Vụ PMU18: hết bắt Thứ trưởng, nay bắt Phóng viên - Đâu là sự thật?

Ngày 12 tháng Năm, 2 phóng viên của 2 tờ báo lớn nhất Việt Nam, là Thanh Niên và Tuổi Trẻ bị cơ quan an ninh thuộc Bộ Công An bắt vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.”
Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2008.05.13
NguyenVietTien_305.jpg Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Việt Tiến lúc bị công an bắt giải về trại tạm giam hôm 4-4-2006 vì liên quan đến vụ tham nhũng đánh bạc PMU18. Photo courtesy of VietnamNet.
Photo courtesy of VietnamNet.

Điều ngạc nhiên, hai phóng viên này, ông Nguyễn Hải và Nguyễn Việt Chiến, là những người được xem như đi đầu trong quá trình đưa tin phanh phui vụ tham nhũng tại PMU 18.

Vụ bắt phóng viên gây xôn xao dư luận với nhiều phân tích trái chiều nhau. Dư luận đồng tình hay bất mãn với động thái của Bộ Công An? Biên tập viên Thiện Giao ghi nhận một vài ý kiến từ Việt Nam.

Vụ án chống tham nhũng tưởng đã xong

Vụ án PMU 18 tưởng đã xong vào hồi tháng Giêng năm 2006 khi Tổng Giám Đốc Ban Quản Lý Dự Án 18 là Bùi Tiến Dũng bị bắt.

Nhưng rồi chuyện cũng chưa xong, mà thậm chí bắt đầu phức tạp hơn lên.

Mức độ phức tạp cao hơn khi một quan chức ở cấp thứ trưởng, là ông Nguyễn Việt Tiến, bị bắt vào tháng Tư cùng năm.

Vào thời ấy, cả nước, và cả báo chí thế giới, đều ca ngợi Việt Nam mạnh tay với tham nhũng. Bắt giam và khởi tố đến cả cấp thứ trưởng.

Mọi người tin rằng vụ tham nhũng, tiêu xài phung phí, quan chức dùng tiền công đánh bài lên đến hàng triệu đô la, đã được xếp lại.

Không ai ngờ, vụ PMU 18 vẫn còn phức tạp, và ngày càng phức tạp hơn lên.

tuoitre_05132008_250.jpg
Báo Tuổi Trẻ số ra hôm 13-5-2008 đăng tải một loạt bài trên trang nhất, với nội dung cho rằng dư luận vô cùng bất bình trước việc các phóng viên đi đầu trong việc phanh phui tham nhũng đã bị bắt giam.
Trang web báo Tuổi Trẻ.

Thứ trưởng trắng án, nhà báo bị bắt

Sau 2 năm điều tra, vào cuối tháng Ba vừa qua, nguyên thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến được tuyên bố gần như trắng án. Và chỉ hai tháng sau, ông Tiến được khôi phục đảng tịch, một dấu hiệu cho thấy ông có đủ tư cách trở lại với tất cả quyền lực đã có trước khi bị bắt.

Trong khi dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi, về việc liệu ông Tiến có tội hay không có tội, thì bất ngờ, vào ngày 12 tháng Năm, 2 phóng viên của 2 tờ báo lớn, đã từng tham gia rất mạnh trong việc viết bài phanh phui vụ PMU 18 bị bắt về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.”

Dư luận quan tâm theo nhiều cách nhìn khác nhau. Có người cho rằng báo chí Việt Nam đang bị đối xử thô bạo vì dám tố cáo tham nhũng. Nhưng có người nghi ngờ: phải chăng cơ quan chính quyền có những cơ sở thuyết phục để tiến hành bắt và khởi tố hai phóng viên của Tuổi Trẻ và Thanh Niên?

Một luật sư Việt Nam yêu cầu không nêu tên vì tính nhạy cảm của sự việc, nhận định rằng chính Tuổi Trẻ và Thanh Niên cũng thừa nhận đã từng đưa tin sai và phải đính chính:

“Trước hết, khi khởi tố một vụ án và những bị can có liên quan, cơ quan điều tra phải có chứng cứ, phải xác định là có dấu hiệu phạm pháp hình sự và những cá nhân bị khởi tố phải có dấu hiệu phạm tội.

Trong vụ này, tôi thấy, có thể là có cơ sở. Vì trong tường thuật của hai tờ báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ, họ thừa nhận là họ đã từng đưa tin sai và đã từng đính chính.

Còn về tội danh mà cơ quan điều tra áp dụng, tôi cho rằng phải chờ thêm thời gian để có thêm chứng cứ thì mới biết được. Còn việc khởi tố, tôi nghĩ, có thể là có cơ sở.”

Luật sư này cũng nhận định, là xét về mặt đạo đức nghề nghiệp, những phản ứng của báo chí nói chung và tờ Tuổi Trẻ cùng Thanh Niên nói riêng, chưa bảo đảm một yếu tố rất quan trọng, đó là bảo vệ nguồn tin.

Luật sư này nói rằng, thông tin mà báo chí Việt Nam đưa ra có cả một thượng tá của Cục Cảnh Sát Điều Tra Bị Bắt. Thượng tá công an này bị bắt cùng thời điểm với hai phóng viên khiến người ta nghi ngờ ông ta bị bắt vì cung cấp thông tin cho báo chí.

Điều này có thể được suy luận ra là chính người đưa tin bị khai danh tánh với cơ quan công quyền. Sự tiết lộ danh tánh như thế này có thể khiến báo chí mất uy tín, mất niềm tin, và không còn nhận được sự hỗ trợ cung cấp thông tin.

Chuyện trong làng báo Việt

Trong khi ấy, một người từng làm báo trong nước, là nhà thơ Bùi Chí Vinh, thì tỏ ra hờ hững trước những gì đang xảy ra trong làng báo chí Việt Nam.

“Báo Tuổi Trẻ, từ lãnh đạo đến phóng viên đều là công chức nhà nước. Đây là chuyện của nhà nước. Do đó đến việc xử án cũng là chuyện riêng của nhà nước. Nhân dân không tham gia vụ xử vụ án đó.”

Thái độ của ông Vinh có vẻ tương đồng với một số nguồn dư luận trong xã hội. Nhiều người Việt Nam bây giờ tỏ ra hết sức lúng túng về những gì đang diễn ra liên quan đến vụ PMU 18. Người ta không thể biết đâu là sự thật.

Vietnam_Newspapers_pmu18_200.jpg
Dư luận Việt Nam xôn xao trước tin 2 phóng viên nhiều uy tín của hai tờ báo lớn nhất nước bị bắt giam và khởi tố vì những bài viết về vụ tham nhũng đánh bạc PUM18. AFP PHOTO.
AFP PHOTO.
Ông Nguyễn Việt Tiến có tội hay không có tội? hai phóng viên Thanh Niên và Tuổi Trẻ có tội hay không có tội? Và lần trở lại quá khứ, chưa xa, chỉ mới tháng trước; chính Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao thừa nhận, hồi năm 2006, thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị bắt vì ông ta là “ngôi sao sáng” của Bộ Giao Thông Vận Tải, và, trên hết, vì áp lực của dư luận.

Trở lại sự kiện hai nhà báo của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị bắt, nhà thơ Bùi Chí Vinh kết luận:

“Họ là công chức nhà nước, nên đây là chuyện xử lý nội bộ của nhà nước. Những phóng viên đó đều là đảng viên. Về mặt Đảng, họ làm gì sai thì Đảng biết và Đảng xử lý.”

Những thách thức ở Việt Nam

Vị luật sư Việt Nam nhận định rằng diễn tiến vụ PMU 18 vào thời điểm mới nhất này có rất nhiều điểm bất thường. Trong đó, nổi trội lên cả là sự phân hoá giữa hai mảng an ninh và cảnh sát thuộc công an:

“Về mặt kỹ thuật, có một số điểm bất thường. Ở Việt Nam, Bộ Công An có hai mảng rõ rệt. Một mảng là An Ninh; một mảng là Cảnh Sát. Mỗi một cơ quan điều tra của từng mảng thì họ chịu trách nhiệm điều tra về từng chương có liên quan trong bộ luật hình sự.

Trách nhiệm điều tra của Cục An Ninh Điều Tra là những tội qui định trong chương về các tội vi phạm an ninh quốc gia. Tương tự, quyền của Cục Cảnh Sát Điều Tra nằm trong chương trách nhiệm an toàn xã hội.

Tội mà cơ quan an ninh điều tra khởi tố hai phóng viên Thanh Niên và Tuổi Trẻ nằm trong chương liên quan đến trật tự và an toàn xã hội. Cho nên chuyện Tổng Cục Cảnh Sát Điều Tra điều tra vụ PMU 18 và An Ninh Điều Tra điều tra các nhà báo đưa tin vụ PMU 18 là điều bất thường.”

Có thể nói vụ PMU 18, hay nói rộng ra dựa trên toàn cảnh cho đến hôm nay, vụ Nguyễn Việt Tiến, là một cuộc thử thách nhiều mặt cho Việt Nam, từ báo chí đến tư pháp và cả công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Nhận định của vị luật sư có thể được xem là một kết thúc có điều kiện về thái độ của báo chí trong diễn tiến mới nhất hiện nay. Xin trích nguyên văn:

“Nếu ông Nguyễn Việt Tiến thật sự có tội, và báo chí thật sự xem mình là một giới đấu tranh cho công bằng, họ phải tiếp tục lên tiếng. Lên tiếng không đơn thuần để bảo vệ phóng viên của mình, mà còn để bảo vệ công lý. Còn nếu ông Tiến bị oan, thì rõ ràng là khi thông tin sai, báo chí phải sòng phẳng trong chuyện xin lỗi, và họ phải chịu trách nhiệm về việc đưa thông tin sai.”

Theo dòng thời sự:

- Hai ký giả bị bắt vì những bài viết về vụ PMU18
- Vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, một thách thức cho báo chí VN (phần 1)
- Vụ cựu Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, một thách thức cho báo chí Việt Nam (phần 2)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.