Việt Nam Tuần Qua

Tranh chấp đất đai tiếp tục là đề tài nóng tại Việt Nam.
RFA 10.11.2012
Sáng 05/07/2012, gần 500 nông dân Văn Giang kéo lên Bộ Tài Nguyên Môi Trường tại Nguyễn Chí Thanh để gặp và đối thoại với Bộ trưởng theo như đã yêu cầu, và cũng theo lời hứa của Bộ trưởng trước Quốc hội.
Photo courtesy of blog Lê Hiền Đức

Trong suốt tuần nay, hầu như ngày nào cũng có hàng trăm nông dân từ các tỉnh, tập trung về Hà Nội khiếu kiện, yêu cầu chính phủ trung ương giải quyết tình trạng đất đai của họ bị chính quyền địa phương cưỡng chế.

Khiếu kiện đến cùng

Trong số các vụ khiếu kiện này, có thể nói đông đảo và kiên trì nhất là vụ khiến kiện của tập thể nông dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, bị giải tỏa đất để xây dựng đường cao tốc ngang qua khu đô thị Ecopark.

Những người nông dân mất đất tuyên bố là họ sẽ khiếu kiện đến cùng, bằng mọi cách cho đến khi đòi được công bằng.

Lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do khi về Hà Nội tham gia khiếu kiện hồi tháng rồi, ông Đàm Văn Đồng, một nông dân Văn Giang về Hà Nội khiếu kiện tỏ ra khá dứt khoát. Ông nói:

Còn dân chúng tôi không đồng tình với dự án, nó sai về tất cả so với pháp luật Việt Nam. Cho nên chúng tôi cứ đi theo con đường pháp luật đến cùng.

Ô. Đàm Văn Đồng

“Dân chúng tôi nghĩ ai sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn dân chúng tôi không đồng tình với dự án, nó sai về tất cả so với pháp luật Việt Nam. Cho nên chúng tôi cứ đi theo con đường pháp luật đến cùng. Chúng tôi khẳng định là dân chúng tôi sẽ đòi được đất.”

Cùng quan điểm với ông Đàm Văn Đồng, một nông dân Văn Giang tập trung trước văn phòng Ban Dân vận Trung ương ở Hà Nội, bày tỏ:

“Với người nông dân thì bắt buộc phải có đất để làm. Nhưng chính quyền các cấp lấy đất đi mà chúng tôi không được thỏa thuận, bàn bạc,… bắt buộc chúng tôi phải đi đòi và yêu cầu các cấp Trung Ương Đảng phải xem xét để trả lại đất cho chúng tôi sinh sống.”

Được biết, hiện có khoảng 2 ngàn hộ dân Văn Giang vẫn chưa nhận tiền bồi thường, vì tất cả đều nói rằng họ thiếu tin tưởng, không hài lòng với cách giải quyết của chính quyền. Những người này cho biết, từ năm 2004, sau khi có quyết định phê duyệt dự án của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (lúc đó là Phó Thủ tướng) thì bà con đã gõ cửa rất nhiều cơ quan Nhà nước cũng như các cấp ủy Đảng, từ địa phương đến Trung Ương để khiếu nại những vẫn không được giải quyết thỏa đáng.

NHTG kêu gọi sửa đổi luật đất đai

Ngày 1/11/2012, một số thương binh và công dân Hà Tĩnh đến trụ sở tiếp dân trung ương Đảng và nhà nước đòi đền bù đất theo quy định của pháp luật. Photo courtesy of blog Lê Hiền Đức.
Ngày 1/11/2012, một số thương binh và công dân Hà Tĩnh đến trụ sở tiếp dân trung ương Đảng và nhà nước đòi đền bù đất theo quy định của pháp luật. Photo courtesy of blog Lê Hiền Đức.
Cũng liên quan đến tình trạng tranh chấp đất đai kéo dài tại Việt Nam, tuần này hai định chế quốc tế là Ngân Hàng Thế Giới và Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP tại Việt Nam đã cùng lên tiếng thúc giục chính quyền Hà Nội sửa đổi luật đất đai để thúc đẩy phát triển bền vững.

Trong khuyến nghị được công bố hôm thứ Hai đầu tuần, hai tổ chức này đề nghị Việt Nam tập trung vào các cải cách cần thiết để giải quyết các kẽ hở và thiếu sót hiện thời trong luật đất đai Việt Nam.

Nghiên cứu “Sửa đổi luật đất đai để thúc đẩy bền vững ở Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới đã cung cấp những ý tưởng về cải cách liên quan đến 4 chủ đề chính, bao gồm:

  • sử dụng đất nông nghiệp,
  • minh bạch và công bằng trong thu hồi đất và bồi thường,
  • quyền sử dụng đất của các nhóm dễ bị tổn thương,
  • và quản lý quy hoạch đất đai.

Nghiên cứu của Ngân Hàng Thế Giới cho rằng việc sửa đổi luật đất đai sẽ mang lại cơ hội để tái khẳng định và củng cố quyền sử dụng đất của các nhóm dễ bị tổn thương, đồng thời giảm bớt bất ổn liên quan đến tranh chấp đất đai, cũng như ngăn chận tình trạng tham nhũng liên quan đến giải tỏa – đền bù.

Thủ tướng Nga và tổng thống Iran đến VN

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang duyệt đội quân danh dự. AFP photo.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad đang duyệt đội quân danh dự. AFP photo.
Trong lĩnh vực bang giao quốc tế, tuần này Việt Nam đã tiếp đón nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới; từ Nga, Bangladesh, Bulgari đến New Zealand, Iran, v.v… Trong đó hai chuyến thăm của Thủ tướng Nga Medvedev và Tổng thống Iran Ahmadinejad gây chú ý nhiều hơn cả.

Nếu hôm đầu tuần, Thủ tướng Nga đến Việt Nam với mục đích củng cố các quan hệ truyền thống đã có từ thời Liên Xô cũ, trong đó việc duy trì ảnh hưởng của Matxcơva với Hà Nội được coi là mục tiêu hàng đầu; thì đến cuối tuần Tổng thống Iran Ahmadinejad đến Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm ngày hai nước thiết lập bang giao, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương cũng như tìm cách duy trì sự ủng hộ của Việt Nam đối với Iran trên các hồ sơ quốc tế.

Mỹ tiếp tục can thiệp cho TS Nguyễn Quốc Quân

Ông Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt Nam, hiện bị giam giữ ở TPHCM. AFP photo
Ông Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt Nam, hiện bị giam giữ ở TPHCM. AFP photo
Ông Nguyễn Quốc Quân, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt Nam, hiện bị giam giữ ở TPHCM. AFP photo
Cũng trong lĩnh vực bang giao quốc tế, cả hành pháp và lập pháp Mỹ tiếp tục bảy tỏ sự quan tâm đến trường hợp Tiến sĩ Nguyễn Quốc Quân, một người Mỹ gốc Việt bị bắt giam ở Việt Nam với cáo buộc “hoạt động lật đổ chính quyền”.

Báo chí Mỹ tuần này trích dẫn các nguồn tin từ Tòa Tổng lãnh sự Hoa Kỳ ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đại diện cơ quan ngoại giao Mỹ ở Sài Gòn đã nhiều lần vào tù gặp gỡ ông Nguyễn Quốc Quân với mục đích tìm hiểu sự việc cũng như tạo kênh liên lạc giữa ông Nguyễn Quốc Quân với gia đình ở Mỹ.

Trả lời Đài Á Châu Tự Do, từ California bà Mai Hương – vợ TS Nguyễn Quốc Quân xác nhận tin này và cho biết thêm:

“Tòa tổng lãnh sự Mỹ ở VN luôn luôn đi thăm Anh Quân mỗi tháng một lần, và tôi vẫn giữ liên lạc rất mật thiết với họ. Tuy nhiên, lần thăm viếng tháng 10 vừa qua không thực hiện được vì hồ sơ của Anh Quân đã bị gởi ra Viện Kiểm Sát Nhân dân Hà Nội, và vì thủ tục giấy tờ. Đến bây giờ TLS Mỹ vẫn chưa nhận được giấy đi thăm Anh Quân vào ngày nào.

Thông tin mới nhất họ cho tôi biết là phần điều tra đã chấm dứt và Anh Quân sẽ bị đưa ra tòa trong thời gian gần đây.”

Sacombank

Chi nhánh ngân hàng Sacombank tại Hà Nội. RFA photo.
Chi nhánh ngân hàng Sacombank tại Hà Nội. RFA photo.
Về kinh tế, Việt Nam Tuần Qua tiếp tục ghi nhận những xáo trộn trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam sau khi ông Đặng Văn Thành phải từ chức Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín - Sacombank, và bị công an mời đi “làm việc”.

Tin tức mới nhất cho biết, sau gần một tuần bị tạm giữ ở cơ quan điều tra thuộc Bộ Công An, ông Đặng Văn Thành đã được cho về nhà, tuy nhiên những ảnh hưởng của vụ này đối với các hoạt động của Sacombank được cho là không nhỏ.

Mặc dù các tân lãnh đạo Sacombank đã nhiều lần lên tiếng trấn an dư luận về sự ra đi của ông Đặng Văn Thành, nhưng để ứng phó với những phản ứng bất lợi có thể xảy ra, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại thành phố Hồ Chí Minh đã phân công cán bộ giám sát mọi hoạt động của Sacombank.

Tuyên bố với báo chí ngay sau tin ông Đặng Văn Thành bị công an mời đi làm việc, Phó giám đốc Ngân hàng nhà nước tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, ngân hàng trung ương đã sẵn sàng 28.000 tỉ đồng để hỗ trợ Sacombank chi trả tiền gửi của khách hàng, cử cán bộ theo dõi mọi diễn biến tại Sacombank 24/24 giờ để có ứng phó kịp thời khi nhu cầu giao dịch của người dân tăng đột biến.

Thị trưởng gốc Việt đầu tiên

Ông Tạ Đức Trí, 39 tuổi, hiện giữ chức phó thị trưởng thành phố Westminster.Courtesy Việt Báo
Ông Tạ Đức Trí, 39 tuổi, hiện giữ chức phó thị trưởng thành phố Westminster.Courtesy Việt Báo
Việt Báo
Lần đầu tiên một người Việt Nam đắc cử chức Thị trưởng tại Hoa Kỳ.

Ông Tạ Đức Trí, một người trẻ gốc Việt đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Ba 6 tháng 11 vừa qua để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên đắc cử Thị trưởng thành phố Wesminster thuộc tiểu bang California.

Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do ngay sau khi kết quả bầu cử chính thức được công bố, từ Quận Cam, ông Tạ Đức Trí bày tỏ:

“Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được cùng với cư dân, đồng hương, và cộng đồng người Việt của chúng ta viết nên trang sử mới cho thành phố Westminster.

Chúng tôi rất vui và vinh dự khi được cùng với cư dân, đồng hương, và cộng đồng người Việt của chúng ta viết nên trang sử mới cho thành phố Westminster.

Ô. Tạ Đức Trí

Trong kỳ tranh cử này, chúng tôi nhận được rất nhiều sự ủng hộ của quý đồng hương trong cộng đồng của chúng ta, của rất nhiều cư dân trong thành phố Westminster,của rất nhiều tổ chức, hội đoàn, đã tin tưởng và đã ủng hộ chúng tôi.”

Được biết, ông Tạ Đức Trí năm nay 39 tuổi, đã vượt qua 4 ứng cử viên khác trong cuộc đua vào chức Thị trưởng Wesminster, với hơn 42% phiếu bầu của cử tri.

Vào ngày 12 tháng 12 tới đây, ông Tạ Đức Trí sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức thị trưởng Wesminster, nơi được coi là thủ đô của người Việt tại hải ngoại.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.