Người Việt Campuchia bị tước giấy tờ - thêm một mảnh Việt Nam bị tháo rời

Viết từ Sài Gòn
2017.12.01
000_Hkg4999542_960.jpg Một cậu bé người Việt ở Campuchia đang đẩy chiếc xe đựng rác trên đường phố Phnom Penh hôm 12/6/2011.
AFP

Trong tuần nay, Việt Nam xảy ra quá nhiều chuyện, từ chuyện một bà nội ruột đã giết chết cháu 20 ngày tuổi vì nghe theo lời thầy bói, chuyện một ông phó giáo sư tiến sĩ về hưu đòi thay đổi cách viết tiếng Việt và áp đặt nó trong nền giáo dục, chuyện người Việt Nam ở Campuchia bị tước giấy tờ tùy thân… Dường như chuyện nào cũng động trời và đều nằm chung trong một qui trình: Tháo Việt Nam thành từng mảnh rời.

Vì sao tôi lập luận như vậy? Vì hiện tại, mối nguy của dân tộc không dừng ở chính thể độc tài, sự trượt dốc về văn hóa hay tính bất an về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải nữa. Mà sự bất an dân tộc đã phát triển trên một chiều kích mới hơn, đó là đất nước, quốc gia, dân tộc bị tháo rời từng mảnh trong tâm thức mỗi người, trong biên kiến Nam - Bắc, Việt Kiều - Việt Bản Địa, Quyền Lực – Bị Trị, Kẻ Giàu - Người Nghèo… Không phải tự dưng mà thứ biên kiến này mọc lên trong tâm hồn người Việt, và không phải vô cớ mà tôi dám “phán” rằng có một thứ biên kiến như vậy. Mọi thứ đều có biểu hiện và căn cớ của nó.

Mà căn cớ sâu xa của sự tổn thương tâm hồn Việt Nam hôm nay lại do các lựa chọn có tính vĩ mô của giới chóp bu lãnh đạo Cộng sản Việt Nam. Chính các sách lược sai lầm của họ đã dẫn đến tình trạng này. Có hàng vạn câu chuyện để chứng minh cho luận điểm trên, nhưng tôi muốn nêu ba câu chuyện mới đây nhất, đó là bà nội giết cháu ruột, ông giáo sư tiến sĩ về hưu đòi thay đổi tiếng Việt và người Việt ở Campuchia bị tước giấy tờ tùy thân.

Ở câu chuyện bà giết cháu, đây là một câu chuyện hình sự, nhưng nếu dò tiếp một bước nữa về tâm tính con người cũng như động cơ để con người trở nên man rợ thì nó thuộc về văn hóa – xã hội. Chủ nghĩa vô thần của người Cộng sản đã từng có một giai đoạn (những năm cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980 thế kỉ trước) xóa sạch các tín ngưỡng, tôn giáo và tâm linh người Việt. Đây là giai đoạn làm cho dân tộc đi từ trạng thái bình ổn văn hóa trở nên trống rỗng và đổ nát về văn hóa. Sự đổ nát về văn hóa cộng thêm cách ứng xử bầy đàn về miếng ăn, người ta phải xếp thành từng hàng dài để chờ nhận miếng ăn theo khẩu phần, tem phiếu đã nhanh chóng đẩy tinh thần dân tộc sụp đổ hoàn toàn. Và muốn phục hồi nó, có khi tốn cả trăm năm!

Tiếp theo, thay vì phục hồi các giá trị văn hóa đã mất thì nhà lãnh đạo Cộng sản đã bẻ lái, chuyển từ trạng thái vô thần sang độc thần, mọi hình ảnh, biểu tượng tâm linh và văn hóa đều được mô phỏng theo chân dung lãnh tụ Hồ Chí Minh và đương nhiên, trong kho tàng biểu tượng tâm linh thời đại Cộng sản, Hồ Chí Minh được xếp vào hàng biểu tượng mẫu, tiêu biểu. Thay vì phục hồi giá trị tâm linh đã mất, người Cộng sản lại xây dựng một khuynh hướng mê tín, biến tất cả các cơ sở tôn giáo trở thành cơ quan tuyên truyền và các hoạt động mê tín, sùng bái trở thành hoạt động chủ đạo. Hoạt động ốp đồng, tin rằng có thánh Hồ, thánh Giáp, thành Duẩn, thánh Linh… bói toán, bốc phệ trở nên phổ biến.

Mức độ phổ biến của nó được chuyển hóa lên tầm phổ quát đến mức người ta tin vào thầy bói hơn tin người thân, lời của thầy bói có giá trị hơn khoa học, ngay cả các bệnh viện, trường học cũng có riêng một khu thờ cúng, nhang khói, thậm chí các cơ quan nhà nước cúng có các lễ cúng cuối năm, cúng tất niên, cúng cô hồn, tạ ơn trên cho một năm làm ăn hanh thông… Không khí mê tín nhuốm màu khắp từ Nam chí Bắc, khắp mọi ngõ ngách cuộc sống và nó chui tột vào tâm hồn, ý thức con người, chi phối mọi hành động. Một bà nội đã giết cháu ruột hai mươi ngày tuổi của mình, sau đó mang ra vứt hố rác vì tin lời thầy bói rằng đứa cháu đó sống thì mình phải chết! Đây không phải là mê tín đến độ man rợ, cuồng sát là gì?

Nhưng sâu xa hơn, vấn đề giáo dục cũng nhanh chóng đẩy con người đến chỗ man rợ, tàn nhẫn và vô cảm. Một nền giáo dục tuyên truyền và mất phương hướng, thiếu tính thực tiễn và thiếu cả tính thật thà, thay vì con người được học hành, được tiếp cận các tri thức và văn minh nhân loại, thấu hiểu về lịch sử thì nền giáo dục độc tài Cộng sản đã đánh tráo bằng thao tác tuyên truyền, nhồi nhét chính trị, nhồi nhét lòng thù hận vá tính thực dụng, tính cạnh tranh, đấu đá. Nhưng tri thức thì còn xa lắm mới chạm đến.

Một nền giáo dục mất phương hướng và dối trá sẽ sinh ra nhiều nấm độc, sự mất phẩm cách nhà giáo của giới đứng lớp, sự nhảm nhí của giới lãnh đạo giáo dục, nạn thảm nhũng, đục khoét có mặt khắp chân tơ kẽ tóc và những dự án cải cách giáo dục vô bổ, gây tốn kém và giúp đầy túi tham… là những loại nấm độc có thể nhìn thấy được trong ngành giáo dục hiện nay.

Chuyện một ông phó giáo sư, tiến sĩ về hưu đã muốn áp đặt công trình nghiên cứu tiếng Việt chưa biết sẽ đến đâu về mặt khoa học của ông ta lên nền giáo dục (mà sự áp đặt này có nguy cơ biến chữ Việt hiện hành thành một loại tử ngữ, biến các thư tịch Việt trở thành loại cổ thư…) không phải tự dưng mà ông ta dám làm. Mà việc công bố tham vọng này chỉ diễn ra sau khi ông bộ trưởng giáo dục Phùng Xuân Nhạ lên kế hoạch đào tạo thêm 9000 tiến sĩ. Hay nói cách khác, đây là một kiểu ăn chia quyền lợi trong dự án giáo dục, mày có 9000 tiến sĩ, mày kiếm được mâm xôi thì để tao có cái bản chữ Việt, tao kiếm dĩa cơm chứ! Không hơn không kém!

Một nền giáo dục mà mọi kẻ cơ hội đều có thể biến những ảo tưởng thành hiện thực và đánh tráo lịch sử, chủ nghĩa thần tượng, độc thần, độc tài được đánh bóng đến mức sáng nhất. Điều đó cũng đồng nghĩa với nhiều thế hệ được nhồi sọ tư duy chấp nhận độc tài và những kẻ trong hệ thống độc tài sẽ thấm nhuần độc tài là chân lý. Để rồi, khi có cơ hội, người ta sẵn sàng nhảy lên ghế độc tài.

Điều này cũng lý giải tại sao Bùi Hiền có tham vọng bản chữ tiếng Việt của ông ta trở thành chuẩn mực trong tương lai. Đều là độc tài, độc đoán như nhau nhưng khác nhau về hình thái phát triển, đó là một lối dạy, nếp quen của giáo dục độc tài.

Câu chuyện thứ ba, chính quyền Campuchia quyết định thu hồi toàn bộ giấy tờ tùy thân của gốc Việt tại Campuchia, điều đó cũng đồng nghĩa Việt Nam dù muốn hay không cũng phải đón nhận một tập hợp người Việt “hồi hương” trong thời gian tới. Vấn đề an ninh, kinh tế, đất đai, phúc lợi xã hội của Việt Nam bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhất là trong lúc ngân khố quốc gia có nguy cơ trống rỗng, vấn đề đất đai đang là cái chảo lửa, nhiều gia đình sống lâu năm trên một diện tích đất chưa có chủ quyền và họ cần được cấp chủ quyền, nếu người Việt từ Campuchia trở về, chính phủ cấp đất cho họ thì câu chuyện đất đai Việt Nam sẽ trở nên nóng hơn bao giờ hết…

Liệu câu chuyện thứ ba này có liên quan gì đến hai câu chuyện trước cũng như câu chuyện dân tộc Việt Nam đang bị tháo rời từng mảnh? Có đó, vấn đề là kẻ tháo rời dân tộc này đã dùng công cụ gì để tháo. Nếu như hai câu chuyện trước, kẻ tháo rời Việt Nam đã dùng công cụ gián điệp văn hóa, gián điệp giáo dục và tôn giáo thì ở câu chuyện người Việt Campuchia, đòn phủ đầu đối ngoại của “ai đó” đã khiến Campuchia đưa ra quyết định tịch thu toàn bộ giấy tờ tùy thân của người Việt tại Campuchia.

Hãy tưởng tượng khi tình hình kinh tế quốc gia đang có chiều hướng bệ rạc, ngân khố trống rỗng, biên kiến Nam - Bắc đang có khuynh hướng nặng dần, ý hướng hòa giải hòa hợp dân tộc giữa người Việt trong nước và người Việt hải ngoại đang có khuynh hướng phai nhòa và dẫn tới tuyệt lộ, tâm hồn người Việt Nam càng trở nên nghi kị, rối rắm, mê tín và dã man… Nếu nhìn vào sức mạnh tinh thần, có thể nói rằng chưa bao giờ dân tộc Việt Nam yếu nhược hơn hiện tại.

Và đây là điều của kẻ bành trướng cũng như tay chân của chúng chờ đợi. Thử hỏi, muốn tháo rời Việt Nam, còn lúc nào tốt hơn lúc này. Nhưng tháo rời để làm gì? Từ xưa tới nay, chuyện chia nhỏ để trị là chuyện của bành trướng Hán tộc, chuyện nhân dân đi trước nhà nước theo sau cũng là chuyện của bành trướng đại Hán. Và có vẻ như kẻ bành trướng đã thành công ngoài sức mong đợi, họ đã tháo rời từng mảnh Việt Nam, vấn đề là đến lúc nào họ thẳng tay ném từng mảnh vào sọt. Có lẽ chuyện ấy không còn bao xa vì hiện tại, kẻ bành trướng đang ung dung ngồi nhìn những mảnh Việt nam bị tháo rời và họ không quên nhấm nháp một ngụm trà, gật gù khen và nhìn rõ bản mặt của kẻ phản bội đang chịu kiếp vong nô, trâu ngựa cho họ. Nhìn để mà hình dung trâu ngựa khi bị giết thịt khác với bây giờ ra sao!

Thật là đau khi chúng ta, những người yêu thương giống nòi, yêu thương từng bụi cây, ngọn cỏ, yêu thương mảnh vườn có tiếng dế thao thức đêm sương, yêu thương buổi chiều êm bên dòng sông quê và yêu cả những ngày lụt lội mưa cuồng bão thét, yêu cái mùi thơm miếng cá khô nướng của bà, của mẹ đã cho… Nhưng, mọi thứ ấy đã bị tháo rời trong một ngày tật nguyền và tội lỗi.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.