Dân Biểu Na Uy bị cấm vào Việt Nam


2005.09.02

Đằng Phong, phóng viên đài RFA

Trong một chuyến thăm viếng vùng Đông Nam Á trong tuần vừa qua, ông Lars Rise, một vị dân biểu trong quốc hội Na Uy rất quan tâm đến nhũng vấn đề liên quan đến Việt Nam, đã đi từ Cambodia sang Việt Nam.

ThichQuangDo-LarsRise200.jpg
Dân biểu Lars Rise trong chuyến viếng thăm Hoà thượng Thích Quảng Độ hôm tháng 4-2001. Photo coutersy of www.lmvntd.org

Khi đến biên giới, ông đã bị đuổi về và cho biết rằng ông nằm trong một sổ đen, không có phép vào Việt Nam. Câu chuyện đã xảy ra như thế nào, và vì lý do gì mà chính quyền Việt Nam không muốn cho ông vào? Phóng viên Đằng Phong của đài RFA đã trao đổi với ông Rise như sau:

Đằng Phong: Thưa ông, được biết trong tuần vừa qua, ông có đến vùng Đông Nam Á để thăm hai nước Cambodia và Việt Nam. Xin ông cho biết ông đã làm những gì trong chuyến đi này, và mục đích của chuyến đi là gì?

Lars Rise: Tại Cambodia tôi có đến thăm một trại tập trung của người Việt tỵ nạn mà đã bị nạn lụt, và vì thế tôi phải lội nước khi đi từ căn nhà lụp sụp này qua căn nhà khác. Tôi cũng đến thăm một làng của người ngư dân Việt Nam, mà đã có từ ít nhất là 25 năm nay. Làng này nằm gần bờ sông, nhưng sông lại bị ô nhiễm.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng chính phủ Cambodia cũng đang đánh cá bằng cách dùng điện, cho nên cũng không còn bao nhiêu cá cho những ngư dân này làm ăn và sinh sống.

Tôi sẽ nghiên cứu xem có cách nào giúp những người này không, qua cách tài trợ một số tiền hoặc qua một tổ chức bất vụ lợi của Na Uy. Đó là mục đích của chuyến đi của tôi.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cũng muốn đến thăm Việt Nam một lần nữa, và nếu được, đến thăm chùa của Thầy Thích Quảng Độ.

Đằng Phong: Và cái gì đã xẩy ra khi ông đến Việt Nam?

Lars Rise: Tôi đã đi bằng xe buýt từ Phnom Penh đến Sài Gòn. Khi đến biên giới, các công an cho biết là tôi không được vào Việt Nam, và họ yêu cầu tôi quay trở lại.

Nhưng tôi cũng đã phải ngồi chờ mấy tiếng ở biên giới, và qua hành động của họ tôi biết chắc là tên tôi nằm trong một danh sách sổ đen trên máy vi tính của họ. Cuối cùng, dù không nói chuyện hoặc chất vấn tôi, qua một thông dịch viên trong phái đoàn của tôi, họ có xác nhận điều này với tôi.

Đằng Phong: Nhưng họ có cho ông biết lý do gì ông bị cấm vào Việt Nam hay không?

Lars Rise: Thật ra, qua người thông dịch viên, các công an ở đó còn lại hỏi tôi vì lý do gì mà tôi không được phép vào Việt Nam. Tôi trả lời là có thể tôi bị cấm vì cách đây bốn năm tôi có đến thăm một vài người bạn của tôi mà nhà nước không ưa cho lắm.

Đằng Phong: Chắc đến đây ông đang nói đến chuyến đi Việt Nam trước đây của ông vào tháng 4 năm 2001, khi ông đã đến thăm thầy Thích Quảng Độ và linh mục Nguyễn Văn Lý.

Cho đến nay, ông có vẫn còn theo dõi trường hợp của hai vị này hay không, và xin ông cho biết nhận xét của ông về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam hiện nay nói chung?

Lars Rise: Tôi rất thất vọng vì những lãnh đạo Việt Nam thỉnh thoảng chỉ tạo hình ảnh họ đang mỡ cửa rộng hơn. Chúng ta biết về chuyện thầy Thích Huyền Quang gặp gỡ vị lãnh đạo Việt Nam, nhưng việc này chẳng giúp gì cả, vì chính quyền vẫn tiếp tục theo sát và ngăn chặn ông đi đây đi đó. Chùa của thầy Thích Quảng Độ cũng bị kiểm soát rất kỷ.

Đằng Phong: Còn ngoài vấn đề tự do tôn giáo thì hiện nay ông có còn quan tâm về vấn đề nào khác của Việt Nam hay không?

Lars Rise: Tôi cũng quan tâm về những quyền tự do tụ họp, tự do chính trị, tự do ngôn luận. Người dân phải có quyền lên tiếng phản đối nếu bất đồng ý kiến với chính sách nhà nước. Điều này phải có trong tất cả mọi quốc gia theo nền kinh tế thị trường mà hiện nay Việt Nam đang theo đuổi.

Đằng Phong: Và cuối cùng, gần đây, Liên Hiệp Quốc có phổ biến một danh sách liệt kê những quốc gia nào là những nơi lý tưởng nhất để sống. Trong năm năm qua, Na Uy luôn luôn đứng ở hạng đầu danh sách này.

Là một vị lãnh đạo của Na Uy, xin ông cho biết theo ông, chính phủ Việt Nam hiện nay cần làm gì thêm để đất nước Việt Nam có thể được liệt kê vào danh sách này?

Lars Rise: Tôi tin rằng những người lãnh đạo cần phải lo cho người dân của họ. Một điều rất quan trọng là các chính trị gia, các bộ trưởng, cần phải suy nghĩ về trách nhiệm của họ là gì. Trách nhiệm đó là để phục vụ cho dân. Và vì thế mọi người lãnh đạo cần phải tìm cách làm việc này, thay vì điều khiển hoặc đô hộ người dân của mình. Tôi tin đây là điểm chủ yếu để có thể vào danh sách này.

Đằng Phong: Xin thành thật cảm ơn ông cho cuộc trao đổi này.

Chúng tôi là Đằng Phong, tường thuật từ Washington.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.