Kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải về Dự thảo Báo cáo chính trị Ðại hội X (phần 5)


2006.02.12

Phan Thế Hải

5.- Tôn trọng những ý kiến khác biệt

Đây là câu mà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đã nói trong cuộc họp tổng kết năm 2005 của Hội đồng lý luận được chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt nam đưa ngày 24/01/2006.

PhanTheHai150.jpg
Nhà báo Phan Thế Hải.

Thực chất của điều này cũng chỉ là quyền tự do ngôn luận của nhân dân đã được ghi vào Điều 69 Hiến pháp: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”. (Hiến pháp CHXHCNVN sửa lần thứ tư 1992).

Tại cuộc mít tinh kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Đảng 3/2 tại Hà Nội, trong diễn văn kỷ niệm, ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ viên BCT, Bí thư thành uỷ Hà Nội cũng nhắc lại: “Sẵn sàng lắng nghe những ý kiến khác nhau” của các tầng lớp nhân dân. Điều này đã khẳng định tính ưu việt của Đảng ta, một đảng cầm quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam trong 75 năm qua.

Thêm nữa, theo Công ước Quốc tế về quyền con người mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết từ 1982, điều 19 về quyền dân sự và Chính trị của Công ước Quốc tế ghi rõ:

“Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp vào. Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận. Quyền này bao gồm cả quyền tự do tìm kiếm, nhận và truyền đạt mọi loại tin tức, ý kiến, không phân biệt ranh giới, hình thức tuyên truyền miệng, hoặc bằng bản viết, in, hoặc bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua mọi phương tiện đại chúng khác tùy theo sự lựa chọn của họ”. (Việt Nam với Công ước Quốc tế về quyền con người. Nhà xuất bản Sự Thật 1992).

Về mặt lý thuyết là vậy nhưng thực tế diễn ra không phải vậy. Một tổng biên tập một tòa báo hoặc một phóng viên đều có thể bị sa thải bất cứ lúc nào chỉ vì đưa tin bài "không thích hợp" với định hướng của Ban Tư tưởng văn hoá, thậm chí chỉ là khác với cách nghĩ của một số người đang nắm quyền. Có người còn bị bắt bớ, giam cầm dăm bảy ngày chỉ vì những lý do tương tự.

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân. Quyền của dân phải được trả lại cho dân và thực thi đầy đủ. Một xã hội dân chủ như vậy sẽ tạo ra không gian không hạn chế cho tinh thần kinh doanh, trí sáng tạo của mọi tầng lớp, của mỗi người Việt Nam.

Tự do ngôn luận là quyền cơ bản của công dân. Quyền của dân phải được trả lại cho dân và thực thi đầy đủ. Một xã hội dân chủ như vậy sẽ tạo ra không gian không hạn chế cho tinh thần kinh doanh, trí sáng tạo của mọi tầng lớp, của mỗi người Việt Nam.

Trong một xã hội thực sự sôi nổi, sống động như vậy, mỗi người có thể trực tiếp và gián tiếp đóng góp cho việc quản lý xã hội, đóng góp cho quê hương, cho đất nước.

Lịch sử loài người đã chứng minh, chỉ khép kín trong nội bộ chính quyền, bộ máy nhà nước chưa bao giờ tự chấm dứt được quá trình quan liêu hóa, phình to ban bệ, chưa bao giờ tự mình gột rửa được khỏi tham nhũng, tư lợi và lạm dụng chức quyền.

Chỉ có dân mới giúp được Nhà nước làm được việc đó, dân phải được giám sát, dân phải kiểm tra, dân phải bãi miễn mới cải cách được Nhà nước. Và dân phải tự tổ chức để tự quản đời sống địa phương, làng xóm.

Ngày Xuân năm Bính Tuất, dẫu thời gian không nhiều nhưng tôi đã kịp đi thăm một vài công trường trên địa bàn thủ đô. Không khí làm việc thật náo nhiệt và phấn khởi. Không chỉ Hà Nội, trên mọi nẻo đường của quê hương, đất nước yêu quý của chúng ta đang trở thành công trường xây dựng lớn trở thành công xưởng lớn và trường học lớn, nhưng vẫn còn đó vô vàn lực cản chưa được dỡ bỏ.

Muốn làm giàu, cả nước phải trở thành một doanh nghiệp khổng lồ, trong đó, Bộ Chính trị là Hội đồng quản trị, Chính phủ là Ban giám đốc điều hành cái doanh nghiệp khổng lồ ấy.

Bạn nghĩ gì về những kiến nghị của nhà báo Phan Thế Hải? Hãy gửi ý kiến của bạn về Ban Việt Ngữ RFA, email: vieweb@rfa.org

Muốn tạo cơ hội cho mỗi bàn tay, mỗi khối óc của mỗi người dân Việt Nam có thể phát huy hết năng lực vào công cuộc kiến thiết nước nhà phải đổi mới một cách toàn diện, không chỉ chính sách vi mô mà còn cả vĩ mô, cả hệ tư tưởng.

Trong lịch sử hàng nghìn năm của nhân loại, Việt Nam không phải là dân tộc hèn kém. Dân tộc Việt nam phải tiến mạnh hơn nữa trong công cuộc cải cách, xây dựng cái mới tốt đẹp và chữa trị những căn bệnh kinh niên đã kìm hãm đất nước hàng chục năm nay.

Trong đó, nguy hiểm nhất là căn bệnh dối trá, không dám nhìn thẳng vào sự thật. Tham nhũng, quan liêu, cửa quyền cũng là con đẻ của căn bệnh này. Năm điều kiến nghị với Đảng với đầy thiện chí. Hy vọng sẽ được lắng nghe và phản hồi.

Trân trọng cám ơn quý vị đã quan tâm!

Nhà báo: Phan Thế Hải-Báo Vietnamnet Số 4 Láng Hạ- Ba Đình- Hà Nội

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.