Thấy gì sau một năm áp dụng “Môn Học Kỹ Năng Sống”?

Để giảm tình trạng suy đồi trong học sinh liên quan đến nhân cách, đạo đức, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo VN đưa chương trình học Kỹ Năng Sống áp dụng cho hệ Tiểu Học bắt đầu từ niên khóa 2011 – 2012.
Định Nguyên, thông tín viên RFA
2012.03.28
tieu-hoc-305.jpg Giờ tan học tại trường tiểu học Phương Liên ở Hà Nội hôm 11-02-2012.
RFA PHOTO


Hiệu quả của chương trình này như thế nào, thông tín viên Định Nguyên tìm hiểu và trình bày như sau.

Chỉ lồng ghép với môn khác

Theo Theo định nghĩa của tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO), kỹ năng sống là "khả năng thích nghi và hành vi tích cực cho phép cá nhân có khả năng đối phó hiệu quả với nhu cầu và thách thức của cuộc sống hàng ngày". Như vậy kỹ năng sống được tích lũy thông qua rèn luyện và kinh nghiệm từ môi trường sống: gia đình, học đường, xã hội.

Môn học Giáo Dục Kỹ Năng Sống từ lâu một số nước trên thế giới đã đưa vào giảng dạy ở bậc tiểu học và trung học. Trước đây hơn mười năm vấn đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã từng đem ra thảo luận với sự hổ trợ của Unicef, nhưng không biết vì lý do gì Bộ Giáo Dục – Đào Tạo đã không thực hiện.

Lồng vào môn văn thì còn khả dĩ một chút, nhưng môn toán, môn lý thì sao? Như vậy cần phải có một môn chính thức để giảng dạy cho học sinh.

PGS Văn Như Cương

Những năm gần đây cũng đã xuất hiện  loại hình môn học này chủ yếu ở các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM nhưng chương trình học không thống nhất, tùy thuộc vào trường hay trung tâm tìm được nguồn giáo viên như thế nào.

Niên học 2011-2012 Bộ GD-ĐT đưa chương trình Kỹ Năng Sống vào dạy ở bậc Tiểu Học. Theo nguồn của Bộ Giáo Dục, gồm có 21 kỹ năng: Kỹ năng (KN) nhận thức, KN xác định giá trị, KN kiểm soát cảm xúc, KN ứng phó với căng thẳng, KN tìm kiếm sự hỗ trợ, KN thể hiện sự tự tin, KN giao tiếp, KN lắng nghe tích cực, KN thể hiện sự cảm thông, KN thương lượng, KN giải quyết mâu thuẫn, KN hợp tác, KN tư duy phê phán, KN tư duy sáng tạo, KN ra quyết định, KN giải quyết vấn đề, KN kiên định, KN đảm nhận trách nhiệm, KN đặt mục tiêu, KN quản lý thời gian, KN tìm kiếm và xử lý thông tin. Tuy nhiên đây không phải là môn chính thức, có tiết học riêng, mà được lồng ghép với những môn khác.

Hiện nay chương trình học phổ thông, trong đó có cấp Tiểu Học, được xem là quá nặng nề. Đã có nhiều ý kiến đề nghị với Bộ Giáo Dục xem xét để giảm tải chương trình và những nội dung chưa cần thiết hoặc không cần thiết. Việc lồng thêm chương trình học Kỹ Năng Sống vào những môn học chính vô tình tạo áp lực lên cả thầy lẫn trò. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Viện Khoa Học Giáo Dục, thì “Nội dung các bài học vốn đã nhiều, thời lượng lại ít nên khó chèn giáo dục Kỹ Năng Sống vào. Ngoài ra, đội ngũ giáo viên cũng chưa được đào tạo cơ bản để dạy về Kỹ Năng Sống trong từng môn học, bài giảng”.

photo123-250.jpg
Học sinh vui chơi sau giờ học tại một trường tiểu học ở TPHCM, ảnh chụp hôm 11-02-2011. RFA PHOTO.
Với một khối lượng kỹ năng như vậy, chưa nói đến có nhiều kỹ năng chưa thích hợp ở bậc Tiểu Học như kỹ năng tư duy phê phán; kỹ năng tư duy sáng tạo…, việc lồng ghép với những môn học khác liệu có truyền đạt hết nội dung của môn học để đạt được kết quả như ý muốn của những nhà hoạch định chương trình? Trao đổi với Phó Gs Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường Trung Học Dân Lập Lương Thế Vinh, Hà Nội - ông cho biết ý kiến như sau:

“Việc kết hợp vào từng môn học là không có hiệu quả. Lồng vào môn văn thì còn khả dĩ một chút, nhưng môn toán, môn lý thì sao? Như vậy cần phải có một môn (chính thức) để giảng dạy cho học sinh. Cái này trước kia tôi tưởng là nó nằm trong bộ môn Giáo Dục Công Dân. Thế mà khi nhìn vào môn Giáo Dục Công Dân thì nó buồn cười. Toàn bộ cấp hai không có một tiết nào nói về nhân cách sống. Bây giờ phải có môn Kỹ Năng Sống, phải có tiết hẳn hoi thì mới được.”

Bà Bích Ngọc - thuộc Trung Tâm ABS Training, Hà Nội - cũng cho là việc lồng ghép như vậy là không hiệu quả. Thầy và trò đều không có thời gian dạy và học kỹ lưỡng. Bà nói:

“Thật ra tôi chưa có khảo sát cụ thể việc lồng ghép ấy như thế nào. Cái này đòi hỏi phương pháp giảng dạy phải thay đổi nhiều chứ mà tích hợp thì nó không có đủ thời gian và học sinh cũng không có đủ thời gian để mà học kỹ càng cái môn học đó.Tôi nghĩ tích hợp sẽ không đạt được kết quả nhiều. Mà cái đó cần phải tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều, xã hội hóa mạnh mẽ. Còn cái gì cũng đưa vào nhà trường thì giáo viên bộ môn cũng rất là mệt.”

Thiếu và yếu phương pháp

Tôi nghĩ rằng việc rèn luyện nhân cách sống cho trẻ em cấp một rất là phong phú. Trước hết là cái gương mẫu, mẫu mực của thầy cô giáo.

PGS Văn Như Cương

Phương pháp giảng dạy là một yếu tố không thể thiếu cho bất cứ bộ môn học nào. Sau gần một năm dạy Kỹ Năng Sống, ông Nguyễn Văn Hiến – giảng viên khoa Tâm Lý-Giáo Dục trường Đại Học Sư Phạm Tp.HCM – trong đế tài nghiên cứu Thực trạng hoạt động giáo dục kỹ năng sống tại các trường đưa ra kết luận “Thiếu và yếu phương pháp giáo dục Kỹ Năng Sống.” Và, theo báo Thanh Niên cho biết, một chuyên gia của Bộ GD-ĐT nói rằng “Trong 10 GV hiện nay chỉ có khoảng 2-3 người đáp ứng được yêu cầu về giảng dạy Kỹ Năng Sống. Đa số GV còn lại dù rất tâm huyết nhưng không phải ai cũng dạy được vì họ chưa được đào tạo.” Lỗ hổng “thiếu đào tạo” này sẽ làm chương trình trở nên sơ cứng và việc giảng dạy chỉ là chuyện nhồi nhét cho xong bổn phận.

Một yếu tố vô cùng quan trọng quyết định quá trình giáo dục Kỹ Năng Sống cho học sinh là kỹ năng sống của chính thầy cô giáo. Kỹ năng sống không thể chỉ là những bài học lý thuyết suông mà nó cần có hình mẫu nêu gương để học tập và rèn luyện. Đây cũng là điều khá bức xúc không những của riêng những nhà hoạch định chương trình mà cũng là mối bức xúc chung của xã hội. Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Vinh Hiển trong một cuộc hội thảo “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phổ thông” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 20/5/2009, đã thẳng thắn nói rằng:

tieu-hoc-4-250.jpg
Giờ ra chơi tại một trường tiểu học ở Hà Nội hôm 02-12-2011. RFA PHOTO.
“Nhưng hiện nay, kỹ năng sống của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều ứng xử của các thầy cô giáo với học sinh trong môi trường giáo dục còn chưa đạt thì không thể nói đến những ứng xử ngoài xã hội”.

Phó Gs Văn Như Cương đặt vấn đề này lên hàng đầu và cho là việc giáo dục nhân cách cho trẻ em Tiểu Học đòi hỏi nhiều đến nhân cách của người thầy. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng việc rèn luyện nhân cách sống cho trẻ em cấp một rất là phong phú. Trước hết là cái gương mẫu, mẫu mực của thầy cô giáo. Thái độ của người thầy, cách ứng xử của người thầy đối với học sinh, hay là ở trong trường thái độ của cán bộ trong trường với nhau, thầy cô giáo với nhau, với những người làm việc. Tất cả những điều đó đều có tác động rất lớn đối với học sinh. Và, cái đó không phải ở đâu cũng làm được. Các cái chuyện tiêu cực: xin điểm, chạy điểm, chạy trường chạy lớp, dạy thêm, học thêm. Những tiêu cực đó cũng ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ con đến cái nhìn nhận vấn đề, đến cuộc sống nó bị méo mó.”

Thêm một hệ quả nữa là việc biến trường học thành thị trường sẽ rất béo bở cho các đơn vị kinh doanh trong lãnh vực này khai thác. Rất nhiều trường Tiểu Học ở những thành phố lớn liên kết với những công ty đứng ra tổ chức các lớp dạy Kỹ Năng Sống cho học sinh và thu phí. Áp lực đè nặng lên học sinh và cả phụ huynh. Trước tình hình cấu kết làm ăn rối rắm này, vào tháng 9/2011, Sở GD – ĐT Hà Nội đã ra công văn cấm hoạt động này: “Nghiêm cấm các trường học và các cơ sở giáo dục không được tự ý cho phép các tổ chức, cá nhân đưa chương trình giáo dục kỹ năng sống ngoài luồng vào giảng dạy trong các nhà trường. Không được ép học sinh, cha mẹ học sinh mua tài liệu, thu tiền học và tiền cho các hoạt động trái phép này. Những trường học và cơ sở giáo dục nào làm trái quy định phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở GDĐT và UBND thành phố.”

Không biết chương trình học Kỹ Năng Sống có thu đạt được kết quả như ý muốn của Bộ GD – ĐT trong tình hình có quá nhiều bất cập và lúng túng khi áp dụng cho bậc Tiểu Học hay không nhưng người dân vẫn hy vọng Nhà Nước bình tĩnh xem xét, đánh giá chính xác những gì thật sự cần thiết, những kiến thức hữu ích cũng như khả năng truyền đạt kiến thức của lực lượng thầy cô giáo để môn học Kỹ Năng Sống trở thành môn học chính thức trong chương trình học từ Tiểu Học đến Trung Học Phổ Thông.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
28/03/2012 22:16

thay nao tro nay...mot xa hoi chan chinmh..thi khong cø nhung con nguoi bat hao..1 nguoi thay chan chinh..thi khong cø nhung hoc bat bat luong...che do cong san hien nay..thi toan lu bat luong ..dau trom duoi cuøp-..chung dang nam chinh quyen..long hanh..cong an..bo doi..thi la dan em cua lu dang cuøp cong san vietnam nay..bay giø cø hoc gi chang nua..thi cung trø thanh nhung ten cuøp..vi chung la nhung thanh phan..cong san..vo than..vo dao duc...cø hoc gi chang nua chung van la nhung ten cuøp...