TQ sẽ thưởng 50 ngàn đô la cho thông tin khủng bố tại Tây Tạng

RFA 31.01.2015
P1040428-305.jpg Các nhà Sư biểu tình ở Tây Tạng, ảnh chụp trước đây.
File photo

Cơ quan chức năng Trung Quốc đưa ra khoản đề nghị thưởng lên đến 300 ngàn nhân dân tệ, tương đương 50 ngàn đô la, cho những ai chỉ điểm về những hoạt động khủng bố tại Tây Tạng.

Tân hoa xã loan tin này hôm nay cho biết thêm rằng công an tại khu tự trị Tây Tạng khuyến khích người dân địa phương báo cáo cho ngành này tất cả những hoạt động bị cho là khủng bố như kế hoạch tấn công, cổ xúy cho cực đoan tôn giáo, vận chuyển vũ khí. Những thông tin báo cáo như thế sẽ được thưởng tiền.

Bản tin của hãng thông tấn AP nói rằng trong những năm gần đây tại khu vực Tây Tạng công chúng không mấy hiểu biết về vấn đề khủng bố; mặc dù tại đó từ năm 2009 đến nay xảy ra hơn 130 vụ tự thiêu của các tăng sĩ và người dân Tây Tạng nhằm phản đối chính sách cai trị hà khắc của chính quyền Bắc Kinh đối với tôn giáo và văn hóa của người địa phương.

Không rõ luật mới của Trung Quốc có cho biện pháp tự thiêu là một hình thức khủng bố hay không. AP nói rằng do biện pháp kiểm soát chặt giới phóng viên nên việc đến Tây Tạng rất khó khăn không thể kiểm chứng thông tin tại đó được. Thường có tin nói lực lượng an ninh và những người Tây Tạng không vũ trang biểu tình đụng độ nhau.

Hồi đầu tuần này, cơ quan điều tra Bắc Kinh công bố họ phát hiện có 15 đảng viên đương chức tại Tây Tạng tham gia những tổ chức Tây Tạng Độc lập bí mật. Những tổ chức này cung cấp thông tin tình báo cho Đức Đạt Lai Lạt Ma và những người theo Ngài; hoặc có những hoạt động bị Bắc Kinh cho là xâm hại đến an ninh quốc gia.

Nỗ lực chống khủng bố của Bắc Kinh trong thời gian qua chủ yếu tại vùng Tân Cương nơi mà nhiều vụ tấn công bạo lực bị cho là do những thành phần ly khai Hồi giáo tiến hành làm nhiều người thiệt mạng.

Người theo Hồi giáo ở Tân Cương là người Uighur, lâu nay luôn lên tiếng phản đối chính sách phân biệt đối xử với người Hồi giáo Uighur và văn hóa bản địa của họ; trong khi ngày càng nhiều người Hán được đưa đến vùng Tân Cương và trở nên đa số so với người Uighur.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.