Ngư dân Việt Nam lại bị Trung Quốc hành hung

Vào đầu tháng hai vừa qua, một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam cư trú tại đảo Lý Sơn khi đang trên đường về đã bị tàu phía Trung Quốc chặn lại phá hoại và lấy hết số cá ít ỏi đánh bắt được.
Gia Minh, phóng viên RFA
2010.02.08
Vietnamese-fishermen-305c.jpg Ngư dân Việt Nam hành nghề đánh cá trong Biển Đông lo lắng khi liên tục bị phía Trung Quốc bắt giữ, hành hung.
AFP PHOTO

Đập phá, cướp tài sản

Ông Nguyễn Chín, chủ chiếc tàu bị nạn, cho biết tình hình của tàu: Tôi đánh cá ở 19,10 độ bắc, 113  độ kinh đông. Khi đang trên đường ngang qua vĩ tuyến 17 độ bắc, 111 độ kinh đông gặp tàu Trung Quốc bắt tàu chúng tôi cập vào.

Gia Minh: Ông có nhận thấy số hiệu của tàu và cờ hiệu thế nào?

Ông Nguyễn Chín: Tôi không nhớ rõ: 1312 hay 1223 gì đó… Tàu đó treo cờ Trung Quốc, và có sáu người mặc áo phao, bốn người không mặc áo phao. Họ sang đập phá kiếng tàu của chúng tôi, vứt thuyền thúng, nắp đậy hầm đá xuống biển, lấy nước đổ vào thùng đựng gạo của chúng tôi…

Tàu đó treo cờ Trung Quốc. Họ sang đập phá kiếng tàu của chúng tôi, vứt thuyền thúng, nắp đậy hầm đá xuống biển, lấy nước đổ vào thùng đựng gạo của chúng tôi… 

Ô. Nguyễn Chín
Khi về đến Bình Châu kiểm tra lại chúng tôi thấy chúng lấy mất chừng bốn tạ cá thu. Còn cá vàng vi, chúng bỏ lại xuống biển.

Gia Minh:  Sau khi lấy cá xong thì sự việc như thế nào?

Ông Nguyễn Chín: Sau đó họ ‘dằng dai’ chúng tôi chừng hai tiếng đồng hồ- từ chín đến 11 giờ mới để chúng tôi đi. Sự việc xảy ra đúng vào ngày 19 âm lịch, tức ngày 2 tháng 2 năm 2010.

Vietnamese-China-fisher-ban-305.jpg
Liên tục bị phía Trung Quốc bắt giữ, đòi tiền chuộc, gây tai nạn trong Biển Đông, nhiều ngư dân Việt Nam lo lắng vì mất kế sinh nhai.
AFP PHOTO
Ngoài ra họ còn lấy của chúng tôi một thiết bị định vị, một thùng đồ nghề tôi mua để phòng khi có sự cố máy móc để mà sửa chữa trên tàu.

Gia Minh: Tổng cộng số thiệt hại chừng bao nhiêu?

Ông Nguyễn Chín: Sau khi về đến nhà tổng cộng tất cả thiệt hại chừng 30 triệu.

Gia Minh: Đây là lần đầu tiên tàu của ông gặp tàu phía Trung Quốc hay nhiều lần rồi?

Ông Nguyễn Chín: Mới lần đầu tiên thôi.

Cơ quan chức năng nói gì?

Gia Minh: Cơ quan địa phương có hướng dẫn ra sao cho ngư dân khi gặp tàu Trung Quốc không?

Ông Nguyễn Chín: Tôi có đến đồn biên phòng đảo Lý Sơn. Ý họ nói chạy sao chạy cho hay. Tôi thì không làm trong vùng biển Hoàng Sa mà chỉ chạy ngang vùng đó thôi.

Gia Minh: Cơ quan chức năng có những hướng dẫn gì về vùng lãnh hải cho ngư dân như ông không?

Ông Nguyễn Chín: Chúng tôi được cho đi làm ở những vùng biển xa; chứ còn tôi không biết mình chạy đâu. Nói chung chỉ lo đi làm thôi. Chúng tôi đi làm nghề ở phía đông bắc Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 350 hải lý.

Đồn biên phòng và cơ quan chức năng xuống làm việc nói rằng họ làm cho quyền lợi của chúng tôi; sau này Nhà Nước có làm gì chỉ là cho các anh ‘ít nhiều’ thôi.

Ô. Nguyễn Chín

Gia Minh: Sau khi báo sự việc cho đồn biên phòng thì được trả lời thế nào?

Ông Nguyễn Chín: Đồn biên phòng và cơ quan chức năng xuống làm việc nói rằng họ làm cho quyền lợi của chúng tôi; sau này Nhà Nước có làm gì chỉ là cho các anh ‘ít nhiều’ thôi. Họ nói như vậy.

Gia Minh: Lâu nay có nhiều tàu ở Quảng Ngãi bị bắt rồi, và những nạn nhân đó được địa phương hỗ trợ gì?

Ông Nguyễn Chín: Tôi chỉ lo làm ăn chứ ít để ý tìm hiểu những chuyện đó. Tuy vậy, tôi cũng biết những người làm biển gặp tai nạn về cũng được cho ít nhiều. Tôi đi làm về chỉ ở nhà hai ba bữa rồi đi lại.

Chúng tôi chỉ mong các cơ quan chính quyền và bên đại sứ quán giúp làm sao để ngư dân có thể đi làm nghề, mà làm nghề biển phải đi xa mới có ăn chứ làm gần sao có ăn được.

Gia Minh: Cám ơn ông Nguyễn Chín.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.