Thái độ của giới trẻ Việt Nam đối với Olympic Bắc Kinh?

Hôm 29-4-2008, ngọn đuốc Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 đựơc rước qua TP.HCM trước khi tiếp tục băng qua Châu Á để đến chặng dừng cuối cùng là lễ khai mạc Olympic tại Bắc Kinh vào ngày 8-8.
Trà Mi, phóng viên đài RFA
2008.05.01

080429-Bieutinh2_HaNoi_305.jpg
Công an xô xát với người biểu tình gần chợ Đồng Xuân, Hà Nội. Nhiều người dân từ các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình đã tập trung về Hà Nội biểu tình hôm 29-4-2008 để phản đối Trung Quốc.
Hình do các nhà dân chủ trong nước cung cấp.
Ngọn đuốc này được xem là đáng chú ý nhất trong lịch sử Thế Vận vì theo sau nó là làn sóng biểu tình phản đối Trung Quốc vi phạm nhân quyền cũng như chính trị hoá sự kiện thể thao toàn cầu.

Thái độ của giới trẻ Việt Nam đối với Olympic Bắc Kinh ra sao? Đó cũng là đề tài cuộc thảo luận hôm nay với 4 thanh niên trong và ngoài nước sau đây:

 

Châu : Em tên là Châu. Em đang ở Thành Phố Hồ Chí Minh ạ.

Dũng : Em là Dũng ở Hà Hội.

: Mình tên là Tú, hiện đang sinh sống tại Thành Phố Hồ Chí Minh.

Minh : Em là Minh. Em đang học tại Pháp.

Đuốc Olympic và Nhân quyền

Trà Mi : Cái thông tin các bạn nhận được về sự kiện Olympic Bắc Kinh như thế nào? Cái cảm nhận, cái sự quan tâm của các bạn về sự kiện này ra sao?

Châu : Mình tên là Châu. Mình xin được có ý kiến về cái sự kiện Olympic Bắc Kinh 2008, thì cái sự kiện này thật sự cũng là một sự kiện lớn diễn ra 4 năm 1 lần, thì báo đài, tivi, thậm chí là những chương trình của quốc tế cũng đưa tin về sự chuẩn bị của Trung Quốc về sự kiện này. Mình thấy công tác chuẩn bị của họ rất là chu đáo, hy vọng là họ sẽ tổ chức thành công Olympic năm 2008.

Trà Mi : Cảm ơn ý kiến của Châu. Thế còn các bạn khác, các bạn biêt gì về thông tin Olympic Bắc Kinh, bạn có thể chia sẻ thêm với những bạn ở đây.

Dũng : Tôi có ý kiến ạ.

Trà Mi : Mời anh Dũng.

Dũng : Gần đây thì báo đài cũng đưa tin là Thành Phố Hồ Chí Minh 29 tháng 4 này có rước ngọn đuốc. Mình cảm nhận là một phần nào tự hào, nhưng có nhiều vấn đề trên thế giới đang rất là xôn xao về cái chuyện là chống ngọn đuốc này. Cũng là lần đầu tiên tôi cảm thấy lễ rước đuốc có nhiều vấn đề như vậy, nó không được bình thường như các năm khác.

Chủ quyền lãnh thổ của quốc gia thì đương nhiên là mỗi người Việt Nam chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ, đều có trách nhiệm lên tiếng nói cả. Nhưng mà bản thân Trung Quốc muốn đưa mục đích chính trị vào đây thì bản thân Trung Quốc đã không hay trong vấn đề này rồi.
Châu, Sài Gòn

Trà Mi : Vâng. Thông tin mà anh Dũng đưa ra thì các bạn khác có được biết không?

: À, thì mình cũng biết là một số thông tin là như vậy. Olympic Bắc Kinh thì thực ra nó là một sân chơi thể thao đúng là nên có.

Trà Mi : Đó là chia sẻ của anh Tú. Thế còn Minh, từ Pháp, bạn có những chia sẻ gì đối với các bạn trong nước?

Minh : Mình biết rằng là Olympic đúng là một sân chơi thể thao, thế nhưng điều mà em thấy rất là không thể hiểu nổi là cái bản đồ mà Trung Quốc công bố về Olympic lại có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trong lãnh thổ của Trung Quốc. Đó là điều mà em cảm thấy không bình thường một chút nào.

Ngoài ra thì em thấy, ví dụ như tại Paris vừa rồi em có đi tham gia rất là đông, người Pháp, người dân Tây Tạng, người dân Việt Nam, họ tập trung tại địa điểm rước đuốc để phản đối. Tây Tạng thì họ phản đối về vấn đề nhân quyền, còn Việt Nam thì phản đối vấn đề Trường Sa - Hoàng Sa, và nhân dân Pháp thì tất cả mọi người đều phản đối về vấn đề nhân quyền.

Ranh giới giữa Thể thao và Chính trị

Trà Mi : Những thông tin liên quan tới những làn sóng phản đối ngọn đuốc Olympic Bắc Kinh thì các bạn ở Việt Nam, các bạn có nghe tới qua báo đài - truyền thông ở Việt Nam, những thông tin này các bạn có được biết tớí không?

Châu : Em là Châu. Mình nghĩ là cái thông tin này thực sự là nó cũng chưa chính thức được phổ biến nhiều lắm ở Việt Nam và cái thứ hai nữa, ý kiến của mình đó, mình nghĩ là cái vấn đề này là cái vấn đề khác biệt hoàn toàn so với vấn đề Trung Quốc công bố bản đồ. Vì đây là tinh thần Olympic, tinh thần thể thao, mà nếu như chúng ta lại đưa vấn đề này và chúng ta dựa vào đó để tẩy chay ngọn đuốc Olympic thì chúng ta vướng vào 1 trong 4 điều tối kỵ của Olympic: thứ nhút là vấn đề phân biệt chúng tộc, thứ hai là về doping, thứ ba là về chính trị, và thứ tư là về bạo lực trong thể thao. Như vậy là không hay.

Trà Mi : Ý của Châu đưa ra như vậy, các bạn khác có đồng tình hay là phản đối? Xin mời ý kiến của anh Dũng hay anh Tú.

Dũng : Tôi là Dũng, xin có ý kiến ạ. Ý kiến của Châu như vậy thì nó cũng có phần đúng. Thực sự là 4 tôn chỉ ấy là điều mà IOC người ta đưa ra từ cái thời Hy Lạp năm 1896 cơ, nhưng mà cái năm nay thì cảm thấy cái chính quyền ở bên Bắc Kinh họ gắn rất nhiều vấn đề chính trị vào.

Thứ nhất là họ đưa Trường Sa - Hoàng Sa vào cái bản đồ của họ tức cũng là cái việc họ gắn chính trị vào. Họ xác định chủ quyền hìn đảo đấy là của Trung Quốc. Cái điều này nó gây cái tổn hại về mặt quan hệ. Đấy là một cái vấn đề mà chính Trung Quốc đưa vấn đề chính trị vào thì nó không còn được fairplay như là cái tôn chỉ nữa.

Còn vấn đề Tây Tạng thì ở Phương Tây cái đợt này cũng là cách gây ra cái chuyện nhân quyền ở Trung Quốc lên. Bắt đầu từ cái vụ ông Steven Spielberg từ chối chuyện làm cố vấn cho lễ khai mạc Olympic Băc Kinh.

Trà Mi : Vâng. Những làn sóng phản đối sự kiện Olympic Bác Kinh cũng liên quan đến việc Bắc Kinh vi phạm nhân quyền hoặc là cái việc mà Bấc Kinh muốn bành trướng ảnh hưởng của mình về mặt chính trị hay là về mặt lãnh thổ qua hình ảnh của Olympic này, thì liên quan đến vấn đề anh Dũng vừa chia sẻ đó thì một trong số 6 người Việt Nam được vinh dự rước đuốc Olympic tại Sài Gòn là anh Lê Minh Phiếu. Anh là một nghiên cứu sinh tại Pháp. Hiện danh đã gửi một bức thư đến Uỷ Ban Olympic Quốc Tế để phản đối việc Bắc Kinh nchính trị hoá ngọn đuốc Olympic 2008. Cái thái độ của người trẻ Việt Nam với những việc làm của Bắc Kinh như vậy thì các bạn ủng hộ hay các bạn phản đối?

Châu : Mình là Châu. Thì đương nhiên là chủ quyền lãnh thổ của quốc gia thì đương nhiên là mỗi người Việt Nam chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ, đều có trách nhiệm lên tiếng nói cả. Nhưng mà bản thân Trung Quốc muốn đưa mục đích chính trị vào đây thì bản thân Trung Quốc đã không hay trong vấn đề này rồi.

Việt Nam chúng ta vẫn cứ tôn trọng cái tinh thần, cái tôn chỉ của thể thao là hay nhứt. Chúng ta nên để vấn đề chính trị bàn luận trong những dịp mà có thể thích hợp hơn.

Trà Mi : Mời ý kiến của các bạn khác. Các bạn có đồng tình hay là có phản biện gì thì xin mời các bạn đưa ra.

Tú : Em là Tú ạ.

Trà Mi : Mời anh Tú.

Tú : Cho mình hỏi là giả sử có bạn nào đó ở bên các nước Châu Phi thì các bạn đó có biết là Hoàng Sa - Trường Sa là thuộc về Việt Nam hay là Trung Quốc không? Chắc chắn là ít người biết được thông tiin đó, đúng không ạ?

Thì bây giờ như mình nói đó, thì cái mục đích đó là họ (Trung Quốc) đưa ra để khẳng định cái biên giới Trung Quốc là có thêm hai cái điểm đó (Hoàng Sa - Trường Sa), thì Việt Nam làm gì có cơ sở nào để mà khẳng định đó là của Việt Nam mình nữa?

NguyenTienNam_police_310.jpg
Sinh viên Nguyễn Tiến Nam bị công an khóa tay bóp cổ trước chợ Đồng Xuân Hà Nội hôm 29-4-2008, khi tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc nhân dịp đuốc Olympic Bắc Kinh được đón rước tại Việt Nam.
AFP PHOTO/RADIO NEW HORIZON.
Thành ra điều đó là thuần tuý về mặt chính trị thì họ đã áp đặt như vậy rồi, tức có cái thông điệp về chính trị ở trong đó.

Trà Mi: Cảm ơn ý kiến của anh Tú.

Dũng : Tôi cũng nhất trí quan điểm của anh Tú. Thật ra cái sân Olympic Bắc Kinh nó làm cái sân chơi cực kỳ lớn và cái kênh quảng bá của nó là ra toàn cầu. Khi Trung Quốc gắn cái này vào thì cũng là một cái họ đã tính toán rất kỹ, nó ảnh hưởng tới Việt Nam và các nước lân cận nữa.

Không phải riêng quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa, không phải chỉ mỗi Việt Nam và Trung Quốc là tranh chấp mà có cả Philippines, Đài Loan, Malaysia, cho nên các nước cũng cần phải lên tiếng để mà đem lại cái quyền lợi cho mình chớ không nên đợi nước tới chân mới nhảy.

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến nào khác muốn đóng góp hay là bổ sung thêm, mời các bạn.

Minh : Dù sao đó cũng là một bản đồ mà được coi là officiel (official - chính thức) và được trưng cho toàn bộ thế giới biết, và trong một thời gian dài sau này nó sẽ thành một vật chứng lịch sử. Đấy là điều mà các du học sinh ở Pháp phản đối, không muốn nó trở thành một vật chứng lịch sử sau này được sử dụng để chứng minh rằng Hoàng Sa - Trường Sa là thuộc Trung Quốc.

Trà Mi: Trước các ý kiến phản biện của Tú, Dũng và Minh, thì Châu có ý kiến nào khác?

Châu : Nếu như mà chúng ta đã nhận biết được cái bản đồ đó Trung Quốc đưa ra là chính thức như vậy thì chúng ta nên có văn bản chính thức gửi lên IOC để có cái ý kiến chính thức của Việt Nam là cái bản đồ của Trung Quốc đã bao gồm luôn cả phần đang tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì đề nghị IOC can thiệp.

Đây là một bản đồ mà được trưng cho toàn bộ thế giới biết, và trong một thời gian dài sau này nó sẽ thành một vật chứng lịch sử. Đấy là điều mà các du học sinh ở Pháp phản đối, không muốn nó trở thành một vật chứng lịch sử sau này được sử dụng để chứng minh rằng Hoàng Sa - Trường Sa là thuộc Trung Quốc.

Minh, du học sinh ở Pháp

Có thể là nếu như Trung Quốc muốn đưa bản đồ lên thì phải dẹp bỏ cái phần đang tranh chấp với Việt Nam ra, hoặc là nếu như mà có thoả thuận chính thức gì với Việt Nam thì Trung Quốc mới được phép làm như vậy. Nói chung là chúng ta không nên đưa những hành động chính trị vào làm không đẹp hình ảnh thể thao.

Dũng : Cái này nó cũng là cái phần mà thúc đẩy thêm cái lòng yêu nước để tất cả mọi người đều cảm thấy là có nghĩa vụ là phải đưa ra ý kiến của mình và giữ nguyên diện tích của tổ quốc, không bị ngoại bang xâm chiếm.

Thái độ cần có của thanh niên VN?

Trà Mi: Cộng đồng blogger tại  Việt Nam họ cũng đã có những thông tin muốn phát ra những lời kêu gọi, thì theo các bạn, các lời kêu gọi biểu tình đó có nên hay chăng? Thanh niên Việt Nam có nên tỏ thái độ bằng cách biểu tình phản đối ngọn đuốc Bắc Kinh?

Châu : Theo mình là không nên biểu tình nhân cái dịp ngọn đuốc Bắc Kinh diễn hành qua Thành Phố Hồ Chí Minh, bởi vì hình ảnh ngọn đuốc đó nó không có tội gì cả. Thanh niên Việt Nam chúng ta có thể ký tên ủng hộ bảo vệ lãnh thổ Việt Nam, đưa ra tiếng nói của giới trẻ Việt Nam.

Trà Mi: Dạ. Mời các bạn khác. Anh Tú, anh Dũng, Minh?

Tú: Mình là Tú. Cũng xin thưa các bạn là mình cũng là người có mặt trong các cuộc biểu tình trước Sứ Quán Trung Quốc ở Thành Phố Hồ Chí Minh đó, thì bây giờ mà mình lập lại lần thứ hai thì cảm giác của mình là không muốn tham gia nữa, bởi vì theo như mình nghĩ thì hãy để cho ngọn đuốc nó sáng để cổ vũ tinh thần thể thao.

Nhưng mà bạn có ý kiến rất hay là có thể ký tên, tất nhiên là được hay không thì chưa biết, nhưng mà hành động đó tôi nghĩ là nó nhẹ nhàng hơn và nó sẽ là có tiếng nói chung của cộng đồng nhiều người hơn. Chớ còn bây giờ mình biểu tình thì cuộc biểu tình đó nó chẳng làm được cái gì mà nó chỉ bêu xấu hình ảnh Việt Nam.

Trà Mi: Các bạn khác có ý kiến nào khác muốn thảo luận thêm?

Dũng: Thật ra thì ở Việt Nam mình cũng chưa quen chuyện biểu tình để mà biểu lộ cái ý kiến. Ở nước ngoài thì chuyện biểu tình là chuyện hoàn toàn hợp pháp và nó hoàn toàn bình thường, cái gì cần nói cứ nói, nhưng mà Việt Nam thì cái chuyện ấy là chuyện cực kỳ nhạy cảm, chỉ cần tụ tập sẵn sàng công an ra để giải tán thôi. Tôi nghĩ là tự mình chắc là không nên, không nên làm nữa bởi vì không tác dụng mấy. Mình có thể làm theo những cách khác.

Trà Mi: Những cái cách khác mà theo ý anh Dũng đề nghị là gì?

Dũng: Tức là mình có thể làm một cái hướng ký tên mang tính chính thống hơn.

Trà Mi: Thế còn Minh, Minh ở Pháp thì Minh thấy với cái không khí những gì diễn ra ở Pháp liên quan tới sự kiện Olympic Bắc Kinh này với những gì mà các bạn ở Việt Nam đề nghị thì Minh có ý kiến nào?

Minh : Thực ra việc biểu tình phản đối rước đuốc thì không hẳn là phản đối rước đuốc mà chỉ là bởi vì có cuộc rước đuốc đó, thì mình muốn nói lên rằng là tại sao lại có Hoàng Sa - Trường Sa trên bản đồ, chứ mình không phản đối cái đuốc đó, mình không phản đối cuộc rước đuốc đó.

Nhưng làm thế nào để nói được điều đó thì đúng là ở Việt Nam thể hiện biểu tình để nói lên một điều gì đó là một khái niệm gì đó rất là xấu và đáng sợ, nên bản thân em cũng không biết là nếu em ở Việt Nam thì em phải làm gì để nói lên ý muốn của em là họ phải bỏ cái Trưòng Sa - Hoàng Sa ra khỏi bản đồ của họ.

Trà Mi: Ý của Minh có phải là việc xuống đường biểu tình như vậy cũng là một cái hành động không có gì gọi là xấu mà chỉ là thể hiện quan điểm của mình, nhưng mà trong hoàn cảnh ở Việt Nam thì cái việc đó chưa được công nhận, chưa được nhìn với ánh mắt có thiện cảm cho nên nó cũng chưa mấy là một hành động có hiệu quả, phải không?

Minh : Vâng.

Vai trò của Nhà nước Việt Nam

Châu: Tại sao chúng ta không thông qua cái cơ quan đại diện của thanh niên Việt Nam, đó là Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Chúng ta có những kiến nghị chính thức kèm theo những bằng chứng lịch sử mà bên phía Việt Nam có cũng như là quốc tế cung cấp, rồi sau đó gửi đến Đại Sứ Quán Trung Quốc, Lánh Sự Quán Trung Quốc, nhân cái dịp ngọn đuốc Bắc Kinh này đi quan TP.HCM để nói về cái việc Mà Trung Quốc đưa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào trong cái bản đồ của Trung Quốc trong cái vụ Olympic Bắc Kinh 2008 này. Tại sao chúng ta không làm điều đó?

Ngoài ra chúng ta còn có thể ký tên trong những bản kiến nghị đó để trình cho không những Đại Sứ Quán Trung Quốc hay là Lãnh Sự Quán Trung Quốc, mà kể cả những đại sứ quán và lãnh sự quán có trụ sở tại Việt Nam. Thì chúng ta thể hiện cho cộng đồng quốc tế biết là đoàn viên thanh niên Viẹt Nam rất mong muốn cộng đồng quốc tế quan tâm, nhìn nhận một cách công bằng lãnh thổ Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.

Trà Mi: Một ý kiến rất là hay, nhưng mà liệu nó có khả thi không?

Tú: Ý kiến của bạn Châu nếu ở một nước khác thì nó hoàn toàn có thể xảy ra được, nhưng mà ở Việt Nam thì mình nghĩ nó là không thể, bởi vì Đoàn Thanh Niên Cộng Sản thì cũng nằm dưới Đảng Cộng Sản và cũng đều chịu sự điều khiển của một cơ quan cấp trên thôi, cho nên họ làm cái gì thì họ cũng phải nhìn trước nhìn sau và họ không thể hoàn toàn theo cái ý nguyện của thanh niên.

Đơn giản như báo Vietnamnet phóng lên bài viết về Trưòng Sa - Hoàng Sa rất là nhẹ nhàng rồi sau đó một thời gian ngắn thì tổng biên tập báo là Nguyễn Anh Tuấn bị ép từ chức. Đấy, cái chuyện kiểm duyệt báo chí trong nước rất nặng nề.

Minh : Về việc Hoàng Sa vào tay Trung Quốc thì nó cũng đã hai chục năm rồi, nhưng mà đến thời điểm này Việt Nam, đoàn, đảng cũn

Hanoi_Police_Protestors_042908_200.jpg
Công an vây bắt người biểu tình trước Chợ Đồng Xuân, Hà Nội hôm 29-4-2008. Hình do các nhà tranh đấu trong nước cung cấp.
g không hề có một ý kiến nào cả, và thậm chí trên đài - báo cũng không có. Vì vậy cho nên là muốn kêu gọi đoàn đảng để lên tiếng thì thực sự em cũng đồng ý với anh Dũng là có lẽ là không có.

Trà Mi: Châu thấy thế nào Châu?

Châu : Thì mình nói ở đây ra là theo cái phương pháp để chúng ta tiến hành cái công việc thực hiện lòng yêu tổ quốc, bảo vệ lãnh thổ một cách ôn hoà nhứt thì chúng ta vẫn có thể tiến hành công việc này vẫn hơn.

Mỗi chúng ta ở những đoàn cơ sở chúng ta nên có những kiến nghị trước, ví dụ như là một sinh viên ở trường đại học ý thức được vấn đề này, chúng ta có thể kêu gọi các bạn cùng lớp, cùng khoa, rồi sau đó mở rộng ra các khoa khác, rồi từ trường đại học này đến trường đại học khác, rồi chúng ta kiến nghị lên đoàn thanh niên của thành phố, đến đoàn thanh niên của trung ương.

Như vậy mình nghĩ vẫn có thể tiến hành được, nếu như chúng ta muốn làm thì chúng ta làm được thôi.

Dũng: Khó lắm anh ạ. Theo quan điểm của mình là khó. Mình có thể làm cách duy nhất được, có thể là có một tổ chức nào đứng ra, họ mang tính phi chính phủ một chút. Họ có thể đưa lên một diễn đàn nào đó của quốc tế, chứ còn qua chính thống thì khó.

Châu: Nếu như không có một tổ chức phi chính phủ nào đứng ra giúp Việt Nam như vậy thì bản thân chúng ta không làm gì cả hay sao? Liệu có một tổ chức phi chính phủ nào đứng ra để giải quyết cho một vấn đề của một dân tộc như vậy hay không?

Minh: Tổ chức phi chính phủ này thực chất chính do người dân Việt Nam đứng lên tổ chức chứ chẳng có tổ chức phi chính phủ nào ở bất kỳ nước nào giúp đỡ chúng ta hết. Tự chúng ta mà làm.

Tú: Bất kỳ một tổ chức phi chính phủ nào họ cũng không thể hiểu đất nước Việt Nam mình như thế nào, diễn biến quá khứ của Việt Nam ra sao, thì bây giờ tại sao mình không có một ban vận động cho rõ ràng hơn.

Dũng: Mình nghĩ là cần phải có sự hỗ trợ, tức là những phương tiện truyền thông ở nước ngoài thì cái hiệu quả của nó sẽ lơn hơn rất nhiều, tạo nên sức ép lên cính quyền Trung Quốc.

Châu: Mỗi thanh niên Việt Nam cứ để cái blog của mình, trên cái blog của mình là đề nghị Trung Quốc không để quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong bản đồ lãnh thổ của mình. Bạn nào biết tiếng Anh thì chúng ta cứ viết tiếng Anh. Mình nghĩ như vậy cũng là một hành động cũng có thể sẽ có tác động, không ít cũng nhiều.

Tú: Thí dụ cái blog ấy cũng tốt. Thực sự thì thanh niên Việt Nam hầu hết mọi người cũng đều biết chuyện này, đều bất bình, nhưng mà mình cũng chỉ biết với nhau thôi, cũng chả biết làm thế nào khác. Làm như thế nào? Vì mình còn vướng rất nhiều thứ, đụng đâu cũng vướng, làm cái gì cũng không được, thành ra rất là nản, thậm chí nói là buồn nữa đàng khác.

Châu: Đương nhiên là mỗi người Việt Nam chúng ta đều có tinh thần yêu nước hết, yêu tổ quốc hết, nhưng mà giới trẻ Việt Nam được tiếp cận với nhiều thông tin hơn, chúng ta có được nhiều nguồn thông tin để tham khảo hơn, thì chúng ta nên bình tĩnh suy xét vấn đề và chúng ta chọn cái phương án, cái giải pháp gọi là tốt nhứt.

Trà Mi : Các bạn vừa chia sẻ cảm nhận của mình về vấn đề chủ quyền đất nước liên quan tới sự kiên Trung Quốc và Olympic Bắc Kinh. Tóm lại thì Trà Mi hiểu là ý của các bạn là không phản đối sự kiện thể thao toàn cầu này mà chỉ phản đối những hành động lấn lướt của Trung Quốc.

Các bạn trẻ : Đúng ạ.

Trà Mi: Cảm ơn các bạn rất là nhiều về sự đóng góp cũng như thờì gian dành cho chương trình này.

Các bạn trẻ : Dạ, chào chị Trà Mi ạ.

 

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.