Nhật ký Bắc Kinh, kỳ 8: Đã đi quá nửa đoạn đường

Bây giờ đã 12 giờ 30 sáng thứ Sáu ở Bắc Kinh. Các cuộc tranh tài vừa kết thúc cách đây gần 1 tiếng đồng hồ, trạm xe buýt thành phố vẫn đông kín người đứng chờ xe.
Nguyễn Khanh gửi về từ Bắc Kinh
2008.08.15
Từ những sân vận động khác nhau phe nhà báo vẫn lục tục kéo về Trung Tâm Báo Chí ngồi viết bài cuối cùng trước khi kiếm cái gì ăn dằn bụng và đi ngủ, kết thúc một ngày làm việc vui cũng có, cực nhọc cũng có.

Nửa đường Olympics Bắc Kinh

“Chúng tôi đã đi quá nửa đoạn đường”, anh nhà báo miệng rộng Gia Toàn của CCTV hãnh diện bảo với tôi khi vừa bước lên xe. Ðúng một tuần trước đây trong lúc chờ tiếng trống báo hiệu lễ khai mạc bắt đầu, cũng anh nhà báo này bảo “tất cả người dân Hoa Lục đều ước mơ lần này phải chiếm ít nhất 40 chiếc huy chương vàng và đứng đầu danh sách những nước chiếm nhiều huy chương nhất”.

Với 22 chiếc đã đạt được, quả thật người dân Hoa Lục đã đi được nửa đoạn đường.

Có nhiều cách để nhìn nửa đoạn đường người dân Trung Quốc vừa đi qua. Cách dễ nhất là xem 639 lực sĩ, cầu thủ đại diện cho Hoa Lục dự Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 là những món hàng được sản xuất và chọn lựa rất kỹ càng từ một guồng máy thể thao. Ðiều này hoàn toàn đúng.

Tổng cộng, Trung Quốc có hơn 3,000 “nhà máy” quốc doanh chuyên sản xuất lực sĩ đẳng cấp quốc gia và quốc tế, nơi những bé trai bé gái phải rời khỏi mái ấm gia đình từ lúc mới lên 5 lên 6, nơi các em phải tập luyện hàng chục tiếng một ngày, cả năm chỉ được phép về thăm bố mẹ một hoặc hai lần.

Cô bé He Kexin, một trong 6 nàng công chúa của người dân Trung Quốc vừa chiếm chiếc huy chương vàng toàn đội nữ môn thể dục dụng cụ là một thí dụ.

“Năm nay cháu 16 tuổi, tuổi con khỉ”, cô tâm sự với các nhà báo sau khi lãnh huy chương. Cô vào trại từ năm mới lên 5, học tập đúng mười năm trước khi được ông huấn luyện viên công nhận “đủ trình độ tốt nghiệp”.

OlympicBeijing-medals-250.jpg
Olympic Bắc Kinh 2008 đã đi được hơn nửa chặng đường. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Năm ngoái vào ngày sinh nhật thứ 15 của cô, “cháu mừng sinh nhật ở trong trại với các bạn” chứ không được về nhà chung vui cùng bố mẹ. Lần cuối cùng cô về thăm gia đình cách đây cũng hơn nửa năm “vào dịp Tết Nguyên Ðán”.

Ở một cuộc họp báo khác, nữ lực sĩ cử tạ Liu Chunhong tươi cười khoe chiếc huy chương vàng thứ nhì vừa đạt được (chiếc đầu tiên ở Athens 2004) bảo ngay: “ước mơ của em bây giờ là được phép về nhà thăm bố mẹ”, nói tiếp “từ Thế Vận Hội 2004 đến bây giờ, cả thảy em được sống chung với bố mẹ chỉ có 6 ngày”.

Thành công của thể thao Trung Quốc

Cũng có thể nhìn thành công của Trung Quốc bằng một cái nhìn dễ tính hơn. Từ 1979 khi sinh hoạt trở lại với làng thể thao quốc tế cho đến giờ Hoa Lục đã chiếm tổng cộng 138 huy chương vàng, lúc nào cũng có sẵn chừng 10,000 lực sĩ để chọn lựa vào tuyển quốc gia, đồng thời cũng là nước có đông lực sĩ “tài tử” nhất thế giới.

Có dịp ghé thăm một số thành phố ở Trung Quốc, sẽ thấy ngay những chàng trai trẻ hăng say chơi bóng rổ, lúc nghỉ cùng nhau ngồi nói chuyện về ước mơ trở thành LeBron James, Kobe Bryant,Yao Ming hoặc Yi Jianlian.

Cũng có thể chúng ta sẽ thấy những cậu bé đang quần thảo với quả banh theo lối đá “chân đất” đã tạo nên những người hùng bóng đá của đội tuyển Brazil, hay những cô bé miệt mài với bể bơi, mong có ngày theo gót chị Guo Jingjing để vừa làm chủ hồ bơi thế giới, vừa sáng chói trên sàn catwalk ở những thành phố lớn toàn cầu.

Cũng sẽ thấy ngay thể thao đã bắt đầu là một phần đời sống của các đại học, những cuộc tranh tài “tầm cỡ” liên tục diễn ra với những bộ môn khác nhau và ở những đẳng cấp khác nhau.

Từ thành phố, thể thao được đưa về địa phương qua chỉ tiêu từ nay đến năm 2012, mỗi làng, mỗi xã đều phải có ít nhất 2 bàn bóng bàn và một sân bóng rổ.

Cách nhìn nào đúng??? Có lẽ nên nhìn thành công của Trung Quốc bằng cả hai cách. Guồng máy thể thao theo quy hoạch của trung ương sẽ tiếp tục sản xuất những lực sĩ đoạt huy chương vàng, nhưng đồng thời số lực sĩ “ngoài luồng” cũng bắt đầu xuất hiện khá đông.

Cầu thủ bóng rổ Yao Ming (Houston Rockets) là người được đào tạo theo quy hoạch (bố mẹ anh từng là lực sĩ có thân hình cao to, được nhà nước ghép đôi), nhưng Yi Jianlian là biểu tượng ngoài luồng, được phát hiện rất tình cờ ở một sân bóng rổ địa phương, tám năm sau lên máy bay sang Hoa Kỳ đầu quân cho hội Milwaukee Bucks.

Nữ lực sĩ Fu Mingxia là người đại diện cho cả hai trường phái trong ngoài: được nhà nước huấn luyện, chiếm 3 huy chương vàng môn nhảy ván biểu diễn, sau đó sách cắp đi học một thời gian, đến năm 2000 trở lại với hồ bơi chỉ vì “nhớ quá” và thắng tất cả mọi cuộc tranh tài để đoạt chiếc huy chương vàng thứ tư.

OlympicBeijing-DuLi-250.jpg
Thể thao Trung Quốc gặt hái nhiều thành công tại Olympics Bắc Kinh 2008. AFP PHOTO
AFP PHOTO
Nữ cầu thủ bóng chuyền Zhao Ruirui không biết nên xếp ở vị trí nào: cô được đào tạo lúc đã bước vào tuổi dậy thì, quả có thành công trong lãnh vực thể thao nhưng chỉ thật sự được giới trẻ Trung Quốc biết đến và tôn vinh là “siêu sao” nhờ những mẫu thiết kế quần áo đang rất ăn khách ở Châu Á.

Cả hai cách đều có cái hay và cái dở của nó. Huấn luyện, đào tạo theo quy hoạch có vẻ chắc ăn hơn, vì đảm bảo sẽ có những “con gà đẻ trứng vàng” cho những cuộc tranh tài thể thao, sẽ đạt chỉ tiêu nhà nước đặt ra lẫn ước mơ người dân trông chờ.

Ngoài luồng đương nhiên nhân bản hơn, những đứa bé sẽ có được tuổi thơ, được vui đùa với thằng hay con bạn hàng xóm, được tung tăng chạy theo cánh diều bất kể ở thành thị hay thôn quê, được bắn bi, được đánh đáo, sáng được mẹ dẫn đến trường, chiều được ngồi ăn cơm chung với cả gia đình, tối đọc bài ê a cho cả nhà nghe trước khi đi ngủ.

Và quan trọng hơn cả, đối với tôi, tối được nằm ngủ chung với mẹ và được mẹ âu yếm cho sờ “tí”.

Tiếp tục những giấc mơ

Ngồi trên xe, tôi bắt tay chúc mừng anh bạn Gia Toàn. Tay tôi siết chặt tay anh, nhưng trong đầu không quên những hình ảnh ở trường dạy bóng bàn Bắc Kinh mà các nhà báo được dẫn đi thăm sáng hôm nay. Chúng tôi đến nơi mới hơn 8 giờ sáng, đã nghe tiếng banh gõ nhịp vàng lừng như đánh trống. Tại đây hơn 100 em được chính phủ nuôi dưỡng, được huấn luyện đào tạo để trở thành những siêu sao cho quốc gia trong tương lai.

Có em còn quá bé đứng chỉ mới chạm thành bàn, chiều ngang chiếc vợt gỗ em cầm và chiều ngang thân hình của em xít xoát bằng nhau.

Tối nay người dân Trung Quốc có quyền ngủ ngon giấc hơn với 22 chiếc huy chương vàng đang nắm chặt trong tay, cũng như có quyền mơ tiếp tục đứng đầu bảng xếp hạng như đã từng đứng từ ngày đầu tiên cho đến bây giờ.

Riêng tôi, tối nay tôi sẽ lên giường với một ước mơ. Ước mơ được trở về với thời thơ ấu, được nghe lại câu mẹ tôi hỏi “con đã rửa chân chưa”, được nghe mẹ dặn dò  “sáng mai mẹ gọi con phải dậy ngay để đi học nhé”, được mẹ khuyên “con gối đầu cao thế đau cổ thì sao?”.

Và dĩ nhiên, trong giấc mơ này, tôi thấy lại những lời mình thì thầm với mẹ: “mẹ ơi, mẹ cho con sờ một tí thôi, mẹ nhé”.

Còn những chú bé tôi gặp sáng nay thì sao? Các em có ước mơ gì không? Có em nào đã đủ khôn để nghĩ đến chiếc huy chương vàng tương lai hay vẫn chỉ mơ giấc mơ nhớ nhà? Có em nào đang giống như tôi, khóc thầm vì không có mẹ bên cạnh không?

Tôi không ham chiếm huy chương vàng. Tôi biết các em cũng không thèm gì chiếc huy chương vàng. Tôi và các em đều là những đứa bé mơ ước gì, một lần nữa, được sờ “tí” mẹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.