Khốn đốn vì giá heo giảm xuống mức kỷ lục

Lan Hương, phóng viên RFA
2017.04.25
000_Hkg3888353.jpg Một nông dân vận chuyển heo hơi ở Tiền Giang.
AFP photo

Giá heo tiếp tục giảm xuống đến mức mà Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn cho là thấp ở mức kỷ lục nên trong ngày 24/4, bộ này phải triệu tập cuộc họp khẩn để tìm cách giải quyết vấn đề.

Do cung vượt cầu

Báo trong nước ngày 24/4 đưa tin cho biết giá heo tại một số trang trại miền Bắc đã xuống mức thấp kỷ lục trong năm nay. Cụ thể, giá thịt lợn hơi chỉ còn 16.000 đồng/kg cho loại đẹp. Trước đó khoảng nửa tháng, giá heo thịt mặc dù xuống thấp hơn nhiều so với mọi năm nhưng vẫn trụ được ở mức khoảng 25.000/kg.

Đài Á Châu Tự Do đã liên lạc với anh Nam, là chủ một trang trại nuôi heo ở miền Bắc và được cho biết:

Bây giờ giá xuống, lợn không bán được lại cộng thêm dịch bệnh nhiều. Dịch bệnh nhiều ảnh hưởng đến năng suất. Hơn nữa giá cám thì lên, mà giá heo thì xuống. Tức là giá đầu tư cho một cân heo thì tăng mà giá trị của con heo lại giảm nên không có lợi nhuận. Hiện tại chắc chắn nuôi heo là không có lãi, lỗ là chắc chắn!

Chắc là do người chăn nuôi phát triển ồ ạt quá nên mới dẫn đến tình trạng hiện tại, chứ không thể đổ cho Nhà nước được.
- Anh Nam, chủ trại heo

Anh Nam cho biết thêm rằng hiện tại nơi anh ở người dân không dám đổ xô vào nuôi heo như trước nữa. Ai đang trót nuôi thì duy trì số lượng hiện tại, còn ai đã xuất chuồng được rồi thì không dám tái đàn nữa:

Lợn thịt thì tồn mà lợn con lại không bán được. Những người nuôi thịt lại không tái đàn nên lợn con không bán được. Thứ hai là lợn thịt đến ngày xuất mà không xuất được nên không có người nuôi nữa.

Chắc là do người chăn nuôi phát triển ồ ạt quá nên mới dẫn đến tình trạng hiện tại, chứ không thể đổ cho Nhà nước được. Đây là chuyện sớm muộn thôi.

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, suốt tháng 3/2017, giá thu mua lợn hơi tại Đồng Nai, An Giang, Vĩnh Long đã giảm 2.000-3.000 đồng/kg so với thời điểm cận và sau Tết. Tính chung trong quý 1 năm 2017, giá lợn hơi biến động giảm. Ngay vào thời điểm cận Tết, giá lợn hơi tại Đồng Nai đã ở dưới giá thành 26.000-30.000 đồng/kg.

Theo các nguồn thông tin chúng tôi tìm hiểu, để nuôi được 1 tạ lợn hơi, người nông dân phải đầu tư từ 2 - 2,2 triệu đồng tiền cám, cộng thêm chi phí giống, khấu hao chuồng trại, thuốc thú y, nhân công... tổng cộng hết khoảng 3,6 - 3,7 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên với giá heo hiện tại là 1,6 – 1,7 triệu đồng/tạ, trung bình mỗi con lợn hiện gánh lỗ khoảng 2 triệu đồng. Trước đây thời điểm cao nhất giá lợn tăng lên 5,2 triệu đồng/tạ nên bà con phấn khởi chạy theo con heo kiếm sống.

Bà Hoàng Thị Bích Hằng, chủ tịch Hội Nông dân Đồng Nai cho chúng tôi biết về thực trạng chăn nuôi heo tại địa phương:

Bây giờ người ta nuôi nhiều nên lượng cung vượt quá lượng cầu. Đồng Nai cũng có nhiều người thông qua lái buôn họ nói họ mua về Trung Quốc chứ thực tế như thế nào mình đâu có biết bởi vì họ không ký hợp đồng chính thức với nông dân nên nông dân không nắm được.

Một quầy bán thịt heo trong chợ ở Hà Nội.
Một quầy bán thịt heo trong chợ ở Hà Nội.
AFP photo

Mặc dù giá heo bán tại chuồng xuống thấp nhưng người dân phản ánh rằng giá thịt heo tại chợ hay các siêu thị vẫn cao ổn định khoảng từ 55.000 đồng – 110.000 đồng/kg tùy từng loại. Như vậy người nuôi heo khổ sở vì giá xuống, còn lái buôn vẫn lời trên 2 triệu đồng một con heo khoảng 1 tạ. Theo phân tích của các chuyên gia tình trạng giá heo hơi thấp nhưng thịt đến tay người dân giá vẫn cao là do hệ thống phân phối của thịt lợn tại Việt Nam hiện nay còn qua quá nhiều khâu trung gian. Cứ qua mỗi một khâu giá thịt lại bị đội lên một chút.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện chính sách và phát triển chiến lược nông thôn nhận định về nguyên nhân dẫn đến tình trạng giá heo thê thảm như hiện nay:

Giá heo xuống như hiện nay là do cung vượt quá cầu. Năm ngoái giá heo tăng nên bà con tổ chức sản xuất quá nhiều. Đến thời điểm này số lượng heo được sản xuất là quá cao so với mức tiêu dùng nên giá xuống là theo quan hệ cung cầu.

Trong năm nay rõ rằng thị trường Trung Quốc có vấn đề khó khăn không chỉ với heo mà còn với lúa, và các rau quả khác. Đây là một yếu tố khác cộng thêm vấn đề về chênh lệch cung cầu dẫn đến tình trạng hiện tại.

Giải pháp

Vừa rồi ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho báo giới biết Bộ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm hãm lại mức cung đang “tăng chóng mặt”. Bộ đã yêu cầu các tỉnh rà soát quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng của từng địa phương, không tăng đàn ồ ạt, nhất là với đàn lợn nái. Đồng thời, đề nghị các địa phương dừng tất cả các dự án xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi mới...Ngoài ra, Bộ cũng cũng đã cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này. Ông cho biết hy vọng chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ được phía Trung Quốc chấp nhận. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn bổ sung thêm một giải pháp để cứu vớt tình hình:

Phương pháp trước mắt là đề nghị ngân hàng khoan nợ, giãn nợ vì hầu hết các hộ nông dân phải vay vốn lớn để đầu tư thức ăn, và giống.
- Tiến sĩ Đặng Kim Sơn

Phương pháp trước mắt là đề nghị ngân hàng khoan nợ, giãn nợ vì hầu hết các hộ nông dân phải vay vốn lớn để đầu tư thức ăn, và giống. Khó khăn này là tạm thời, không phải do hướng đầu tư sai hay công nghệ sai cho nên nếu giúp được bà con trong giai đoạn hiện tại thì thời gian tới họ có thể điều chỉnh lại. Nếu bỏ mặc bà con lúc này thì sẽ rất khó khăn.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết hiện tại các tỉnh thành đã đang kêu gọi các nhà máy chế biến, các cơ sở dự trữ cũng tăng mua để kích cầu. Ngoài ra, Nhà nước cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi hạ giá thấp để giảm bớt gánh nặng cho bà con, tạo điều kiện cho họ giữ đàn heo trong một thời gian.

Nông dân Việt Nam vô số lần phải chịu đòn của thương lái Trung Quốc; sau một vài vụ được mua với giá cao, ai cũng đổ xô vào trồng mặt hàng được thương lái thu; sau đó nguồn thu đột ngột ngưng lại sản phẩm phải đổ bỏ.

Trong một cuộc trao đổi ngắn với chúng tôi, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, người chuyên nghiên cứu thị trường và giá cả của Bộ Công thương từng nhận định rằng sở dĩ tình trạng này xảy ra là do bà con nông dân phát triển nông nghiệp tự phát, theo phòng trào nên rủi ro lớn. Ông cũng chỉ ra rằng trong vấn đề này có cả trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc trang bị kiến thức về thị trường cho người nông dân.

Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp khẩn vào ngày 24 tháng tư với mục đích được nói để ‘giải cứu’ ngành chăn nuôi heo, thừa nhận 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng ngại hiện nay. Trước hết là cung vượt cầu và nguyên nhân thứ hai là tổ chức ngành hàng thịt heo của Việt Nam chưa tốt.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.