9 triệu tấn lúa hè thu không lỗ là may

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2013.06.07
Nông dân mùa gặt Nông dân mùa gặt. AFP
AFP

Nghe bài này

Thị trường xuất khẩu bế tắc lúa ế gạo rẻ, đến độ Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong nói trong cuộc họp báo ngày 4/6 tại TP.HCM: “lúc này chưa nên đặt vấn đề bảo đảm nông dân có lãi 30% hay không mà là làm sao bán được lúa gạo.”

Chủ tịch VFA đã phát biểu như vậy do có dự báo không sáng sủa về tiêu thụ lúa gạo cho vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân ở khu vực này đã canh tác khoảng hơn 1,1 triệu héc ta cho vụ lúa lớn thứ nhì trong năm, với sản lượng dự kiến hơn 9 triệu tấn lúa.

Không có chiến lược trong vấn đề xuất khẩu

Nhận định về tình trạng này, ông Bùi Kiến Thành chuyên gia kinh tế tài chính từ Hà Nội phát biểu:

“Ở Việt Nam này mỗi khi được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa. Đó là hậu quả của vấn đề quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả. Có nhiều khi mùa được thặng thu nhưng giá thị trường nó rớt, rớt trên thị trường thế giới, rớt trên thị trường trong nước thì Nhà nước cũng có chính sách bỏ tiền ra để cho các tổ chức như lương thực miền bắc, lương thực miền nam vay vốn để mua tích trữ 1 triệu tấn để hỗ trợ giá cho nông dân khỏi bị rớt giá. Có chính sách hỗ trợ giá như thế nhưng nó chưa được hiệu quả lắm. Vấn đề của Việt Nam là chưa tổ chức được thị trường để cho nhân dân có thể có được một chính sách ổn định giá cả. Không riêng gì lúa gạo, các nông sản khác cũng vậy.”

Theo lời chuyên gia Bùi Kiến Thành, Việt Nam chưa có chiến lược trong vấn đề xuất khẩu, thí dụ đương khó khăn chưa bán được hàng, thì thương lái và các nhà xuất khẩu hạ giá xuống. Nhà nhập khẩu nước ngoài trả giá 520 USD/tấn thì có người chịu bán 510 USD, người khác bán 500 USD thậm chí 490 USD. Quyết định của một số doanh nghiệp xuất khẩu gây ra thiệt hại cho thị trường và nông dân.

Ở Việt Nam này mỗi khi được mùa thì mất giá mà được giá thì mất mùa. Đó là hậu quả của vấn đề quản lý thị trường chưa thực sự hiệu quả...Vấn đề của VN là chưa tổ chức được thị trường để cho nhân dân có thể có được một chính sách ổn định giá cả.

ông Bùi Kiến Thành

Theo Kinh tế Saigon Online, ngày 5/6 Thủ tướng Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy ra gạo vụ hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long từ 15/6 đến hết ngày 31/7/2013. Quyết định nói rõ, một triệu tấn qui ra gạo mua tạm trữ gồm lúa thường, gạo thường và lúa thơm, gạo thơm, tỷ lệ qui đổi là 2 lúa: 1 gạo và VFA tiếp tục được Chính phủ giao thực hiện kế hoạch tạm trữ. Cũng như mọi lần mua tạm trữ trước kia, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được cấp bù lãi suất tối đa là 3 tháng kể từ 15/6.

Nông dân dùng ghe lớn để chuyển lúa gạo đến các kho dự trữ, hoặc đem bán
Nông dân dùng ghe lớn để chuyển lúa gạo đến các kho dự trữ, hoặc đem bán
AFP

Khác với những vụ lúa các năm trước, doanh nghiệp tranh nhau chỉ tiêu mua tạm trữ để được vay tiền ngân hàng không mất lãi. Năm nay, một ngày trước khi quyết định của Thủ tướng chính thức ban hành, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong được báo SGGP Online trích lời nói rằng, do gạo vụ đông xuân cũng có chương trình tạm trữ nhưng doanh nghiệp xuất khẩu thời điểm hiện nay bị lỗ 35-30 USD và không doanh nghiệp nào muốn mua tiếp. VFA sẽ chỉ định doanh nghiệp và giao chỉ tiêu mua tạm trữ nhưng ông Trương Thanh Phong chỉ bảo đảm là nông dân sẽ không phải bán lúa dưới giá thành, có thể mức lời là rất ít.

Thụt lùi thế này chết nông dân

Đối với nông dân trồng lúa lãi 30% giá thành cũng vẫn chưa bảo đảm cuộc sống vì đa số nông dân canh tác trên diện tích dưới 1ha. Thu nhập bình quân đầu người chỉ vào khoảng 550.000 đ/tháng, theo kết quả nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ Oxfam. Nông dân Tám Cước ở đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:

Lợi nhuận không đủ 30% ảnh hưởng đời sống, nông dân chỉ biết có lúa đâu biết gì khác. Mong mấy ông chính quyền làm sao cho lúa có giá lại, nước mình là nước nông nghiệp thì phải phát triển lên hàng đầu chứ thụt lùi như thế này chết nông dân.”

Tại sao Việt Nam luôn là nước xuất khẩu gạo lớn thứ nhì thế giới, năm 2012 còn xuất khẩu 7,7 triệu tấn gạo mà bây giờ người đứng đầu VFA lại bối rối về đầu ra đến vậy. Năm ngoái VFA cho rằng gạo Ấn độ, Pakistan luôn rẻ hơn gạo cùng loại của Việt Nam vài chục USD/tấn nên Việt Nam mất thị phần. Nhưng năm nay gạo Ấn Độ, Pakistan lại luôn cao hơn gạo Việt Nam 60-70USD/tấn. Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam thời điểm cuối tháng 5 đầu tháng 6, giá gạo 5% tấm giao hàng lên tàu ở cảng TP.HCM là 370 USD/tấn trong khi gạo cùng loại của Ấn Độ, Pakistan được bán với giá 440 USD/tấn.

Ai là người chịu thiệt thòi nhiều hơn người nông dân. AFP
Ai là người chịu thiệt thòi nhiều hơn người nông dân. AFP
AFP

Phân tích tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam đang thất thế trên thị trường thế giới, TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ cho rằng, ngành gạo Việt Nam xuất thân từ các doanh nghiệp nhà nước và luôn dựa vào hợp đồng tập trung cấp chính phủ, nên khi phải cạnh tranh tìm kiếm hợp đồng thương mại thì họ thiếu năng lực và gặp bế tắc. TS Võ Hùng Dũng nói:

Lợi nhuận không đủ 30% ảnh hưởng đời sống, nông dân chỉ biết có lúa đâu biết gì khác. Mong mấy ông chính quyền làm sao cho lúa có giá lại, nước mình là nước nông nghiệp thì phải phát triển lên hàng đầu chứ thụt lùi như thế này chết nông dân

Nông dân Tám Cước

Bởi vậy khi thị trường thăng hoa, phát triển theo nhu cầu quốc tế tăng lên thì họ dễ dàng bán được gạo, còn khi thị trường suy yếu thì họ gặp bế tắc. Tình trạng này lặp đi lặp lại rất nhiều năm cho tới bây giờ cũng không thay đổi, nếu vậy ngành gạo suy yếu kéo dài và nông dân càng thêm khó khăn.”

Chất lượng gạo còn kém, khó canh tranh

Đáp câu hỏi của chúng tôi, phải chăng chính sách lúa gạo của Việt Nam cần điều chỉnh vì có dấu hiệu dư thừa, sản xuất nhiều mà phải xuất khẩu  giá thấp và nông dân không đủ sống. TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định:

“Có những ý kiến cho rằng Việt nam sản xuất một sản lượng lương thực chất lượng thấp quá nhiều và gặp khó khăn trong việc tìm thị trường. Trong khi đó thì Thái Lan chú trọng việc sản xuất gạo phẩm chất cao cho nên họ bán được giá và Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh và việc điều chỉnh là chuyển từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc một vụ lúa một vụ rau, một vụ màu là một điều bình thường. Đây là một sự tái cấu trúc để phù hợp với yêu cầu của thị trường. Tôi nghĩ đấy là một bước hy vọng đem lại tiến bộ trong canh tác nông nghiệp của Việt Nam.”

Việt nam sản xuất một sản lượng lương thực chất lượng thấp quá nhiều và gặp khó khăn trong việc tìm thị trường. Trong khi đó thì Thái Lan chú trọng việc sản xuất gạo phẩm chất cao cho nên họ bán được giá

TS Lê Đăng Doanh

Quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn qui gạo vụ hè thu đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ không còn kèm theo chỉ đạo bảo đảm giá thu mua sao cho nông dân có lãi tối thiểu 30% như mọi lần và cũng không đưa ra mức giá định hướng. Tham gia tạm trữ vụ hè thu, doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Điều này có thể hiểu là doanh nghiệp có thể thu mua theo giá rất thấp, nếu có người chịu bán.

Ở khúc mắc vừa nêu Thời báo kinh tế Saigon Online trích ý kiến ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công y TNHH Thịnh Phát ở Bến Tre, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đề xuất, Chính phủ ấn định giá thu mua có lãi cho nông dân. Lấy giá thu mua quy ngược trở lại giá thành gạo thành phẩm, tính bằng USD, có trừ đi lãi vay ngân hàng và các loại chi phí khác liên quan.

Ví dụ mức giá là 400 USD/tấn thì doanh nghiệp nhận lệnh chính phủ sẽ thu mua tạm trữ tương đương mức giá đó. Đến lúc xuất khẩu, chính phủ có các hợp đồng tập trung  thì phân giao cho doanh nghiệp, trường hợp thấp hơn giá thu mua thì chính phủ bù lỗ còn cao hơn thì chính phủ thu lợi hoặc dành để hỗ trợ nông dân.

Ông Tuấn cho rằng thu mua tạm trữ cách này vừa bảo đảm giá cho nông dân vừa bảo đảm cho doanh nghiệp không chịu rủi ro lớn. Không thấy ông Tuấn đề cập tới mức lời của doanh nghiệp, có thể hiểu được tính vào phần các chi phí liên quan. Tuy vậy chính doanh nhân này đặt câu hỏi là liệu chính phủ có chấp nhận xuất một số vốn rất lớn hay không.

Năm nay ngành gạo Việt Nam vẫn đặt chỉ tiêu xuất khẩu không dưới 7 triệu tấn gạo, tức là tiêu thụ hết sản lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu. Như thế thêm một vụ lúa nữa, người nông dân vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục không thể ấn định giá bán hạt lúa mình làm ra, mà hoàn toàn tùy thuộc vào những quyết định của người khác.

 

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.