Phương Uyên nhận án treo, Nguyên Kha được giảm án

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013.08.16
phuonguyen08162013-600 Phương Uyên và bạn bè ngay sau khi được trả tự do.
T.A gửi RFA

 

Phiên xử phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha diễn ra đúng như thông báo vào ngày hôm nay 16 tháng 8. Có nhiều diễn biến quanh việc xử án tại Long An đáng chú ý.

Biểu tình-phát tài liệu nhân quyền

"...Phương Uyên Vô tội.... Nguyên Kha Vô tội.... Tự do cho Phương Uyên, Tự do cho Nguyên Kha.... Tự do cho dân tộc Việt Nam.... Đả đảo Trung Quốc xâm lược.... Đả đảo cầm quyền bán nước.... Đả đảo tay sai bán nước.... Đả đảo tham nhũng, cướp đất của dân.... Đả đảo làm nghèo đất nước.... Đả đảo tham nhũng làm rối loạn đất nước...."

Đó là tiếng hô của những người thân cũng như những người đến Long An trong ngày 16 tháng 8 để bày tỏ sự ủng hộ đối với hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha trong ngày diễn ra phiên phúc thẩm 16 tháng 8.

Hoạt động biểu tình tuần hành đã diễn ra vào lúc khoảng sau 10 giờ sáng và trước 2 giờ chiều khi những người ủng hộ từ Coopmart đi đến khu vực tòa án Long An.

Bắt người- Đòi người

Thông thường dù lâu nay những phiên tòa chính trị như vụ phúc thẩm hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha vào ngày 16 tháng 8 được nói là công khai; nhưng chỉ có cha mẹ hoặc anh chị em rất giới hạn của những người bị đưa ra xét xử mới được vào phòng xử án.

Một điểm khác trong phiên xử phúc thẩm ngày 16 tháng 8 ở Long An, cả cha mẹ của hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha cũng không được cho vào tòa.

Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại phiên tòa sơ thẩm hôm 16.05.2013.
Hai sinh viên Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha tại phiên tòa sơ thẩm hôm 16.05.2013.
AFP
Một số trong cả trăm người đến Long An ủng hộ cho hai sinh viên ra tòa ở Long An vào ngày 16 tháng 8 đã bị lực lượng an ninh, công an địa phương bắt đi.

Vào lúc 10 giờ 15 sáng, bà Dương Thị Tân cho biết về những người bị bắt đi như sau:

Những người đó là anh Kha Lương Ngãi, trong nhóm trí thức, anh Trương Văn Dũng ở Hà Nội và anh Nguyễn Viện ở Hà Nội, chị Trần thị Nga ở Hà Nam và đứa con nhỏ. Họ bắt đưa đi rồi. Họ nghỉ để nghị án, chị em chúng tôi đi tìm những người đó.

Đến 11 giờ, bà Bùi thị Minh Hằng cũng thông tin thêm:

Có một bác nông dân bật khóc khi nhìn thấy đoàn biểu tình của chúng tôi. Chúng tôi hô rất to: đả đảo Trung Quốc xâm lược, đả đảo tay sai bán nước, đả đảo những kẻ tham nhũng làm nghèo đất nước, đả đảo những kẻ làm rối loạn đất nước này. Đồng thời lúc đó chúng tôi cũng phát cẩm nang thực thi quyền con người. Lúc đó một tay ác ôn xông vào xé tan cẩm nang này và chửi bậy. Hắn chửi chúng tôi ‘Đòi quyền làm người à!’

Không có luật sư bào chữa

Như thông tin đã loan, Đinh Nguyên Kha trước phiên xử đã có đơn không tiếp tục yêu cầu luật sư bào chữa cho bản thân tại phiên phúc thẩm. Còn Nguyễn Phương Uyên đến ngày trước khi phiên xử diễn ra vẫn chưa có quyết định gì về điều đó.

Tuy nhiên tại tòa Nguyễn Phương Uyên đã có quyết định tương tự. Luật sư Hà Huy Sơn, người đến bào chữa cho Nguyễn Phương Uyên tại phiên phúc thẩm vào lúc 10 giờ sáng 16 tháng 8 cho biết lại sự việc như sau:

Vị đại diện Viện kiểm sát hỏi tại sao Kha từ chối 2 luật sư, Kha có nói muốn giảm tội, giảm nhẹ và cũng nhiều lý do khác. Sau đó đến phần Phương Uyên, người ta cũng hỏi và Phương Uyên nói sẽ tự bào chữa ở tòa và không cần đến 2 luật sư.
- Luật sư Hà Huy Sơn

"Vị đại diện Viện kiểm sát hỏi tại sao Kha từ chối 2 luật sư, Kha có nói muốn giảm tội, giảm nhẹ và cũng nhiều lý do khác.

Sau đó đến phần Phương Uyên, người ta cũng hỏi và Phương Uyên nói sẽ tự bào chữa ở tòa và không cần đến 2 luật sư, tức từ chối luật sư Nguyễn Thanh Lương và tôi.

Nhưng họ không hỏi lý do tại sao. Họ cũng hỏi Kha và Uyên là có bị ai ép không, cả Kha và Uyên đều nói là tự nguyện. Còn sự thật như thế nào thì…"

Phán quyết

Ngay sau khi tòa tạm nghỉ lúc 10:30 sáng, các facebookers cho biết tin từ trong tòa cho hay Viện Kiểm sát đề nghị giữ nguyên mức án 6 năm đối với Nguyễn Phương Uyên, giảm mức án của Đinh Nguyên Kha từ 8 năm xuống còn từ 5 đến 6 năm.

Tuy nhiên đến 4:20 giờ, tòa kết thúc và mức án được thông tin là Nguyễn Phương Uyên chỉ còn 3 năm cho hưởng án treo và được trả tự do tại tòa, Đinh Nguyên Kha giảm phân nửa còn 4 năm và 3 năm quản chế.

Luật sư Nguyễn Thanh Lương cho biết:

(Cười) Có nhiều tình huống bất ngờ: Cô Nguyễn Phương Uyên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, trả ngay tự do tại phiên tòa; còn Đinh Nguyên Kha 8 năm giảm phân nửa. Phương Uyên chịu 52 tháng thử thách. Đối với Đinh Nhật Uy thì được trả lại một số tài sản…

Phản ứng

Khi nghe tin về các mức án tòa tuyên, nhiều người tỏ ra vui mừng. Việc trả tự do ngay tại tòa cho Nguyễn Phương Uyên phù hợp với kêu gọi mà nhiều người, trong đó có cả những vị nhân sĩ trí thức lâu nay từng đưa ra vì cho rằng những hành động của Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha xuất phát từ lòng yêu nước như thế cần phải được tuyên dương chứ không thể bỏ tù họ được.

Họ cho rằng nhà nước có bước nhân nhượng trước những áp lực của dư luận. Ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch, cũng ra thông cáo nói về việc giảm án như sau:

Chắc hẳn áp lực quốc tế đã có tác động nào đó đối với kết quả này, và điều đó cho thấy rằng nếu việc thúc đẩy kiên trì về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam sẽ có kết quả tích cực. Cộng đồng quốc tế nên học kinh nghiệm này và tăng gấp đôi nỗ lực yêu cầu chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền dân sự và chính trị của người dân trong nước họ. Trong khi kết quả hôm nay ngoài mong đợi, nhưng điều đó không thể làm thay đổi sự thực là hai sinh viên trẻ ngay từ đầu không thể bị kết tội và bỏ tù như thế.

Rõ ràng gia đình Phương Uyên vui mừng về việc em này được trả tự do, nhưng án treo ba năm vẫn lơ lửng trên đầu, và một bước lầm lẫn nào cũng có thể ngay lập tức đưa em lại vào nhà tù. Còn đối với Đinh Nguyên Kha, cơ quan chức năng Việt Nam cũng phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho em này. Điều mà chúng ta đang cố gắng hình dung vì sao tòa án lại hành động như cách hôm nay cho thấy một thực tế lâu nay- đó là tòa án và ngành tư pháp tại Việt Nam hoàn toàn mù mịt được kiểm soát bởi nhà cầm quyền và đảng cai trị.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.