Giá lúa gạo xuất khẩu tăng cao nhưng nông dân vẫn không được hưởng lợi


2007.12.20

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Xuất khẩu gạo năm 2007 của Việt Nam đạt 4 triệu rưởi tấn, trị giá 1 tỷ 400 triệu đôla, trong bối cảnh nông dân được mùa được giá. Tuy nhiên, các chuyên gia của chính phủ khuyến cáo rằng việc xuất khẩu nhiều gạo, thúc đẩy tăng giá lúa mua của nông dân. Sự kiện này tác động tới giá lương thực trong nước, ảnh hưởng mạnh tới vật giá.

FarmerRice150.jpg
Nông dân thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long. RFA file photo.

Phải chăng là một vòng luẩn quẩn, trong khi các nhà kinh tế cảnh báo khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị và tìm giải pháp tăng thu nhập cho nông dân. Thì trên bình diện khác, ngày 18/12/2007 Bộ Công Thương Việt Nam qua Tổ điều hành xuất khẩu gạo khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu là phải xem xét kế hoạch xuất khẩu 2008 và cân đối giá mua lúa của nông dân, không được đẩy giá lúa lên quá cao vì sẽ tác động dây chuyền tới giá cả tiêu dùng.

Nguyên do là rổ hàng hoá để tính tỷ lệ tăng giá tiêu dùng của Việt Nam chứa đựng hơn 40% các mặt hàng lương thực thực phẩm. Theo chiều hứơng này, thu nhập của nông dân làm lúa vốn rất khiêm tốn, nay lại bị kiểm soát kềm giá vào lúc có triển vọng tăng rất cao.

Bao nhiêu mùa gặt đã đi qua, người nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long thường chịu cảnh được mùa mất giá, do không có phương tiện trữ lúa lại mà phải bán ngay khi thu hoạch. Một người làm ruộng ở An Giang cho biết: “Xăng dầu vật tư lên dữ dằn lắm, thợ gặt họ ăn mình 100 kg lúa một công. Không có kho trữ lúa, ghe hàng xáo tới bán cho họ, ghe về nhập kho trên Cửu Long.”

Giá lúa gạo xuất khẩu tăng cao

Chỉ hai năm vừa qua, nguồn cung thiếu hụt giá gạo thị trường thế giới tăng cao, người nông dân mới được dễ thở do giá thu lúa ổn định ở mức cao. Niềm vui hạnh phúc của người làm lúa có được là nhờ Việt Nam cũng lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp, buộc lòng doanh nghiệp phải nâng giá mua lúa cho kịp hợp đồng xuất khẩu.

Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam cho báo chí biết là, năm nay ông dự kiến giá lúa khoảng 2.800 đồng Kg, nhưng thực tế là nông dân đã bán được cho doanh nghiệp với giá trung bình toàn năm là khoảng 3.200 đồng/Kg thậm chí vụ Hè Thu vừa thu hoạch xong nhưng giá lúa leo tới mức 3.600 đồng/kg.

Theo sự tính toán của ông chủ tịch Hiệp Hội, giá vốn chi phí để sản xuất 1kg lúa ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong năm 2007 khoảng 1.600 đồng/kg bao gồm công lao động, giống má phân bón thúôc trừ sâu và phí vận chuyển. Như vậy năm 2007 nông dân bỏ ra 1.600 đồng thu về 3.200 đồng một con số quá lý tưởng.

Nhưng đây là lý thuyết, bởi vì còn phải tính tới chuyện mất mùa thiên tai dịch bệnh và những yếu tố này luôn đe doạ người nông dân.

Một nông dân ở Kiên Giang phát biểu: “Giá lúa như vậy thì tương đối cao nhưng chi phí đầu vào đội lên dữ lắm như xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật các loại.”

FarmerCow200.jpg
Nhà nông Việt Nam vẫn không theo kịp với đà phát triển chung của xã hội. AFP PHOTO.

Nông dân vẫn không được hưởng lợi

Trên báo chí, ông Trương Thanh Phong ước tính là sang năm 2008 ảnh hưởng giá xăng dầu, phân bón, thúôc trừ sâu tăng, chi phí sản xuất 1kg lúa của nông dân sẽ tăng lên ở mức 1.800 đồng/kg nhưng ông dự kiến nông dân sẽ bán được lúa cho doanh nghiệp với giá từ 3.600 đồng tới 3.700 đồng/kg.

Ông Trương Thanh Phong cho biết năm 2007 giá gạo loại tốt của Việt Nam đã ngang bằng giá gạo cùng loại của Thái Lan, nếu tính giá bình quân chung cho tất cả các loại gạo xuất khẩu, thì lần đầu tiên trong nhiều năm qua, năm 2007 gạo Việt Nam đạt mức giá trung bình 295 đô la một tấn, tăng hơn 40 đô la so với năm 2006.

Ông chủ tịch Hiệp Hội còn loan báo tin vui các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng xuất khẩu 230 ngàn tấn gạo nếp với giá 400 đô la một tấn. Người đứng đầu Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam dự kiến năm 2008 VN có thể giữ mức xuất khẩu 4 triệu 500 ngàn tấn, và điều quan trọng là làm sao có đủ lúa hàng hoá dành cho xuất khẩu.

Trong khi đó Tổ điều hành xuất khẩu gạo Bộ Công Thương dự kiến năm 2008 giá gạo 5% tấm của Việt Nam sẽ đạt mức 340 đô la/tấn, gạo 25% sẽ bán được với gía từ 320 đôla/tấn trở lên. Nguyên do là vì thế giới đang thiếu hụt nguồn cung cấp gạo, lúa mì bị mất mùa và nhiều nơi chuyển sang tiêu thụ gạo.

Chúng tôi xin trích lời ông Đoàn Triệu Nhạn một chuyên gia dày kinh nghiệm trong ngành cà phê nhận định về giá cả và thu nhập thực tế của nông dân:

“Trong thực tế tình hình vật giá như thế này, giá xăng dầu giá phân bón thúôc trừ sâu tăng, giá nông sản thế giới có tăng đến mấy, cũng chẳng phải là cái gì có lợi lắm cho người nông dân Việt Nam.”

Quả thật khi lạm phát và tăng vật giá ở mức hai con số như từng dự kiến, thì ngừơi nông dân Việt Nam có vui mừng trứơc mắt vì nông sản được giá cao sẽ vẫn chóng mặt vì các thứ chi tiêu khác, đời sống của họ vẫn gặp muôn vàn khó khăn.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.