Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 3)


2006.02.10

Phan Thế Hải

3.- Định hướng CNXH và quốc hiệu XHCN

Trong suốt hơn 32 trang Dự thảo báo cáo, cụm từ CNXH và XHCN được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đặc biệt nó được gắn chặt vào những khái niệm, phạm trù kinh tế xã hội của đất nước như: Nhà nước pháp quyền XHCN; định hướng CNXH; Tổ quốc Việt Nam XHCN... nhưng chưa có một dòng nào giải thích rõ ngữ nghĩa của khái niệm này.

PhanTheHai150.jpg
Nhà báo Phan Thế Hải.

Phải chăng đây cũng chỉ là sự sáo rỗng như thường thấy trong các báo cáo chính trị của các kỳ đại hội trước đây.

Cụm từ Xã hội chủ nghĩa được thêm vào quốc hiệu nước ta kể từ tháng 4/1976. Nói đúng hơn thì nó đã được thay thế cho cụm từ Dân Chủ đã được Bác Hồ lựa chọn cho quốc hiệu và đã được dùng suốt trong 30 năm từ 1945 đến 1975.

Thể chế Xã hội chủ nghĩa là một mô hình nhà nước của Liên Xô, được xây dựng theo học thuyết của Marx, Lenin và Staline.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng tháng Mười (11/1977), Liên Xô đã long trọng tuyên bố “xây dựng thành công Chủ nghĩa xã hội” và tiếp tục tiến lên xây dựng Chủ nghĩa cộng sản. Chính vì vậy, đến 1991 Liên Xô đã sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của khối Xã hội Chủ nghĩa và sự phá sản hoàn toàn của mô hình kinh tế, xã hội này.

Việt Nam, kể từ 1955 (ở miền Bắc) và từ 1975 trên phạm vi cả nước cũng đã từng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” và tự nhận là “tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa”. Chính vì lý do này, cuộc chiến tranh chống Mỹ càng trở nên khốc liệt, làm hàng triệu người chết và tàn phế và đất nước bị tàn phá nặng nề với những hậu quả kéo dài nhiều thế hệ.

Cũng chính vì định hướng CNXH theo tư tưởng của Staline mà Việt Nam đã tiến hành các chính sách như: Cải cách ruộng đất (1953- 1956) Cải tạo tư sản tư thương (1958- 1959); Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam (1977- 1978)... thực chất là huỷ diệt lực lượng sản xuất tiên tiến, phá hoại nền kinh tế, nhiều nhân tài bị giết hại, đầy ải, vô số tài sản, nhà cửa, ruộng đất của nhân dân bị cướp đoạt, y tế, giáo dục, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật, khoa học…. đều xuống cấp trầm trọng, luật pháp, kỷ cương, truyền thống văn hoá dân tộc bị phá hoại, đảo lộn nghiêm trọng, đời sống nhân dân khốn cùng.

Từ sự khốn cùng của nền kinh tế, đến sự khốn cùng của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân, hàng triệu người bỏ nước ra đi. Cùng với làn sóng vượt biên, di tản là cả một thể chế đứng bên bờ vực của sự sụp đổ.

chính vì định hướng CNXH theo tư tưởng của Staline mà Việt Nam đã tiến hành các chính sách như: Cải cách ruộng đất (1953- 1956) Cải tạo tư sản tư thương (1958- 1959); Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam (1977- 1978)... thực chất là huỷ diệt lực lượng sản xuất tiên tiến, phá hoại nền kinh tế, nhiều nhân tài bị giết hại, đầy ải, vô số tài sản, nhà cửa, ruộng đất của nhân dân bị cướp đoạt, y tế, giáo dục, đạo đức, văn hoá, nghệ thuật, khoa học…. đều xuống cấp trầm trọng, luật pháp, kỷ cương, truyền thống văn hoá dân tộc bị phá hoại, đảo lộn nghiêm trọng, đời sống nhân dân khốn cùng.

Đại hội đảng lần thứ V (tháng 3/1982), đảng ta vẫn một mực khẳng định đường lối “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của đại hội IV và lớn tiếng lên án chính sách “Cải cách”, “Khai phóng”, “Bốn hiện đại hoá” của Trung Quốc là “kẻ phản bội lớn nhất trong phong trào cộng sản quốc tế”.

Vào những năm 80, khi nền kinh tế Liên Xô đi vào ngõ cụt, có nguy cơ tan rã, Đại hội đảng lần thứ 27 (tháng 3/1985), Tổng bí thư Gorbachev đề ra chính sách Peretroika (Cải tổ) và Glasnost (Công khai) thì đảng ta mới “tiếp thu” họp đại hội VI (tháng 12/1986) đề ra chính sách Đổi mới và Nói thật. Có ý kiến cho rằng, đây thực chất là một sự ăn cắp bản quyền hay “ăn theo nói leo”.

Nếu nhìn vào lịch sử, thực chất đây là chính sách “đổi cũ”, quay lại các chính sách kinh tế thị trường mà loài người đã trải qua hàng trăm năm. Ở Việt nam kinh tế thị trường cũng đã từng có thời Pháp thuộc và đặc biệt, nền kinh tế thị trường đã phát triển ở trình độ khá cao trước năm 1975 ở miền Nam.

CNXH là gì, thực chất của định hướng CNXH sẽ đưa đất nước đến đâu? Đây là một câu hỏi không quá khó. Liên Xô đã có 70 năm vô ích, các nước đông Âu cũng đã từng đi đến bờ vực vì cái định hướng này.

Chính vì lý do đó, gần 500 triệu dân ở khối này đã tỉnh ngộ và quyết định, đập đi làm lại từ đầu. Dẫu có mất ổn định một vài năm, nhưng nay họ đã vào đường băng và đang cất cánh.

Như đã nói ở trên, thực chất của công cuộc đổi mới là “đổi cũ”, thôi không cấm đoán sức sáng tạo của dân chúng, thôi không kìm hãm sức sản xuất của khu vực dân doanh, thay thế chính sách cai trị bằng quản lý. Trên thực tế, nước ta đã từ bỏ con đường Xã hội Chủ nghĩa đói nghèo trước kia, không đi theo vết xe đổ trước đó.

Nhưng nếu cứ định hướng CNXH, trên lý thuyết, nước ta vẫn bị buộc phải đi theo con đường đau khổ đó và cũng không ai dám chắc là, vào một ngày xấu trời nào đó, vào một phút ngẫu hứng nào đó, đảng ta, với tư cách là người cầm quyền độc tôn, sẽ diễn lại các chính sách “cải tạo tư sản” hay “Quốc hữu hoá” sao cho đúng cái “định hướng xã hội chủ nghĩa”

Cũng chính vì lý do này, không phải doanh nghiệp, doanh nhân nào cũng toàn tâm toàn ý làm giàu, toàn tâm toàn ý lo mở rộng sản xuất. Không ít doanh nhân, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài vừa làm vừa nghe ngóng, động tĩnh, diễn biến của các chính sách của Đảng. Khi bàn chuyện làm ăn, một cán bộ phát biểu: “Đất nước này không cho ai giàu quá 20 năm.”

Xin được nói thêm, ông này hiện đang là thứ trưởng một bộ quan trọng. Đến cán bộ cao cấp mà còn chưa đủ niềm tin thì những người dân đen hoài nghi là điều dễ hiểu.

Một doanh nhân nói với tôi, cái “định hướng XHCN” như một bản án có sẵn treo lơ lửng trên đầu, khi nào cần trưng thu tài sản, Đảng ta sẽ dùng đến nó. Thực chất của chính sách đổi mới chỉ là sự “vỗ béo” các doanh nghiệp để, khi cần Đảng đem ra “giết thịt.”

Có lẽ vì lý do này, Việt Nam là một trong số những nước nghèo nhưng có nhiều tài khoản ngoại tệ gửi ở các nhà băng nước ngoài. Một lượng không nhỏ nguồn lực của đất nước bị phân tán chỉ vì cái định hướng này.

Cũng có ý kiến cho là Chủ nghĩa xã hội không phải là cái đã sụp đổ đó. Nó là cái khác, cao đẹp hơn nhiều… Nhưng như vậy thì Chủ nghĩa Xã hội là cái gì? Nó là một khái niệm mơ hồ, chưa rõ hình hài? Nó là một mô hình không có trong thực tiễn? Tóm lại nó chỉ là một ảo tưởng? Vậy tại sao ta lại định hướng cho đất nước theo một ảo tưởng?

Lại có ý kiến cho rằng Chủ nghĩa Xã hội chính là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Nhưng nói như vậy là nhận vơ, là ăn cắp bản quyền.

“Quốc phú, Dân cường” là lời của Khổng Tử, được coi là tiêu chí của Nho giáo.

“Công bằng, Dân chủ, Văn minh” là thực tiễn của các nước Tư bản tiên tiến, được hình thành từ lý tưởng “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của Cách mạng Nhân quyền và Dân quyền Pháp 1789.

Một cá nhân đạo văn là một điều đáng trách, còn một đảng cầm quyền làm như vậy thì khó mà làm gương cho dân chúng.

Bạn nghĩ gì về những kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải? Hãy gửi ý kiến của bạn về Ban Việt Ngữ RFA, email: vieweb@rfa.org

Một lý do khác, trong số hàng trăm quốc gia đạt được mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, không nước nào giàu lên bằng con đường “kiên định CNXH”. Sự kiên định CNXH là không có cơ sở khoa học.

Về phương diện ngữ nghĩa, xin được nhìn dưới 4 góc độ khác nhau:

- Thứ nhất, nếu nó là cái đã sụp đổ thì đó là cái tên xúi quẩy, tất nhiên không nên vận vào mình.

- Thứ hai, nếu nó là đích siêu việt, cái không định nghĩa được, là cái không có trong thực tiễn, thì không nên ôm ảo tưởng. Ít ra thì ta chưa nên mang danh mà ta chưa đạt được, đây là sự trung thực cần thiết của một đất nước có thiện chí đổi mới.

- Thứ ba, nếu nó là cái mà nhân loại tiến bộ đã đạt được hoặc đang xây dựng, phấn đấu, thì ta hãy làm giống họ, không việc gì phải “treo đầu dê, bán thịt chó”. Có nước tiên tiến nào mang danh Xã hội chủ nghĩa đâu!

- Thứ tư, cho dù có thể chứng minh được CNXH là cái tuyệt vời, nhưng con đường tiến đến nó cực kỳ khó khăn, đến nỗi chưa nước nào đạt được, thì liệu chúng ta có cần nhất thiết phải mạo hiểm đi đến đó không, khi tất cả những nước đi trước đều đã thất bại thảm hại và có rất nhiều nước khác không hề đi theo con đường đó, đều đã đạt được đến cái đích “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”?

Tại sao ta không học tập những nước đã thành công, lại cứ nhất định đi theo những nước đã thất bại?

Sách Luận ngữ của Khổng Tử có câu: “Danh bất chính tất ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tất sự bất thành”. Hơn hai ngàn năm trôi qua, nhưng chân lý đó vẫn luôn đúng.

Chúng ta hãy dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật để trả lại tên nước mà Bác Hồ đã đặt cho Tổ quốc Việt Nam thân yêu: “Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà” Đây là cũng là hành động cụ thể để tôn trọng tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc dựng nước.

(còn tiếp)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.