Giới trẻ VN phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh ở Sài Gòn

Trong thời gian gần đây, trước khi ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh 2008 đến Tp.HCM, một số người sử dụng mạng Internet đã dùng phương tiện này như là kênh thông tin liên lạc để kêu gọi nhau có hành động bày tỏ sự phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền của họ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Gia Minh, phóng viên đài RFA
2008.04.28
LeTrungThanh_310.jpg Sinh viên Lê Trung Thành từ Đài Loan sang Bangkok tham gia biểu tình lên án Trung Quốc hôm 19-4, khi đuốc Olympic Bắc Kinh được rước qua thủ đô Thái Lan.
Hình riêng của RFA.

Bất bình với Trung Quốc

Cơ quan an ninh Việt Nam đã làm việc cũng như tiến hành bắt giữ một vài đối tượng trong số đó. Gia Minh đã hỏi chuyện một blogger phải đi làm việc với công an trong những ngày qua và được người này chia sẻ:

Blogger: Nói chung thì chúng tôi cũng luôn luôn mong muốn như vậy tại vì tôi thấy tình hình, thí dụ tôi coi một cái blog của anh Blacky (đi biểu tình) ở bên Thái Lan thì tôi thấy cái nhu cầu của lớp trẻ thôi, nhưng mà hiện tại nó khó khăn ở chỗ là theo cái quy định hiện hành ở Việt Nam thì nó coi như nằm ngoài pháp luật đó. Cho nên cái chuyện biểu tình thì tôi nghĩ là hơi khó khăn.

Gia Minh: Không biểu tình nhưng mà có những hình thức gì để bày tỏ ý kiến không?

Tôi nghĩ là đôi khi những yêu cầu và những mong muốn của mình cũng chưa có thể gặp được sự đồng thuận của nhà nước, tức hiện tại cũng chưa thoả mãn được những nhu cầu về thông tin, về bày tỏ thông tin như vậy đó.

blogger trong nước
Blogger: Cái hình thức bày tỏ ý kiến thì bây giờ nếu bày tỏ không không thì cũng không có tác dụng gì, còn bày tỏ cho thấy có hiệu quả nhứt là lúc có đuốc đi qua thì bây giờ nó không được phép nữa rồi. Cho nên hiện tại tôi cũng chưa nghĩ ra được cái cách gì hay hơn.

Gia Minh: Trong một việc công cộng như vậy thì mọi người cũng có thể ra đó?

Blogger: Tất nhiên việc đón đuốc thì người ta có thể nói hay bày tỏ phản đối cái đó thì tôi cũng không lường trước được, không biết được.

Gia Minh: Với tất cả những sự kiện đã diễn ra lâu nay như vậy thì bản thân anh có những suy nghĩ như thế nào ạ?

Blogger: Tôi nghĩ là đôi khi những yêu cầu và những mong muốn của mình cũng chưa có thể gặp được sự đồng thuận của nhà nước, tức hiện tại cũng chưa thoả mãn được những nhu cầu về thông tin, về bày tỏ thông tin như vậy đó. Nói chung là chưa gặp nhau ở một điểm chung nào đó.

Quan điểm của chính quyền?

Gia Minh: Khi được tiếp xúc với phía cơ quan chức năng thì bản thân anh có trình bày với họ như thế nào để có thể nói lên được tiếng nói của bản thân cũng như của những người có cùng chính kiến?

Blogger: Thì tôi cũng rất khao khát đòi hỏi điều đó nhưng mà họ nói là bây giờ chưa được. Họ bảo, nói chung là cần phải một thời gian nữa chứ không thể có ngay được cái đó. Cái đó là sẽ có nhưng mà thời gian 5-10 năm hay là bao nhiêu năm đó thì tuỳ vào cái tình hình chứ bây giờ thì chưa được phép.

LeTrungThanh\LeTrungThanh_200.jpg
Sinh viên Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc.
Photo by Hiền Vy/RFA.
Gia Minh: Và phía cơ quan chức năng họ có giải thích rõ không ạ?

Blogger: Thì họ nói là bây giờ tình hình đòi hỏi là cần phải có ổn định này kia đó anh. Họ nói cần phải có ổn định để phát triển kinh tế. Họ nói cái đó mình nghĩ thì được nhưng không nên nói vì nó sẽ không tốt cho cái dư luận chung.

Gia Minh: Cái vấn đề nghĩ rồi nói và vấn đề thể hiện thì hiện nay mọi người cũng dùng blog để thể hiện đó, thì việc thể hiện trên blog thì có gì trở ngại không?

Blogger: Thì đó, bây giờ nó đang vướng mắc ở chỗ đó. Chúng tôi nghĩ cái đó chẳng qua là một cái hình thức mình bày tỏ quan điểm cá nhân của mình thôi, nhưng mà bây giờ họ lại..., cả tuần nay tôi làm việc là vướng mắc ở chỗ đó đó, tức là họ nói là "anh có quyền bày tỏ quan điểm, nhưng mà không được đưa lên mạng như vậy, và đưa lên mạng thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước". Ý của họ là như vậy đó.

Quyền tự do bày tỏ chính kiến

Gia Minh : Sau khi làm việc và nói chuyện như vậy, và qua tìm hiểu ở những đất nước khác thì bản thân anh thấy vấn đề tự do bày tỏ quan điểm - chính kiến thì ra sao?

Blogger: Tất nhiên là khi tôi nói vấn đề này thì luôn luôn gặp phải câu trả lời của họ là chúng ta không được phép so sánh, không nên so sánh với lại các quốc gia khác vì mỗi nước có..., thì cái ước muốn là một chuyện nhưng mà đạt được cái ước muốn của mình hay không lại là một chuyện khác. Nó nằm ở ngoài tầm của mình.

Trăn trở của tôi cũng như hầu hết các blogger là phải có một ngày nào đó gần đây mình sẽ có được tự do thông tin nó thoáng hơn bây giờ, tức là nó cũng hướng đến như lúc nãy anh nói là cái chuẩn mực chung của toàn thế giới.

blogger trong nước
Gia Minh : Nhưng mà anh có nghĩ rằng có một chuẩn mực chung cho các quyền tự do căn bản của con người không ạ?

Blogger: Thì cái đó nếu mà có được thì quá hay, nhưng mà nó cũng phải tuỳ thuộc vào từng quốc gia để được hưởng đến mức nào.

Gia Minh: Trong tình hình có những phức tạp như vậy thì ngoài những mong muốn thì anh còn có điều gì muốn chia sẻ nhiều nhất với tất cả mọi người?

Blogger: Vâng. Thì cái trăn trở nhất của tôi, tôi nghĩ cũng như hầu hết các blogger là phải có một ngày nào đó gần đây mình sẽ có được tự do thông tin nó thoáng hơn bây giờ, tức là nó cũng hướng đến như lúc nãy anh nói là cái chuẩn mực chung cho toàn thế giới đó, thì cái đó là cái trăn trở nhất của tôi.

Gia Minh: Có cách gì để mà đòi hỏi cho được cái đó?

Blogger: Cái cách đòi hỏi thì chúng tôi chỉ có tiếng nói thôi. Tiếng nói của tôi hiện tại cũng đang bị tạm gọi là vi phạm cái nghị định của nhà nước đó, cho nên cái khó nhất là tôi phải vừa sống vừa làm việc theo pháp luật mà vừa phải thoả mãn cái nhu cầu về các khao khát của mình.

Gia Minh : Cảm ơn anh đã có những chia sẻ như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.