Nhà nông dân xoay xở ra sao trong cơn lốc vật giá hiện nay ?


2007.10.27

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Nông dân Việt Nam vốn dĩ là thành phần nghèo nhất nước, nhưng trong cơn lốc vật giá hiện nay nhà nông xoay xở ra sao. Đây là nội dung chúng tôi đọc báo trên mạng tuần này.

birdflu_Duck200.jpg
Người nông dân đang đưa đàn vịt ra đồng. AFP PHOTO

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam có bài Nhà Nông Thời Giá Tăng phân tích những khó khăn ngày một chồng chất của người dân nông thôn. Báo trích lời ông Lê Quốc Trung, phó chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh Tế Quốc Hội xác định rằng mức tăng GDP của khu vực nông nghiệp là 3, 5%.

Trong khi đó, giá cả hàng hoá tăng rất cao, dự báo khoảng từ 8 tới 8,5%, đã tác động xấu đến đời sống của dân nghèo. Đặc biệt, người dân ở khu vực nông nghiệp nông thôn sẽ bị tụt hậu và khoảng cách giữa các khu vực ngày càng lớn.

Thời Báo Kinh Tế Việt Nam đưa ra một nhận xét tổng quát của nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như nông dân đồng bằng sông Hồng là chưa có năm nào lúa gạo lại được giá như năm nay. Giá lúa từ đầu năm đến nay vẫn luôn đứng ở mức cao, trên dưới 3.000 đồng/kg. Nhưng theo nhà báo, ngược lại cũng chưa có năm nào giá cả vật tư nông nghiệp lại tăng cao như năm nay.

Được một nhưng mất hai

Chúng tôi cập nhật thông tin tại chỗ từ ruộng đồng Kiên Giang và được một nhà nông ở đây xác nhận:

“Bây giờ vật giá lên cao, giá lúa 3.200đ, 3.250đ/kg cũng vậy à. Nếu giá lúa xuống thấp một ít là nông dân lỗ ngay.”

Bây giờ vật giá lên cao, giá lúa 3.200đ, 3.250đ/kg cũng vậy à. Nếu giá lúa xuống thấp một ít là nông dân lỗ ngay.

Nhà báo cho rằng nông dân được một nhưng mất hai. Theo đó nông dân được một vì nông sản thực phẩm được giá, nhưng lại mất hai vì chi phí đầu vào tăng cao. Về phần được của nhà nông thì lúa gạo tăng nhờ ảnh hưởng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng rất cao ngang bằng gạo cùng loại của Thái Lan.

Các loại thực phẩm cũng tăng giá chóng mặt trong đó phải kể đến thịt heo. Thời Báo Kinh Tế dẫn lời ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi cho biết, so với cùng kỳ năm 2006 trung bình giá thịt heo đã tăng tới 38%, giá thịt gà và thịt bò cùng tăng từ 20 tới 25%. Nhà nông nói chung bao gồm người làm lúa, trồng trọt và chăn nuôi đã bán hàng thuận lợi, tiền lời cao hơn so với thời kỳ chưa tăng giá.

Thế nhưng tờ báo dẫn chứng rằng, trên thực tế chi phí sản xuất của nông dân bỏ ra cũng tăng theo, tỷ lệ thuận với mức tăng giá thị trường. Giá đạm urê từ 4.200 đồng/kg đã tăng lên 5.200 đồng/kg.

Giá xăng dầu lên, chi phí cày bừa cũng lên theo khoảng 25 ngàn đồng một sào. Hạt giống, thúôc bảo vệ thực vật tất tật mọi loại vật tư nông nghiệp đều tăng giá. Theo sự ghi nhận của Thời Báo Kinh Tế Việt Nam nhiều nông dân phải than thở rằng dù có phép mầu người trồng lúa cũng không khá lên được.

Đó là nói về trồng trọt còn chăn nuôi thì sao. Tờ báo dẫn lời ông Cục Phó Cục Chăn Nuôi Nguyễn Thanh Sơn nhận định rằng, giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua đã tăng 25 tới 30%. Do dịch bệnh nên đàn giống giảm nhiều, giá con giống cũng tăng gần 30%, thậm chí có loại con giống tăng tới 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Khuyên chủ đại lý thức ăn gia súc cấp 1 ở xã Tiền Phong, huyện Ân Thi Hưng Yên cũng xác nhận với nhà báo là giá cám tăng nhiều. Từ Tết Nguyên Đán tới nay, công ty đã điều chỉnh giá bán tới 5 lần. So với hồi đầu năm hiện nay giá thức ăn hỗn hợp đã tăng thêm 20 tới 30 ngàn đồng/bao 25 kg. Lợn giống trứơc đây chỉ 350 ngàn đồng mỗi con thì nay đã tăng lên 450 ngàn đồng.

Tờ báo nhấn mạnh tới sự kiện thúôc thú y, tiền thuê nhân công cũng theo đà tăng giá. Với chi phí đầu vào tăng cao như vậy, nên các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nuôi lợn như thể đút tiền bỏ ống. nhiều người chỉ nuôi cầm chừng vì cám đắt không có lãi lại e ngại sơ sẩy dịch bệnh thì mất hết.

Giá tăng, đời sống không tăng

Đối với tình hình khó khăn của nông dân trong đó có người chăn nuôi, ông Phạm Văn Minh giám đốc công ty Phú An Sinh ở Saigon chuyên doanh chăn nuôi và giết mổ gia cầm đưa ra nhận định của mình:

Kinh phí là của địa phương, cho tới nay đền bù thấp hơn mức nông dân mong đợi…nên khó lắm…kinh phí hết sức khó khăn.

“ Giá đầu vào của ngành nông nghiệp mọi lãnh vực đều tăng, con giống (gà) từ 10 tới 17 ngàn một con. Từ đầu năm tới nay giá thức ăn chăn nuôi đã tăng từ 50 tới 80%. Thuốc thú y cũng tăng từ 50 tới 100%, công lao động chăn nuôi cũng có tăng.

Với tình hình giá đầu ra hiện nay thì người chăn nuôi vẫn còn lời một ít ở mức không đáng kể, nhưng nếu có biến động giá do dịch bệnh chẳng hạn thì họ sẽ lỗ vốn ngay. Đương nhiên khi mọi sinh hoạt phí mua vào của họ đều tăng cao lên thì người chăn nuôi hay người nông dân nói chung đều đang đối diện với khó khăn.”

Trở lại bài viết trên Thời Báo kinh Tế Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hoàng bí thư Đảng Uỷ Xã Tiền Phong Huyện Ân Thi Hưng Yên nhận định rằng, giá thực phẩm tăng là do dịch bệnh tăng. Theo đó đời sống của người dân không tăng theo giá, nông dân không được hưởng lợi khi giá nông sản thực phẩm tăng.

Cụ thể hơn, nhà báo dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Trí Khiêm, chủ nhiệm khoa kinh tế quản trị kinh doanh Đại Học An Giang với nhận xét rằng, vài năm gần đây tốc độ tăng giá của vật tư nông nghiệp ở mức gấp đôi và giá các mặt hàng phục vụ sinh hoạt của nông dân tăng gấp 6 lần so với lúa gạo.

Theo Tiến sĩ Khiêm, nông dân chỉ được hưởng một phần rất nhỏ trong chuỗi giá trị lợi nhuận từ mặt hàng nông sản, do điều ông gọi là sự chia sẻ bất hợp lý của các thành phần trung gian. Cho nên thu nhập thực tế của người nông dân còn rất thấp, nghĩa là chỉ đủ ăn, không có tích luỹ.

Thời Báo Kinh Tế trích dẫn thực tế thu nhập của một nông dân ở Hà Tây miền Bắc Việt Nam, người này có một sào đất làm lúa, nuôi 1 con heo. Trừ mọi chi phí đầu vào liên quan tới ruộng lúa và chăn nuôi, thu nhập trong 6 tháng của người nông dân vừa nói cao nhất cũng chỉ được 350 ngàn, nghĩa là thu nhập mỗi ngày của người nông dân này chỉ có 2 ngàn đồng.

Nhà nông ở vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long nói với chúng tôi là họ may mắn hơn người làm nông ở vùng đồng bằng sông Hồng: “ Ngoài Bắc ít đất một hộ chỉ được 6 hay 7 sào… chi phí sẽ tăng lên, còn trong Nam mỗi hộ được khoảng 3 hectare nên cũng ổn định hơn ngoài Bắc.”

Thời Báo kinh Tế Việt Nam nói rằng nông dân không thể tự bơi họ cần những chủ trương, chính sách của chính phủ tạo điều kiện tăng thu nhập cho họ. Đây là bài toán lớn, một vấn đề khó khăn và bức xúc, cần được giải quyết cả trứơc mắt và lâu dài. Hoặc nói như thứ trưởng Bộ NN &PTNT Diệp Kỉnh Tần, chính phủ Việt Nam cần ban hành hệ thống chính sách hợp lý và kịp lúc về tam nông, nông nghiệp-nông thôn-nông dân.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.