Hành trình Đạo Cao Đài từ 1975 (phần 3)

Phần thứ ba của loạt bài về diễn trình của Đạo Cao Đài, từ thời điểm chính quyền ban hành “Bản Án Cao Đài” năm 1978 và từ khi có Hội Đồng Chưởng Quản do chính quyền công nhận.
RFA
2008.06.20
CaoDai_TayNinh_305.jpg Thánh thất nguy nga của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ ở Tây Ninh.
Photo courtesy of Nguyễn Tín
Trong 30 năm qua, quá trình vận động phục quyền Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo hiến chương và hiến pháp Đạo thay đổi theo từng thời kỳ.

Khởi đầu là đối với những áp đặt của chính quyền, tiếp theo là phản ứng xung quanh danh hiệu “Hội Đồng Chưởng Quản . Thật ra, trong thực tế, không riêng đạo Cao Đài, mà tất cả các tôn giáo đều chịu sự quản lý trong khuôn khổ “Pháp Lệnh Tôn Giáo” trong 10 năm gần đây.

Kể từ thời điểm nhà nước Việt Nam, thông qua Mặt Trận Tổ Quốc Tỉnh Tây Ninh, phổ biến văn kiện lên án các chức sắc cao cấp của Đạo Cao Đài ngày 20- 9-1978, đến nay đã tròn 30 năm kể từ ngày Hội Thánh bị giải thể và Hội Đồng Chưởng Quản được thành lập. Ba mươi năm qua cũng là thời gian mà những tín hữu, chức sắc Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nguyên thủy tranh đấu cho việc phục quyền Hội Thánh theo đúng Tân Luật và Pháp Chánh Truyền của Đạo.

Quá trình đòi hỏi phục quyền Hội Thánh thay đổi về mặt tính chất trong suốt 30 năm qua; và sự thay đổi ấy gắn liền trực tiếp với những thay đổi của Hội Đồng Chưởng Quản thông qua một số thời điểm quan trọng.

Tín đồ Cao Đài nguyên thủy và Hội đồng Chưởng quản


Nếu những năm đầu tiên kể từ thời điểm công bố “Bản Án Cao Đài,” sự thăng trầm của tôn giáo này trực diện với chính quyền, thì về sau, mối mâu thuẫn chuyển dần sang hai phía, một bên là những tín hữu theo đạo Cao Đài nguyên thủy, còn bên kia là Hội Đồng Chưởng Quản với sự công nhận của chính quyền.

Những thời điểm quan trọng trong 30 năm qua, có thể kể đến:

1978 với Bản Án Cao Đài.

1979 với quyết định 124/QĐ-UB, giải thể Hội Thánh và thành lập Hội Đồng Chưởng Quản.

1997, với sự ra đời của hiến chương mới và một tổ chức có danh hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh, do Hội Đồng Chưởng Quản chủ trương.

Cương vị của Hội Đồng chỉ là xử lý thường vụ trong khi Hội Thánh không còn được phép. Hội Đồng đã làm quá quyền. Họ đứng cùng với nhau, lập nên luật định mới, trái với Tân Luật  và Phát Chánh Truyền. Chúng tôi yêu cầu, đạo có Tân Luật, có Phát Chánh Truyền, tương tự nhà nước có hiến chương, hiến pháp.
        ông Lễ Sanh Ngọc Sảnh Thanh


Năm 2007, Hội Đồng Chưởng Quản đệ trình một dự thảo hiến chương mới. Và vào ngày 6 tháng 6 vừa qua, thông tin của Chơn Pháp Cao Đài cho biết Ban Tôn Giáo Chính Phủ đã cho triệu tập cuộc họp với thành phần tham dự chính là các Chức Sắc trong Văn phòng Thường trực của Hội Đồng Chưởng Quản cùng 12 Chức Sắc trong Ban Soạn Thảo Tu Chỉnh Bổ Sung Hiến Chương. Mục đích của phiên họp là để quyết định dứt điểm một số vấn đề liên quan đến bản dự thảo Hiến Chương do Hội Đồng Chưởng Quản đệ trình hồi năm ngoái.

Trong “Bản Tường Trình Về Tình Hình Đạo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh” do các tín hữu Cao Đài nguyên thủy phổ biến, Bản Án Cao Đài năm 1978 thời ấy được chánh quyền cho triển khai rộng rãi và mở nhiều đợt học tập do cán bộ Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam Tỉnh Tây Ninh hướng dẫn. Trong khi học tập bản án, chánh quyền yêu cầu học viên, chức sắc, chức việc và tín đồ nói theo nội dung bản án để kết tội các chức sắc tiền bối bị nêu tên trong bản án.

Bản tường trình nhận định rằng, kết quả của các đợt học tập bản án không đạt yêu cầu, do tín đồ Cao Đài từ chối lên án người đứng đầu tôn giáo, nên cuối năm 1978, chánh quyền Tây Ninh ra quyết nghị bắt buộc Hội Thánh Cao Đài Tây Ninh ra thông tri “nhìn nhận Bản án Cao Đài là sự thật” để lên án, kết tội các vị khai sáng đạo cùng các chức sắc thiên phong.

Nửa năm sau đó, vào ngày 4-6-1979, chánh quyền Tỉnh Tây Ninh ra quyết định giải thể Hội Thánh và guồng máy hành chính của Đạo từ trung ương đến địa phương. Cùng thời điểm này, Hội Đồng Chưởng Quản được thành lập, và trong cách nhìn của người Cao Đài, cơ quan này chỉ có chức năng săn sóc những tài sản chưa bị chính quyền tịch thu.

Nhận định về vai trò của Hội Đồng Chưởng Quản, ông Lễ Sanh Ngọc Sảnh Thanh, một chức sắc của Cửu Trùng Đài, đã từng là bí thư của Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản nhiệm kỳ thứ nhì, phát biểu:

“Cương vị của Hội Đồng chỉ là xử lý thường vụ trong khi Hội Thánh không còn được phép. Hội Đồng đã làm quá quyền. Họ đứng cùng với nhau, lập nên luật định mới, trái với Tân Luật  và Phát Chánh Truyền. Chúng tôi yêu cầu, đạo có Tân Luật, có Phát Chánh Truyền, tương tự nhà nước có hiến chương, hiến pháp.

Ngày nào, từ tín hữu nhỏ cho đến chức sắc của đạo thống nhất thay đổi hiến chương này, thì mới có công dụng với tất cả nền đạo. Còn chỉ một thành phần, một cá nhân, trong một thời kỳ, chỉ với tư cách xử lý thường vụ, không được quyền cải sửa của chúng tôi một điều gì. Chúng tôi kêu gọi trả lại nền đạo cho chúng tôi nguyên vẹn, không bị bóp méo, vo tròn.”

Hoạt động tôn giáo trong tuân thủ “ Pháp lệnh Tôn Giáo”


Vẫn theo văn bản “Tường Trình Tình Hình Đạo Cao Đài,” một Quyết Định của Tỉnh Ủy Tây Ninh vào thời gian đó có đoạn viết, rằng: “Cần thu hẹp Tôn giáo Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh để tự tiêu vong.”

Như vậy, trên thực tế, cho đến năm 1996, đạo Cao Đài bị khống chế trực tiếp bởi chính quyền, thông qua chủ trương và pháp luật, được qui định theo nghị quyết 297, nghị định 69 của Thủ Tướng Chính Phủ, là “Mọi hoạt động tôn giáo đều phải tuân thủ chủ trương và pháp luật nhà nước.”

Họ đã xoá sạch Hội Thánh nguyên thủy và dùng danh hiệu 10 chữ trên giấy tờ rồi điều động với danh nghĩa  6 chữ. Đây là điều rất tế nhị mà nhiều người không thấy.
        tín đồ Cao Đài trong nước

Tình hình bắt đầu thay đổi vào năm 1997. Từ khoảng thời gian này, chính quyền bắt đầu quản lý tôn giáo thông qua “Pháp Lệnh Tôn Giáo”. Và cùng thời điểm này, Hội Đồng Chưởng Quản lập hiến chương theo qui định của Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Nội dung hiến chương 1997 bị tín hữu Cao Đài phản đối vì sai biệt với Pháp Chánh Truyền, tức hiến pháp Cao Đài, và không tuân thủ nguyên tắc thành lập hiến chương theo luật Đạo.

Ông Phùng Văn Phan, một Sĩ Tải, tức là chức sắc Cao Đài, phát biểu:

“Rồi đến năm 1997, sau nhiều nhiệm kỳ, Nhà Nước cho Hội Đồng Chưởng Quản lập hiến chương và hiến chương này đi ngoài Phát Chánh Truyền. Do đó nhơn sanh cho rằng đây chỉ là một chi phái mới, phát sinh từ Cao Đài mà ra.”

Phân tích về luật đạo liên quan đến việc lập hiến chương, ông Lễ Sanh Ngọc Sảnh Thanh phân tích:

“Trong luật của đạo Cao Đài, điều gì cũng phải đủ 3 hữu đắc quyền với được thừa nhận. Nếu thiếu 1 quyền thì vô tác dụng đối với đạo.

Quyền thứ nhất là quyền của vạn linh, tức của nhơn sanh trong hạ tầng. Quyền thứ 2 là quyền của Hội Thánh, tức là của chức sắc đạo từ hàng phẩm giáo hữu trở lên đến Chánh Phối Sư. Quyền thứ ba, quyết định, là quyền thượng hội, do nơi Giáo Tông Hộ Pháp quyết định. Phải có đủ 3 quyền thì mới có Tân Luật, có hiến chương. Thiếu 3 quyền này thì, phải nói thẳng, trong đạo, người tín hữu hiểu rõ luật đạo sẽ không thừa nhận.”

Như đã đề cập, năm 1997, cùng thời điểm Hội Đồng Chưởng Quản ban hành hiến chương mới, cơ quan này cũng cho thành lập một tổ chức với danh hiệu “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh.” Danh hiệu này, gồm 10 chữ, dẫn đến sự phản đối của phía Cao Đài nguyên thủy vì nhiều lý do.

Thứ nhất, không một chi phái Cao Đài nào, theo đúng hiến pháp Cao Đài, có thể được thành lập nếu không có sự đồng ý của Hội Thánh; thứ hai, chi phái này không thể thay thế danh hiệu gốc của đạo, chỉ có 6 chữ là “Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ.”

(Chánh quyền) cho công an ra tay cấm đoán không cho về Toà Thánh. Nói tóm lại, chúng tôi yêu cầu chánh đáng và có cơ sở pháp luật. Còn thực thi được hay không là do quan điểm của chính phủ về xã hội pháp quyền.  Ngày nay trong thời kỳ hội nhập thì càng ngày càng phải tiến tới pháp quyền.
        tín đồ Cao Đài

Trên thực tế, theo nhận định của một đạo hữu Cao Đài trong nước, hai danh hiệu 6 chữ và 10 chữ được vận dụng khéo léo tạo sự hiểu lầm nơi tín hữu Cao Đài. Về vấn đề này, cũng xin được nói rõ, là chúng tôi đã cố gắng liên lạc với Hội Trưởng Hội Đồng Chưởng Quản qua số điện thoại riêng của ông, do một người tại Toà Thánh cung cấp. Một số lần gọi có người nhấc lên, rồi cúp xuống, do đó chúng tôi không có cơ hội ghi nhận ý kiến của Hội Đồng.

“Họ đã xoá sạch Hội Thánh nguyên thủy và dùng danh hiệu 10 chữ trên giấy tờ rồi điều động với danh nghĩa  6 chữ. Đây là điều rất tế nhị mà nhiều người không thấy. Về phương diện pháp lý, hộ tịch một người trật 1 dấu thôi còn không được công nhận huống chi danh hiệu 10 chữ và 6 chữ thì làm sao là một được.”

Xã hội pháp quyền giúp giải quyết mâu thuẫn nội bộ Cao Đài


Vị đạo hữu này nhận định  rằng tất cả những tranh đấu diễn ra trong nhiều năm qua, mà gần nhất là sự kiện Gốc Bồ Đề ngày 17 -3 tại Tòa Thánh Tây Ninh, chung qui tùy thuộc vào quan điểm của chính phủ trong việc thực thi luật pháp. Cũng theo lời ông, quan điểm này có ý nghĩa quan trọng hơn bao giờ hết khi Việt Nam đang ngày càng đi vào con đường hội nhập với thế giới:

“Nếu chính phủ thực sự muốn xây dựng một xã hội pháp quyền, thì hãy tôn trọng văn bản do mình đưa ra. Đằng này, khi nhơn sanh tiếp xúc chính phủ yêu cầu trả cơ ngơi, chính phủ nói đây là chuyện của nội bộ tôn giáo, tôn giáo tự giải quyết. Nói như vậy là sai, vì đây là nhu cầu được giải quyết bởi luật pháp xã hội. Chính phủ đã đá trái banh trở về cho Giáo Hội.

Song song với việc đá trái banh, họ cho công an ra tay cấm đoán không cho về Toà Thánh. Nói tóm lại, chúng tôi yêu cầu chánh đáng và có cơ sở pháp luật. Còn thực thi được hay không là do quan điểm của chính phủ về xã hội pháp quyền.  Ngày nay trong thời kỳ hội nhập thì càng ngày càng phải tiến tới pháp quyền.”

Trên đây là những ghi nhận về bản chất quá trình 30 năm vận động phục quyền Hội Thánh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ theo hiến chương và hiến pháp Đạo. Có thể thấy, tất cả mọi vấn đề đều xoay quanh danh hiệu “Hội Đồng Chưởng Quản.”

Chính danh hiệu này và các hoạt động của cơ quan này, vốn được thành hình từ năm 1978 lại là trung tâm điểm của cuộc tranh đấu cho đến ngày nay.

Trong phần 4 và là phần cuối của loạt bài, ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do sẽ phân tích những thông tin liên quan đến “Hội Đồng Chưởng Quản,” và sự can thiệp của chính quyền trong toàn bộ sự kiện.



Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.