Vụ bô xít: Mọi Phía Đều Thiếu Thông Tin!

Dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên, Bình Phước… đang là đề tài tranh luận tại Việt Nam. Cả những người ủng hộ và những người phản đối đều có lý lẽ riêng. Tuy nhiên, có một vấn đề cần được đặt ra, là cả 2 phía đều không có thông tin, đủ về số lượng, và thuyết phục về lý lẽ.
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009.02.18
Khai thác Bô-Xít ở Đắc Nông bất lợi cho người dân tộc thiểu số Khai thác Bô-Xít ở Đắc Nông bất lợi cho người dân tộc thiểu số
Photo courtesy Vietnamnet

Chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn của biên tập viên Thiện Giao với giáo sư, đại biểu Quốc Hội, Nguyễn Lân Dũng. Giáo sư Dũng nguyên hiện là đại biểu của tỉnh Đắc Lắc, và nguyên là đại biểu khu vực Đắc Nông, nơi có dự án bô xít gây tranh cãi hiện nay.

Tôi nghĩ rằng, dự án này không nằm trong thảo luận của Quốc Hội, vì Quốc Hội có qui định, là những dự án trên một số tiền cụ thể là bao nhiêu, thì mới đưa ra thảo luận. Đó là các chương trình trọng điểm quốc gia. Số tiền của dự án này có lẽ thấp hơn qui định.
GS Nguyễn Lân Dũng

Dự án khai thác bô xít không nằm trong thảo luận của Quốc Hội

Thiện Giao: Thưa ông, vụ khai thác bô xít đang được dư luận quan tâm. Quốc Hội có bao giờ mang vấn đề này ra thảo luận trước khi các dự án được ký kết?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi nghĩ rằng, dự án này không nằm trong thảo luận của Quốc Hội, vì Quốc Hội có qui định, là những dự án trên một số tiền cụ thể là bao nhiêu, thì mới đưa ra thảo luận. Đó là các chương trình trọng điểm quốc gia. Số tiền của dự án này có lẽ thấp hơn qui định. Còn các dự án trọng điểm quốc gia phải thảo luận thì có thể kể đến dự án “đường Hồ Chí Minh,” dự án “5 triệu hecta rừng.”

Thiện Giao: Dư luận thì rất quan tâm. Các ký kết cũng đã ký rồi. Thưa ông, cơ chế Việt Nam có cho phép 1 đại biểu Quốc Hội mang vấn đề như thế này ra thảo luận trước Quốc Hội không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Chắc là không ai cấm cả. Dư luận xã hội thì nhiều rồi, và cũng đã được giải thích. Họ nói là sẽ làm cẩn thận, không quật hết đất đai lên. Công việc sẽ được làm cuốn chiếu, tức là làm một khu vực, xong rồi trồng cây xong mới làm tiếp khu vực sau. Người nông dân sẽ được đền bù thoả đáng.

Họ nói là sẽ làm cẩn thận, không quật hết đất đai lên. Công việc sẽ được làm cuốn chiếu, tức là làm một khu vực, xong rồi trồng cây xong mới làm tiếp khu vực sau. Người nông dân sẽ được đền bù thoả đáng.
GS Nguyễn Lân Dũng

Dự án khai thác bô xít được toán kỹ và bảo đảm không ô nhiễm?

Tôi không tiếp xúc với cử tri Đắc Nông trong thời gian qua nên tôi không biết được. Tuy nhiên, qua báo chí, tôi được thông tin là dự án đã được chính phủ tính toán kỹ và bảo đảm không ô nhiễm môi trường. Tôi được thông tin chỉ có thế. Tôi cũng không đi sâu vào lãnh vực này, nên không thể nắm được.

Nhiều người đặt vấn đề “bùn đỏ,” và được nói là sẽ làm kỹ, nghiên cứu kỹ, làm từng khu vực một, xong đến đâu, xử lý môi trường xong mới làm tiếp. Cá nhân tôi không có đủ thông tin để mà biết là làm như thế này có đảm bảo an toàn chưa. Tôi không có đủ thông tin!

Thiện Giao: Ông có nghĩ rằng, cần phải có thông tin nhiều hơn để có các phản biện cần thiết?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi chắc là kỳ họp tới, vào đầu tháng Năm, vấn đề này sẽ được đưa ra. Khi đã có dư luận thì vấn đề sẽ được đưa ra. Vấn đề của tỉnh nào thì đại biểu tính đó đưa ra.

Thiện Giao: Một số nhà nghiên cứu nói rằng về mặt kinh tế, làm thì sẽ lỗ. Họ nói, trữ lượng bô xít của Trung Quốc thì lại lớn hơn Việt Nam rất nhiều, vậy thì không có 1 lý do đủ thuyết phục là tại sao phải khai thác bô xít tại Việt Nam để bán cho Trung Quốc.

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi cũng nghĩ là phải kiểm chứng các thông tin đó. Vì nếu họ không thiếu thì họ không mua. Họ thiếu thật thì họ mới mua. Chứ nếu nói họ có nhiều, mình có ít thì phải kiểm chứng. Nói thì dễ, phải có số liệu thì mới thuyết phục được Quốc Hội. Tôi tin là trong kỳ họp tới, chúng ta sẽ được nghe thông tin chính thức hơn từ Chính Phủ.

Chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến với Bộ Môi Trường. Bộ này phải trả lời Quốc Hội là có tránh được vấn đề “bùn đỏ” hay không. Bô xít làm trên cao mà, có thể có ảnh hưởng xuống dưới thấp. Nhưng, cho đến nay, thông tin toàn không chính thức cả.
GS Nguyễn Lân Dũng

Thiện Giao: Nếu Quốc Hội bàn thảo và cho rằng không nên làm. Liệu quyết định của Quốc Hội có khả năng phủ định các ký kết giữa lãnh đạo chính phủ và Đảng với Nga và Trung Quốc không?

GS Nguyễn Lân Dũng: Tôi không thể trả lời nổi. Theo luật, nếu dự án quá số tiền Quốc Hội qui định thì Quốc Hội sẽ qui định. Đây chỉ là góp ý với Chính Phủ thôi. Còn Quốc Hội thì không có thẩm quyền giải quyết vấn đề dưới qui định của Hiến Pháp và pháp luật. Cho đến hôm nay, tôi không biết số tiền nhà nước đầu tư là bao nhiêu nên không thể nói.

Thứ hai là vấn đề môi trường. Chúng tôi sẽ đóng góp ý kiến với Bộ Môi Trường. Bộ này phải trả lời Quốc Hội là có tránh được vấn đề “bùn đỏ” hay không. Bô xít làm trên cao mà, có thể có ảnh hưởng xuống dưới thấp. Nhưng, cho đến nay, thông tin toàn không chính thức cả. Tôi nghĩ là phải đợi đến kỳ họp tới, ông Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên - Môi Trường phải trả lời câu hỏi đó.

 Quí thính giả vừa theo dõi cuộc phỏng vấn của chúng tôi với giáo sư, đại biểu Quốc Hội, Nguyễn Lân Dũng. Tiếp tục theo dõi các phỏng vấn liên quan đến dự án bô xít đang gây tranh cãi hiện nay, trong chương trình sau, chúng tôi mời quí vị nghe phần trình bày của sử gia, đại biểu Quốc Hội, Dương Trung Quốc. Ông Dương Trung Quốc là người tại kỳ họp Quốc Hội thứ tư vừa rồi, đã yêu cầu tôn trọng ý kiến mọi người và đưa vấn đề bô xít ra trước Quốc Hội để thảo luận.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.