Lần đầu tiên, Mỹ tụt hạng tín nhiệm

Lần đầu tiên trong lịch sử, nước Mỹ tụt hạng tín nhiệm, từ AAA xuống còn AA+, và tức khắc được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng cho các thị trường tài chánh, chứng khoán, cũng như cho nền kinh tế toàn cầu.
RFA 06.08.2011

Tình trạng này xảy ra sau khi tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Standard & Poor’s, thường được gọi tắt là S&P cho rằng kế hoạch giảm thâm thủng ngân sách mà chính phủ Hoa Kỳ mới thông qua hôm thứ Ba vừa rồi không đủ để thay đổi tình hình, tức Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phải vay những khoản tiền khổng lồ để chi tiêu.

Một lý do khác nữa cũng được S&P nói đến là những cuộc tranh cãi giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trong vấn đề nâng mức nợ công cũng cho thấy lối làm việc của chính phủ Hoa Kỳ kém hiệu quả và kém ổn định.

Ngay sau khi bị tụt hạng tín nhiệm từ AAA xuống còn AA+, một viên chức Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ đã đổ lỗi cho S&P, nói rằng các bản phân tích tài chánh kinh tế của tổ chức này đã tính thiếu tổng cộng 2,000 tỷ dollars trong tài khoản Hoa Kỳ hiện có. Chỉ trích này vẫn không thay đổi được quyết định của S&P.

Trung Quốc là nước đầu tiên lên tiếng nói rằng Hoa Kỳ phải giải quyết tình trạng nợ nần, thâm thủng ngân sách, để tránh gây trở ngại cho những nền kinh tế khác.

Trung Quốc cũng nhắc lại ý kiến nên có thêm những đồng bạc khác làm căn bản trao đổi trên thị trường tài chánh, thay vì chỉ sử dụng có đồng đô la Mỹ.

Ý kiến này được chính phủ Philippines ủng hộ. Bộ Trưởng Tài Chánh Phi là ông Cesar Purisima cho rằng đã đến lúc thị trường tài chánh toàn cầu phải tính đến việc sử dụng đồng bạc khác ổn định hơn.

Các chính phủ Australia, Nhật Bản và Nam Hàn cũng triệu tập các phiên họp để lượng định xem việc Hoa Kỳ bị hạ điểm tín nhiệm sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế của họ.

Thủ Tướng Julia Gillard của Australia nói rằng bà không ngạc nhiên với quyết định của S&P, nhưng đồng thời cũng nhắc nhở là hai tổ chức đánh giá tín dụng khác là Moody’s và Fitch vẫn giữ mức tín nhiệm kinh tế của Mỹ ở điểm AAA, ý muốn nói là tình hình không đến nỗi quan ngại như nhiều người đang nghĩ.

Trợ Lý Bộ Trưởng Tài Chánh Nam Hàn là ông Yim Jong-Yong thì nói rằng có thể nền kinh tế Nam Hàn sẽ bị ảnh hưởng vì kinh tế Hoa Kỳ bị giảm mức tín nhiệm, nhưng ông tin là không phải lo lắng quá mức.

Tại Tokyo, một viên chức Nhật nói với báo chí rằng chính phủ theo dõi rất sát chuyện này, nhưng cho hay là Nhật vẫn tin tưởng và tiếp tục mua trái phiếu do Bộ Tài Chánh Hoa Kỳ bán ra.

Sau Trung Quốc, Nhật Bản là nước đứng thứ nhì trong danh sách những quốc gia bỏ tiền cho Hoa Kỳ vay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.