Suy nghĩ tháng Tư

Kami
2014.04.25
24.04.2014
Blogger Kami vời lời xác định trên blog
Courtesy of phiatruoc.worldpress.com

Dấu hỏi cho một phong trào

Mỗi năm khi tháng tư về cùng với màu đỏ của hoa phượng và tiếng ve râm ran giữa trưa hè, cũng là lúc người Việt ở đâu trên trái đất này cũng đều nghĩ tới một ngày đặc biệt. Đó là ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày cuối cùng của chiến tranh Quốc - Cộng, mà phần thắng lợi cuối cùng thuộc về những người lính cộng sản.

Ngày này được người ta dành cho nó những tên gọi khác nhau: ngày Quốc hận hay ngày thống nhất đất nước... Mỗi bên có mỗi tên gọi, song thế nào đi chăng nữa, ngày 30 tháng 4 là một dấu mốc đánh dấu sự thất bại của toàn thể nhân dân Việt nam, vì chiến tranh ai thắng ai thua thì nhân dân luôn là kẻ chiến bại. Đã lâu tôi không muốn viết về đề tài phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam, phần vì viết theo lối nói thẳng, nói thật kiểu như tôi được coi là không có lợi cho phong trào thì sẽ dễ sinh thù chuốc oán. Dẫu là như thế nhưng trong tâm tôi luôn canh cánh những suy nghĩ về vấn đề này, đó là phong trào đấu tranh dân chủ ở Việt nam đã làm đúng và đủ cái trọng trách mà không ít người kỳ vọng vào nó hay chưa? Và lý do tại sao?

Nếu còn tự ru ngủ ...

Cách đây khoảng một năm, một nhân vật đấu tranh dân chủ ở Hà nội vốn là đảng viên tự xin ra khỏi đảng, người khá nổi tiếng, mà có lẽ hầu hết ai cũng biết đã từng tâm sự với tôi đại ý "Trước em tin trên mạng ảo nhiều, cũng khiến mình ngộ nhận anh ạ. Sau khi bỏ đảng và đi thực tế mới biết phong trào phọt phẹt lắm, nếu không muốn nói là không có gì". Và sau đó ít lâu hình như anh bạn này cũng đã giã từ "vũ khí" sau một số bất đồng với bạn bè trong việc đấu tranh. Tâm sự của người bạn này làm tôi nghĩ tới nhận định của tôi cũng vào năm 2011, về thành tích của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam là con số không tròn trĩnh. Còn nhớ khi đó có một blogger thuộc loại già dặn còn bảo tôi rằng "không là đặc công đỏ thì không thể viết ra điều này!". Câu này tôi ghi nhớ mãi.

Và thời gian từ năm 2011 cho đến nay đã khẳng định việc đấu tranh hay vận động cho một xã hội dân chủ ở Việt nam sẽ không có chỗ đứng cho những người thích tự ru ngủ mình, với những nhận định viển vông kiểu như "Việt nam sẽ có một cuộc cách mạng trong vòng một hay hai năm, Cộng sản sắp sập... . Trong lúc trên thực tế cho thấy chẳng hề có dấu hiệu hay động thái gì chứng tỏ cộng sản sẽ sập, sắp sập và chính quyền cộng sản vẫn còn quá đủ mạnh để tiếp tục duy trì quyền lực của họ. Vì họ vẫn luôn là người làm chủ cuộc chơi trên bàn cờ chính trị Việt nam. Cần phải dũng cảm nhìn nhận thực tế một cách khách quan này để có các nhận định chính xác, trên cơ sở đó mới có các phương pháp cũng như đối sách hợp lý và phù hợp.

ĐCSVN không đối thủ?

Tôi đã nhiều lần nghe cuộc trao đổi giữa BBC và Giáo sư Nguyễn Đình Tấn, Giám đốc Viện Xã hội học thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và tán đồng khi ông Tấn nói rằng: "Thực chất ở Việt Nam hiện nay, có thể nói với Đảng Cộng sản Việt Nam thì không có đối thủ. Nếu thể hiện là đối thủ của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là một tổ chức, tôi nghĩ là không có". Đây là một nhận định bị coi là với mục đích tung hỏa mù của đảng CSVN,  là điều khó tin và hết sức bao biện. Theo tôi, nếu căn cứ vào thực trạng của các phe nhóm đối lập với đảng CSVN hiện nay thì đánh giá của Giáo sư Nguyễn Đình Tấn là tương đối chính xác. Có người bạn tôi còn khẳng định quá lạc quan rằng đảng CSVN còn tiếp tục duy trì quyền lực thêm cả trăm năm nữa, nếu phong trào dân chủ không có các chuyển biến sâu sắc mang tính cách mạng trong nội bộ của mình. Nói như thế cũng có nghĩa là vấn đề mang tính tồn tại khiến đại cuộc không có xu hướng chuyển biến là do nguyên nhân chủ quan của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam.

Thực ra lời giải cho vấn đề này không phải là việc quá khó, nếu hiệu ứng "Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu" được coi trọng và có các biện pháp cụ thể để thực thi. Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề đoàn kết là sức mạnh như chúng ta đã biết, mà còn là làm thế nào đề mọi sức mạnh tìm về một mối đoàn kết đó. Lợi thế của vấn đề đa nguyên đã và đang trở thành trở lực đối với phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam, cũng bởi đa nguyên không được tôn trọng và áp dụng đúng thì nó sẽ phủ định sự nhất quán. Đó chính là lý do vì sao các tổ chức mang màu sắc chính trị của người Việt cả trong và ngoài nước tuy nhiều nhưng hầu như tất cả đều không có tiếng nói chung. Nghĩa là không có một ngọn cờ hay một tổ chức mang tính tập hợp với màu sắc một mặt trận đoàn kết dân tộc. Điều này là hoàn toàn khó, trước hết bởi tính đố kỵ của các chính trị gia. Với họ thì ý mình luôn luôn đúng, còn ý người khác thì luôn luôn sai; kể cả khi họ không nắm bắt được thực tế tình hình chính trị xã hội... trong nước mà chỉ thông qua sự suy đoán. Đó cũng là lý do vì sao trong năm 2011 đã có tới trên 72% người cho rằng ở Việt nam sẽ có cách mạng màu vào thời điểm đó.

Nhắm sai mục tiêu vì nhu cầu khác biệt

Cần phải khẳng định lại, có sự chuyển biến trong thể chế chính trị ở Việt nam có xảy ra hay không thì chủ yếu là dựa vào người ở trong nước và áp lực của quốc tế, thông qua các chính sách của các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Chỉ khi nào hai nguồn áp lực này đủ để tạo sức ép cho chính quyền Việt nam thì lúc đó họ sẽ nới lỏng hoặc thay đổi chính sách và ngược lại. Còn vai trò của các tổ chức chính trị và các cá nhân người Việt ở nước ngoài thì thực tế đến lúc này vẫn chưa phát huy được tác dụng đáng ra phải có. Cũng bởi vì tư duy chính trị của họ chưa đúng, họ đã và đang hướng vào để thỏa mãn nhu cầu của người dân trong cộng đồng của họ. Đó là đối tượng ủng hộ họ trong mọi hoạt động cũng như vấn đề tài chính. Mà quên rằng nhiệm vụ chính của các tổ chức này phải là hướng về trong nước, để họ trở thành nơi người trong nước gửi gắm và đặt hy vọng. Từ đó dẫn đến các sai lầm căn bản trong các chính sách, mà họ không biết rằng nhu cầu về chính trị của người dân trong nước khác với nhu cầu của ngưởi đang định cư của nước ngoài. Thực ra đây là một vấn đề dễ hiểu, vì cộng đồng người Việt ở các quốc gia nơi có các tổ chức đó là người dung dưỡng họ.

Đó là nguyên nhân vì sao chúng ta thường thấy các tổ chức và cá nhân ở bên ngoài hầu hết luôn kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản và để khôi phục cờ vàng ba sọc đỏ, lá quốc kỳ của chế độ VNCH. Vô tình họ đã không hiểu rằng những chủ trương mơ hồ phi thực tế đó, mà chỉ với mục đích lấy lòng một bộ phận người Việt định cư ở nước ngoài đã bị chính quyền lợi dụng tuyên truyền với mục đích có lợi cho họ. Kiểu như công cuộc đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam là nhằm khôi phục chính thể VNCH, một chế độ mà đa số dân chúng trong nước có cái nhìn không thiện cảm do chính sách tuyên truyền một chiều của nhà nước.

Trong bối cảnh Việt nam gia tăng các hoạt động để hội nhập với quốc tế thì phong trào đấu tranh cho dân chủ của Việt nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hình thành các tổ chức Xã hội Dân sự tự phát trong mọi mặt, mọi lĩnh vực. Đặc biệt là các vấn đề liên quan đến quyền con người và tự do dân chủ. Với một lực lượng hùng hậu của các nhà hoạt động xã hội, các bloggers hay facebookers với các hoạt động cụ thể cả trong và ngoài nước để đưa các vấn đề nói trên ra dư luận quốc tế trong thời gian qua. Cho dù các hoạt động của những tổ chức này ban đầu mới chỉ có các thành tích khiêm tốn, song nó cũng chính là các nhân tố ban đầu cho một sự phát triển về số lượng cũng như chất lượng tranh đấu trong tương lai. Đây là những thành quả đáng khích lệ và đáng mừng.

Bao giờ mới thống nhất đường lối?

Gần đây, BS. Nguyễn Đan Quế một cựu tù chính trị, người năm trong danh sách đề cử nhận giải Nobel Hòa bình năm 2014 đã có nhận định rằng: vào thời điểm này các cá nhân, tổ chức chính trị đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam cần có sự thống nhất chặt chẽ để hướng tới một hành động chung. Và theo ông đây là một cơ hội lịch sử để giải quyết mâu thuẫn Quốc – Cộng vốn đã tồn tại quá lâu dài. Thông qua một sách lược đấu tranh mới để tái thiết Việt nam, trên tinh thần thương yêu, tha thứ và đồng cảm. Để những người đã phải ra đi có thể có cơ hội đóng góp cho một nước Việt nam tự do và dân chủ. Nói về đường lối và sách lược đấu tranh mới, BS. Nguyễn Đan Quế cho rằng cần hoạt động theo một đường lối chung để thay thế cho đường lối làm cho Cộng sản phá sản, nhằm để đoàn kết mọi người Việt nam, các tổ chức ở trong nước, các hội đoàn ở ngoài nước để phối hợp trong ngoài. Đây là một suy nghĩ sáng suốt và phù hợp với tình hình chính trị hiện tại ở Việt nam. Song vấn đề là đường lối đấu tranh mới này sẽ nhận được sự ủng hộ tới mức nào, nhưng quan trọng nhất là vẫn chưa có một tổ chức có đầy đủ uy tín để khởi xướng và phát động ý tưởng đó.

Điều này chắc chắn sẽ nhận được sự không đồng tình của các tổ chức chống cộng cực đoan ở Hải ngoại, vì đối với các tổ chức này mục tiêu duy nhất và tiên quyết là lật đổ và giải thể chính quyền cộng sản. Song hình như họ không tự hỏi họ dựa vào đâu và dựa vào cái gì để làm điều mơ hồ đó, nhất là trong lúc bối cảnh chính trị thế giới hoàn toàn không có cơ sở để thực hiện điều này. Và ảo tưởng đó mãi sẽ là ảo tưởng chỉ tồn tại trong suy nghĩ của những người còn mang mặc cảm cũng như lòng thù hận đối với chính thể hiện tại ở Việt nam.

Cái thiếu nhất của phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam là một nhân vật mang tính lãnh tụ làm vai trò ngọn cờ đầu, cộng với một tổ chức chính trị có uy tín có thể trao đổi đối thoại với các tổ chức chính trị và cá nhân khác để thống nhất tất cả hành động theo một mục tiêu chung đã định sẵn. Có như vậy mới có thể hy vọng có một sự thay đổi trong cục diện bàn cờ chính trị Việt nam khác đi so với hiện nay. Còn nếu vẫn như hiện tại, trước những áp lực chính trị đến từ trong nước và quốc tế bước đầu cũng đã buộc chính quyền Việt nam có những động thái thay đổi ban đầu, như thả nhỏ giọt một số tù chính trị trong thời gian vừa qua. Song đó chỉ là những nước đi chiến thuật trong những lựa chọn có thể của họ, chứ không phải là những bắt buộc duy nhất mà họ không còn các lựa chọn khác.

Chính trị là những vấn đề xoay quanh việc giành và giữ quyền lực nhà nước. Chính trị Việt nam cũng vậy, cho dù chính quyền Việt nam đang tứ bề thọ địch song cái cơ bản nhất mà họ có được là họ có một bộ chỉ huy thống nhất. Đó là điều mà phong trào đấu tranh cho dân chủ ở Việt nam vẫn chưa có được. Vì vậy việc đảng CSVN tự cho rằng họ không có đối thủ chính trị thì cũng là điều dễ hiểu.

Sang năm bằng giờ này là tròn 40 năm rồi đấy!

Ngày 24 tháng 04 năm 2014

© Kami

*Nội dung bài viết không thể hiện quan điểm của RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.