Lộ trình rước đuốc Olympics tại Sài Gòn được giữ bí mật?

Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra, song hành cùng lộ trình rước đuốc Olympics Bắc Kinh. Trong chặng đường dừng chân tại Paris của nước Pháp, ngọn đuốc đã phải 5 lần được đưa lên xe bus để tránh biểu tình. Sau cùng, chính quyền đã phải huỷ bỏ cuộc rước đuốc.
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008.04.11

VNstudentsProtestChina011908_200.jpg
Sinh viên thanh niên Việt Nam đã từng tổ chức các cuộc biểu tình chống Trung Quốc, kêu gọi tẩy chay Olympics Bắc Kinh. RFA file photo.
Trong khi ấy, giới blogger và một số văn nghệ sĩ Việt Nam cũng bàn tán về thời điểm ngọn đuốc đi vào Sài Gòn ngày 29 tháng Tư này. Chuyện gì sẽ xảy ra tại Việt Nam? Lộ trình rước đuốc có chính xác như báo chí đã đăng tải? Biên tập viên Thiện Giao có bài tường thuật sau đây.

Biểu tình khắp nơi chống Olympic Bắc Kinh


Cho đến hôm nay, chỉ sau vài chặng rước ngọn đuốc thiêng Olympics từ thủ đô Hy Lạp, chu du thế giới trước khi về Bắc Kinh, thủ đô nước đăng cai tổ chức, có thể xem Olympics 2008 là một thất bại.

Biểu tình nổ ra ngay sau khi ngọn đuốc đến Luân Đôn, thủ đô nước Anh. Rồi lại biểu tình lớn lại nổ ra ở Paris, thủ đô nước Pháp. Cuộc rước đuốc tại Paris bị huỷ bỏ nửa chừng.

Hôm nay, tin tức báo chí cho biết Uỷ Ban Olympics Quốc Tế sẽ xem xét và thảo luận cùng giới chức hữu trách Bắc Kinh. Rất có thể, toàn bộ hành trình rước đuốc quốc tế sẽ bị huỷ bỏ.

Trên khắp thế giới, người ta biểu tình ngăn chặn ngọn đuốc để thể hiện sự ủng hộ người dân Tây Tạng.

Con đường rước đuốc do báo chí được chỉ đạo phải in ra, theo nhiều người thì không phải như vậy. Có nghĩa là con đường trên thực tế với con đường báo chí in ra là không giống nhau, và người ta rất quan tâm điều này. Và cho đến bây giờ người ta cũng chưa biết rõ.
Nhà thơ Lý Đợi, Sài Gòn

Đuốc Olympics Bắc Kinh tại Sài Gòn


Tại Việt Nam, trong nhiều tháng qua, một số văn nghệ sĩ phản kháng, một số blogger trên thế giới Internet cũng kêu gọi biểu tình, hoặc tẩy chay việc rước ngọn đuốc vào Sài Gòn.

Người Việt Nam có những lý do riêng. Chỉ cách đây ít lâu, Quốc Hội Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thông tin trên mạng cho biết hành trình rước đuốc tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng Tư sẽ bắt đầu lúc 4 giờ chiều, hành trình kéo dài 15km với điểm xuất phát là đường Nguyễn Tất Thành, đi qua Cầu Tân Thuận, đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nguyễn Hữu Thọ, Cầu Kinh Tẻ, Khánh Hội, Hoàng Diệu, Cầu Ông Lãnh, Nguyễn Thái Học, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Đồng Khởi và kết thúc lúc 7 giờ tối cùng ngày trước nhà hát Thành Phố.

Những thông tin chúng tôi có được, cho biết rằng hành trình rước đuốc tại Sài Gòn là hành trình giả, để đánh lạc hướng người biểu tình.

“Con đường rước đuốc, ví dụ từ điểm A, qua điểm B, đến điểm C, là con đường chỉ đạo trên báo chí mà tất cả các báo phải in ra. Nhưng thực tế, nhiều người nói, không phải như vậy. Con đường này sẽ đi từ điểm A, qua điểm D, đến điểm F nào đó, không qua con đường mà báo chí được chỉ đạo phải in.
Có nghĩa là con đường trên thực tế với con đường báo chí in ra là không giống nhau, và người ta rất quan tâm điều này. Và cho đến bây giờ người ta cũng chưa biết rõ.”

Đó là lời của nhà thơ Lý Đợi, phát biểu từ Sài Gòn.

Một nghệ sĩ khác, nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ, sinh sống tại Sài Gòn, thì cho rằng, nhất thiết, người Việt Nam phải có thái độ phản kháng:

“Mình có bài bác thì cũng như không. Quan niệm phản kháng thì nên có, còn hành động, như mình thấy trong thời gian qua, Cộng Sản họ không chấp nhận đâu.” (Nguyễn Tấn Cứ, nhà thơ)

SF_Protest_Olympic_200.jpg
Biểu tình phản đối đuốc Olympics Bắc Kinh tại San Francisco hôm 9-4-2008. Hình do thính giả Don Ngo từ California gửi đến Ban Việt Ngữ RFA.
Quan điểm của người Việt Nam


Nhà văn Nguyễn Viện khẳng định, trong bối cảnh tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa, hành động tẩy chay vụ rước đuốc là điều cần thiết:

“Về vấn đề rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi, trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi Trung Quốc chính thức hợp thức hoá hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thì bất cứ người Việt Nam nào cũng cần phải tẩy chay Olympic Bắc Kinh chứ không nói là rước đuốc nữa. Tôi cho rằng đây là một hành động nhục nhã.”

Dư luận Việt Nam hiện đang xôn xao về một tin đồn, rằng ngọn đuốc Olympics, vào một thời điểm nào đó trong hành trình đi qua các quốc gia, sẽ ghé đến, hoặc đi ngang qua khu vực Hoàng Sa đang là điểm tranh chấp của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Trong tình hình hiện nay, nhất là sau khi Trung Quốc chính thức hợp thức hoá hành chánh Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, thì bất cứ người Việt Nam nào cũng cần phải tẩy chay Olympic Bắc Kinh chứ không nói là rước đuốc nữa. Tôi cho rằng đây là một hành động nhục nhã.
Nhà văn Nguyễn Viện

Trên thực tế, thông tin chính thức của Olympics Bắc Kinh cho thấy Hoàng Sa, Trường Sa không hề là điểm dừng chân của ngọn đuốc.

Tuy nhiên, theo thông tin từ một nguồn khả tín, đã được kiểm chứng, là bản đồ Trung Quốc, được in để phát cho du khách tham gia Olympics, có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, xem các vùng hải đảo ấy như là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Hành trình bí mật?

 
Trở lại chuyện lộ trình rước đuốc tại Sài Gòn, nhà thơ Lý Đợi nói rằng những thông tin mà anh có được, tức là lộ trình trên báo và trên thực tế không giống nhau, là do các nhà báo bạn của anh cung cấp. Đây là một thông tin khó xác minh, nhưng, theo anh, mọi việc sẽ rõ ràng sau ngày 30 tháng Tư:

“Như trên báo nói thì không đúng như vậy. Thông tin này rất khó xác minh tôi đúng hay không. Nhưng sau ngày 30 tháng Tư thì sẽ biết thông tin này có đúng không. Theo chỉ đạo, mà các anh em làm báo bạn của tôi có cho tôi biết, là đường trên báo và đường trên thực tế khác nhau. Có nghĩa là chính phủ rất e dè và rất khôn khéo trong việc này.”

Có lẽ chính quyền trong nước đã khá quen thuộc với cách thức hành động của giới văn nghệ sĩ phản kháng. Cách đây vài tháng, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Hà Nội và đặc biệt là Sài Gòn, để phản đối Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong những ngày cận kề thời điểm rước đuốc vào Sài Gòn, giới văn nghệ sĩ phản kháng bị áp lực mạnh từ phía chính quyền:

“Thực lòng, chúng tôi không dám nói trước điều gì. Trong thời gian gần đây, việc kiểm soát, kiểm điểm, làm việc, với anh em văn nghệ sĩ bị xem là “có vấn đề” trong ngày đó thì bị làm việc kinh khủng. Các anh chị em bị xem là có tiếng nói phản kháng bị kiểm soát gắt gao. Rất nhiều anh chị em phải đi trốn, đổi số điện thoại, đổi nơi cư trú. Nói chung là tình hình rất bi đát, thành ra không thể nói trước điều gì.”

Những lộ trình rước đuốc tại Paris và Luân Đôn được công khai cho người dân được biết. Những cuộc biểu tình cũng công khai với phía chính quyền. Lực lượng cảnh sát đã làm mọi cách để bảo vệ sự an toàn của ngọn đuốc, nhưng họ cũng tôn trọng tuyệt đối quyền của người biểu tình.

Giới chức thành phố San Francisco, nơi ngọn đuốc đi qua vào ngày 9 tháng Tư, phát biểu rằng, họ sẽ thực hiện các phương cách cần thiết để cân bằng quyền của người biểu tình thể hiện quan điểm và khả năng để thành phố tổ chức tốt lễ rước đuốc.

Việt Nam thì sao? Lộ trình rước đuốc sẽ như thế nào? Người dân có được quyền phát biểu ý kiến của mình về chủ quyền của quốc gia mình? Có lẽ, mọi chuyện sẽ được trả lời vào ngày cuối tháng Tư này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.