Có thực hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.12.08
TreSoSinh.jpg Ảnh minh họa.
Courtesy: Hình chụp từ màn hình của VnExpress.net

Đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, thuộc Bộ Y Tế hồi hạ tuần tháng 11 cho biết trung bình mỗi ngày có hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong tại Việt Nam. Tính xác thực của số liệu vừa nêu như thế nào?

Tỷ lệ tử vong quá cao

Báo mạng Vietnamnet.vn, vào ngày 21/11/2017 dẫn lời của Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết Việt Nam trung bình có trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày, với nguyên nhân chủ yếu là do sanh non, ngạt thở và nhiễm khuẩn.

Trước số liệu vừa nêu, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải, người từng chữa khỏi bệnh cho hàng trăm trẻ nhỏ trong dịch bệnh chân tay miệng hồi năm 2011, cho rằng Bộ Y Tế cần phải có biện pháp khẩn cấp để giải quyết tình trạng trẻ sơ sinh tử vong mà ông gọi là đang ở mức “báo động đỏ”. Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải lên tiếng:

...Nếu so với số lượng mà ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh nêu ra và cho rằng tỉ lệ tăng dân số do sinh đẻ ở Việt Nam là 2%, thì tỉ lệ này khoảng 8%. Nếu so với số liệu 7.000 trẻ sơ sinh trên thế giới chết mỗi ngày, thì con số 400 trẻ sơ sinh chết mỗi ngày ở Việt Nam là con số quá lớn
-Bác sĩ Võ Xuân Sơn

“Tại sao chúng ta lại để chết một ngày 4 đại đội, tức là một tiểu đoàn? Trong khi đó, ở Quảng Trị năm 1972 mỗi ngày chỉ chết một đại đội. Giao thông thì chết 20 người trong một ngày, nhưng tại sao lại để chết 400 cháu trong một ngày? Cho đến bây giờ chưa ai nói đến. Bộ Y Tế, Quốc Hội, Chính phủ đã có biện pháp gì để làm, sau khi họ công bố hay chưa? Và nếu họ không làm nỗi thì liệu họ có cho phép người khác cứu người hay không?”

Qua tìm hiểu của RFA, nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải và một số chuyên gia trong nước về tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong quá cao, căn cứ theo số liệu của cơ quan y tế cung cấp như vừa nêu không phải là không có cơ sở.

Trong “Chiến lược Dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020” thì mục tiêu và ưu tiên hàng đầu là giảm thiểu tỷ lệ tử vong sơ sinh. Kể từ năm 2011 đến 2015, tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi ở Việt Nam được ghi nhận giảm xuống một cách đáng kể và tỷ lệ này ở mức không cao so với trong khu vực Đông Nam Á và trên toàn cầu.

Tại buổi lễ ký kết hợp tác của Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Hà Nội hồi đầu tháng 12 năm 2015, Trưởng đại diện của UNICEF, ông Youssouf Abdel-Jelil đưa ra số liệu thống kê Việt Nam có hơn 90 trẻ em dưới 5 tuổi tử vong mỗi ngày, trong đó 50 trẻ sơ sinh tử vong trong vòng 28 ngày được sinh ra. UNICEF nêu lên nguyên nhân tử vong ở trẻ sơ sinh tại Việt Nam chủ yếu do ngạt thở, nhiễm trùng và đẻ non.

Nhầm lẫn hay không?

Trao đổi trực tiếp với chúng tôi qua mạng xã hội Facebook, Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn, làm việc tại Phòng khám Quốc tế EXSON cho rằng có thể số liệu hơn 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày mà ông Vụ trưởng Vụ sức khỏe bà mẹ và trẻ em đưa ra có sự nhầm lẫn. Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn phân tích:

Hiện nay, tỉ lệ tử vong trong tháng đầu tiên sau sinh trên thế giới là 1,9%. Theo tôi biết, Việt Nam có tỉ lệ thấp hơn trung bình của thế giới một chút. Nhưng nếu so với số lượng mà ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh nêu ra và cho rằng tỉ lệ tăng dân số do sinh đẻ ở Việt Nam là 2%, thì tỉ lệ này khoảng 8%. Nếu so với số liệu 7.000 trẻ sơ sinh trên thế giới chết mỗi ngày, thì con số 400 trẻ sơ sinh chết mỗi ngày ở Việt Nam là con số quá lớn.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ-Bác sĩ Võ Xuân Sơn còn lập luận có khả năng ông Vụ trưởng Nguyễn Đức Vinh đưa ra thông số Việt Nam có trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày với chủ ý liên quan vụ việc 4 trẻ sơ sinh chết trong cùng buổi sáng ngày 20 tháng 11 vừa qua tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh.

Tại sao chúng ta lại để chết một ngày 4 đại đội, tức là một tiểu đoàn? Trong khi đó, ở Quảng Trị năm 1972 mỗi ngày chỉ chết một đại đội. Giao thông thì chết 20 người trong một ngày, nhưng tại sao lại để chết 400 cháu trong một ngày? Cho đến bây giờ chưa ai nói đến. Bộ Y Tế, Quốc Hội, Chính phủ đã có biện pháp gì để làm, sau khi họ công bố hay chưa
-TS. Nguyễn Văn Khải

Trả lời thắc mắc của gia đình bốn em bé xấu số và của dư luận về 4 trẻ sơ sinh tử vong trong cùng ngày ở Bắc Ninh, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, ông Lê Văn Nam cho biết nguyên nhân gây tử vong cho các bé đều do sơ sinh non yếu, nhẹ cân và kèm bệnh lý bẩm sinh. Ông Nam còn cho biết thêm Bệnh viên Sản nhi Bắc Ninh có những ngày có 5 đến 7 trẻ sơ sinh non yếu tử vong.

Một số chuyên gia y tế mà Đài RFA tiếp xúc nhấn mạnh không thể phủ nhận việc chăm sóc trẻ sơ sinh ở Việt Nam có tiến bộ nhiều trong những năm gần đây. Việt Nam là một trong 18 nước trên thế giới triển khai chương trình “Chăm sóc trẻ sơ sinh”, bắt đầu từ năm 2006, một chương trình mang tính quốc gia và hoạt động có hiệu quả. Thế nhưng dư luận vẫn không ít lần phản ứng mạnh mẽ trước các thông tin trẻ sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine. Một bà mẹ trẻ ở Sài gòn nói với RFA nỗi lo lắng mỗi khi mang con đi chích ngừa:

“Lúc em sanh bé Chocolate, con em thì khi đó bắt đầu chích vắc-xin ‘5 trong 1’, ‘6 trong 1’ và em thấy bị chết nhiều lắm. Nói chung, trong 100 ca thì có 1 ca bị dính. Cho nên lúc mang con đi chích vắc-xin này rất là sợ. Em đã đến bệnh việc lúc sinh bé để chích cho bé từ trước tới giờ luôn. Do các mũi chích ngừa đó làm mình lo lắng nên không mang bé đi chích ở những chỗ khác.”

Bà mẹ trẻ ở Sài Gòn cho biết bản thân và nhiều bạn bè đồng trang lứa mặc dù luôn tìm hiểu kiến thức về mang thai và có em bé cũng như thực hiện theo các thông tin hướng dẫn được phổ biến rộng rãi, thế nhưng không thể nào không lo lắng cho sự an toàn của con mình qua những vụ việc như 3 trẻ sơ sinh khỏe mạnh tử vong trong 10 phút sau khi tiêm ngừa vaccine, ở Quảng Trị hồi năm 2013 hay như trường hợp mới nhất, 4 trẻ sơ sinh tử vong tại Bắc Ninh.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận giới chuyên gia y tế xác nhận Bộ Y Tế đang làm tốt công tác để giảm thiểu tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Thế nhưng Bộ Y Tế cần phải giải trình về tính xác thực của số liệu trung bình trên 400 trẻ sơ sinh tử vong mỗi ngày. Và nếu số liệu này là chính xác thì Bộ Y Tế cần phải là gì để giải quyết tình trạng, theo như Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho là “nguy cấp”?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.