Thêm 4 người Thượng VN đào thoát đến được Thái Lan

Sau 30 người trước, vừa có thêm 4 người Việt Nam sắc tộc thiểu số đào thóat khỏi trại tỵ nạn của Cao Ủy LHQ tại Phnom Penh Cămpuchia và tới được Bangkok Thái Lan vào tối thứ Bảy 21-6 vừa qua.

0:00 / 0:00

Sợ bị trả về Việt Nam

Tất cả những người cùng khổ bỏ chạy từ nơi họ được tiếp nhận ở Cămpuchia là vì họ sợ bị trả về Việt Nam, dù dưới hình thức tự nguyện hay cưỡng bách.

Trong số 4 ngừơi mới tới Bangkok đêm 21/6 thì chúng tôi đã gặp mặt 2 ngừơi ở trước văn phòng Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tại Bangkok đặc trách khu vực Á Châu Thái Bình Dương.

Tuy nhân viên ở đây vẫn tiếp nhận việc ghi tên của ngừơi đào thóat, nhưng cũng giống như 30 ngừơi tới trước, tất cả 34 ngừơi sẽ không được cứu xét phỏng vấn mà là chỉ có lời khuyên là phải trở lại trại tỵ nạn Cămpuchia.

Họ cần phải trở về Cămpuchia chính vì sự bảo vệ bản thân. Họ được bảo vệ ở Cămpuchia tốt hơn là tại Thái Lan, vì lẽ Cămpuchia ký kết Công Ước 1951 về vấn đề tỵ nạn. Ở Cămpuchia có cơ chế bảo vệ ngừơi tỵ nạn mà ở Thái Lan không tồn tại.

Bà Kitty Mc Kinsey, phát ngôn viên UNHCR

Sáng ngày 23/6/2008, ở bên ngoài trụ sở Cao Ủy Tỵ Nạn và trước sự chứng kiến của một nhóm ngừơi Thượng, bà Kitty Mc Kinsey phát ngôn viên Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ khu vực Châu Á Thái Bình Dương đã xác định với chúng tôi:

"Những người tới đây vài tuần trước đã không hề quay lại để được tư vấn, chúng tôi đã chuẩn bị việc này và muốn giải thích cho họ, rằng họ cần phải trở về Cămpuchia chính vì sự bảo vệ bản thân.

Họ được bảo vệ ở Cămpuchia tốt hơn là tại Thái Lan, vì lẽ Cămpuchia ký kết Công Ước 1951 về vấn đề tỵ nạn. Ở Cămpuchia có cơ chế bảo vệ ngừơi tỵ nạn mà ở Thái Lan không tồn tại."

Bà Kitty Mc Kinsey còn nhấn mạnh rằng, theo nguyên tắc luật pháp quốc tế , người ta phải xin qui chế tỵ nạn ở quốc gia đầu tiên được xem là an tòan mà họ đặt chân tới. Trong trừơng hợp những ngừơi Thượng Việt Nam thì nơi này phải là Cămpuchia chứ không phải Thái Lan.

Đi đâu, Về đâu?

Có thể ngay từ khi đến được Bangkok và đăng ký ở Văn Phòng Cao Ủy Tỵ Nạn, những ngừơi Thượng VN đã nhận được những thông tin này, nhưng họ vẫn trông đợi sẽ có sự điều chỉnh nào đó về chính sách, nhưng điều này đã không xảy ra cho tới nay.

Bây giờ tôi không biết phải quyết định như thế nào nữa. Chúng tôi không dám quay về Cămpuchia nữa. Nếu bị chính phủ Thái Lan bắt giam thì chúng tôi đành chịu, không biết sau này sẽ ra sao.

Anh Y Sóai Ê Ban

Khi được biết rành mạch về việc họ không được Cao Ủy Tỵ Nạn cứu xét, không có giới chức nào đang họp về vấn đề này như họ tưởng là như vậy, thậm chí họ sẽ không có tới một cái giấy hẹn để gặp lại, anh Y Sóai Ê Ban, 35 tuổi ngừơi tới Bangkok hồi đầu tháng 6 và được xem là người đại diện chung cho 34 ngừơi đã phát biểu:

"Bây giờ tôi không biết phải quyết định như thế nào nữa, bởi vì tôi chưa biết rõ UNHCR Cămpuchia sẽ xử lý chúng tôi như thế nào. Chúng tôi không dám quay về Cămpuchia nữa.

Nếu bị chính phủ Thái Lan bắt giam thì chúng tôi đành chịu, không biết sau này sẽ ra sao."

Trong số 4 người mới tới Bangkok ngày 21/6, hai ngừơi chúng tôi gặp mặt là Knuly Heo, và Y Huêc Niê cùng tuổi 42 quê Krông Pắc Buôn Ma Thuột. Các anh cùng cho biết những lý do vì sao phải bỏ VN sang Cămpuchia rồi chạy sang Bangkok:

"Chúng tôi là ngừơi Thượng theo đạo Tin Lành Thuần Túy. Khi chúng tôi nhóm (tụ họp giảng đạo, cầu nguyện) thì chính phủ VN không chấp nhận. Bên ngoài thì nói tự do tín ngưỡng nhưng bên trong thì họ gác rất chặt chẽ không cho chúng tôi nhóm.

Thứ hai, chúng tôi đòi đất đai của chúng tôi bị chính phủ VN thu hồi từ năm 75, bây giờ họ làm nông trừơng cao su cà phê rồi phân phối lại cho các công nhân ngừơi Việt.

Chúng tôi đòi lại đất đai của tổ tiên ông cha từ hồi xưa, chính quyền VN không chấp nhận điều đó nên bắt chúng tôi giam giữ và tra tấn."

Sau lời phát biểu của anh Knuly heo anh Y Huếc Niê cho biết:

"Nghe trong đài Á Châu Tự Do nói bên này cũng rất khó khăn, nhưng em phải cố gắng chạy từ trại Phnompenh đến UNHCR bên Thái Lan này, mong được sự giúp đỡ che chở của văn phòng UN tại Thái Lan này."

Số phận người Thượng VN chạy từ trại tỵ nạn ở Cămpuchia sang Thái Lan coi như đã an bài, hoặc là trở về Phnompenh hoặc trở thành ngừơi nhập cư bất hợp pháp ở Thái Lan.

Trong chặng đừơng đau khổ của mình, những ngừơi Thượng VN trốn chạy ở Bangkok cũng có được chút tin vui giữa giờ tuyệt vọng, đó là họ được cộng đồng người Việt Nam ở Úc cử đại diện trao tận tay 45 ngàn baht tương đương 1.500 Úc Kim hồi tuần trước.

Hiện nay người Việt ở Úc đang vận động để tiếp tục giúp đỡ những người VN sắc tộc thiểu số đang bơ vơ nơi đất khách quê ngừơi.

(Nam Nguyên từơng trình từ Bangkok)