Quốc tế yêu cầu Myanmar thả phóng viên Reuters

RFA
2017.12.18
000_U58L1_960.jpg Một người tị nạn Rohingya chui qua rào tạm để lấy thực phẩm ở trại tị nạn Thankhali ở Bangladesh hôm 10/11/2017
AFP

Một số quốc gia, Liên Hiệp Quốc, và các nhóm phóng viên yêu cầu Myanmar thả tự do cho hai nhà báo của Reuters đang bị giam cầm là Wa Lone và Kyaw Soe Oo.

Hai nhà báo này bị bắt vào ngày 12 tháng 12 sau khi được mời đến văn phòng cảnh sát ở ngoại ô Yangon.

Bộ Thông tin Miến Điện đưa ra tấm hình hai nhà báo bị còng tay, đồng thời nói với báo giới rằng những phóng viên này đã kiếm những thông tin về việc đàn áp quân sự ở bang Rakhine khiến hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya phải sang Bangladesh lánh nạn, với mục đích chia sẻ với truyền thông nước ngoài một cách bất hợp pháp.

Hai phóng viên của Reuters và hai cảnh sát phải đối mặt cáo trạng về Đạo luật an ninh có từ thời thuộc Anh, có thể bị phạt lên đến 14 năm tù giam.

Nơi giam giữ những người này hiện không được thông báo.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng Hoa Kỳ đã yêu cầu thả ngay lập tức hai phóng viên này cũng như cho biết thêm thông tin và chi tiết về việc mất tích của họ.

Ông Mark Field, Bộ Trưởng Anh tại Châu Á Thái Bình Dương cho biết ông phản đối mạnh mẽ việc hai nhà báo bị bắt giam chỉ vì làm công việc của mình, nói thêm sẽ sử dụng những biện pháp mạnh nhất để họ được thả sớm nhất có thể.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Gueterres, nói rằng có thể lý do những nhà báo bị bắt do họ đưa những thông tin có liên hệ tới thảm kịch nghiêm trọng về con người, ý muốn nói đến những hành động tàn bạo mà quân dội Miến đã làm đối với người Hồi Giáo Rohingya.

Trong khi đó cũng tại Myanmar, quân đội Miến Điện đã đốt hàng chục ngôi nhà của người Hồi giáo Rohingya, chỉ vài ngày sau khi chính phủ Miến  ký kết thảo thuận với Bangledesh về việc hồi hương hơn 600.000 người Rohingya đang lánh nạn tại Bangladesh.

Thông tin này được Ông Brad Adams, Giám đốc phân ban Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế Human Rights Watch phổ biến vào sáng thứ hai, ngày 18 tháng 12, nói thêm rằng hành động này chứng tỏ chính phủ Miến ký thỏa thuận với Bangladesh chỉ nhằm thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, chứ không thật tâm muốn giải quyết vần đề.

Có hơn 655.000 người Hồi giáo Rohingya đã phải sang Banladesh lánh nạn, mang theo những miêu tả khiếp về việc hãm hiếp, giết người, đốt phá phi pháp của quân đội Miến.

Vào tuần trước, tổ chức Bác sĩ Không Biên giới đã công bố một bản khảo sát cho biết gần 7.000 người Rohingya đã bị quân đội Miến giết chết khi thực hiện những cuộc hành quân dưới danh nghĩa truy lùng khủng bố.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.