Thượng viện Mỹ có thể sớm thảo luận việc cấp qui chế PNTR cho VN


2006.08.31

Việt Nam có nhiều hy vọng được Thượng Viện Hoa Kỳ thảo luận về qui chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn PNTR vào cuối tháng 9 này.

Nghị sĩ Cộng Hòa Charles Grassley, thành viên của Ủy ban Tài chánh Thượng Viện Mỹ, cho biết thêm là các nhà lập pháp Mỹ sẽ chỉ có vỏn vẹn 20 ngày để bàn thảo việc này bắt đầu vào tuần tới trước khi đi vận động tranh cử vào tháng 11 năm nay.

Ông Grassley dự kiến là việc ban cho Việt Nam qui chế PNTR có thể gặp trở ngại vì các vị dân cử không muốn bỏ phiếu cho vấn đề tế nhị này trước cuộc bầu cử tới. Lý do là họ sợ bị cử tri chất vấn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

MichaelMarineVN200.jpg
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Marine. RFA Photo.

Dù vậy, ông Grassley cũng dự định thúc đẩy nghị sĩ Bill Frist, lãnh tụ khối đa số tại Thượng viện Mỹ nhanh chóng đưa vấn đề này ra biểu quyết.

Đại sứ Michael Marine lạc quan

Tuyên bố trong cuộc họp báo tại Hà Nội hôm thứ Ba vừa qua sau khi Việt Nam thông báo quyết định trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Phạm Hồng Sơn, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Marine cho hay ông lạc quan về triển vọng Quốc hội Hoa Kỳ chấp nhận quy chế Quan hệ bình thường vĩnh viễn PNTR cho Việt Nam.

Đại sứ Marines cho hay là quốc hội Hoa kỳ sẽ trở lại làm việc vào tuần tới, và ông hy vọng quy chế PNTR sẽ đựơc trao cho Vịêt Nam trứơc khi tổng thống George W. Bush đến thăm Việt Nam vào tháng 11 tới.

Lý do là vì theo ông Đại sư Mỹ thì sự ủng hộ rất mạnh mẽ, mặc dù một số đại biểu quốc hội vẫn nêu lên vài vấn đề đòi đựơc thảo luận. Trong thực tế, dù chưa có quy chế PNTR, Việt Nam vẫn có thể gia nhập WTO.

Nhân quyền và tự do tôn giáo

Cũng trong cuộc họp báo này, Đại sứ Michael Marine hoan nghênh quyết định của Việt Nam trả tự do cho một nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng và cam kết sẽ tiếp tục quan tâm đến tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo tại Vịêt Nam.

Thei Đại sứ Marines, nhân quyền và tự do tôn giáo luôn luôn là vấn đề đựơc Hoa kỳ coi trọng hàng đầu, và việc Hoa kỳ ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO không có nghĩa là những vấn đề đó sẽ không đựơc bàn đến nữa.

Việt Nam đầu tuần này đả quyết định trả tự do cho bác sĩ Phạm Hồng Sơn và ông Mã Văn Bẩy. Đây là 2 trong số 4 tù nhân mà Hoa kỳ quan tâm và đề nghị Việt Nam xem xét trả tự do. Hai người còn lại là nhà báo Nguyễn Vũ Bình và ông Phạm Văn Bản.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.