Chăn nuôi tăng trưởng trong suy thoái

Mặc dù suy giảm kinh tế làm nhiều hộ chăn nuôi bỏ trống chuồng trại, tuy nhiên năm 2009 chăn nuôi gia súc gia cầm trên cả nước vẫn đạt tăng trưởng khoảng 8% so với năm ngoái.
Nam Nguyên, phóng viên đài RFA
2010.01.02
Một trại chăn nuôi gà công nghiệp ở Hốc Môn, ngoại ô TP HCM Một trại chăn nuôi gà công nghiệp ở Hốc Môn, ngoại ô TP HCM
AFP photo

Tổng đàn hơn 300 triệu con trong đó gần 280 triệu gia cầm phần còn lại là heo và trâu bò. Những mặt sáng tối của hoạt động chăn nuôi được Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Hoàng Kim Giao, Cục Trưởng Cục Chăn Nuôi Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn phân tích trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên. Trước hết từ Hà Nội ông Hoàng Kim Giao cho biết:

Nhiều chuyển biến tốt

PGSTS Hoàng Kim Giao: Chăn nuôi 2009 có nhiều chuyển biến tốt. Thứ nhất nhận thức của người chăn nuôi, người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh được tăng cường nâng cao rõ rệt. Biểu hiện của nó là dịch bệnh xảy ra ít đi, vấn đề kiểm soát vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn. Thứ hai chăn nuôi chuyển biến rõ rệt theo hướng trang trại công nghiệp, ở các gia trại, trang trại công nghiệp phát triển rất mạnh, còn chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán theo truyền thống dần dần bớt đi. Thứ ba, tăng trưởng về chăn nuôi tương đối tốt, tỷ lệ tăng trưởng đàn gà là 13%, lợn 3,5%, bò sữa 7%, thịt tổng cộng tăng hơn 6%. Tính về GDP (tổng sản phẩm nội địa) của ngành chăn nuôi 2009 so với năm 2008 tăng trưởng độ 8 tới 9%.

Xu hướng trang trại công nghiệp

Nam Nguyên: Về mặt tích cực là như vậy qua các số liệu, nhưng suốt năm qua có nhiều thông tin về việc người chăn nuôi bị phá sản, vậy thì về mặt tiêu cực đã tồn tại những khó khăn nào?

PGSTS Hoàng Kim Giao: Nói người chăn nuôi bị phá sản, tôi thấy cần phải đính chính là: khi chăn nuôi trang trại theo lối công nghiệp được phát triển thì các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ và phân tán họ thôi không làm nữa. Và chính giá cả thức ăn chăn nuôi biến động do nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu nhiều, người chăn nuôi nhỏ phân tán không kiểm soát được, nên ở một vài vùng người ta bị lỗ họ bỏ. Hơn nữa người ta thấy chăn nuôi như vậy không an toàn, kiểm soát dịch bệnh kém đồng thời lại không hiệu quả, người chăn nuôi nhỏ lẻ giảm hay thôi không chăn nuôi nữa, dần dần phát triển sang hướng chăn nuôi trang trại công nghiệp. Ngoài ra việc nhập khẩu sản phẩm động vật giá rẻ từ nước ngoài cũng ảnh hưởng tiêu dùng. Sau hết việc kiểm soát nhập gia súc qua biên giới cũng không làm được hết mọi chỗ mọi nơi, cho nên dịch bệnh lở mồm long móng đã bùng phát ở một số vùng.

Tính về GDP (tổng sản phẩm nội địa) của ngành chăn nuôi 2009 so với năm 2008 tăng trưởng độ 8 tới 9%.

PGSTS Hoàng Kim Giao

Nam Nguyên: Như vậy xu hướng sắp tới của Việt Nam là muốn phát triển chăn nuôi trang trại công nghiệp, nhưng còn hàng chục triệu nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ, sẽ cần thiết một thời gian chuyển tiếp?

PGSTS Hoàng Kim Giao: Đúng vậy, có hàng chục triệu hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn để chuyển biến lên chăn nuôi gia trại trang trại chăn nuôi lớn mang tính chất công nghiệp thì phải trải qua một quá trình. Khi mà thay đổi được nhận thức, cùng với các chính sách của nhà nước thì mới chuyển biến được. Khi người chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán không có hiệu quả thì người ta sẽ bỏ, tìm cách liên kết lại với nhau theo hướng đi lên hình thức trang trại công nghiệp. Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền cho vấn đề này nhưng phải xác định đây là thay đổi nhận thức, mà nhận thức thì phải thay đổi từ từ chứ không thúc ép được.

Công nghệ chế biến thức ăn chăn nuôi

Nam Nguyên: Phát triển chăn nuôi ở Việt Nam cho thấy là nhanh hơn khả năng tự túc thức ăn chăn nuôi, mỗi năm nhập khẩu 1,7 tỷ đô la nguyên liệu TACN, nên có điều chỉnh như thế nào, về công nghệ chế biến hay vùng nguyên liệu ?

PGSTS Hoàng Kim Giao: Chăn nuôi ngày càng phát triển lượng thức ăn ngày càng nhiều hơn. Trong chỉ đạo chúng tôi cũng nói là nông nghiệp phải chú trọng phát triển cây nguyên liệu phục vụ thức ăn chăn nuôi, trong đó có ngô (bắp). Ngô của Việt Nam năng suất hơi thấp, trong khi bình quân trên thế giới 5 tấn/ha, chúng tôi chỉ được 4 tấn/ha. Bây giờ chúng tôi phải mở rộng diện tích, nhưng việc này bị hạn chế, như vậy phải đưa giống mới, đưa kỹ thuật canh tác vào để năng suất ngô tăng cao. Nếu ngô phát triển được mạnh thêm một ít nữa thì chúng tôi không phải nhập ngô. Còn khô đậu tương, thức ăn giàu đạm phải nhập khẩu, cây đậu tương Việt Nam không cạnh tranh được với các nước như Mỹ, Ác Hen Ti Na (Argentina) hay Ấn Độ nên vẫn phải nhập khẩu. Để tiết kiệm được thức ăn chăn nuôi thì phải kỹ hơn về con giống, phải phổ biến sự tiến bộ về qui trình kỹ thuật chăn nuôi, làm sao giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả chăn nuôi, bằng cách chăn nuôi theo giai đoạn theo qui trình kỹ thuật, theo lứa tuổi, theo sinh lý của vật nuôi, để có thể giảm bớt thức ăn chăn nuôi. Đấy là hướng chúng tôi chỉ đạo.

Xu hướng chăn nuôi trang trại với qui mô lớn hơn sẽ phát triển mạnh hơn, dịch bệnh sẽ ít hơn, kiểm soát dịch bệnh buôn bán vận chuyển con giống sẽ chặt chẽ hơn.

PGSTS Hoàng Kim Giao

Nam Nguyên: Với tất cả diễn biến vừa qua, ông dự báo gì cho ngành chăn nuôi Việt Nam năm 2010?

PGSTS Hoàng Kim Giao: Tôi nghĩ năm 2010, ngành chăn nuôi cả Việt Nam vẫn có ưu thế, có cơ hội để phát triển, chính phủ và Bộ NN-PTNT vẫn quan tâm chăn nuôi, lấy tăng trưởng của chăn nuôi để kéo theo tăng trưởng của các ngành khác. Xu hướng chăn nuôi trang trại với qui mô lớn hơn sẽ phát triển mạnh hơn, dịch bệnh sẽ ít hơn, kiểm soát dịch bệnh buôn bán vận chuyển con giống sẽ chặt chẽ hơn. Đồng thời việc thực hiện thực hành chăn nuôi tốt hay GAP trong chăn nuôi trong nông nghiệp sẽ mạnh mẽ hơn ở các địa phương.

Nam Nguyên: Cảm ơn PGSTS Hoàng Kim Giao đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
16/01/2010 00:08

cac anh co the cho toi biet cu the hon ve nghanh chan nuoi lon o nuoc ta ko? cam on rat nhieu