Việt Nam và WTO (III)


2005.11.24

Tiến sĩ Trần Văn Hiển - Nguyễn An

Thưa quý thính giả, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập tổ chức Thương mại thế giới WTO cả thập kỷ trước. Tuy nhiên, việc trở thành hội viên của tổ chức quốc tế này mới chỉ trở nên cấp thiết trong đôi ba năm trở lại đây, khi nền kinh tế đã có những bứơc phát triển tốt song song với yêu cầu hội nhập vào thế giới ngày càng cấp thiết hơn.

farmerRice200.jpg
Đa số người Việt Nam làm nông nghiệp. AFP PHOTO

Để tìm hiểu quá trình Việt Nam xin gia nhập WTO cùng những vấn đề liên quan đến việc gia nhập ấy, ban Việt ngữ đài Á châu tự do đã thực hiện một loạt cuộc trao đổi với Tiến sĩ Trần Văn Hiển, giáo sư đại học và CPA ở tiểu bang Texas, Hoa kỳ.

Giáo sư Hiển hàng năm đi công tác ở Việt Nam cho đại học của ông. Trong buổi phát thanh trứơc, ông Hiển đã bàn về cấu trúc của nền Kinh tế Việt Nam. Kỳ này, chủ đề thảo luận là sự cần thiết phải gia nhập WTO của Việt Nam. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ vào giáo sư Hiển.

Bài 3: Sự cần thiết phải gia nhập WTO của Việt Nam

Nguyễn An: Ông nói kinh tế Việt Nam thiếu cân bằng. Ông có thể phân tích thêm vấn đề này? Những đặc tính nào của nền kinh tế khiến ông đi đến nhận định như vậy?

Trần Văn Hiển: Một nền kinh tế cân bằng là một nền kinh tế trong đó có nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chế tạo nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau, và trao đổi lẫn nhau. Người chế tạo một sản phẩm này, bán đi lấy tiền mua sản phẩm khác. Ví dụ như người làm nông bán gạo mua xe, người làm xe bán xe mua gạo.

Đa số người Việt Nam làm nông nghiệp và sản xuất quá thừa nông phẩm như gạo, cá basa, café, hạt điều, v.v... Trong khi đó Việt Nam không có công nghiệp đa dạng đủ để nông dân có thể trao đổi nông phẩm còn thừa. Việt Nam cần phải bán nông phẩm hay nguyên liệu thừa cho nước ngoài, và mua sản phẩm công nghiệp từ nước ngoài.

Một nền kinh tế cân bằng là một nền kinh tế trong đó có nhiều ngành công nghiệp khác nhau, chế tạo nhiều sản phẩm và dịch vụ khác nhau, và trao đổi lẫn nhau. Người chế tạo một sản phẩm này, bán đi lấy tiền mua sản phẩm khác.

Nguyễn An: Bây giờ thì xin đi vào câu hỏi chính cho cuộc trao đổi hôm nay. Thưa giáo sư Hiển, một cách đại thể, thì tại sao Việt Nam cần gia nhập WTO?

Trần Văn Hiển: Việt Nam cần gia nhập WTO để buôn bán với nhiều nước trên thế giới một cách hữu hiệu và thu được nhiều lợi nhuận như sau:

Bán sản phẩm nông nghiệp thừa. Từ ngày đổi mới, Việt Nam sản xuất nhiều nông phẩm hơn, và dư dùng cho cả nước. Vào WTO, Việt Nam sẽ mở rộng thị trường cho nông phẩm như cá basa, gạo, hạt điều, v.v…

Mua máy móc và dịch vụ cao từ bên ngoài để hiện đại hóa và kỹ nghệ hóa đất nước.

Tạo công ăn việc làm cho công nhân trẻ. Dân số Việt Nam tăng thêm mỗi năm chừng 1 đến 1 triệu rưỡi người. Việt Nam cần những công ty nưóc ngoài đến, tạo công ăn việc làm cho người dân, mặc dầu những công việc này trả rất ít tiền.

Tạo công ăn việc làm cho những người nông dân không việc làm. 2/3 dân số của Việt Nam tức khoảng 54 triệu người sống bằng nghề nông. Nếu Việt Nam thành công trong sự hiện đại hóa đất nước, thì chừng bốn phần năm (4/5) nông dân sẽ không có việc làm, và phải chuyển qua kỹ nghệ hay dịch vụ. Việt Nam cần công ty nưóc ngoài vào, tạo việc làm mới cho những nông dân này.

Thu hút đầu tư nước ngoài: Việt Nam vẫn là một nước nghèo, không đủ vốn đầu tư cho phát triển, và do đó cần rất nhiều đầu tư từ nước ngoài. Trong đầu thập niên 90, Việt Nam và Trung Quốc có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài như nhau. Trong mười năm vừa qua, đầu tư vào Việt Nam giảm đi rất nhiều và đầu tư vào Trung Quốc tăng vụt lên. Một phần vì Trung Quốc được vào WTO. Việt Nam cần phải vào WTO để tăng uy tín đối với giới đầu tư nứơc ngoài và nhờ thế thu hút được nhiều đầu tư hơn.

Những bất lợi cho nền kinh tế

Nguyễn An: Hiện nay thì Việt Nam chưa phải là thành viên của WTO. Tình hình ấy đưa đến những bất lợi nào cho nền kinh tế? Tức là những bất lợi mà nếu được gia nhập tổ chức ấy thì sẽ giải quyết được vấn đề?

Khi Việt Nam bắt đầu buôn bán với Phưong Tây, Việt Nam gặp nhiều trở ngại lớn với những bạn hàng mới. Vào WTO, Việt Nam sẽ tránh được rất nhiều trở ngại.

Trần Văn Hiển: Việt Nam là một nước xã hội chủ nghiã. Hai thập niên trước, Liên Sô và Đông Âu là đồng minh chính trị, quân sự và vừa là bạn hàng mậu dịch của Việt Nam. Sự sụp đổ của Liên Sô và tan rã của Đông Âu làm nền kinh tế Việt Nam mất chỗ dựa. Khi Việt Nam bắt đầu buôn bán với Phưong Tây, Việt Nam gặp nhiều trở ngại lớn với những bạn hàng mới. Vào WTO, Việt Nam sẽ tránh được rất nhiều trở ngại như sau:

WTO bỏ quota/hạn ngạch về may mặc cho hội viên. Vào năm 2005, WTO bắt đầu bỏ quota trên hàng may mặc cho hội viên. Nếu Việt Nam không gia nhập WTO được sớm, thì Việt Nam không cạnh tranh được với những nước hội viên. Điều này có thể ảnh hưởng đến công ăn việc làm của hàng triệu công nhân.

Mậu dịch với Mỹ bấp bênh vì luật Jackson-Vanik tu chính.

Trong năm 2004, Việt Nam xuất cảng qua Mỹ trên 5 tỉ dollars. Đây là một con số rất lớn cho Việt Nam. Thị trường Mỹ là một thị trường rất quan trọng cho Việt Nam.

Nếu Việt Nam muốn giao thương với Mỹ được bền vững, Việt Nam cần được quốc hội Mỹ chấp nhận quy chế “Quan hệ mậu dịch bình thường lâu dài” với Mỹ. Tiếng Anh gọi là “permanent normal trade relations.” Trước đây người ta thường dùng từ tối huệ quốc, “most favored nation” thay vì “normal trade relations.”

Quan hệ mậu dịch bình thường

Những nước có Quan hệ mậu dịch bình thường lâu dài được 3 điều lợi: 1) thuế nhập cảng vào Mỹ thấp, 2) ngân hàng Mỹ được phép cộng tác trong việc mua bán, 3) không cần Tổng thống hay quốc hội Mỹ phê duyệt hàng năm và tránh bị lôi kéo bởi chính trị trong nước của Mỹ.

Jackson-Vanik tu chính

Nếu không được “Quan hệ mậu dịch bình thường lâu dài” thì cần có “Quan hệ mậu dịch bình thường tạm thời” hay là quan hệ mậu dịch bình thường từng năm một. Hiện giờ Việt Nam đang được quy chế mậu dịch này.

Việt Nam nằm trên danh sách của Jackson-Vanik và trước đây không được Quan hệ mậu bình thường với Mỹ. Nghĩa là hàng Việt Nam bị thuế cao và ngân hàng Mỹ không cộng tác trong mậu dịch.

Jackson-Vanik tu chính ra đời vào năm 1974 với mục đích tạo thay đổi chính sách nhân quyền của những nước xã hội chủ nghiã, có nền kinh tế không thị trường, và thưòng tạo khó khăn cho những người dân muốn di dân qua Phưong Tây. Việt Nam nằm trên danh sách của Jackson-Vanik và trước đây không được Quan hệ mậu bình thường với Mỹ. Nghĩa là hàng Việt Nam bị thuế cao và ngân hàng Mỹ không cộng tác trong mậu dịch.

Mỗi năm tổng thống Mỹ phải phê duyệt tình hình nhân quyền của Việt Nam. Nếu không có vi phạm trầm trọng và quốc hội không chống đối, tổng thống tạm không áp dụng luật Jackson-Vanik, và Việt Nam được quy chế mậu dịch bình thường thêm một năm nữa. Đây là một bấp bênh lớn cho Việt Nam, vì chính trị Mỹ Việt có nhiều điều mâu thuẫn.

Trong tiến trình gia nhập WTO, Việt Nam có thể giải quyết được sự khó khăn này.

Làm sao giữ được lòng dân

Phương tây không chấp nhận những nền kinh tế không thị trường. Ví dụ, Mỹ dùng lý do kinh tế không thị trường để đánh thuế cá basa nhập vào Mỹ. Trong sự gia nhập WTO, Việt Nam đang tìm cách thay đổi mô hình kinh tế quốc doanh để sẽ không còn bị gọi là kinh tế không thị trường trong tương lai. Làm sao giữ được lòng dân. Cái thành công nhất của đảng CS Việt Nam trong 6 thập niên qua là những chiến thắng quân sự, và những chiến thắng này bắt đầu nhạt dần trong lòng người dân. Đảng CS Việt Nam đang noi gương Trung Quốc và Singapore để giữ lòng dân. Chính quyền hai nước ấy là chính quyền một đảng, và được dân ủng hộ vì Kinh tế của họ càng ngày càng tốt hơn.

Khi Việt Nam đàm phán với Mỹ về hiệp ước song phương, nhiều người cho rằng Việt Nam sẽ không đủ sức cạnh tranh với Mỹ. Việt Nam hiện rất thành công trong giao thương với Mỹ và Đảng CS Việt Nam hy vọng là Việt Nam sẽ thành công ít nhất là tương tự như thế sau khi gia nhập WTO. Sự thành công kinh tế này sẽ giúp ĐCS giữ được lòng dân.

chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm. Xin gửi E mail về Vietnamese@www.rfa.org hay gọi điện đến 202 530 7775.

Vừa rồi là cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và Tiến sĩ Trần Văn Hiển về sự cần thiết phải gia nhập WTO của Việt Nam, là phần thứ ba của loạt bài phân tích kinh tế về Việt Nam và WTO. Kỳ tới ông Hiển sẽ trình bày về tổ chức WTO, mong quý thính giả đón nghe. Cũng xin nhắc rằng ý kiến của giáo sư Hiển không nhất thiết phản ánh quan điểm của ban Việt ngữ đài Á châu tự do, và chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến đóng góp thêm. Xin gửi E mail về vietnamese@www.rfa.org hay gọi điện đến 202 530 7775.

Theo dòng sự kiện

- Việt Nam và WTO (II)

- Việt Nam và WTO (I)

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.