Người Việt Nam muốn có thêm con khi không phải “Kế hoạch hóa gia đình”?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2017.10.19
84b8de2d-d531-41d9-8dd0-3eac97b2d826.jpeg Bức tranh cổ động người dân chỉ nên hai con là đủ, ảnh chụp tại Hà Nội ngày 21 tháng 10 năm 2014.
Photo: AFP

Việt Nam dự tính thay đổi chính sách “Kế hoạch hóa gia đình”, chấp thuận cho người dân được quyền có nhiều hơn 2 đứa con.

Quan niệm xã hội về con cái hiện nay cũng như dân chúng trong nước phấn khởi hay không trước thông tin không còn bị ràng buộc nào bởi các quy định hay chính sách trong việc sinh đẻ, sẽ được cởi bỏ lần đầu tiên sau nửa thế kỷ?

Đề xuất chấp thuận có hơn 2 con

“Dù gái hay trai-Chỉ hai là đủ”, câu khẩu hiệu được truyền bá mọi lúc mọi nơi trong 50 năm qua cho chính sách “Kế hoạch hóa gia đình” có thể không còn nữa, vì Việt Nam dự tính sẽ chấp thuận cho người dân được quyền có nhiều hơn 2 đứa con.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình, ông Nguyễn Văn Tân trong buổi họp báo vào chiều ngày 17 tháng 10 cho biết nếu đề xuất này được thông qua thì sẽ đánh dấu một bước ngoặc quan trọng trong chính sách dân số của Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tân nói rõ Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình đang phối hợp với Bộ Tư Pháp và 7 địa phương trong cả nước để sửa đổi các quy định không phù hợp với luật pháp, là xử phạt những ai sinh con đứa thứ ba. Đồng thời, Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình cũng đã đề nghị từng bước sửa đổi theo hướng cán bộ công nhân viên là đảng viên mà sanh con đứa thứ ba hay thứ tư sẽ không bị khiển trách, kỷ luật hay khai trừ khỏi Đảng.

Với chính sách “Kế hoạch hóa gia đình” áp dụng trong hàng chục năm qua tuy gây ra không ít trở ngại cho nhiều gia đình có vợ hoặc chồng làm việc trong các cơ quan nhà nước, nhưng trước thông tin sắp không còn bị ràng buộc nào trong việc có thêm con thì gần như người dân tỏ ra không mặn mà hay phấn khởi.

Một tiến sĩ ngoài 40 tuổi, làm việc trong trường đại học ở Sài Gòn, cũng là một đảng viên Đảng Cộng Sản, hiện có 2 con gái nhỏ, nói với RFA rằng ông không muốn sanh thêm con nữa, dù thành phố nơi ông cư ngụ thuộc khu vực được khuyến khích nâng mức sinh sản. Ông tiến sĩ không muốn nêu tên giải bày:

“Bây giờ, cuộc sống hiện tại bề bộn nhiều thứ công việc. Ở thành phố phức tạp, đi lại khó khăn, ngột ngạt…cho nên chỉ thích có từ 1 đến 2 con mà không cần phải trai hay gái nữa. Nói chung, chỉ 2 đứa con đối với tôi là đủ.”

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi biết quan trọng nhất là kinh tế, thứ hai là điều kiện sống không làm cho người ta sinh con nhiều được. Chẳng hạn đưa đón con thế nào khi bận đi làm, rồi kẹt xe, trường học đắt đỏ, đi học phải đúng tuyến, rất nhiều thứ nữa tạo cho người ta có cảm giác thật sự giống như là một gánh nặng khi phải nuôi con nhỏ
-Một người dân Sài Gòn

Là một người làm việc trong lãnh vực đào tạo giáo dục, ông tiến sĩ này có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người ở những địa phương khác nhau và ông cũng được nghe chia sẻ của các đồng nghiệp, bạn bè, người quen biết là họ chỉ muốn có tầm 2 đứa con, trai gái gì cũng được mà không nhất thiết phải có con trai để “nối dõi tông đường” như quan niệm của các thế hệ ông bà, cha mẹ mình. Ông tiến sĩ nói thêm cuộc sống hiện tại mà có nhiều con thì nhiều lúc bị áp lực chẳng khác nào là gánh nặng:

“Một số trường hợp tôi quen thì cũng muốn có nhiều con, như trường hợp của một anh bạn đã có 3 đứa rồi nhưng vẫn thích sanh thêm con. Tuy nhiên, mặt bằng chung hiện nay thì thấy hình như người ta chỉ muốn có ít con hơn ngày xưa do điều kiện mọi thứ không được thoải mái như trước nên người ta không thể đẻ nhiều được.

Ví dụ như ở thành phố Hồ Chí Minh, theo tôi biết quan trọng nhất là kinh tế, thứ hai là điều kiện sống không làm cho người ta sinh con nhiều được. Chẳng hạn đưa đón con thế nào khi bận đi làm, rồi kẹt xe, trường học đắt đỏ, đi học phải đúng tuyến, rất nhiều thứ nữa tạo cho người ta có cảm giác thật sự giống như là một gánh nặng khi phải nuôi con nhỏ.”

Tổng cục Dân số-kế hoạch hóa gia đình đã tiến hành khảo sát trên internet với hơn 700 ngàn người tại Việt Nam thì có đến 73% mong muốn có 2 con và chỉ có 9, 3% muốn có 3 con hay tỉ lệ giảm xuống 8% mong có nhiều hơn 3 con.

Qua số liệu được tính toán theo đề xuất không tiếp tục áp dụng chính sách giảm sinh con thì dân số Việt Nam sẽ ở mức 104 triệu người vào năm 2030 và đến năm 2049, sẽ tăng lên từ 113 đến 115 triệu người.

Không muốn có nhiều con

Hình minh họa: Phụ nữ cào nghêu ở Gò Công, Tiền Giang. Hình chụp tháng 10 năm 2017.
Hình minh họa: Phụ nữ cào nghêu ở Gò Công, Tiền Giang. Hình chụp tháng 10 năm 2017.
Courtesy: Facebook Đại Đặng

Trước quan ngại dân số Việt Nam có thể bùng phát một khi không còn thực hiện “kế hoạch hóa gia đình”, nhiều gia đình lên tiếng dù có ham thích đông con đi chăng nữa nhưng không thể trong điều kiện cuộc hiện đại. Số đông những gia đình công nhân làm việc trong các công ty hay tại các khu công nghiệp nói rằng đồng lương ít ỏi mà họ kiếm được không thể lo chu toàn cho con cái: tã sữa, học phí, quần áo, vui chơi giải trí…sẽ không thể nào kham nỗi tất cả chi phí sinh hoạt như thế.

Đài Á Châu Tự Do liên lạc với một số gia đình ở nông thôn đồng bằng Sông Cửu Long, một khu vực được ghi nhận có mức sinh thấp và được cho biết đời sống khó khăn nên không muốn có nhiều con cái và dù có thể gửi con lại quê nhà nhờ thân nhân chăm sóc giúp nhưng họ không muốn phải sống cảnh tha phương cầu thực để kiếm tiền gửi về nuôi con.

Chúng tôi cũng liên lạc với các bà mẹ là công nhân viên chức ở khu vực đồng bằng Sông Cửu Long để tìm hiểu xem họ mong muốn có thêm con hay không, trong trường hợp không bị ép phải kế hoạch hóa. Cô Ba, ở Đồng Tháp chia sẻ:

Đành rằng thấy người đi trước là như vậy, các em cũng lại lo sự nghiệp rồi cũng chạy theo công việc, bằng cấp và trình độ, ổn định cuộc sống. Thành ra theo xu hướng mới bây giờ thì theo xu hướng mới bây giờ các em không muốn lập gia đình và không muốn có con sớm
-Cô giáo Trần Thị Nga

“Theo cảm nhận của tôi thì đối với nhân viên công chức mà có hai con, đủ trai đủ gái thì người ta không muốn sanh thêm nữa. Lý do là cuộc sống bây giờ bận rộn. Người ta sẽ không đảm đương được chuyện vừa đi làm vừa đưa đón con đi học đối với hoàn cảnh gia đình không sống chung nhà với nội hay ngoại nên không thể nào có sanh thêm được nữa, để lo cho trọn vẹn cuộc sống gia đình.

Cô Ba cũng nói trong nhóm đồng nghiệp nữ tại cơ quan nơi cô làm việc thì có hơn 50% không muốn sanh thêm con, dù chưa đầy đủ trai gái, do áp lực công việc lẫn kinh tế.

Bên cạnh đó, một lý do nữa mà nữ giới muốn có ít con vì họ cần thời gian để chăm sóc bản thân, không bị quay cuồng lo cho chồng con lẫn công việc bên ngoài xã hội.

Ngoài ra, cũng có nhiều phụ nữ trung niên tuy muốn có con nhưng không thể. Cô Trần Thị Nga, một giáo viên giảng dạy tại Trung tâm ngoại ngữ ở thành phố Cần Thơ cho biết cô và nhiều nữ giáo viên khác nghĩ rằng một khi sự nghiệp ổn định xong rồi mới lập gia đình và khi thời gian trôi qua, tuổi tác cũng lớn thì quá muộn cho việc sinh con. Cô Nga còn cho biết thêm mặc dù các nữ học viên biết được hoàn cảnh của cô giáo mình, nhưng họ vẫn không muốn có con khi còn trẻ:

“Đành rằng thấy người đi trước là như vậy, các em cũng lại lo sự nghiệp rồi cũng chạy theo công việc, bằng cấp và trình độ, ổn định cuộc sống. Thành ra theo xu hướng mới bây giờ thì theo xu hướng mới bây giờ các em không muốn lập gia đình và không muốn có con sớm.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận chỉ riêng nhóm các gia đình trong nhiều năm bị chính quyền địa phương “làm tình làm tội” với các hương ước mà họ lạm quyền, phạt vạ hay không làm giấy khai sinh khi có thêm đứa con thứ ba trở đi, tỏ ra phấn khởi; như những giáo dân ở vùng thôn quê thuộc tỉnh Nghệ An nói là “sắp thoát tai ương” từ chính quyền xã, mỗi lúc nhận được quà tặng con cái của Thiên Chúa ban cho.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.