Ả Rập Xê Út cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran

RFA 04.01.2016
000_Nic6526744 Phụ nữ Iran biểu tình chống lại việc tử hình giáo sĩ Hồi giáo Shiite Nimr al-Nimr tại Quảng trường Imam Hossein ở thủ đô Tehran hôm 04 tháng 1 năm 2016.
AFP photo

Nga sẵn sàng đóng vai trò trung gian để giúp giải quyết căng thẳng đang xảy ra giữa Iran và Ả Rập Xê Út.

Tin này được hãng thông tấn Nga RIA đánh đi từ Matcova cách đây ít giờ đồng hồ, cho biết thêm nghe được từ Bộ Ngoại Giao.

Cẳng thẳng giữa Iran và Ả Rập Xê Út xảy ra sau khi chính phủ Ả Rập Xê Út hành quyết một Giáo Sĩ nổi tiếng của nhóm Hồi Giáo Shiite là Giáo Sĩ Nirm al-Nimr.

Giáo Sĩ Nirm bị hành quyết cùng với 46 người khác, phần lớn là người theo Hồi Giáo Sunni. Tất cả đều bị cáo buộc tội có tư tưởng cực đoan, tham gia những tổ chức khủng bố và âm mưu chống chính quyền.

Chính phủ Ả Rập Xê Út xem giáo sĩ này là một phần tử khủng bố đầy nguy hiểm, nhưng chính quyền và người dân Iran lại xem ông là một vị anh hùng, vì thường xuyên lên tiếng bênh vực cho quyền lợi của người Hồi Giáo Shiite.

Xin nói rõ là người Hồi Giáo Shiite chiếm đa số ở Iran, nhưng lại là thiểu số ở Ả Rập Xê Út, quốc gia đa số theo Hồi Giáo Sunni.

Ngay sau khi vụ hành quyết Giáo Sĩ Nirm xảy ra, những người Iran đã biểu tình, đập phá Đại Sứ Quán Ả Rập Xê Út ở Tehran và tòa lãnh sự ở thành phố Mashad.

Trong diễn văn đọc trên truyền hình chiều hôm qua, Tổng Thống Hassan Rouhani của Iran đã lên án những phần tử Iran quá khích biểu tình đập phá Đại Sứ Quán và tòa tổng lãnh sự của Ả Rập Xê Út, gọi đó là điều không thể chấp nhận được, đồng thời cảnh sát Iran cho hay bắt giữ 40 người liên quan đến các vụ đập phá này.

Nhưng chỉ vài tiếng sau đó, chính phủ Ả Rập Xê Út quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Iran, ra lệnh trong vòng 48 tiếng đồng hồ tất cả các nhà ngoại giao Iran phải rời nhiệm sở.

Khi thông báo quyết định này, Ngoại Trưởng Ả Rập Xê Út, ông Adel al-Jubier, còn cáo buộc Tehran tội hỗ trợ võ khí cho các nhóm khủng bố đang hoạt động ở Trung Đông.

Tại Washington, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ kêu gọi Iran và Ả Rập Xê Út tìm cách giảm bớt căng thẳng, nhắc lại hợp tác ngoại giao và đối thoại trực tiếp là những điều cần làm trong tình huống hiện giờ.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.