Ung thư có phải là bệnh liên quan đến quá trình chuyển hóa trong cơ thể?

Việt Hà, phóng viên RFA
2015.05.11
Cuốn sách có tựa ung thư là căn bệnh của chuyển hóa xuất bản vào năm 2012, giáo sư Thomas Seyfried Cuốn sách có tựa ung thư là căn bệnh của chuyển hóa xuất bản vào năm 2012, giáo sư Thomas Seyfried
Greenmedinfo.com

Ung thư, căn bệnh đang ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới, hiện vẫn bị coi là một trong những căn bệnh có nguy cơ tử vong cao. Các nhà khoa học cho rằng việc hiểu đúng được nguồn gốc của căn bệnh ung thư là một yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh, giảm tỷ lệ tử vong. Mới đây, Giáo sư bộ môn sinh học, Thomas Seyfried, thuộc trường đại học Boston, Hoa Kỳ, cùng một số đồng nghiệp đã đưa ra một lý thuyết cho rằng nguồn gốc của ung thư là từ quá trình chuyển hóa trong cơ thể. Điều này dẫn đến những thay đổi trong cách điều trị bệnh khác hẳn với cách điều trị truyền thống là dùng hóa trị liệu, và xạ trị là chủ yếu. Trong trang tạp chí sức khỏe đời sống tuần này, Việt Hà có bài tìm hiểu về lý thuyết này.

Ung thư là do gene hay do quá trình chuyển hóa

Căn bệnh ung thư lâu nay vẫn được cho là có liên quan đến vấn đề biến đổi gene mà ra. Các yếu tố môi trường, chế độ ăn chỉ có tác động bổ sung mà thôi. Tuy nhiên mới đây, giáo sư sinh học Thomas Seyfried, thuộc trường đại học Boston, Hoa Kỳ, lại đưa ra một lý thuyết cho rằng, thực chất của ung thư là từ những vấn đề trong hệ chuyển hóa của cơ thể con người vốn có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn uống hàng ngày.

Trong cuốn sách có tựa ung thư là căn bệnh của chuyển hóa xuất bản vào năm 2012, giáo sư Thomas Seyfried lập luận rằng đã có nhiều bằng chứng rõ ràng cho thấy ung thư các loại đều có nguồn gốc từ bệnh chuyển hóa trong tế bào.

GS. Thomas Seyfried: bằng chứng khá mạnh cho thấy ung thư là căn bệnh của chuyển hóa trong ty thể của tế bào. Điều này làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn về bản chất của căn bệnh ung thư, làm cách nào để tiếp cận trong chữa bệnh và kiểm soát bệnh. Khi căn bệnh được nhìn nhận là do gene, tức cho rằng nguồn gốc bệnh là do biến đổi gene thì người ta sẽ tìm những phương pháp trị liệu hướng vào những biến đổi gene này. Nhưng vấn đề về biến đổi gene trong ung thư chỉ xuất hiện sau những hư hỏng trong quá trình chuyển hóa. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy rất nhiều biến đổi gene trong tế bào ung thư và nó khác nhau với các loại ung thư khác nhau. Không có hai loại ung thư khác nhau nào có cùng một dạng biến đổi gene. Mỗi một tế bào ung thư đều có vấn đề về chuyển hóa năng lượng và sự hô hấp của tế bào đó cũng có vấn đề và đây là thực chất của căn bệnh.

Ty thể được hiểu một cách đơn giản như là một nhà máy sản xuất năng lượng của tế bào. Tại đây xảy ra quá trình hô hấp tế bào, chuyển oxy và chất dinh dướng thành dòng năng lượng hóa học của tế bào, cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của tế bào. Đây cũng là lý do vì sao động vật cần thở oxy.

Bằng chứng khá mạnh cho thấy ung thư là căn bệnh của chuyển hóa trong ty thể của tế bào. Điều này làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn về bản chất của căn bệnh ung thư, làm cách nào để tiếp cận trong chữa bệnh và kiểm soát bệnh

GS. Thomas Seyfried

Trên thực tế, khoa học đã chứng minh có một số loại ung thư mang tính di truyền, tức là liên quan đến gene. Ví dụ điển hình là ung thư vú và buồng trứng ở những phụ nữ mang trong mình ít nhất một trong hai loại gene di truyền là BRCA1 và BRCA2. Trường hợp điển hình được nhiều người biết đến gần đây là trường hợp của nữ diễn viên Mỹ Angelina Jolie khi cô công khai cho biết mình bị mang trong mình gene BRCA 1 từ mẹ. Các bác sĩ chẩn đoán với gene di truyền này, cô có 87% nguy cơ bị ung thư vú và 50% ngư cơ bị ung thư buồng trứng. Trước đó, mẹ cô cũng đã chết vì căn bệnh ung thư buồng trứng. Đó là lý do khiến cô đi đến quyết định cắt bỏ bộ ngực của mình vào năm 2013, và mới đây là cả buồng trứng.

Tuy nhiên theo giáo sư Seyfried, ngay cả ở những người có những gene di truyền BRCA1 và BRCA 2, những thay đổi trong quá trình chuyển  hóa của tế bào cũng vẫn là điểm chính. Những gene di truyền này góp phần làm tăng thêm nguy cơ bị ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ. Theo ông, những tác động từ môi trường trong một thời gian cũng sẽ làm hư hại ty thể tế bào, làm nó mất khả năng hoạt động và dẫn đến sự hình thành của các u cục ung thư.

Giáo sư Seyfried cho rằng ung thư luôn thay đổi và có biến đổi gene liên tục. Giải thích về điều này, ông nói:

GS. Thomas Seyfried: ung thư luôn thay đổi và luôn biến đổi gene. Sự biến đổi gene liên tục là vì quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào bị hư. Quá trình chuyển hóa này bị hư giống nhau trong tất cả mọi tế bào ung thư… và chúng ta có thể kiểm soát được bệnh bằng cách tập trung vào quá trình chuyển hóa năng lượng, thay vì biến đổi gene.

Chế độ ăn trong điều trị ung thư theo lý thuyết mới

Căn cứ theo lý thuyết này, giáo sư Seyfried và đồng nghiệp đưa ra một cách tiếp cận mới trong hướng điều trị ung thư. Đó là chế độ ăn ketogenic. Đây là một chế độ ăn cắt giảm hầu hết mọi tinh bột đưa vào cơ thể con người và thay thế nó bằng các loại chất đạm (protein) chất lượng cao và chất béo tốt (tức những chất béo giúp làm giảm mỡ máu và làm tăng lượng cholesterol tốt trong máu), và chỉ chấp nhận các chất carbohydrates từ rau quả. Cơ sở của hướng điều trị này là từ lý thuyết đã được khoa học chứng minh là tế bào ung thư rất cần đường để sản sinh năng lượng cho chính nó để phát triển. Khi người bệnh ăn theo chế độ ăn ketogenic, tế bào ung thư sẽ bị bỏ đói và không thể thực hiện quá trình chuyển hóa năng lượng và phát triển. Giáo sư Seyfried giải thích.

Phòng chống ung thư bằng các loại rau quả
Phòng chống ung thư bằng các loại rau quả

Từ lý thuyết đã được khoa học chứng minh là tế bào ung thư rất cần đường để sản sinh năng lượng cho chính nó để phát triển. Khi người bệnh ăn theo chế độ ăn ketogenic, tế bào ung thư sẽ bị bỏ đói và không thể thực hiện quá trình chuyển hóa năng lượng và phát triển

GS. Thomas Seyfried

GS. Thomas Seyfried: nó nhắm vào quá trình chuyển hóa năng lượng trong tế bào  ung thư. Khi hô hấp của tế bào bị hư thì tế bào phải có quá trình lên men và để lên men thì nó cần đường glucose, và vì thế đường glucose trở thành năng lượng chính cho tất cả các tế bào ung thư dù biến đổi gene thế nào đi chăng nữa. Chế độ ăn ketogenic làm giảm lượng đường glucose trong cơ thể, và đồng thời làm tăng chất ketone là chất phân hóa của quá trình chuyển hóa chất béo. Tức là chất béo trở thành các ketone. Ketone có tác dụng chống u cục nhưng lại không gây độc cho cơ thể như các liệu pháp hóa trị hay xạ trị. Chế độ ăn Ketongenic nhắm vào vấn đề chung mà tất cả các tế bào u ung thư phải đi qua cho nên nó rất đơn giản và dễ làm nhưng cần phải làm theo đúng cách.

Những người bị ung thư và muốn theo đuổi hướng điều trị có sử dụng chế độ ăn ketogenic cần phải có sự hướng dẫn của những chuyên gia về dinh dưỡng đã được học về chế độ ăn này.

Việc theo đuổi chế độ ăn này cũng giúp kiểm soát chặt chẽ lượng calorie (năng lượng) đưa vào cơ thể mỗi ngày. Theo giáo sư Seyfried, những người kiểm soát được năng lượng đưa vào cơ thể qua mỗi bữa ăn hàng ngày thường rất hiếm khi bị ung thư.

Mới nghe, người ta có thể có cho rằng chế độ ăn này cũng giống như chế độ ăn Atkins được nhiều người dùng phổ biến hiện nay là cắt giảm tối đa các chất tinh bột, carbohydrate và chỉ ăn protein cùng chất béo tốt, kiểm soát chặt năng lượng đưa vào qua mỗi bữa ăn. Tuy nhiên theo Giáo sư Seyfried, chế độ ăn Atkins không giống với chế độ ăn ketogenic vì nó cho phép người ta ăn chất đạm (protein) ở mức quá cao. Khi cơ thể người hấp thụ một lượng protein quá cao thì nó sẽ dẫn đến việc duy trì lượng đường glucose trong máu.

Chế độ ăn có chữa khỏi ung thư

Sau khi giáo sư Seyfried đưa ra lý thuyết của mình, có nhiều người thắc mắc không biết liệu chế độ ăn ketogenic có phải là câu trả lời cuối cùng cho việc điều trị ung thư. Giáo sư Seyfried khẳng định chế độ ăn này không chữa khỏi hoàn toàn bệnh ung thư và trong một số trường hợp, người bệnh vẫn phải sử dụng phương pháp điều trị truyền thống là hóa trị và xạ trị.

Chế độ ăn ketogenic không điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư nhưng làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh. Mỗi người có thể sẽ có những phản ứng khác nhau với phương pháp này. Một số người có đáp ứng rất nhanh trong khi một số khác thì rất khó giảm được lượng đường trong máu

GS. Thomas Seyfried

GS. Thomas Seyfried: chế độ ăn ketogenic không điều trị khỏi hoàn toàn bệnh ung thư nhưng làm chậm lại quá trình tiến triển của bệnh. Mỗi người có thể sẽ có những phản ứng khác nhau với phương pháp này. Một số người có đáp ứng rất nhanh trong khi một số khác thì rất khó giảm được lượng đường trong máu. Cho nên khi điều trị, chúng tôi phải rất cẩn thận đánh giá từng người. Một số người nghiện glucose đến mức mà họ không thể áp dụng chế độ ăn ketogenic. Những người đó phải dùng các phương pháp xạ trị và hóa trị vì họ không thể làm giảm được glucose. Cho nên phương pháp này phụ thuộc từng người. Người bệnh cần biết trước những gì có thể xảy ra và cần làm gì. Phương pháp này nghe thì đơn giản nhưng không phải dễ áp dụng với tất cả mọi người.

Hiện giáo sư Seyfried và các đồng nghiệp tại trường đại học Boston vẫn đang tiến hành các nghiên cứu để tim hiểu xem liệu có thể kết hợp chế độ ăn ketogenic với các phương pháp điều trị khác bao gồm hóa trị, và xạ trị, như thế nào và hiệu quả ra sao. Phương pháp này cũng chưa được áp dụng rộng khắp vì còn cần phải có thêm nhiều những thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên giáo sư Seyfried cũng cho biết đã có một số người áp dụng biện pháp này và đã thấy những dấu hiệu khả quan khi họ không còn bệnh ung thư trong một thời gian dài. Điều này cũng không có nghĩa là chỉ với chế độ ăn ketogenic, người ta có thể hoàn toàn chữa khỏi được bệnh ung thư.

Tạp chí sức khỏe đời sống tuần này xin tạm dừng tại đây. Việt Hà cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và những đóng góp về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.