Người Việt ở Pháp đón Tết Tây ra sao?

Tết ở Tây phương có lẽ không náo nhiệt và kéo dài như ở Việt Nam, nhưng cũng không thiếu những sắc thái đặc thù của riêng từng quốc gia.
Tường An, thông tín viên RFA
2012.12.31
000_Par7375403-305.jpg Thủ đô Paris của Pháp trong những ngày cuối năm 2012.
AFP

Đặc biệt tại Pháp, một nơi đã từng nổi tiếng với những đầu bếp đẳng cấp thế giới, với những món ăn, thức uống  cầu kỳ.

Sang một chương mới

Không có bánh tét, bánh chưng, không thịt kho, dưa giá, không mai vàng, pháo đỏ, và không cả lì xì mừng tuổi dai dẳng ba ngày. Tết ở Pháp nói riêng và ở Âu Châu nói chung là khoảng thời gian chuyển mùa ngắn gọn, như thể người ta chỉ lật sang một chương của quyển sách, thở nhẹ một hơi và lại tiếp tục sang một chương mới.

Nói thế, không có nghĩa là Âu châu thiếu những phong tục đặc thù của mỗi quốc gia: Việt Nam không quét nhà trong 3 ngày Tết vì sợ sẽ quét hết tiền ra cửa cả năm. Ở Đan Mạch thì người ta gom hết những mảnh vỡ trong nhà và đem đặt trước nhà bạn mình như một lời chúc may mắn cho đầu năm. Ở Anh, người ta viết 3 điều ước trên một mảnh giấy rồi đợi đến 12 giờ đêm, họ đốt mảnh giấy đó thành tro và hoà vào sâm-banh để uống, tin rằng các điều ước ấy sẽ thành hiện thực. Người Hà Lan thì sáng mồng một, trong cái rét buốt giá lạnh của mùa đông, hàng ngàn người  ùa xuống tắm biển ở thành phố Denhaag để mong một năm mới tốt lành. Người Pháp thì treo một boule de gui (tức là những nhành cây tầm gửi được vòng thành như một quả bóng) trên trần nhà, đến giao thừa mọi người hôn nhau dưới vòng cây tầm gửi (boule de gui) như dấu hiệu của tình hữu nghị và thiện chí, có nơi còn tin rằng sẽ gặp may mắn trong tình yêu và khả năng sinh sản.


Tây có 2 cái khác nhau: đêm Noel là đêm của famille (gia đình) nên nó cũng ăn nhiều, Tết Tây là Tết của bạn bè nên ăn cũng rất là nhiều.

Chị Minh

Không hổ danh là một quốc gia có nền văn hoá ẩm thực lâu đời, thực đơn đêm Giao thừa của Tây khá cầu kỳ, có rất nhiều món, mỗi món được uống với một thứ rượu khác nhau. Buổi ăn đêm Giao thừa thường gồm 6-7 món,  bắt đầu bằng món khai vị như gan ngỗng, cá hồi xông khói, ốc nhồi, xúc xích trắng. Các món này thường được uống với rượu trắng, riêng gan ngỗng được uống với sauternes, một loại rượu trắng ngọt. Sau đó là món chính, người Pháp thường ăn thịt gà tây, heo rừng, nai và cả thịt kangaroo, nói chung họ ăn những thứ thịt lạ mà ngày thường họ ít dùng. Tráng miệng thì có bánh ngọt, salde de fruit (salade trái cây)  chocolat. Về thức uống thì thịt gà vịt được uống với rượu trắng, còn các thứ thịt đỏ như bò, nai…. thì uống với rượu đỏ. Riêng Champagne thì có thể uống suốt buổi tiệc. Anh Lê Hữu Thường, một sinh viên du học từ thập niên 60 cho biết thực đơn của người Pháp gồm có:

Khai vị là foie gras, saumon, escargo, boudin blanc. Còn món chánh có volaille (gà, vịt) trong đó có  dinde (gà tây) Gà quay rô-ti, chapon, một loại gà thiến, poularde, một loại gà mái được nuôi cho mập.  Thường họ không quay như người Việt Nam mà họ mở bụng farci, tức là nhét nhân vào bên trong, nhân thì gồm gan ngỗng và marron (một loại hạt hạt dẻ). Nhưng có 1 số gia đình ăn thịt nai chevreuil, hoặc là heo rừng. Mấy năm gần đây họ còn ăn thịt kangourou. Họ ăn kangourou, autruche (đà điểu) nữa….

Đêm dành cho bạn bè

Hình ảnh rượu champagne được chụp ngày 31-12-2012 tại Paris, Pháp. AFP photo.
Hình ảnh rượu champagne được chụp ngày 31-12-2012 tại Paris, Pháp. AFP photo.
Tại Pháp, nếu Giáng Sinh là buổi tiệc của gia đình thì Giao thừa là đêm dành cho bạn bè. Họ găp gỡ nhau ăn uống, nhảy nhót,  sống hết mình cho thỏa một đêm với bè bạn. Ngày đầu năm ở Âu Châu rơi vào đỉnh điểm của mùa đông nên mọi sinh hoạt được khép kín trong 4 bức tường. Ở vùng quê thì họ tụ họp ở nhà một người bạn nào đó cùng nhau ăn uống, nhậu nhẹt đến sáng. Ở các thành phố lớn thì họ hẹn nhau ở một nhà hàng hay một căn-tin lớn để cùng nhau ăn uống và đón giao thừa. Sáng mùng một là ngày để ngủ trưa, dưỡng sức sau những ngày mệt mỏi vì tiệc tùng của Giáng Sinh và Giao thừa. Ăn thì nhiều như vậy, nhưng đa số du khách đến Pháp vẫn khen các cô đầm ở đây có dáng người rất thon thả, gọn gàng. Ớ Pháp hơn 30 năm, chị Minh ghi nhận:

Tây có 2 cái khác nhau: đêm Noel là đêm của famille (gia đình) nên nó cũng ăn nhiều, Tết Tây là Tết của bạn bè nên ăn cũng rất là nhiều. Thường thường tết Tây thì phần lớn tổ chức ở những nhà hàng có khiêu vũ như là Lido hay Moulin Rouge, thường đối với Tây thì đó là dịp để họ uống với ăn thôi. Họ dồn hết vô một buổi tối đó, họ sống hết mình, ăn uống, nhảy đầm náo loạn, Tây là uống dữ lắm.  Thường là ăn uống thì họ tập trung vô hết Saint Sylvestre rồi sau đó mùng 2 đi làm thì đối với họ là hết tết rồi đó. Họ không có kéo dài 2-3 ngày hay cả tuần như dân Việt Nam mình đâu.

Thực đơn Giao thừa của người Việt tại Pháp cũng là một hội nhập thú vị : trên bàn tiệc, bên cạnh gan ngỗng, cá hồi còn có chả giò, xôi gấc, heo quay, món ốc nhồi của Tây thay vì được ướp với bơ  sẽ được chấm với nước mắm gừng. Phần tráng miệng thay vì bánh bouche de Noel, chocolat thì có chè, có nhãn, bánh chuối... Văn hoá ẩm thực của xứ người được phong phú hoá bằng hương vị á đông, Tây-Việt đề huề:


Thường thường tết Tây thì phần lớn tổ chức ở những nhà hàng có khiêu vũ như là Lido hay Moulin Rouge, thường đối với Tây thì đó là dịp để họ uống với ăn thôi.

Chị Minh

Saint Sylvestre thì chị hay đi với bạn bè, hoặc là tổ chức ở nhà một người bạn, hoạc là tổ chức ở một cái restaurant. Ăn thì cũng giống như menu (thực đơn) của Tây, đại khái là foie gras (gan ngỗng) saumon ( cá hồi) , cũng có chapon….marron . Chỗ này thì chủ là người Việt Nam thành ra họ có thêm soupe Thái , salade fruit de mer ( gỏi đồ biển) sau đó thì cũng hơi bắt chước Tây : ăn xong thì cũng nhẩy đầm.

Nhưng không phải ai cũng thích thức ăn Tây. Có người cũng quay về với thói quen ẩm thực muôn đời của mình:

Có những gia đình Việt Nam không thích ăn đồ tây trong đêm giao thừa vì họ nói rằng họ đã ăn dồ tây trong đêm Noel, nên họ chỉ thích ăn đồ Tàu.

Vui chơi thỏa thích

Thực đơn của người trẻ gốc Việt thì Tây hơn, món gà quay được ăn vói khoai tây xào tỏi thay vì xôi, các món ăn được chuẩn bị cầu kỳ, đúng phong cách, món nào, rượu đó. Và phải nói là nhiều, rất nhiều món, món ăn trứớc, dọn trước, món ăn sau, dọn sau, mỗi món dùng đĩa, dao khác nhau chứ không bày tất cả lên bàn cùng một lần như bàn tiệc người Việt. Chúng ta hãy thử xem thực đơn của Mỹ Linh và các bạn trẻ xem họ có gì năm nay?

Tụi con sẽ ăn huitre au champagne: huitre được ướp với sâm banh và hạnh nhân xắt mỏng và su đó cho vào lò nướng , sau đó tụi con sẽ ăn bulot (ốc), huitre (hào), fruit de mer (đồ biển), sau đó sẽ ăn foie gras frais, (gan ngỗng chưa chín) foie gras được chiên lên ăn với xoài và bơ, ăn với chút xíu salade, và ăn với  carpaccio coqui saint jacques: coqui saint jacques được xắt rất mỏng, ăn sống với huile d’olive (dầu ô-li-ve) vinaigre au basilic. Sau đó thì tụi con ăn gibier (1 loại nai), cerfe (nai rừng), biche (nai con)  ăn với purée de marron (hạt dẻ nghiền) cái này phải uống rượi đỏ. Sau đó là dessert (tráng miệng): trái cây, salada de fruit, bánh.

Hội chợ Giáng sinh và Năm mới ở Strasbourg, Pháp hôm 26-12-2012. AFP photo.
Hội chợ Giáng sinh và Năm mới ở Strasbourg, Pháp hôm 26-12-2012. AFP photo.
Ngày mồng một đối với Tây Phương không phải là ngày quan trọng mà đêm Giao thừa mới là đêm vui chơi thỏa thích sau 1 năm làm việc. Đêm Giao thừa còn được gọi là đêm Saint Sylvestre. Theo lịch của người Pháp, mỗi ngày trong năm mang tên của một vị thánh. Đêm 31 tháng 12 được mang tên của Thánh Saint Sylvestre.  Sylvestre là một người La Mã, con trai của  linh mục Rufinus . Sau khi lén chôn xác của Timothy, một thánh tử đạo bị chặt đầu theo lệnh của Thị trưởng thành phố là Tarquinius. Sylvestre bị thị trưởng Tarquinius bắt buộc phải bỏ đức tin của mình và giao tài sản của Timothy cho Thị trưởng Tarquinius, Sylvestre từ chối và bị bắt giam. Sau khi thị trưởng Tarquinius chết vì bị mắc xương cá, Sylvestre được thả và thụ phong linh mục. Sau đó ngài trở thành đức giáo hoàng thứ  33.

Thánh Saint  Sylvestre chết ngày 31 tháng 12 năm 335. Ông được chôn cất tại nghĩa trang St Priscilla, thành phố La Via Salaria, nước Ý.

Vào đêm Saint Sylvestre mọi người tụ họp ăn uống cùng bạn bè, đợi đúng 12 giờ đêm thì mở champagne và ôm hôn nhau, chúc nhau “bonne année” tức là một năm mới may mắn. Trong thời đại tin học, hàng triệu tin nhắn được gửi cho người thân ở xa qua điện thoại, email thay cho tấm thiệp chúc Tết nay đã lùi vào quá khứ. Tại Paris, hàng trăm ngàn thanh niên, thiếu nữ chọn đại lộ Champ Elysée hay tháp Eiffel làm nơi giã từ năm cũ và đón mừng năm mới:

Những người trẻ thì hay đi Champ Elysée hoặc đi tour Effel cũng có hoặc đi Place de la Concorde… cũng đông lắm! Tháp Effel thì 1 trong 2 năm có feu d’artifice (pháo bông), rất là đẹp ở trên tour Effel. Ở Champ Elysée thì cũng có cái truyền hình lớn, cùng nhau làm cái décompte (đếm ngược) làm chung với nhau, đông lắm, hét một lượt với nhau, cũng vui lắm. 10,9,8,7,6,5,4,3,2,1… sau đó là pháo bông thì mỗi người uống champagne, hôn nhau chúc năm mới, ai cũng ôm nhau, ngay cả những người không quen mình, họ cũng ôm mình để chúc giao thừa.

Ngày đầu một năm, mà Việt Nam chúng ta gọi là Tết,  là thời điểm mà mọi người dừng lại trên con dốc thời gian để nhìn lại một chặng đường đã qua, kết toán những vui, buồn, thành công, thất bại trong năm và cùng mong ước những điều tốt đẹp cho chặng đường trước mặt. Giao thừa năm nay, khi cùng bạn bè chúc nhau “bonne année” dưới vòng cây tầm gửi. Tường An cũng xin gửi lời chúc đến quý thính giả của đài Á Châu Tự Do một năm mới tốt lành với mọi ước nguyện sẽ thành hiện thực.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.