Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Vĩ


2007.07.07

Soạn giả Nguyễn Phương, đài RFA

Nói đến nghệ thuật cải lương là nói đến nghệ thuật ca và diễn. Người nghệ sĩ ca hay là nhờ dàn cổ nhạc đờn hòa điệu và hướng dẫn hơi ca. Nếu không có đờn cổ nhạc đệm theo thì ca sĩ sẽ mất đi phần hứng thú và cũng mất đi sức thu hút khán - thính giả, vì ca không có tiếng đờn, người nghe sẽ cảm thấy bớt phần hay, thiếu hấp dẫn.

Vanvi200.jpg
Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Vĩ. Hình của soạn giả Nguyễn Phương

Tuy việc làm của nhạc sĩ quan trọng như vậy nhưng các nhạc sĩ thường ngồi sau cánh gà hoặc ở dưới hầm dành cho dàn nhạc trước mặt tiền sân khấu, nơi người nhạc sĩ ngồi thường bị che khuất nên khán giả không thấy mặt người nhạc sĩ, cũng giống như khi in programme giới thiệu tuồng hát, người ta in quảng cáo hình của các nam nữ nghệ sĩ chớ không in hình của những người nhạc sĩ có mặt đờn trong đêm hát đó.

Thưa quý thính giả, Trong chương trình cổ nhạc của đài Á Châu Tự Do, Nguyễn Phương đã giới thiệu tiểu sử và thành tích hoạt động nghệ thuật của hơn bảy chục nghệ sĩ cải lương tài danh trong các thập niên 50, 60, 70. Hôm nay Nguyễn Phương xin giới thiệu nhạc sĩ Văn Vĩ, người đờn guitare phím lõm tài hoa mà các nghệ sĩ và các ông chủ hãng diã đều quí chuộng vì tiếng đàn bay bướm tuyệt diệu của anh đã chinh phục hàng triệu khán thính giả.

Nhạc sĩ cổ nhạc Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sanh năm 1929 tại xã Bình Đăng, nay là xã Bình Hưng, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Năm lên ba tuổi, Dậm bị bịnh ban trái không chửa trị được nên mù mắt. Ông thầy thuốc Bắc trị bịnh cho Dậm, lấy tên của vì sao Văn VĨ mà đổi tên cho Dậm.

Có lẽ là cơ duyên hay phận số, từ lúc Dậm mang tên Văn Vĩ, anh thích học đờn, năm 7 tuổi Văn Vĩ đã biết đờn đàn cò líu tức loại đàn cò nhỏ, khi gia đình của Dậm dời về ở Thuận Đông, Văn Vĩ học đàn với nhạc sĩ Bảy Thừa và thầy Tư Lai, sau đó Văn Vĩ học đàn guitare với thầy Tư Thìn và thầy Tư A ở Thủ Thiêm.

Nữ nghệ sĩ danh ca Út Bạch Lan kể lại, hồi nhỏ Út Bạch Lan và Văn Vĩ rất thân thiết vì mẹ của Văn Vĩ và mẹ của Út Bạch Lan là hai người bạn nghèo, kết nghĩa với nhau. Văn Vĩ lớn hơn Út Bạch Lan, lại biết đờn nên dạy cho Út Bạch Lan ca, rồi dẫn Út Bạch Lan đi ca dạo ở các chợ, các bến xe để xin tiền đem về giúp cho mẹ.

Nhờ đi đờn ca hát dạo đó mà Văn Vĩ và bé Út được nhiều nghệ sĩ đàn anh biết đến, họ đã giúp cho Văn Vĩ và bé Út những bước đầu đi vào con đường nghệ thuật. Cô Năm Cần Thơ và danh ca Thành Công hướng dẫn cho bé Út ca ở đài phát thanh Pháp Á và đặt cho nghệ danh là Út Bạch Lan. Hai nhạc sĩ Bảy Hàm và Hai Biểu giới thiệu Văn Vĩ đàn cho đài phát thanh Pháp Á.

Ngoài ra anh còn được mời đàn cổ nhạc cho các quán Ca nhạc Lạc Cảnh ở Cầu Ông Lãnh, quán ca nhạc Lệ Liểu ở giải trí trường Thị Nghè và quán ca nhạc Họa Mi ở giải trí trường Đại Thế Giới. Thời gian nầy Văn Vĩ vẫn tìm học thêm nhiều ngón đờn hay, chữ đờn lạ của các nhạc sĩ Ba Xây, Mười Út, Chín Thành.

Nhạc sĩ Văn Vĩ đàn cho gánh hát Minh Tinh, sau đó anh được mời làm nhạc trưởng ban cổ nhạc đoàn hát Kim Chung. Tại rạp hát Aristo, khi đoàn Kim Chung khai trương vở tuồng Bên Cầu Vọng Thê, kép chánh Hùng Cường ca rớt một câu vọng cổ, anh cho là Văn Vĩ trưởng ban cổ nhạc đã cố tình phá anh nên anh xông vô cánh gà, phía dàn nhạc, dùng kiếm đâm lũng thùng loa và đá bể dàn máy âm pli của Văn Vĩ. Hùng Cường còn lớn tiếng nhục mạ và hăm đánh Văn Vĩ.

Hội nghệ sĩ ái hữu, các ký giả kịch trường và các nghệ sĩ các gánh hát đang hát tại Saigòn đều lên tiếng binh vực cho nhạc sĩ Văn Vĩ và phê phán hành động vũ phu côn đồ của Hùng Cường. Lần trước, Hùng Cường đã đá em vệ sĩ Nguyễn Mỹ té xuống sân khấu ở đoàn hát Song Kiều. Lần đó các nghệ sĩ và báo chí kịch trường đã góp tiền giúp cho em Nguyễn Mỹ kiện Hùng Cường ra tòa.

Việc xét xử kéo dài nhiều tháng khiến cho ông bầu gánh Song Kiều đưa nghệ sĩ Thanh Sang thế vai kép chánh của Hùng Cường. Nay Văn Vĩ bị Hùng Cường nhục mạ và hành hung, báo chí kịch trường muốn giúp cho Văn Vĩ đi kiện Hùng Cường ra Tòa vì đây là lần tái phạm hành hung đồng nghiệp của Hùng Cường. Ông Bầu Long phải đứng ra dàn xếp vì ông không muốn mất một kép chánh. Ông buộc Hùng Cường phải xin lỗi Văn Vĩ, ông mua một bộ âm pli khác tốt hơn để bồi thường cho Văn Vĩ và yêu cầu Văn Vĩ đừng thưa Hùng Cường ra tòa.

Nhạc sĩ Văn Vĩ nể lời của Bầu Long, không kiện Hùng Cường nhưng anh thề sẽ không đờn cho các gánh hát cải lương nữa. Cho đến ngày anh mất, Văn Vĩ không cộng tác với đoàn hát cải lương nào nữa.

Thưa quý thính giả,

Khi Văn Vĩ đàn chẩm rãi thì tiếng nhạc nghe mượt mà sâu lắng, âm thanh như đi thẳng vào lòng người, khi Văn Vĩ đàn rất nhiều chữ đàn trong một khung nhịp thì chữ đàn dồn dập như gió táp mưa sa, tuy nhiên chữ đàn vẫn chính xác dù cho Văn Vĩ đờn với tốc dộ chạy chữ nhanh, chữ đờn vẫn rất trong và rất rõ. Khi Văn Vĩ đờn vuốt theo giây đàn, Văn Vĩ tạo ra âm thanh như tiếng của cây đàn cò hay đàn violon. Tiếng đàn nghe muợt mà như tiếng violon được kéo cung dài, chớ không đổ hột như người khải măng cầm.

Khi hòa đờn với các bạn đồng nghiệp, họ đờn quăng bắt với nhau rất là xôm, cũng một bản vọng cổ nhưng các nhạc sư đã biến tấu cho bản đờn như có thiên hình vạn trạng, người ca sĩ ca chắc nhịp sẽ thích thú vô cùng khi được ca quyện theo tiếng đàn của các nhạc sư. Người mới học ca hoặc ca không chắc nhịp, nghe Văn Vĩ cao hứng đờn với nhiều chữ lạ, tốc độ nhanh, sẽ cảm giác như lạc vào rừng âm thanh, hổn loạn không biết nhịp nhàng phải giữ ra làm sao. Hùng Cường ca rớt nhịp là vì nguyên nhân nầy.

Nhạc sĩ Văn Vĩ mở lớp dạy đờn và dạy ca cổ nhạc, đào tạo được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Út Bạch Lan, Thanh Hương, Đức Lợi, Vũ Linh, Tuấn Thanh, Bình Trang, Minh Trung, Minh Long, Tài Lương, Tấn An, Hoài Thanh, Hữu Tài, Thu Huệ…các nhạc sĩ học trò của Văn Vĩ có Văn Bền, Văn Hải, Minh Thảo, Huỳnh Khải và ba đứa con của anh đều thành nhạc sĩ tài danh Văn An, Văn Hậu và Văn Tài. Nhạc sĩ Huỳnh Khải, học trò của Văn Vĩ về sau lấy được bằng tiến sĩ cổ nhạc.

Người bạn đời của nhạc sĩ Văn Vĩ : cô Ngọc Thạch chính là người phụ tá đắc lực nhứt cho Văn Vĩ, làm cho lò cổ nhạc của Văn Vĩ nổi tiếng là một trường lớp có quy củ, có bài bản giáo án để giúp cho học sinh học ca hay đờn đều được dễ hiểu và mau tiến bộ.

Cô Ngọc Thạch, vợ của nhạc sĩ Văn Vĩ, đang là cô giáo dạy Pháp văn tại trường Hốc Môn Bà Điểm, nhân một buổi tham dự đêm văn nghệ gây qủy giúp trường mù Nguyễn Đình Chiểu, cô Ngọc Thạch đã say mê tiếng đàn tài hoa của Văn Vĩ nên cô nhất quyết thành hôn với Văn VĨ mặc dù cha mẹ cô ngăn cấm. Ngọc Thạch đã không chọn lầm người bạn đời của mình. Văn Vĩ với sự tiếp tay tận tụy của vợ hiền, đã có một cuộc sống hạnh phúc, vợ chồng chung thủy với nhau và có được ba người con trai hiếu thảo, nối được sự nghiệp của cha mẹ.

Ngoài việc nhạc sĩ Văn Vĩ đào tạo được nhiều nghệ sĩ danh ca và các nhạc sĩ tài ba, các nhạc sĩ nầy về sau cũng trờ thành nhạc sư, mở lớp dạy đờn, dạy ca nối theo chí hướng của Văn Vĩ.

Văn Vĩ còn đờn thu thanh nhiều dĩa đờn độc tấu guitare phím lõm và hòa tấu đờn ca cổ nhạc với các nhạc sĩ Sáu Tửng, Năm Cơ, Bảy Bá, Hai thơm,… Văn Vĩ đờn thu thanh với các nghệ sĩ tài danh Út Bạch Lan, Hùng Cường, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Thanh Sang… nhiều tuồng cải lương và những bài tân cổ giao duyên, đặc biệt nhất là Văn Vĩ và Năm Cơ là hai cây đàn đã giúp cho nghệ sĩ hài Văn Hường chiếm được ngôi vị cao nhất trong làng ca vọng cổ hài ở các thập niên 60, 70. Nhạc sĩ Văn Vĩ cũng được thính giả các đài phát thanh Saigon, đài quân đội ưa thích trong các chương trình cổ nhạc của đài..

Nhạc sĩ tài hoa Văn Vĩ và các nhạc sĩ đàn guitare phím lõm như Hoàng Huệ, Văn Còn, Hoàng Thành, Văn Hải… đã làm cho cây đàn guitare phím lõm ngày càng được khán thính giả ưa thích, vị trí của cây đàn guitare trở thành quan trọng hơn trong dàn đờn cổ nhạc, thậm chí khi đàn đệm cho ca sĩ ca thì chỉ cần một cây guitare cũng đủ gây hứng khởi cho ca sĩ và thính giả.

Văn Vĩ là một nhạc sĩ tài hoa, tánh tình vui vẻ, cởi mở, sống hài hòa với mọi người và có một trí nhớ dai kinh khủng. Nguyễn Phương và Yên Sơn chịu trách nhiệm phòng thu thanh của hãng dĩa Capitol, chúng tôi làm việc với Văn Vĩ và Năm Cơ trong các năm 1966, 1967.

Hãng diã Capitol bị cháy trong vụ Tết Mậu Thân 1968 nên ngưng hoạt động, Nguyễn Phương và Yên Sơn không thu thanh các hãng dĩa nữa. Tôi chuyển qua làm việc cho Ban Kich truyền Hình và không có dịp gặp mặt hay làm việc chung với Văn Vĩ.

Vậy mà đến năm 1984, tôi đi dự tiệc cưới của cháu anh soạn giả Văn Giai, vừa bước vô cửa, tôi cất tiếng chào Văn Giai, Văn Vĩ nghe giọng nói của tôi, anh đã mở lời hỏi : Ủa Nguyễn Phương còn ở đây sao? Gần hai chục năm không gặp nhau, chỉ mới nghe tiếng nói, anh Văn Vĩ đã nhận ra được tiếng nói của người bạn cũ.

Nhạc sĩ Văn Vĩ mất năm 1985, hưởng dương được 56 tuổi. Kho tàng cổ nhạc VIệt Nam còn ghi lại được phong cách diễn tấu xuất thần, tài hoa của danh cầm Văn Vĩ.

Thưa qúy thính giả, chương trình cổ nhạc đến đây tạm kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn giờ nầy tuần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/08/2019 21:17

rất hay xin cảm ơn tác giả
https://youtu.be/Pg6GKotye8E