Trung Quốc và ASEAN diễn tập hải quân chung

RFA
2017.11.01
000_TN1BA_960.jpg Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh bắt tay nhau trong lễ ký và bàn giao Tuyên bố chung bên lề ADMM 11 ở thành phố Clark, Philippines hôm 23/10/2017
AFP

Trung Quốc và các nước ASEAN bắt đầu tham gia diễn tập hải quân chung lần đầu tiên ở Biển Đông vào hôm thứ ba, ngày 31/10, cho thấy căng thẳng giữa hai bên ở vùng biển này đang giảm bớt.

Cuộc tập trận giả định một vụ đụng tàu giữa tàu khách của Trung Quốc và tàu chở hàng của  Campuchia ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, tham gia diễn tập có 1.000 nhân viên cứu hộ trên 20 chiếc tàu và 3 chiếc máy bay trực thăng.

Các nước ASEAN tham gia tập trận bao gồm Philippines, Campuchia, Lào, Myanmar và Brunei, trong khi Việt Nam không tham gia cuộc tập trận này.

Hồi tuần trước, Bộ Quốc phòng Singapore ra thông báo cho biết Trung Quốc và các nước ASEAN dự định tiến hành một cuộc tập trận hải quân chung góp phần tăng cường quan hệ quốc phòng giữa hai bên.

Singapore, nước thành viên ASEAN, hiện đóng vai trò điều phối trong quan hệ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, cuộc tập trận chung giúp hai bên xây dựng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau.

Trung Quốc là nước đòi chủ quyền phần lớn khu vực Biển Đông. Những nước ASEAN cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Brunei và Malaysia.

Tranh chấp trong khu vực giữa Trung Quốc và các nước khác đôi khi dẫn đến những đối đầu, chủ yếu liên quan đến việc đánh bắt cá và khai thác dầu khí.

Hồi năm 2013, Philippines đã kiện Trung Quốc ra tòa Quốc tế để làm rõ đòi hỏi về chủ quyền đường chữ U mà Trung Quốc vạch ra ở biển Đông. Năm 2016, tòa Trọng tài Quốc tế đã ra phán quyết bác bỏ tính hợp lý của đường yêu sách này nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của tòa.

ASEAN và Trung Quốc đã ký một bản tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) vào năm 2002. Hồi tháng 8 năm nay, hai bên đã chấp thuận một bộ khung bản thảo Bộ quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (COC) với hy vọng sớm đạt được COC trong năm nay.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.