Dân chặn cầu Bến Thủy, của dân phải trả lại cho dân

JB Nguyễn Hữu Vinh, viết từ Việt Nam
2016.12.04
5chan-cau-ben-thuy--622.jpg Biểu tình chống trạm thu phí qua cầu Bến Thủy 1 tiếp tục diễn ra hôm nay sang ngày thứ ba.
Courtesy Nghean24h

Chuyện phải đến đã đến

Sáng nay, người dân Hà Tĩnh và Nghệ An đã đồng loạt chặn xe đường qua cầu Bến Thủy để phản đối việc Trạm thu phí này đã lạm dụng việc thu phí, ép buộc oan uổng người dân biết bao năm nay.

Hàng loạt xe ô tô và người dân đã chặn đường qua trạm này, căng băng rôn khẩu hiệu phản đối việc lạm thu và sự bất hợp lý đổ xuống đầu họ bao nhiêu năm nay. Nhiều xe cộ đã đồng loạt dừng trước Trạm và căng băng rôn kêu cứu tới các cơ quan chức năng.

Đông đảo người dân đã ủng hộ việc này, và họ cho biết từ nay họ sẽ tiếp tục phản đối cho đến khi những yêu cầu của họ được đáp ứng.

Nhà cầm quyền lại tiếp tục sử dụng con bài: Giải tán, hứa hẹn giải quyết và đe dọa "sẽ xử lý người gây mất trật tự giao thông".

Vì sao nên nỗi?

Dự án BOT do Tổng công ty Công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư, gồm: Tuyến tránh TP Vinh; dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ (QL) 1A đoạn nam cầu Bến Thủy đến đường tránh TP Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, những người dân không hề sử dụng những đoạn đường này vẫn cứ phải nộp tiền đều đều mỗi lượt qua cầu.

Những người dân ở Nghi Xuân, làm việc ở Thành phố Vinh hoặc người dân TP Vinh đi Nghi Xuân, chỉ đi qua cầu Bến Thủy đều phải bị móc túi đều đề hàng ngày.

Mức thu phí của trạm này thuộc một trong những mức cao nhất của các Trạm ở Miền Bắc, với mức thu hiện nay là 45.000 đồng/lượt xe 4 chỗ.

Một người dân làm việc ở Vinh, nhà ở Nghi Xuân, chỉ qua bên kia cầu Bến Thủy đi làm hàng ngày mỗi tháng mất 4.680.000 đồng tiền khi qua trạm này.

Điều này gây nhức nhối cho bao nhiêu người dân ở đây và thể hiện rõ ràng sự chèn ép người dân từ phía nhà đầu tư được sự hợp sức của nhà cầm quyền.

Dù báo chí đã nhiều lần chỉ ra sự bất cập này, người dân đã nhiều lần phản ứng bằng đơn từ, kiến nghị... nhưng tất cả đều bị bỏ ngoài tai.

Và chuyện phải đến đã đến, sáng nay 3/12/2016, người dân đã không thể im lặng, họ đồng loạt phản ứng.

Việc những công ty, cá nhân... các nhóm lợi ích núp dưới bóng danh nghĩa nhà nước để vơ vét của người dân trái lẽ thường, trái luật pháp và ép buộc người dân đến mức kiệt cùng là một thảm họa xã hội đã và đang xảy ra khắp nơi.

Gần đây, các dự án giao thông BOT đã lạm dụng điều này. Các thành phố lớn như Hà Nội, các dự án BOT đã bao vây mọi đường vào, ngõ ra của thành phố. Bất cứ người dân nào ra khỏi thành phố đều bị móc túi.

Thậm chí cả những con đường được đầu tư bằng tiền ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của người dân. Đoạn đường Bắc Thăng Long - Nội Bài là một ví dụ, Trạm thu phí mấy chục năm nay vẫn cứ nghiễm nhiên tồn tại dù người dân đã kêu tham thấu cả trời xanh.

Một số đường cũ được đầu tư bằng vốn ngân sách, nay các tập đoàn tư nhân, của những nhóm lợi ích chỉ cần đầu tư ít tiền sửa sang lại,  rải lại mặt bằng và... thu phí. Đoạn đường Pháp Vân - Cầu Giẽ đã và đang là một ví dụ điển hình.

Khắp nơi từ Nam ra Bắc, các trạm thu phí bất chấp những quy định, luật lệ cũng như những điều mà lẽ thường người dân ai cũng biết: Không ai phải trả tiền cho những dịch vụ mà họ không hề sử dụng.

Một điều mà nhà nước không bao giờ nói đến, người dân ai cũng biết nhưng cứ chấp nhận như một nạn cướp bóc không thể thay đổi, đó là Phí giao thông.

Ai cũng biết rằng: Phí Giao thông đường bộ, đường thủy đã được nhà nước tận dụng bằng mọi cơ hội mà người dân không thể thoát.

Phí giao thông được đưa vào xăng dầu bán cho người dân, dù đã có nhiều nhà phân tích rằng như vậy không hợp lý, bởi có những người sử dụng xăng dầu cho máy móc hoạt động mà không hề tham gia giao thông. Nhưng điều đó không được quan tâm.

Phí giao thông bị chặn bắt mua ngay khi đăng kiểm xe ô tô, dù lưu thông hay không trên đường, thì đến mỗi kỳ đăng kiểm, xe ô tô vẫn cứ phải mua  phí đường bộ.

Phí giao thông lại được thu từng chặng trên mỗi đoạn đường đi mà nhà nước đã giao cho các dự án BOT... Mà những dự án này số tiền đầu tư ra sao, thu nhập thế nào từ đồng tiền người dân... tất cả chỉ có những nhà đầu tư và những người quản lý của họ biết. Thậm chí còn cãi nhau loạn xà ngầu về số liệu vì lẽ ra thu 5 năm thì được thu 10 năm...

Tất cả vào đầu người dân chịu, những người dân đã không còn cách nào khác là cứ tiếp tục bị lột bằng những chiêu trò này.

Nhưng, con giun xéo lắm cũng quằn. Rồi sẽ đến ngày không thể quằn hơn nữa.

Và chuyện gì đến sẽ phải đến.

J.B Nguyễn Hữu Vinh, Việt Nam 03/12/2016

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.