Liệu Đại hội 12 có đáp ứng được ý nguyện của đa số dân chúng?

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2016.01.22
000_Hkg10248004-622 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm 21/1.
AFP

Đa số người dân ở Việt Nam có chung hy vọng rằng, Đại hội Đảng 12 sẽ bầu ra một ban lãnh đạo mới, có xu hướng cải cách để đưa đất nước phát triển và thoát ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Tại sao lại có vấn đề như vậy và liệu kết quả của Đại hội 12 có đáp ứng được mong mỏi của dân chúng hay không?

"Cải cách" hay "bảo thủ"?

Đại hội Đảng CSVN diễn ra 5 năm một lần, để quyết định đường lối và bầu nhân sự lãnh đạo đảng và nhà nước. Theo như thường lệ, mọi vấn đề đường lối hay nhân sự lãnh đạo, đều được thống nhất từ trước ngày Đại hội Đảng khai mạc.

Tuy vậy, tại Đại hội 12 thì thông lệ đó đã thay đổi, khi Đại hội 12 đã khai mạc song cả hai ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn được dư luận đồn đoán cho rằng, là 2 ứng viên cho chức vụ Tổng Bí thư.

Nếu được chọn thì tôi sẽ chọn ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ Tổng BT, vì xu hướng chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng có xu hướng cấp tiến, tôi hy vọng ông Dũng sẽ mang lại sự đổi mới cho VN.
-Ông Hòa Bình

Theo VOA, bản tin mới đây của hãng tin AP đã dẫn lời nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, một chuyên gia tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á ở Singapore nói rằng, trong khi ông Trọng là một nhà lý luận cộng sản trung kiên có mục tiêu chính là duy trì quyền độc tôn cai trị của Đảng CSVN, thì ông Nguyễn Tấn Dũng được coi là một nhà lãnh đạo thực tiễn hơn, dựa trên kết quả và hành động, và ít dựa trên những lý thuyết cứng nhắc.

Đây là điểm đáng chú ý, với các đường lối kinh tế cũng như chính sách đối ngoại khác nhau, điều đó được dư luận đánh giá là sự khác biệt cơ bản giữa "cải cách" và "bảo thủ".

Do vậy, việc ai sẽ giữ chức Tổng BT của Đại hội 12 là điều được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Ông Hòa Bình ở Quận Cầu Giấy, Hà nội nói với chúng tôi:

“Theo tôi, nếu được chọn thì tôi sẽ chọn ông Nguyễn Tấn Dũng vào chức vụ Tổng BT, vì xu hướng chính trị của ông Nguyễn Tấn Dũng có xu hướng cấp tiến, tôi hy vọng ông Dũng sẽ mang lại sự đổi mới cho VN. Còn ông Nguyễn Phú Trọng là người tỏ ra bảo thủ, vì thế nếu ông Nguyễn Phú Trọng thắng cử thì VN hết cơ hội cải cách.”

Đánh gía về các luồng dư luận xã hội hiện nay, xung quanh việc đồn đoán chức vụ Tổng Bí thư, từ Nha trang Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định:

“Cả hệ thống báo chí của nhà nước, không có tờ báo nào dám viết bài để so sánh 2 ông TBT Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng ở trên mạng (internet) thì người ta nói rất thẳng thắn và có xu thế người ta thiên về cho ông Nguyễn Tấn Dũng, vì người ta cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng là người có thể có khẳ năng đổi mới. Và tất cả người ta đều chê ông Nguyễn Phú Trọng, vì tất cả đều nhìn nhận rằng, ông Nguyễn Phú Trọng là đại diện cho lực lượng cổ hủ, bảo thủ, giáo điều và lạc hậu.”

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm khai mạc 21/1 tại Hà Nội.
Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 hôm khai mạc 21/1 tại Hà Nội.
AFP

Dưới tựa đề: "Nhân dân không chấp nhận bảo thủ trì trệ", báo VNN ngày 20/01/2016 cho rằng "Vừa qua đóng góp ý kiến cho Dự thảo báo cáo chính trị, nhiều câu hỏi của quần chúng, đảng viên, của giới trí thức cho rằng, tại sao chúng ta có nhiều điều kiện khách quan thuận lợi mà chúng ta lại phát triển chậm, không tương xứng với tiềm năng? Và người dân mong Đại hội lần này tìm ra câu trả lời thật thoả đáng nhằm đưa đất nước phát triển."

Bình luận về vấn đề "Nhân dân không chấp nhận bảo thủ trì trệ", từ Canada LS. Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát chính trị VN nhận định:

“Qua 30 năm đổi mới cải cách kinh tế ở VN thì xã hội VN đã có những thay đổi nhất định, do đó người dân ở VN mong muốn có một sự thay đổi mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là trong vấn đề thay đổi thể chế chính trị, để người dân được tự do và dân chủ hơn để tham gia vào đời sống chính trị của đất nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của người dân VN.”

Hai xu hướng chính sách khác biệt

Các chính sách và chủ trương trong Đảng CSVN hiện nay có 2 xu hướng khác biệt, thậm chí là trái ngược, đó là về chính sách Kinh tế và Đối ngoại. Tuy nhiên, các chính sách đổi mới kinh tế cũng như đa phương hóa trong công tác đối ngoại của VN, sẽ không thay đổi. LS. Vũ Đức Khanh nêu rõ:

“Về kinh tế thì theo quan điểm của ông (Nguyễn Phú) Trọng vẫn muốn giữ chính sách Kinh tế thị trường Định hướng XHCN, với kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Đó là khác bệt về kinh tế. Về chính sách đối ngoại của VN, thì đường hướng của ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ thân với TQ nhiều hơn, trong khi chính sách của ông Nguyễn Tấn Dũng qua 20 năm nay đã chứng minh rằng, ông ấy có xu hướng xích lại gần hơn với phương Tây, đặc biệt là Hoa kỳ.”

Nhà báo Võ Văn Tạo tỏ ra nghi ngờ các chính sách cải cách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo ông đây là chỉ là chiêu bài nhằm mê hoặc dân chúng. Ông nói với chúng tôi:

“Riêng tôi thì có suy nghĩ khác, tôi đồng ý với các đánh giá về ông Nguyễn Phú Trọng của dư luận, nhưng về ông Nguyễn Tấn Dũng thì tôi không đồng ý hoàn toàn với những người ủng hộ ông Dũng.
-Nhà báo Võ Văn Tạo

“Riêng tôi thì có suy nghĩ khác, tôi đồng ý với các đánh giá về ông Nguyễn Phú Trọng của dư luận, nhưng về ông Nguyễn Tấn Dũng thì tôi không đồng ý hoàn toàn với những người ủng hộ ông Dũng. Bởi vì tôi không tin rằng cái thông điệp đầu năm 2014 là của ông Dũng tự viết hoặc vạch ra cái sườn. Trong thâm tâm tôi nghĩ, đó là một bài do người khác viết, và tôi nghĩ rằng ông Dũng có đủ khôn ngoan để biết rằng nếu chấp nhận thì sẽ ghi điểm trong nhân dân, trong cán bộ đảng viên và nước ngoài. Chứ bản chất của ông Dũng không phải là một người như thế.”

Với một thái độ hết sức lạc quan, LS. Vũ Đức Khanh tin tưởng rằng, vấn đề cải cách để đưa đất nước tiến lên là điều chắc chắn phải thực hiện, và không có ai có thể cưỡng lại xu thế này. Ông bày tỏ:

“Theo tôi nghĩ, xu hướng cải cách là xu hướng tất yếu của lịch sử, của thời đại, không ai có thể cưỡng được. Xu thế của ông (Nguyễn Phú) Trọng là muốn làm chậm lại tiến trình cải cách đó mà thôi. Cho nên nếu nói rằng xu thế nào có lợi cho đất nước thì tôi nghĩ rằng đó là xu thế cải cách. Vấn đề là, giữa 2 cái xấu thì chúng ta phải chọn cái ít xấu nhất. Có như thế thì chúng ta mới cải thiện được.”

Trả lời câu hỏi: Liệu kết quả của Đại hội 12 có đáp ứng được mong mỏi của số đông dân chúng về vấn đề cải cách hay không?

Bằng một thái độ ngờ vực, Nhà báo Võ Văn Tạo cho biết:

“Trước mắt thì tôi thấy mầu sắc là ảm đạm, u ám, vì nhìn vào hàng ngũ Cộ Chính trị hay “tứ trụ” sắp tới thì tôi thấy không mấy sáng sủa. Nhưng cũng chỉ còn có hy vọng, nếu như ông Nguyễn Phú Trọng chỉ làm trong 2 năm rồi chuyển giao sang cho người khác, song đến bây giờ thì lại nghe chuyển cho ông Trần Đại Quang. Thế thì xu thế vẫn như ông Trọng hò hét trong Đại hội 12 rằng, phải giữ cho bằng được chế độ. Cho nên xu thế đó vẫn là chủ đạo. ”

Trọng trách đến giờ phút này đã thuộc về 1510 đại biểu tham dự Đại hội 12 và lá phiếu của họ sẽ quyết định tương lai phát triển của VN. Nếu bỏ lỡ cơ hội này thì sẽ mất đi 20 năm nữa để có cơ hội như lần này. LS. Vũ Đức Khanh chia sẻ:

“Trước sức ép của dư luận ngày càng lớn mạnh, thì tôi nghĩ rằng quyết định cuối cùng của 1510 đại biểu tham dự Đại hội 12, sẽ ủng hộ cho tiến trình cải cách của VN. Vì trong tiến trình cải cách đó cũng đã đáp ứng được những nguyện vọng, quyền lợi của chính bản thân và gia đình họ. Do vậy, chỉ có cải cách thì mới thay đổi được xã hội VN, cải thiện được đời sống của người dân và đưa đất nước phát triển và đi lên. Vì thế tôi hết sức kỳ vọng vào các đại biểu tham dự Đại hội đảng 12 lần này.”

Chỉ cách đây không lâu, dư luận trong nước và quốc tế đều có chung một nhận định rằng, khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng - một người với chủ trương cải cách sẽ nắm chiếc ghế Tổng BT của Đại hội Đảng CSVN lần thứ 12. Tuy vậy đến lúc này, mọi kết quả đều còn đang ở phía trước. Theo dự kiến, ngày 28/01/2016 Đại hội 12 sẽ bế mạc, và cũng là ngày Tổng bí thư Đảng CSVN - Khóa 12 cùng dàn lãnh đạo mới của VN ra mắt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.