Hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam bị tụt hạng (Phần 1)

Kết quả mới nhất của nhóm nghiên cứu SCImago công bố về năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam tiếp tục bị tụt hạng.
Hoà Ái, phóng viên RFA
2012.11.08
Trong phòng thí nghiệm (ảnh minh hoạ) Trong phòng thí nghiệm (ảnh minh hoạ)
Source vnu.edu.vn


Tải xuống - download

Có phải hoạt động nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đang ở mức báo động? Hòa Ái phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn thuộc viện nghiên cứu Y Khoa Garvan và Đại học New South Wales xoay quanh đề tài này. Cuộc phỏng vấn được phát trong 2 kỳ.

Phương thức đánh giá

Trả lời câu hỏi đầu tiên về kết quả công bố của viện SCImago, một tổ chức uy tín về đánh giá khoa học, có phản ánh đúng thực tiễn tình hình nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hay không?

Họ chỉ cung cấp thông tin liên quan đến nghiên cứu khoa học và chất lượng nghiên cứu khoa học để các nhà chức trách cũng như giáo sư tự quyết định và đánh giá để biết mình đang ở đâu trên bảng đồ khoa học thế giới

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: Trước hết, giới báo chí nói chung có một hiểu lầm ở đây. Tổ chức SCImago của Tây Ban Nha, họ nói rất rõ là họ không có xếp hạng đại học và nghiên cứu trên thế giới. Họ chỉ cung cấp thông tin liên quan đến nghiên cứu khoa học và chất lượng nghiên cứu khoa học để các nhà chức trách cũng như giáo sư tự quyết định và đánh giá để biết mình đang ở đâu trên bản đồ khoa học thế giới.

Qua báo cáo đó, tôi nghĩ rằng chúng ta cũng có thể biết một trung tâm hay một đại học đang đứng ở đâu trong vùng và trên thế giới. Trong lần này họ đưa vô danh sách 4 trường, viện của Việt Nam. Đó là Viện Khoa học và Công Nghệ ở Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. HCM, Đại học Quốc Gia Hà Nội và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mỗi một trường, họ đánh giá qua 7 chỉ số.

Thứ nhất là đầu ra về nghiên cứu khoa học; thứ hai là tỉ lệ hợp tác quốc tế; thứ ba là số công trình được công bố trên các tập san được xem như hàng đầu trong mỗi chuyên ngành; thứ tư tôi tạm dịch là chỉ số tác động tức là chỉ số phản ảnh mức độ ảnh hưởng của công trình nghiên cứu như thế nào; thứ năm là chỉ số chuyên biệt hóa, thứ sáu là chỉ số xuất sắc; và mới đây nhất là chỉ số lãnh đạo.

Tuy nhiên, nhìn mặt tổng thể thì bảng xếp hạng cung cấp thông tin cho dù ở tiêu chí nào thì các đại học Việt Nam vẫn ở vị trí rất thấp so với các nước trong vùng như Thái Lan hay Malaysia, còn so với thế giới thì thấp hơn nữa

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

Sở dĩ tôi phải nêu ra 7 tiêu chí bởi vì nếu dựa vào một tiêu chí thì một đại học này có thể được xếp hạng nhất, đại học kia được xếp hạng ba, nhưng nếu ví dụ dựa vào tiêu chí chất lượng thì đại học đó có thể xếp hạng ba thay vì hạng nhất. Tức là thay đổi tùy theo tiêu chí mình sử dụng. Do đó chuyện các đại học Việt Nam bị thay đổi vị trí tăng hay giảm tùy theo tiêu chí nào cũng không có ngạc nhiên.

Tuy nhiên, nhìn mặt tổng thể thì bảng xếp hạng cung cấp thông tin cho dù ở tiêu chí nào thì các đại học Việt Nam vẫn ở vị trí rất thấp so với các nước trong vùng như Thái Lan hay Malaysia, còn so với thế giới thì thấp hơn nữa. Ở đây tôi phải thêm một chú ý (note) mang tính tích cực hơn là mặc dù Đại Học Quốc Gia TP. HCM kém về số lượng hơn so với các đại học khác trong vùng nhưng về chất lượng nghiên cứu thì cao hẳn hơn. Tôi nghĩ rằng đó là điều hình như báo chí Việt Nam không để ý. Cái nào kém thì nói kém, cái nào tốt thì cũng nên ghi nhận ở đây.

Nguyên nhân xa gần

Phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM - Photo: Nhu Hung/TTre
Phòng thí nghiệm trọng điểm của ĐH Quốc gia TP.HCM - Photo: Nhu Hung/TTre
Photo: Nhu Hung/TTre
Hòa Ái: Thưa GS, theo như báo chí trong nước đăng tải thì các nhà nghiên cứu khoa học nêu lên, các công trình nghiên cứu khoa học của họ không được theo như ý muốn vì rất nhiều nguyên nhân. Có thể nói là không có các hội đồng đánh giá độc lập hay là khâu đào tạo tổ chức không hợp lý, hay thậm chí vì cơ chế tài chính khắt khe nên có thể nhà khoa học phải nói dối để theo đuổi công trình nghiên cứu của mình. Theo GS. đánh giá thì cái gốc của vấn đề là ở chổ nào?

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn: Tôi nghĩ đây là một câu hỏi chắc có lẽ cần đến một hội thảo khoa học để mổ xẻ vấn đề cho đến nơi đến chốn. Riêng tôi thì cũng chỉ có một số nhận xét cá nhân thôi. Tôi nghĩ khá nhiều về những lý do các đồng nghiệp trong nước vừa nêu, tôi nghĩ đều đúng cả. Theo tôi, là người ở ngoài nhìn vào, thì có lẽ có 5 lý do chính.

Lý do thứ nhất, có lẽ ai cũng thấy, các đại học ở Việt Nam chưa chú trọng vào nghiên cứu khoa học như là một cứu cánh. Các đại học lớn như Đại Học Quốc Gia và Đại Học Bách Khoa thì cũng có nghiên cứu nhưng các giảng viên, giáo sư ở đó xem giảng dạy là nhiệm vụ chính, nghiên cứu là phụ thôi. Do đó, họ không có động cơ để theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Các đại học lớn như Đại Học Quốc Gia và Đại Học Bách Khoa thì cũng có nghiên cứu nhưng các giảng viên, giáo sư ở đó xem giảng dạy là nhiệm vụ chính, nghiên cứu là phụ thôi.

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

Thứ hai, một điều nhiều người nói đi nói lại rất nhiều lần là sự tách rời giữa các trường đại học với các viện nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam có rất nhiều viện nghiên cứu khoa học, có thể đếm tới hàng trăm, có người nói là hàng ngàn viện nghiên cứu khoa học độc lập mà người ta không biết họ làm nghiên cứu gì.

Lý do thứ ba về vấn đề phân phối tài trợ. Tôi nghĩ rằng ở Việt Nam không thiếu tiền cho nghiên cứu khoa học đâu. Tại sao tôi nói như vậy? Hiện nay nhà nước Việt Nam đầu tư 2% ngân sách nhà nước cho nghiên cứu khoa học, tức là 500 triệu mỹ kim, đó không phải là con số nhỏ, nhất là trong tình trạng kinh tế còn nghèo nàn như bây giờ.

Vậy mà mỗi năm, Bộ Khoa học Công nghệ vẫn phải trả lại cho ngân sách nhà nước khoảng mười mấy, hai chục triệu, năm nào cũng vậy. Vấn đề ở đây không phải là thiếu tiền, nhưng cách phân phối làm sao cho hợp lý thì đó là vấn đề. Mà nói đến vấn đề này thì nói nhiều lắm. Vấn đề ở tổ chức xét duyệt rồi phân phối tài trợ không hợp lý, bất bình đẳng và rất là nhiêu khê. Có lần tôi nêu trước đây là về vấn đề phân bố ngân sách nghiên cứu về một số các ngân sách nghiên cứu lớn như cấp bộ, cấp nhà nước thì hầu như không đến tay các đồng nghiệp trong các tỉnh phía nam. Đó là điều rất khó hiểu.

Có nhiều người thích học bằng tiến sĩ hay thạc sĩ thì những người này học không phải vì khoa học mà mục tiêu của họ học để có bằng cấp tiến thân trong quản lý hành chính hay gì đó, không phải vì mục tiêu sáng tạo tri thức

GS.TS Nguyễn Văn Tuấn

Lý do thứ tư là thiếu các nhà khoa học có tài, có kinh nghiệm cao đẳng cấp quốc tế hoặc có thì cũng không có cơ hội làm việc đúng chổ, đúng việc.

Thứ năm, tôi nghĩ cũng rất là quan trọng, liên quan đến vấn đề văn hóa, đó là tôi gọi là thiếu tính thực học. Trong nước hiện nay có một vấn nạn, có nhiều người thích học bằng tiến sĩ hay thạc sĩ thì những người này học không phải vì khoa học mà mục tiêu của họ học để có bằng cấp tiến thân trong quản lý hành chính hay gì đó, không phải vì mục tiêu sáng tạo tri thức hay đi tìm sự thật. Đó là một điều rất là đáng buồn.

Đó là năm lý do tôi nghĩ rằng làm cho nền khoa học Việt Nam trì trệ cho đến ngày hôm nay.

Vừa rồi là phần trình bày của GS. TS Nguyễn Văn Tuấn về hiện trạng của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam. Mời quý thính giả xem phần tiếp theo của buổi phỏng vấn về giải pháp nào trong tương lai để hoạt động nghiên cứu khoa học có bước đột phá.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.