Mỹ - Việt tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ,
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008.06.26
Viet-US-signTrade _ Junẹ,2008_305.jpg Phái đoàn của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến buổi ký kết bản Ghi Nhớ Tương Thuận về Giáo Dục với Hoa Kỳ ở Washington DC, ngày 25-6-2008.
RFA PHOTO/Thiện Giao
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự một buổi gặp mặt cùng giới doanh gia hàng đầu Hoa Kỳ. Buổi gặp gỡ do Phòng Thương Mại Hoa Kỳ phối hợp Hội Đồng Kinh Doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức tại thủ đô Washington. Tại đây, bên cạnh việc cung cấp những thông tin kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thông báo một số kết quả từ buổi hội kiến với tổng thống George W. Bush trước đó một ngày. Biên tập viên Thiện Giao có mặt tại chỗ và tường thuật sau đây.

Chính phủ Việt Nam lạc quan về mức đầu tư của Mỹ


(Việt Nam) chủ trương gác lại quá khứ, tôn trọng hiện tại và hướng tới tương lai.
    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mở đầu bài nói chuyện trước một cử tọa, đa số là doanh gia Hoa Kỳ bằng nhận định về mối bang giao Việt – Mỹ:

“Chúng tôi vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của quan hệ hợp tác song phương trong thời gian qua, nhất là từ khi có hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.”

Ông Dũng khẳng định, rằng Việt Nam “chủ trương gác lại quá khứ, tôn trọng hiện tại và hướng tới tương lai.” Trong tinh thần đó, ông nhận định là quan hệ giữa hai quốc gia, trong hàng lãnh đạo cho đến cộng đồng doanh nghiệp, đều phát triển trong nhiều năm qua.

“Thương mại hai nước tăng 8 lần. Đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào Việt Nam tính tổng cộng đến nay là 7.6 tỷ đô la. Như vậy Hoa Kỳ đã là bạn hàng hàng đầu của Việt Nam và là nhà đầu tư thứ 6 trong tổng số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.”

Trước khi cập nhật tin tức liên quan đến nền kinh tế Việt Nam cho giới doanh gia Hoa Kỳ, ông Nguyễn Tấn Dũng đã vắn tắt một số thoả thuận trong buổi hội kiến với tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush một ngày trước đó.

Ông cho biết, bên cạnh những thông tin nêu trong thông báo chung cho báo chí, lãnh đạo 2 nước cũng đã đồng ý một số thoả thuận liên quan đến nhiều lãnh vực:

Sơ lược những thỏa thuận Việt-Mỹ


“Thứ nhất, hai bên thiết lập cơ chế đối thoại của quan chức cấp cao về các vấn đề chiến lược kinh tế, giáo dục, khoa học, môi trường, quốc phòng, an ninh, và nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh.”

Viet-US-signTrade _ Junẹ,2008_1_305.jpg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam Phạm Vũ Luận và Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ James Glasman ký Bản Ghi Nhớ ngày 25-6-2008, thỏa thuận hợp tác trong lãnh vực giáo dục giữa hai quốc gia.
RFA PHOTO/Thien Giao
Hai bên cũng đã đồng ý rằng cần hợp tác đẩy mạnh quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, để quan hệ kinh tế trở thành động lực thúc đẩy quan hệ trên các lãnh vực khác nhau.

Về phía Hoa Kỳ, ông Dũng cũng thông báo rằng tổng thống Bush khẳng định đang tích cực xem xét để Việt Nam được hưởng qui chế ưu đãi thuế quan GSP. Đồng thời, phía Hoa Kỳ cũng ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc xem xét qui chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.

Về lãnh vực xuất khẩu, ông Nguyễn Tấn Dũng nói là tổng thống Hoa Kỳ sẽ cho xem xét việc hủy bỏ cơ chế giám sát hàng dệt may của Việt Nam, đồng thời xem xét việc mở cửa để hàng hoa quả Việt Nam được nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ.

Về phía Việt Nam, cũng trong buổi hội kiến, ông Nguyễn Tấn Dũng khẳng định thực hiện đầy đủ các cam kết trong khuôn khổ WTO, thực hiện đầy đủ các cam kết trong hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ, cũng như hiệp định khung về thương mại đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Việt Nam cũng khẳng định tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chánh, xây dựng cở sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực để tạo thuận lợi cho đầu tư nước ngoài.

Ông Dũng cho biết, là hai phía Việt – Mỹ cũng đồng ý đẩy mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo, là điều mà ông cho là “sự hợp tác có ý nghĩa trước mắt và cả lâu dài cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.” Để thực hiện điều này, hai bên sẽ ký kết để lập ra một nhóm đặc trách cấp cao nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục có hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Lãnh vực khoa học và công nghệ cũng được xem là mối quan hệ quan trọng. Sắp tới, một tiểu bang, nằm trong Uỷ ban Hợp tác Liên Chính phủ về Khoa học Công nghệ sẽ được thành lập nhằm giúp Việt Nam nghiên cứu ứng phó với tình trạng thay đổi khí hậu và sự dâng cao của nước biển.

Về những vấn đề liên quan đến hệ quả chiến tranh, ông Dũng thông báo cho biết Việt Nam và Hoa Kỳ đồng ý đẩy mạnh hợp tác các vấn đề nhân đạo, như tiếp tục hợp tác tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh, trong đó có cả việc cho phép tàu Hoa Kỳ vào vùng biển Việt Nam để thực hiện điều này.

Người Việt Nam mất tích trong chiến tranh cũng sẽ được hai bên hợp tác tìm kiếm.

Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng là mối quan hệ rất phức tạp. Mọi người đều biết, hai bên đã có một cuộc chiến dài. Nhiều người Hoa Kỳ, trong đó có tôi, sát cánh với nhiều người Việt Nam trong cuộc chiến ấy. Những người Việt Nam khác, trong đó có ngài thủ tướng, thì ở phía bên kia.
    Thượng nghị sĩ Jim Webb
Ngoài ra, Hoa Kỳ và Việt Nam cũng cho hợp tác tháo gỡ bom mìn còn sót lại. Ông Dũng nói rằng, hiện nay tại Việt Nam, hầu như ngày nào cũng có người bị sát thương do bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Khắc phục hậu quả của chất độc dioxin tại Việt Nam cũng là một chủ đề hợp tác giữa hai quốc gia.

Quan tâm nối kết người Việt hải ngoại và trong nước


Trong buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và giới doanh gia Hoa Kỳ, người phát biểu ngay trước ông, đồng thời giới thiệu ông với cử toạ, là Thượng Nghị sĩ Liên bang Jim Webb. Thượng nghị sĩ Webb từng là một cựu chiến binh tham chiến tại Việt Nam.

“Quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam đã từng là mối quan hệ rất phức tạp. Mọi người đều biết, hai bên đã có một cuộc chiến dài. Nhiều người Hoa Kỳ, trong đó có tôi, sát cánh với nhiều người Việt Nam trong cuộc chiến ấy. Những người Việt Nam khác, trong đó có ngài thủ tướng, thì ở phía bên kia.”

Thượng nghị sĩ Webb nhận định rằng cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ phần lớn là những người từng “ở một phía trong cuộc chiến” Việt Nam. Vì lý do đó, rõ ràng là có một cảm giác rất mạnh khi nói đến việc đẩy mối quan hệ đi xa hơn.

Ông nhận định, đây không chỉ là sự phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà còn là sự xây dựng chiếc cầu nối giữa cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ với người Việt Nam trong nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.