Phân Urê trong nước mắm, ảnh hưởng gì đến sức khoẻ người tiêu thụ?


2007.08.16

Nam Nguyên, phóng viên đài RFA

Câu chuyện urê trong nước mắm gây xôn xao dư luận do sự thiếu chuyên môn của cơ quan kiểm nghiệm. Vì sao có sự hiện diện của Urê trong nước mắm, cũng như sự kiện thuỷ hải sản được ướp kháng sinh Cloramphenicol hoặc phân đạm Urê để bảo quản, phải chăng người tiêu dùng Việt Nam đang đối diện thực tế này.

NuocMamFishSauce200.jpg
Nước mắm bày bán trên cửa hàng.

Qua câu chuyện với Nam Nguyên, ông Nguyễn Tử Cương Cục Trưởng Cục Vệ sinh An Toàn và Thú Y Thuỷ Sản Việt Nam đã giải thích những vấn đề vừa nói.

Ông Nguyễn Tử Cương: Việc sử dụng Cloramphenicol hoặc Urê để bảo quản thuỷ sản đã có từ lâu, và công tác ngăn chặn đạt kết quả ngày càng khả quan hơn. Tất cả những hành động này họ thực hiện ở khâu bảo quản nguyên liệu, tức là sau đánh bắt hoặc sau nuôi trồng.

Không phải tất cả những sản phẩm như vậy là dành cho người tiêu dùng Việt Nam. Hiệu quả chúng tôi ngăn chặn thể hiện ở sự kiện thị trường nước ngoài kiểm soát rất nghiêm ngặt, nhưng mức vi phạm ngày càng giảm.

Nam Nguyên: Nguyên liệu chủ yếu của Nước mắm là cá biển, vậy nước mắm thành phẩm có urê theo ông là vì những nguyên nhân gì? Mức độ nguy hại đối với người sử dụng ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi đã tổ chức một cuộc hội thảo khoa học giữa các bộ Thuỷ Sản, Y Tế và Khoa Học Công nghệ, qui tụ nhiều nhà khoa học chuyên sâu về lãnh vực đó.

Kết quả xác định rằng bản thân con cá trong quá trình chuyển đổi cơ thể, nó phân giải thành ammoniac và trong một điều kiện cụ thể nào đó thì sẽ sản sinh ra Urê. Tương tự như vậy ngay bản thân con người, khi thải loại các chất cặn bã ra khỏi cơ thể, đặc biệt qua đường tiểu thì trong nước tiểu chứa tỷ lệ Urê rất cao.

Hội thảo của chúng tôi đã có kết luận, còn cơ quan phân tích nước mắm có Urê là Trung Tâm Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Khu Vực III thì chưa chờ đến hội nghị, họ đã thấy rằng phân tích và kết quả của họ đưa ra là sai và đã cho thu hồi. Tôi có thể khẳng định rằng trong nước mắm có Urê nhưng không phải do con người đưa vào từ đạm vô cơ mà thực chất nó là đạm Urê có sẵn trong thực phẩm thuỷ sản.

Trong một số loại thực phẩm mà thế giới đang cho phép sử dụng, như kẹo cao su chewing gum, người ta chủ động đưa vào chất urê với tỷ lệ 2, 9% để đảm bảo độ dai của kẹo. Một số loại bánh có nhu cầu tạo màu người ta cũng cho phép sử dụng Urea. Các tài liệu về vệ sinh an toàn thực phẩm trên thế giới đã khẳng định rằng Urê là thành phần có sẵn trong sản phẩm động vật nói chung và cá nói riêng.

Và người ta đã khẳng định rằng Urê không phải là mối quan ngại đối với sức khoẻ người tiêu dùng. Đây là kết luận đã được công bố trên các tài liệu của FAO Lương nông Quốc Tế và EU Liên Minh Châu Âu. Và một số cơ quan đã lấy mẫu nước mắm để kiểm tra Urê thì họ sẽ phát hiện ra Urê trong cá chứ không phải Urê từ ngoài đưa vào.

Hội thảo của chúng tôi đã có kết luận, còn cơ quan phân tích nước mắm có Urê là Trung Tâm Tiêu Chuẩn Đo Lường Chất Lượng Khu Vực III thì chưa chờ đến hội nghị, họ đã thấy rằng phân tích và kết quả của họ đưa ra là sai và đã cho thu hồi. Tôi có thể khẳng định rằng trong nước mắm có Urê nhưng không phải do con người đưa vào từ đạm vô cơ mà thực chất nó là đạm Urê có sẵn trong thực phẩm thuỷ sản.

Nam Nguyên: Thưa ông muốn nói trong quá trình phân huỷ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Vâng, từ đạm tổng số cho ra ba dạng, một là Nitơ amin tức đạm amin, hai là đạm ammoniac và thứ ba là đạm formol. Đạm ammoniac trong cơ thể động vật cũng như con người, khi thải loại ra ngoài sẽ chuyển hoá thành urê. Đây là một sai lầm về mặt học thuật và một số người do thiếu hiểu biết đã đưa lên báo chí.

Nam Nguyên: Thưa có tình trạng đưa phân đạm Urê vào để giữ cá cho tươi, có màu đẹp, ngoài chợ phát hiện nhiều vụ. Cái đó không phải thứ Urê như ông nói, vậy làm sao qua kiểm nghiệm phân biệt được đạm vô cơ và đạm urê hữu cơ do cá bị phân huỷ tạo ra ?

Ông Nguyễn Tử Cương: Tôi xin nhắc lại rằng, nếu cho urê vào trong cá để bảo quản thì nó chỉ đánh lừa được cảm giá về độ tươi đối với nguyên liệu thôi. Nhìn con cá, sẽ thấy da con cá mắt con cá vẫn sáng, nhưng nếu lật mang nó lên thì sẽ thấy màu tái.

Chúng tôi đã tuyên truyền cho người tiêu dùng để có lựa chọn, và khi con cá này nấu chín đi thì thịt nó không chắc mà sẽ mủn ra. Sau khi đã hướng dẫn như thế cộng với kiểm tra giám sát rất nghiêm ngặt thì tình trạng này đã giảm. Chúng tôi đã từng ra chợ lấy mẫu luộc chín tại chỗ, thịt mủn là biết ngay và phạt luôn.

Nam Nguyên: Các nhà sản xuất có thể dùng nguyên liệu cá ướp bằng phân đạm để làm ra nước mắm hay không?

Chúng tôi đã có pháp lệnh về chất lượng, nhưng sau hai, ba năm áp dụng chúng tôi thấy cần phải hoàn thiện hơn nữa. Vì thế Quốc Hội có dự án trong năm nay sẽ chuyển pháp lệnh thành luật chất lượng, để có tính pháp lý cao hơn và bổ sung những gì cần thiết.

Ông Nguyễn Tử Cương: Đương nhiên họ có thể sản xuất được! Tuy nhiên tỷ lệ thu hồi nước mắm sẽ rất thấp. Bởi vì đạm tổng số bị chuyển hoá thành ammoniac quá nhiều, do sử dụng urê thì không giữ được chất lượng cá mà chỉ đánh lừa về độ tươi thôi.

Tôi nói ví dụ tổng lượng đạm là 10 do không sử dụng nước đá để bảo quản, mà kết hợp urê dẫn tới là, thay vì chuyển 1 tới 2 sang ammoniac thì bây giờ chuyển từ 3 tới 4 sang ammoniac.

Lúc đó chế biến nước mắm thay vì 1 cân cá tươi được 1 lít nước mắm 20 độ đạm tổng số trong đó có 6 gram là a xít amin thì bây giờ sẽ không còn như vậy nữa, chỉ ra được đạm 15 độ thôi. Do vậy người mua nguyên liệu chế biến nước mắm người ta cũng phải cảnh giác với chuyện là cá có bảo quản bằng urê hay không. Bởi vì mua loại cá bảo quản bằng urê để chế biến thì họ sẽ bị lỗ.

Nam Nguyên: Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong đó có thuỷ hải sản ở Việt Nam, thưa ông luật lệ khiếm khuyết, thi hành luật chưa nghiêm, hay là cần nâng cao dân trí, trong đó có ý thức của người nuôi trồng thuỷ hải sản, những người kinh doanh và cả nhà quản lý?

Ông Nguyễn Tử Cương: Chúng tôi đã có pháp lệnh về chất lượng, nhưng sau hai, ba năm áp dụng chúng tôi thấy cần phải hoàn thiện hơn nữa. Vì thế Quốc Hội có dự án trong năm nay sẽ chuyển pháp lệnh thành luật chất lượng, để có tính pháp lý cao hơn và bổ sung những gì cần thiết.

Thứ đến hệ thống cơ quan giám sát, ví dụ Nafiqaved chúng tôi đã được các nước tiên tiến trên thế giới công nhận, tuy nhiên chúng tôi cũng thấy mình cần bổ sung hoàn thiện điều gì.

Cụ thể là trong năm nay Bộ Thuỷ Sản Việt Nam đã cấp cho Nafiqaved 3 triệu đô la để mua sắm trang thiết bị, 10% kinh phí được dành riêng cho công tác đào tạo đội ngũ. Trong khi đó hàng năm chúng tôi đã mở hàng ngàn khoá đào tạo cho hàng trăm ngàn lượt ngư dân và hộ nuôi trồng để làm việc này.

Việc thứ ba, xuất phát điểm của Việt Nam là thấp so với các nước đương nhiên trong đó có vấn đề dân trí. Hiện nay chúng tôi đang mở chiến dịch liên tục về vệ sinh an toàn thực phẩm để người tiêu dùng sẽ cùng với cơ quan Nhà nước thực hiện giám sát chất lượng của hệ thống quản lý, hệ thống chế biến từ khâu bắt đầu quá trình sản xuất đến sản phẩm cuối cùng, đồng bộ cả ba giải pháp.

Nam Nguyên: Cảm ơn ông Nguyễn Tử Cương Cục Trưởng Vệ Sinh An Toàn và Thú Y Thuỷ Sản về thời gian ông dành cho RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.