Tình trạng lao kháng thuốc tại Việt Nam


2007.09.13

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Tổ chức Y tế thế giới WHO vừa lên tiếng kêu gọi các quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương tăng cường ngăn chặn, kiểm soát bệnh lao, đặc biệt là tình trạng lao kháng thuốc cực mạnh (còn được gọi là XDR-TB) đang bùng phát.

LungHuman150.jpg
Photo courtesy of wikipedia.

Theo thống kê của WHO, số người bị lao kháng thuốc trong khu vực hiện chiếm 1/3 trong tổng số các bệnh nhân trên toàn cầu, và trong số các quốc gia bị XDR-TB hoành hành nặng nề nhất có tên Việt Nam .

Liên quan đến đề tài này, Trà Mi đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Đăng Trân, chuyên khoa lao phổi tại Trung tâm Lao và Phổi Phạm Ngọc Thạch. Về đánh giá của tổ chức WHO đối với tình hình lao tại Việt Nam, bác sĩ Trân nhìn nhận.

Bác sĩ Đặng Trân: Việt Nam hiện giờ cũng đang trong trào lưu chung của thế giới thôi, tức là có kết hợp với HIV nên lao cũng có khuynh hướng tăng lên và nó nặng nề ở các bệnh nhân lao-HIV.

Nguyên nhân

Trà Mi: Còn riêng về các trường hợp lao kháng thuốc thì bác sĩ nhận xét như thế nào?

Bác sĩ Đặng Trân: Nó được gọi là lao đa kháng thuốc (multidrug-resistant tuberculosis, MDR-TB), lao siêu kháng thuốc, hay lao kháng thuốc lan rộng (Extensively drug-reisistant tuberculosis, XDR-TB) cũng giống như trên thế giới vậy, và chúng tôi cũng đang có chương trình chữa các bệnh này.

Bình thường một bệnh lao gọi là lao kháng thuốc thì kháng hai thứ là Rifampicine và INH, mà kháng hai cái này thì gọi là lao đa kháng thuốc. Lao kháng thuốc cực mạnh hay lao kháng thuốc lan rộng thì nó kháng hai thứ đó và nó kháng thêm các loại thuốc mà về sau này người ta nói là có tác dụng trên thuốc kháng lao, trên vi trùng lao, thí dụ như họ quinolone, thì người ta xếp vào loại lao kháng thuốc cực mạnh lan rộng.

Trà Mi: Một cách cụ thể hơn để cho thính giả được hiểu rõ vấn đề, bác sĩ có thể cho biết một định nghĩa khái quát thế nào là lao kháng thuốc cực mạnh không ạ?

Bác sĩ Đặng Trân: Bình thường một bệnh lao gọi là lao kháng thuốc thì kháng hai thứ là Rifampicine và INH, mà kháng hai cái này thì gọi là lao đa kháng thuốc. Lao kháng thuốc cực mạnh hay lao kháng thuốc lan rộng thì nó kháng hai thứ đó và nó kháng thêm các loại thuốc mà về sau này người ta nói là có tác dụng trên thuốc kháng lao, trên vi trùng lao, thí dụ như họ quinolone, thì người ta xếp vào loại lao kháng thuốc cực mạnh lan rộng.

Trà Mi: Thưa bác sĩ, từ “lan rộng” nghĩa là sao ạ?

Bác sĩ Đặng Trân: Tức là có nhiều hơn hai thứ ngày xưa là Rifampicine và INH. Lúc người ta phát hiện ra nhóm kháng sinh quinolone thì mừng lắm vì thấy nó có tác dụng lên vi trùng lao và chữa được những người bệnh lao kháng Rifampicine và Isoniazid khi người ta dùng họ quinolone, mà bây giờ cái nhóm mới này nó kháng luôn cả họ quinolone nữa.

Trà Mi: Bác sĩ có thể giải thích thêm vì sao có tình trạng lao kháng thuốc như vậy không?

Bác sĩ Đặng Trân: Kháng thuốc thường là do bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng, thường là lơ là trong việc điều trị. Trong thời gian điều trị, có lúc họ thấy bệnh ổn định, thấy tốt rồi thì họ bỏ điều trị, hoặc tự mua thêm thuốc, hoặc uống không đúng liều, tự bớt thuốc đi vì uống nhiều quá họ có cảm giác mệt mỏi.

Nói chung là bệnh nhân không tuân thủ phác đồ điều trị. Và còn một số nhỏ có thể do lây từ người nọ sang người kia, tức là người bị kháng thuốc lây sang người khác.

Biện pháp phòng ngừa

Trà Mi: Trước tình trạng lao kháng thuốc cực mạnh như vậy thì mình cần biện pháp gì để phòng ngừa tình trạng này, thưa bác sĩ?

Kháng thuốc thường là do bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng cách, không đúng liều lượng, thường là lơ là trong việc điều trị. Trong thời gian điều trị, có lúc họ thấy bệnh ổn định, thấy tốt rồi thì họ bỏ điều trị, hoặc tự mua thêm thuốc, hoặc uống không đúng liều, tự bớt thuốc đi vì uống nhiều quá họ có cảm giác mệt mỏi.

Bác sĩ Đặng Trân: Mình cũng nằm chung trong chương trình của thế giới cũng như trong quản lý và điều trị bệnh lao của Việt Nam, tức là họ vẫn chú trọng phương pháp đốt, tức là cho bệnh nhân chích thuốc và uống thuốc có kiểm soát.

Cách điều trị của chúng tôi ở đây là ít nhất trong 6 tháng đầu bệnh nhân phải đến cơ sở y tế để được chích thuốc và uống thuốc trước mặt nhân viên y tế, và trong những tháng sau về uống thuốc thì bệnh nhân có thể lãnh thuốc về nhà nhưng có sự giám sát của y tế địa phương để đảm bảo cho bệnh nhân uống thuốc. Thuốc phải chắc chắn vào tới người bệnh. Và phần quan trọng nữa là giáo dục cho bệnh nhân ý thức trị bệnh.

Trà Mi: Thưa, phương án này, kế hoạch này ở Việt Nam hiện tại đang được thực hiện ra sao, có hiệu quả lắm không?

Bác sĩ Đặng Trân: Việt Nam đang thực hiện trong tất cả các tỉnh thành trong nước. Tất cả các cơ sở y tế đều có sự phối hợp trong chương trình chống lao với y tế phường, xã một cách chặt chẽ để đến người dân. Sự quản lý này có hồ sơ, có theo dõi và có kiểm tra.

Phương pháp điều trị

Trà Mi: Bác sĩ nói như vậy mà sao tình trạng lao kháng thuốc vẫn đang phát triển mạnh ở Việt Nam, vậy do người bệnh chứ không phải do từ ngành y tế, phải không ạ?

Bác sĩ Đặng Trân: Vâng ạ. Thường là do người bệnh và điều này cũng do ý thức chung của xã hội, mà đó cũng là xu hướng chung trên toàn thế giới. Các công trình nghiên cứu tại các quốc gia Á Châu cũng cho thấy tình trạng đó bởi do người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị.

Trà Mi: Xin được hỏi thăm bác sĩ chi phí điều trị lao tại Việt Nam hiện nay có cao lắm không?

Bác sĩ Đặng Trân: Tất cả trong điều trị lao đều hoàn toàn miễn phí, nhà nước tài trợ thuốc lao hoàn toàn miễn phí. Chỉ có đối với lao siêu kháng thuốc, lao kháng thuốc lan rộng, cho tới bây giờ thì ngưòi bệnh phải bỏ tiền và giá thành thì so với thuốc ngoại nhập cũng hơi đằt. Một tháng bệnh nhân phải tốn trung bình khoảng 2 triệu đồng. Một đợt điều trị 18 đến 24 tháng thì bệnh nhân mất khoảng 50 đến 70 triệu đồng.

Tất cả trong điều trị lao đều hoàn toàn miễn phí, nhà nước tài trợ thuốc lao hoàn toàn miễn phí. Chỉ có đối với lao siêu kháng thuốc, lao kháng thuốc lan rộng, cho tới bây giờ thì ngưòi bệnh phải bỏ tiền và giá thành thì so với thuốc ngoại nhập cũng hơi đằt. Một tháng bệnh nhân phải tốn trung bình khoảng 2 triệu đồng. Một đợt điều trị 18 đến 24 tháng thì bệnh nhân mất khoảng 50 đến 70 triệu đồng.

Trà Mi: Như vậy thì quá cao so với thu nhập bình quân.

Bác sĩ Đặng Trân: Vâng, nếu so với thu nhập bình quân, nên ít người có khả năng theo đuổi công cuộc điều trị này.

Trà Mi: Và có lẽ cũng chính vì vậy mà tình trạng lao kháng thuốc ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn, phải không ạ?

Bác sĩ Đặng Trân: Vâng. Có những người mà mình đã giải thích cho họ biết lao kháng thuốc lan rộng này, song họ không có khả năng điều trị, hoặc họ cố vớt vát trong giai đoạn đầu họ điều trị theo mình, nhưng được nửa chừng, độ 5 tháng, 6 tháng hoặc một năm thì họ không còn khả năng nữa.

Lời khuyên

Trà Mi: Như vậy giới chuyên môn có những lời khuyên gì đối với bệnh nhân lao tại Việt Nam?

Bác sĩ Đặng Trân: Đối với bệnh lao thì phải điều trị đúng, đủ và đều, đúng liều lượng, đủ thời gian và liên tục. Còn ngoài ra là không tự động mua các thuốc kháng sinh, nhất là các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới mà cụ thể là các loại thuốc họ quinolone bây giờ.

Hiện giờ người bệnh bị nhiễm trùng có khuynh hướng dùng kháng sinh nào tốt nhất, mạnh nhất để điều trị nhanh nhất, nhưng mong rằng quý đồng nghiệp muốn dùng các loại kháng sinh thì phải chắc chắn rằng bệnh nhân này không bị lao. Vì nếu dùng kháng sinh đối với người bệnh lao thì vô hình trung mình làm cho con vi trùng lao quen với loại thuốc này mà về sau sẽ đưa tới kháng thuốc.

Trà Mi: Đó là những lời khuyên đối với các bệnh nhân đã không may mắc phải bệnh lao, còn đối với những người khoẻ mạnh mà ở Việt Nam vốn tiềm ẩn vi trùng lao thì làm cách nào để phòng bệnh hơn là chữa bệnh, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đặng Trân: Mình phải giữ sức đề kháng của mình thôi. Vì một nguy cơ nào mà sức kháng của mình giảm thì đều là yếu tố thuận lợi cho vi trùng lao phát triển. Tốt nhất là giữ gìn sức khoẻ, không làm việc quá sức. Làm việc phải có nghỉ ngơi, điều độ. Ăn uống hợp lý, đầy đủ chất dinh dưỡng. Nếu không có đạm động vật thì nên thay thế bằng đạm thực vật có giá thành tương đối chấp nhận được. Và khi có dùng thuốc thì phải có ý kiến của bác sĩ.

Tại Việt Nam có một số tình trạng là khi bị cảm cúm thông thường hay các bệnh đau nhức thì người dân cứ ra tiệm thuốc để tự động mua thuốc và có thể họ mua các loại thuốc họ pectizon, họ icozid uống vào thấy triệu chứng giảm rất nhanh, nhưng đó là những thứ thuốc làm giảm sức đề kháng của người bệnh và vi trùng lao rất dễ phát triển.

Trà Mi: Chúng tôi xin chân thành cảm ơn.

Thông tin trên mạng

- HƯỚNG- DẪN QUẢN LÝ ÐIỀU TRỊ BỆNH LAO - ÐA KHÁNG THUỐC CỦA TỔ CHỨC Y TẾ THẾ GIỚI NĂM 1997

- Multidrug-Resistant Tuberculosis Fact Sheet

- What Is Multidrug-Resistant TB (MDR TB)?

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.