TBT Nguyễn Phú Trọng dự và chỉ đạo họp Chính phủ: Lãnh đạo toàn diện hay bước lùi của dân chủ?

Cát Linh, RFA
2017.12.16
Vietnam Communist Leaders Từ trái sang: Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
AFP

Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự, phát biểu chỉ đạo cuộc họp trực tuyến của tập thể Chính phủ Việt Nam vào ngày 28 tháng 12 tới đây.

Hoạt động được cho là chưa có tiền lệ từ trước đến nay cho thấy gì về quyền lực của Đảng Cộng sản, là đảng cầm quyền duy nhất hiện nay ở Việt Nam?

Công khai hoá quyền lực

Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói với báo giới đây là một sự kiện rất quan trọng và chính phủ mong muốn nhận được chỉ đạo của Tổng Bí thư để tạo ra sự chuyển biến, thay đổi trong các cơ quan nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Ngay sau khi sự kiện này được truyền thông trong nước loan đi, những người quan tâm tình hình chính trị Việt Nam đều đặt câu hỏi rằng có phải rằng sự tham dự ngày càng sâu rộng của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đang thể hiện ở mức rõ nhất? Một cụm từ xuất hiện nhiều nhất ở phần bình luận trên mạng xã hội về sự việc này là “thâu tóm quyền lực.”

Cụ thể, một người có tên Hoà Nguyễn đã viết trên trang mạng của Vnexpress: “Đây là lúc để ông thâu tóm bốn đai vô địch hạng nặng gồm "Tổng bí thư; Chủ tịch nước ; Thủ tướng; Chủ tịch quốc hội" Đây mới là tiền lệ chưa từng có ở Việt Nam và trên thế giới. Một kỷ lục.”

Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, từ Hà Nội nhận định với chúng tôi về việc tham dự chỉ đạo của Tổng bí thư trong cuộc họp Chính phủ tháng 12 là một hình thức “công khai quyền lực độc tôn” của Đảng Cộng sản từ trước đến nay.

“Lâu nay về nguyên tắc, Đảng vẫn chỉ đạo Chính phủ làm việc này việc kia. Không có bất cứ việc gì lớn nhỏ không có ý kiến của Đảng mà có thể làm được. Hiện nay, ông ta tiến 1 bước là công khai hoá việc này.”

Lâu nay về nguyên tắc, Đảng vẫn chỉ đạo Chính phủ làm việc này việc kia. Không có bất cứ việc gì lớn nhỏ không có ý kiến của Đảng mà có thể làm được. Hiện nay, ông ta tiến 1 bước là công khai hoá việc này. - Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Mặt khác, cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, thực chất đó cũng là sự bất chấp luật pháp. Lý giải ý kiến này, ông nói rằng quan hệ của Đảng và Nhà nước cũng chỉ mới được xác định trong Điều 4 của Hiến pháp Việt Nam.

“Không có bất cứ luật nào qui định cho rõ quan hệ ấy nội dung thế nào, phương thức thế nào, nội dung thế nào và đặc biệt là chịu trách nhiệm thế nào về mặt pháp lý.”

“Thực chất đây là việc trắng trợn công khai hoá sự toàn trị trực tiếp lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền.”

Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc theo chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Một bước tiến hay thụt lùi?

Khi trả lời báo giới trong nước chiều ngày 14 tháng 12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng xác nhận trong một năm qua, Chính phủ đã triển khai thực hiện, cụ thể hoá nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, đạt được nhiều thành tựu đạt đáng kể.

Ông Mai Tiến Dũng còn nhấn mạnh sự có mặt của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong kỳ họp Chính phủ cuối năm sẽ “khắc phục các tồn tại, chẳng hạn như tình trạng trên nóng dưới lạnh, trên chuyển dưới không chuyển”

Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, ông nhìn nhận rằng nếu đánh giá theo đường lối của Đảng thì đó là 1 bước tiến trong phương thức chỉ đạo. Tuy nhiên, tiếp lời ông cho biết.

“Nhưng chúng tôi cho đấy là 1 bước thụt lùi của nền dân chủ.”

“Sau khi thông qua Điều 4 của Hiến Pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam nên xây dựng một đạo luật để chỉ đạo Điều 4 ấy được thực thi như thế nào. Và ai là lãnh đạo trực tiếp toàn diện nhà nước với xã hội? Điều 4 qui định Đảng lãnh đạo. Nói như thế thì tôi có thể nhảy vào chỉ đạo nhóm Nguyễn Xuân Phúc được không? Không có 1 luật nào qui định cả.”

Chính là sự tham dự của Đảng

Liên quan đến đường lối lãnh đạo và cơ cấu bộ máy nhà nước, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam cũng khẳng định cơ cấu ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp, từ quân đội, công an đến tư tưởng.

Có ý kiến khá tích cực về vấn đề này, từ Sài Gòn, ông chia sẻ với chúng tôi việc “Tổng bí thư đến dự họp là không có vấn đề gì”

“Vì trong Hiến pháp qui định ông Chủ tịch nước được dự tất cả phiên họp của Chính phủ cũng như Thường vụ Quốc hội.  Tổng bí thư ở Việt Nam chưa là Chủ tịch nước nhưng Đảng lãnh đạo toàn diện và trực tiếp thì việc tham dự là không có vấn đề gì.”

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng mọi người bình luận khá nhiều về điều này chỉ vì “đây là điều chưa từng có tiền lệ trước nay.”

Phân tích rõ hơn, ông nói tiếp:

“Tất cả những người trong Chính phủ từ Thủ tướng, các Phó Thủ tướng thì hầu hết là Bộ Chính trị. Còn các Bộ trưởng đều là Uỷ viên Trung ương. Đảng chủ trì bên Bộ Chính trị thì qua bên Chính phủ chủ trì tôi cho là bình thường.”

Khác với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng việc tham dự và chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu.

“Cái đó cũng tốt thôi. Đảng mà không nghe trực tiếp tin tức, thảo luận thì đôi khi lại đâm ra bệnh quan liêu. Đảng sợ nhất là quan liêu và sai lầm đường lối. Tôi nghĩ cái đó không vấn đề gì. Suy cho cùng thì kỳ họp Chính phủ cũng là triển khai những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hoặc nghị quyết của Bộ Chính trị, rồi triển khai dưới dạng nhà nước.”

Cái đó cũng tốt thôi. Đảng mà không nghe trực tiếp tin tức, thảo luận thì đôi khi lại đâm ra bệnh quan liêu. Đảng sợ nhất là quan liêu và sai lầm đường lối. Tôi nghĩ cái đó không vấn đề gì. - Luật sư Trần Quốc Thuận

Trong hoạt động của các cơ quan nhà nước lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam từ trước đến nay, Tổng bí thư chỉ từng xuất hiện tại các kỳ họp của Quốc hội với tư cách chủ yếu là Đại biểu Quốc hội. Như thế, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có mặt và chỉ đạo hội nghị của Chính phủ vào ngày 28 tháng 12, thì đây là điều chưa từng có tiền lệ.

Với những diễn tiến hiện nay ở Việt Nam, thì đây là dấu hiệu của một bước tiến nhằm tránh bệnh quan liêu như nhận xét của của Luật sư Trần Quốc Thuận hay bước thụt lùi của dân chủ theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai? Chính trường Việt Nam vẫn đang chờ câu trả lời. Và người hiện đang nắm giữ câu trả lời không ai khác hơn là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.