Kỷ niệm ngày Nhân quyền quốc tế: Nỗi khao khát quyền con người

Nguyễn Tường Thuỵ
2017.12.10
nhanquyen.jpg Hình chụp họp mặt ngày Nhân quyền quốc tế 2017
Blogger Nguyễn Tường Thuỵ

Ngày 10 tháng 12 hàng năm được tôn vinh là Ngày Nhân quyền Quốc tế, được các nước trên thế giới kỷ niệm.

Trong tình hình đàn áp dân chủ căng thẳng ở Việt Nam năm nay, những người yêu tự do dân chủ vẫn bằng mọi cách thể hiện sự khát khao quyền con người được tôn trọng. Ngày 7/12, gần 30 anh chị em hoạt động xã hội dân sự đã bí mật họp mặt kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền. Tại Sài Gòn, một buổi họp mặt do Phạm Bá Hải tổ chức bị phá. Anh bị canh giữ giam lỏng tại nhà cho đến 9 giờ tối.

Vào ngày 9/12/2017, một buổi kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền nữa cũng diễn ra hết sức bí mật tại Hà Nội. Trong buổi gặp mặt này, thầy Vũ Mạnh Hùng cho rằng mọi nguyên nhân bất hạnh trong cuộc sống đều có nguồn gốc từ một xã hội không tôn trọng nhân quyền. Nhân quyền là giá trị phổ quát của nhân loại. Việt Nam sau khi gia nhập Liên Hợp Quốc vào năm 1977,  đến năm 1982 (24/9) đã ký Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị. Thế nhưng nhưng cho đến nay, trên thực tế quyền con người ở VN không được tôn trọng. Tôi có một mong muốn mong nhà nước cộng sản VN tôn trọng quyền con người, bởi vì một đất nước, một dân tộc phát triển hưng thịnh được hay không chính là xã hội có tôn trọng nhân quyền hay không.

Anh Nguyễn Thanh Hà bày tỏ, kỷ niệm ngày nhân quyền quốc tế mà VN là một trong những nước đã ký công ước về nhân quyền cho nên mình ngồi với nhau để yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản VN tôn trọng nhân quyền, việc ấy là đúng đắn, mình không có điều gì phải e ngại

Ông Tô Oanh, một nhà giáo ở Bắc Giang cho rằng tại sao mà mình không dám kỷ niệm ngày Quốc tế Nhân quyền? An ninh luôn nhắc nhở tôi không được tiếp xúc với người Hà Nội (những người hoạt động nhân quyền). Người Hà Nội thì sao? Nếu quan chức có nhân cách được như thế thì quý quá chứ. Những người như thế tôi tôn trọng và cũng có những cái tôi cần học tập họ. Ông chia sẻ chút đời tư: Tôi hiện nay sống độc thân nhưng toàn bị an ninh phá, không thể đến với một cô nào được. Tôi rất muốn có những cuộc gặp mặt như thế này, nói những điều trong khuôn khổ được phép. Kỷ niệm nhân quyền có gì sai, yêu nước, chống Trung Quốc có gì sai? Chúng ta không có ý đồ lôi kéo nhau lật đổ chính quyền này mà tự họ sẽ lật nhau thôi. 75 vạn quân chính qui, 1 triệu công an ai mà lật được. Ta cứ sống đúng với lương tâm của mình, có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc này.

Một cụ lão thành cách mạng đã 93 tuổi, 71 năm tuổi đảng hôm nay cũng có mặt trong buổi kỷ niệm. Nói chuyện với tôi, cụ cho rằng, chế độ chính trị này phải thay đổi theo hướng dân chủ, phải thực chất dân chủ, có sự tham gia của các đảng phái khác. Cụ cho rằng không đa nguyên chính trị không chống nổi tham nhũng. Trả lời câu hỏi của tôi: “Bác có cho rằng, mọi sự bất công trong xã hội, sự tụt hậu của đất nước hiện nay bắt nguồn từ chế độ độc đảng không?” Cụ khẳng định ngay: “Đúng quá chứ còn gì nữa”. Cụ cũng cho biết cụ cũng đã nói với ông Lê Hồng Anh và Đinh Thế Huynh về những bức xúc này.

Sự vi phạm quyền con người ở Việt Nam đã trở thành hệ thống. Nhiều người hoạt động xã hội dân sự đã bị bắt cầm tù chỉ vì bày tỏ chính kiến, tư tưởng. Chỉ tính trong năm nay, 2017 đã có 25 người bị bắt và bị truy tố, bị gán ghép cho các tội danh rất xa lạ như tuyên truyền chống nhà nước, hoạt động lật đổ nhà nước… Gần đây nhất là hai phụ nữ bị kết án 9 hoặc 10 năm tù là Trần Thị  Nga và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Nhiều người đã bị đánh đập, canh chặn ngăn cản quyền tự do đi lại, bị gây khó khăn trong cuộc sống.

Buổi họp mặt không quên nhắc đến phiên tòa phúc thẩm Trần Thị Nga vào ngày 22/12 tới, mong muốn nhiều người sẽ đến Phủ Lý (Hà Nam) ủng hộ Nga.

Nhà cầm quyền cần phải lắng nghe khát vọng tự do dân chủ của người dân, tôn trọng nhân quyền. Xin nhắc lại lời thầy giáo Vũ Mạnh Hùng: “Một dân tộc phát triển hưng thịnh được hay không chính là xã hội có tôn trọng nhân quyền hay không”.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.