Doanh nghiệp nhà nước sử dụng vốn như thế nào?

Vấn đề sử dụng đồng vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước hay các tập đoàn kinh tế luôn là câu hỏi được mọi người quan tâm.
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2012.04.12
Toa-nha-cao-tang----Tong-cong-ty-Hang-hai-VN-305.jpg Tòa nhà trụ sở Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/07/2011.
RFA PHOTO


Vì xét cho đến cùng tiền vốn những doanh nghiệp này sử dụng chính là tiền thuế mà người dân đóng góp cho Chính phủ. Vậy nhưng, tính hiệu quả sử dụng đồng vốn này ra sao? Vũ Hoàng tổng hợp và trình bày trong phần sau.

Xương sống nền kinh tế

Với vai trò là xương sống trong nền kinh tế, khối doanh nghiệp Nhà nước và tập đoàn kinh tế nhận được rất nhiều ưu đãi của Chính phủ từ khâu vay vốn tín dụng, quyền sử dụng đất cho đến các nghĩa vụ về thuế. Thế nhưng, hàng loạt thua lỗ, thất thoát lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng liên tục xuất hiện gần đây của các tập đoàn kinh tế, khiến dư luận không khỏi giật mình về năng lực quản lý vốn Nhà nước và sự thiếu trách nhiệm cá nhân của các cấp quản lý trước mồ hôi công sức mà người dân bỏ ra.

Cần phải giảm bớt các hoạt động đa ngành, các tập đoàn lớn chỉ tập trung vào những lĩnh vực được giao nhiệm vụ, chứ không được phép đầu tư đa ngành.

TS Nguyễn Minh Phong

Phải chăng những kết quả thất vọng này bắt nguồn từ những buông lỏng quản lý vốn Nhà nước, thiếu cơ chế giám sát sử dụng tiền vốn cũng như các chế tài xử lý còn yếu kém hay chính là từ khả năng quản lý kém cỏi và lòng tham của mỗi cá nhân.

Khái niệm “lời ăn, lỗ chịu” dường như đang dần được thay thế bởi “lời ăn, lỗ dân chịu” khi câu chuyện Vinashin vỡ nợ gần 70.000 tỉ đồng được đi kèm với hàng loạt những sai phạm của Tổng Công Ty Sông Đà trên 10.000 tỉ đồng, của Tổng công ty Dầu khí trên 18.000 tỉ đồng, thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng của tổng công ty Điện Lực, chưa kể vụ thua lỗ 3.000 tỉ đồng của Công ty cho thuê Tài chính 2, thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hồi năm ngoái. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ, sai phạm và gây hậu quả kinh tế nghiêm trọng chính là do khả năng quản lý đồng vốn.

Theo lời của Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung phát biểu tại diễn đàn “Kinh tế Việt Nam năm 2012: Khởi động mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế” mới diễn ra hôm 9/4 cho thấy, các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay không chịu sự chi phối của nguyên tắc “lời ăn, lỗ chịu” vì họ không phải là đối tượng của phá sản, do chiếm độc quyền hoặc thống trị trong các ngành quan trọng của nền kinh tế. Theo lời ông Cung, thì các tập đoàn, tổng công ty luôn có quan hệ chặt chẽ về chính trị với các cán bộ lãnh đạo, thế nến nếu khiếm khuyết hay thất bại xảy ra, thì họ thường được giảm nhẹ về quy mô và mức độ.

Tap-doan-than-khoang-san-250.jpg
Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 18/11/2011. RFA PHOTO.
Về góc độ kinh tế, để đánh giá hiệu quả đồng vốn sử dụng, người ta áp dụng hệ số sử dụng vốn (gọi tắt là ICOR) để xem bao nhiêu vốn bỏ ra nhằm sản xuất một mặt hàng nào đó, nếu chỉ số ICOR càng thấp thì càng tốt. Thế nhưng, khi so sánh 3 khu vực chính là Nhà nước, ngoài Nhà nước và đầu tư nước ngoài thì thấy khu vực Nhà nước luôn có chỉ số này cao nhất, trong giai đoạn 2006 – 2010, con số của 3 khu vực kể trên lần lượt là 10, 4 và 6. Những con số biết nói trên, phần nào đã giải thích lý do vì sao khối doanh nghiệp Nhà nước luôn kém hiệu quả nhất trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư.

Bằng chứng rõ ràng đó là sự đầu tư dàn trải, thậm chí là không qua thủ tục giám định về đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư như của Vinashin, như của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Chẳng hạn, tại tập đoàn dầu khí Việt Nam, tỉ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư bình quân trong 5 năm trở lại đây của lĩnh vực chính xăng dầu là gần 30% trong khi các ngành nghề như bất động sản, tài chính, bảo hiểm chỉ gần 3%.

Nhận xét về những dự án đầu tư phiêu lưu không dính dáng đến ngành nghề kinh doanh của mình T.S Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu Viện Nghiên cứu KT – XH Hà Nội cho biết:

“Cần phải giảm bớt các hoạt động đa ngành, các tập đoàn lớn chỉ tập trung vào những lĩnh vực được giao nhiệm vụ, chứ không được phép đầu tư đa ngành, theo kiểu chụp giật và kiểu tranh thủ cơ hội.”

Lời ăn, lỗ dân chịu

Người ta hỏi rằng trong tất cả các vụ việc này thì đảng ủy ở đâu? Ban kiểm tra ở đâu? Ban giám sát ở đâu? Và trách nhiệm của chủ sở hữu như thế nào?

TS Lê Đăng Doanh

Trên góc độ quản lý kinh tế, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có chế tài đối với loại hành vi thuộc về năng lực quản trị, điều hành, sử dụng hay huy động nguồn vốn. Mặc dù đã có nghị định 09/2009/ NĐ-CP về quản lý tài chính các công ty Nhà nước, nhưng với vai trò là chủ sở hữu nguồn vốn, Nhà nước lại chưa thể giám sát được các DNNN hoạt động có đúng qui cách hay không.

Theo phân tích của Luật sư Lê Cao, thuộc công ty FDVN thì Nghị định trên có qui định “đại diện chủ sở hữu công ty Nhà nước” là Thủ tướng, Bộ trưởng các ngành, chủ tịch UBND tỉnh thành… thế nhưng, trong hầu hết các trường hợp, những người “đại diện” đều ủy quyền cho những người khác thực hiện nghĩa vụ thay mình. Và chính do những điều kiện dễ dàng như vậy, mà mới xuất hiện những Phạm Thanh Bình của Vinashin làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền mồ hôi xương máu của người dân. Chính thiếu sự giám sát, kiểm tra nghiêm ngặt nên các tập đoàn kinh tế có cơ hội màu mỡ để biến tài sản của Nhà nước thành tài sản tư lợi, biến dự án công trình công cộng thành phục vụ lợi ích cho một thiểu số nhóm người hưởng lợi.

Nhận xét về hoạt động giám sát việc sử dụng vốn của các doanh nghiệp Nhà nước, T.S Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương cho biết nhận xét của ông:

“Người ta hỏi rằng trong tất cả các vụ việc này thì đảng ủy ở đâu? Ban kiểm tra ở đâu? Ban giám sát ở đâu? Và trách nhiệm của chủ sở hữu như thế nào? Thí dụ như trong thời gian bổ nhiệm anh thì anh có nâng cao lợi nhuận bao nhiêu, giảm chi phí bao nhiêu, hiện đại hóa công nghệ bao nhiêu… Tất cả cái đó phải có cam kết và bổ nhiệm người vào vị trí đó là để nhằm thực hiện cam kết đó chứ không phải bổ nhiệm rồi ông ta muốn làm gì thì làm.
Trong tình hình hiện nay, những thất thoát như vậy đã làm tổn hại cho nền kinh tế và chưa ai biết đựơc rằng đằng sau Vinashin thì sẽ còn có đại gia thiếu gia nào nữa đang sắp hàng.”

Tap-doan-xang-dau-12-250.jpg
Trụ sở Petro Việt Nam tại Hà Nội hôm 24/12/2011. RFA PHOTO.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” mặc dù có thể nhận thấy để những hành động sai lầm, trục lợi cá nhân trong việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước là do công tác giám sát, chế tài pháp luật, nhưng về bản chất sâu sa của những sai phạm vẫn chính là trách nhiệm và năng lực của những con người tại các tập đoàn kinh tế. Tại nhiều phiên họp Quốc hội, việc doanh nghiệp NN “lời ăn, lỗ dân chịu” từng được mổ xẻ và truy cứu trách nhiệm cá nhân. Thế nhưng vì tư lợi cá nhân, vì những mối quan hệ chồng chéo, vì đồng tiền hoa mắt mà những “con sâu” này vẫn bất chấp cố tình sai phạm, ngang nhiên hưởng thụ trên mồ hôi công sức người khác.

Để những “con sâu” này mặc sức tung hoành, phải chăng do một cơ chế quản lý cán bộ gây ra, T.S Nguyễn Minh Phong thừa nhận:

“Chính cơ chế cán bộ và cơ chế tuyển chọn cán bộ chưa hoàn hảo, gây ra tình trạng nhiều cán bộ quyền thì to nhưng năng lực và trách nhiệm cũng như kết quả họ mang lại không tương xứng với kỳ vọng và mong đợi và cả vị trí của họ. Thậm chí, trường hợp của Vinashin thì lãnh đạo tập đoàn này đã tạo ra những hệ quả nặng nề và đã bị trừng phạt.”

Ngoài ra, T.S Phong còn lấy thí dụ tại một số quốc gia như Nga hay Trung Quốc, họ thuê hẳn những nhà quản lý nước ngoài có kiến thức về kinh tế, tài chính để quản lý những tập đoàn kinh tế, không để những cán bộ đang làm công tác chuyên môn kiêm nhiệm cả công việc quản lý doanh nghiệp NN.

Có thể nói, quản lý nguồn vốn Nhà nước vẫn là câu chuyện dài hơi, nó không chỉ bắt nguồn từ những cơ chế, chính sách, năng lực cá nhân mà xét cho đến cùng đó là cái tâm của người sử dụng đồng tiền người khác giao phó cho mình là trong sáng hay vẩn đục.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.