Nga muốn nối lại hội nghị 6 bên về vấn đề Nam-Bắc Hàn

RFA
2016.01.26
000_DV2217317-622 Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov họp báo ở Matxcova hôm 26/1/2016.
AFP

Liên quan đến Bắc Hàn, Ngoại Trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng chính phủ nước nước ông mong muốn nối lại hội nghị 6 bên, quy tụ Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Nam-Bắc Hàn, để giải quyết tình trạng căng thẳng đang xảy ra ở Bán Đảo Tiều Tiên.

Hôm qua trong cuộc họp báo ở Matxcova được trực tiếp truyền hình, Ngoại Trưởng Nga cho rằng chuyện cần phải giải quyết là làm sao để bán đảo Triều Tiên trở thành khu vực phi hạt nhân, chứ không phải chỉ giải quyết chuyện Bình nhưỡng cho nổ thử nghiệm bom nguyên tử.

Ngoại Trưởng Lavrov nhấn mạnh những vụ nổ thử nghiệm mà Bình Nhưỡng thực hiện đã vi phạm quy định của Hội Đồng Bảo An Liên hiệp Quốc, nhưng nói thêm thử thách phải giải quyết là làm sao đảm bảo Bắc Hàn không có bom nguyên tử, đồng thời cả Hoa Kỳ lẫn Nam Hàn cũng không đưa bom nguyên tử đến bán đảo Triều Tiên.

Ý kiến của Nga trái ngược với ý kiến mà Bà Tổng Thống Nam Hàn Park Gye-hyun mới đưa ra cách dây vài ngày, cho rằng hội nghị nên nhóm họp mà không cần có sự hiện diện của Bắc Hàn, vì theo lời Bà Tổng Thống Nam Hàn, không ai tin tưởng vào thiện chí của Bình Nhưỡng, do đó dù có tham gia đàm phán, Bắc Hàn cũng không thật tâm muốn giải quyết vấn đề.

Hội nghị 6 bên bắt đầu từ năm 2003 và bế tắc từ năm 2009, sau khi Bắc Hàn từ chối thực hiện những điều đã cam kết với thế giới như đình chỉ các chương trình hạt nhân để đánh đổi lấy viện trợ kinh tế và có thể đi đến thiết lập ngoại giao với Hoa Kỳ.

Không làm những điều đã hứa, Bình Nhưỡng còn liên tục cho nổ thử nghiệm võ khí hạt nhân, và phóng thử hỏa tiễn tầm xa, đi kèm với đe dọa hỏa tiễn của họ có thể chở theo đầu đạn hạt nhân và phóng tới Mỹ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.