Nói chuyện trực tiếp qua video có thể giúp trẻ tập nói

Việt Hà, phóng viên RFA
2016.09.06
044_B76999922.jpg Hai cha con sử dụng face time qua điện thoại.
AFP photo

Trẻ nhỏ ngày nay có rất nhiều lựa chọn về đồ chơi điện bao gồm những thiết bị điện tử có màn hình, các video clip hay các ứng dụng điện tử. Trong khi các nhà sản xuất có thể quảng cáo những thiết bị này giúp trẻ tập nói, phát triển khả năng giao tiếp từ sớm, các bác sĩ nhi khoa lại cho rằng không hẳn thiết bị nào, ứng dụng điện tử nào cũng tốt, trừ trường hợp trẻ được nói chuyện trực tiếp qua video.

Nói chuyện trực tiếp qua video tốt hơn học qua video clip

Chị Trần thị Hồng, một bà mẹ trẻ ở Hà Nội có một cô con gái 2 tuổi. Cũng như đa phần những em bé ở độ tuổi này, con gái của chị Hồng đã bắt đầu tập nói những từ đơn giản đầu tiên như ba ba. Bé học nói từ mẹ, từ bố, từ những người thân khác trong gia đình, và theo như chị Hồng cho biết thì bé cũng học những từ mới từ cả các video clip chị cho bé xem mỗi ngày:

Có rất nhiều video clip bây giờ rất tốt, tức là nó lặp đi lặp lại nhiều lần và có hình minh họa thì trẻ con nhìn nhiều thì lâu lâu dần dần trẻ ghi nhớ. Bên cạnh đó thì mình cũng nói chuyện với nó.

Không chỉ ở Việt Nam, mà nhiều nơi khác trên thế giới, các ông bố bà mẹ ngày nay đang lựa chọn các chương trình truyền hình, video clip, ứng dụng điện tử để giúp con trẻ giải trí và hy vọng giúp các em tập nói và giao tiếp. Điều này khiến các chuyên gia về trẻ nhỏ hết sức quan tâm. Họ muốn biết liệu những thiết bị, chương trình này có thực sự tốt cho các em và tốt đến mức độ nào? Bác sĩ tâm lý học Lauren Myers thuộc trường đại học Lafayette, Hoa Kỳ cùng cộng sự mới đây đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề này. Bà cho biết:

Nhưng điểm khác biệt là chỉ có trẻ ở nhóm nói chuyện trực tiếp trên video dường như phản ứng tức khắc với người nói chuyện. Ví dụ người nói chuyện yêu cầu em nhỏ làm một điều gì đó và em bé có phản ứng ngay tức khắc.
- Bác sĩ Myers

Các bạn cũng biết là hiệp hội các bác sĩ nhi khoa của Mỹ không khuyến khích việc cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chơi với các thiết bị điện tử quá lâu. Lý do chính là vì các em nhỏ dưới hai tuổi chơi với các thiết bị điện tử có màn hình quá lâu thì sẽ chậm phát triển khả năng ngôn ngữ so với những trẻ em khác. Lý do khác là các em không học được nhiều từ những màn hình điện tử trong khi đó sẽ mất đi nhiều thời gian mà đáng lẽ các em đã có thể có để chơi với những đồ chơi khác và người khác vốn có thể giúp các em phát triển.

Trong nghiên cứu này chúng tôi muốn tìm hiểu một khía cạnh khác thay vì đặt trẻ trước màn hình TV, chúng tôi cho các em giao tiếp trực tiếp với người khác qua video. Video chat cũng là một loại màn hình đặc biệt vì nó vẫn bao gồm màn hình nhưng thay vì có phản ứng bị động, các em có giao tiếp trực tiếp ngay tức khắc với người khác qua chat. Chúng tôi hiểu là với trẻ dưới 2 tuổi những giao tiếp xã hội như vậy là điều quan trọng cho sự phát triển của các em. Cho nên chúng tôi nghĩ video chat là đặc biệt vì chúng tôi sử dụng màn hình theo cách khác TV và video bình thường.

Nghiên cứu được tiến hành trong vòng 1 tuần với 60 gia đình có con nhỏ từ 12 đến 25 tháng tuổi tham gia. Các em được chia làm hai nhóm. Một nhóm được trực tiếp nói chuyện qua video với một chuyên gia nghiên cứu của nhóm mỗi ngày. Ở nhóm thứ hai, các em nhỏ được xem video dạy nói đã được ghi âm từ trước. Kết quả nghiên cứu cho thấy những điểm khác biệt giữa hai nhóm. Bác sĩ Myers giải thích:

Chúng tôi thấy có sự khác biệt giữa hai nhóm. Cả hai nhóm đều giống nhau ở điểm là các em đều chú ý đến màn hình và có phản ứng. Nhưng điểm khác biệt là chỉ có trẻ ở nhóm nói chuyện trực tiếp trên video dường như phản ứng tức khắc với người nói chuyện. Ví dụ người nói chuyện yêu cầu em nhỏ làm một điều gì đó và em bé có phản ứng ngay tức khắc.

Chúng tôi thấy là các em nhỏ biết được ai là người có thể có phản ứng tức khắc với các em và ai là giả. Ngoài ra chỉ có các em nhỏ ở video nói chuyện trực tiếp học được nhiều thông tin giao tiếp xã hội hơn. Những em trong nhóm này lúc gần hai tuổi thích được nói chuyện với những người mà các em đã gặp bên ngoài và thích nói chuyện với người đó trên video. Các em tỏ ra thoải mái trong giao tiếp với người đó trên video ngay tức khắc và khi bạn hỏi các em người đó là ai các em có thể chỉ ra ngay lập tức. Chỉ có các em nhỏ trong nhóm nói chuyện trực tiếp qua video, trong khoảng gần 2 tuổi học được các thông tin tích cực. Có nghĩa là các em học được nhiều từ mới hơn, học được các phản ứng tốt hơn so với các em trong nhóm chỉ được học qua video ghi hình từ trước.

Thời gian nói chuyện qua video không phải là thời gian xem TV

Gia đình đang xem tivi trong phòng khách. AFP photo
Gia đình đang xem tivi trong phòng khách. AFP photo
Gia đình đang xem tivi trong phòng khách. AFP photo

Cũng như rất nhiều các ông bố bà mẹ khác ở thành thị nơi các em nhỏ có nhiều điều kiện tiếp cận với những thiết bị điện tử hiện đại, chị Hồng cũng cho cô con gái nhỏ của mình được xem màn hình điện tử từ rất sớm, trước khi bé lên 1 tuổi. Đôi khi, chị thừa nhận, thời gian dành cho màn hình  TV của bé mỗi ngày hơi nhiều.

Mình cũng hạn chế cho nó xem video đấy nhưng nói là hạn chế nhưng cũng phải vài tiếng một ngày, cũng phải đến hai tiếng một ngày.

Một nghiên cứu về sức khỏe học sinh từ 5 đến 19 tuổi toàn cầu được thực hiện ở Việt Nam hồi năm ngoái cho thấy, có đến hơn 30% trẻ dành 3 giờ một ngày cho các hoạt động ở tư thế ngồi như ăn, xem TV, chơi điện tử.

Bác sĩ tâm lý Douglas Gentile thuộc trường đại học Iowa, Hoa Kỳ, cho biết đây là điều cũng khá phổ biến ở Mỹ, nơi các ông bố bà mẹ trung bình thường cho trẻ nhỏ ngồi trước màn hình đến 6 tiếng một ngày.

Hiệp hội các bác sĩ nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo là trẻ không nên bỏ hơn từ 1 đến 2 giờ mỗi ngày vào các thiết bị điện tử. Thời gian này bao gồm cả thời gian chơi game, xem TV, ipad, hay những thiết bị điện tử cầm tay khác. Khuyến cáo là 1 giờ đối với trẻ dưới 10 tuổi và 2 giờ một ngày đối với trẻ lớn hơn. Nhưng tại Mỹ, trung bình thời gian trẻ sử dụng các thiết bị điện tử mỗi ngày thường nhiều hơn khuyến cáo rất nhiều. Trẻ tại Mỹ thường sử dụng đến 6 giờ một ngày trước màn hình.

Thế nhưng theo bác sĩ Lauren Myers, thời gian trẻ nhỏ được nói chuyện trên video trực tiếp với những người các em đã quen biết không nên được coi là khoảng thời gian màn hình nên bị giới hạn cho trẻ.

Nghiên cứu này và một số nghiên cứu khác trước đó cho rằng chúng ta có thể đối xử với thời gian nói chuyện trực tiếp trên màn hình khác với thời gian dành cho các loại màn hình điện tử khác như DVD. Thời gian dành cho video chat không nên được tính vào khoảng thời gian một ngày trẻ dành cho màn hình điện tử nói chung. Lý do là vì video chat vẫn cho trẻ cơ hội giao tiếp thay vì trẻ chỉ xem hình ảnh và nghe tiếng thụ động trên màn hình.

Một câu hỏi khác đặt ra là mặc dù thời gian cho video chat không được tính là thời gian màn hình nói chung, nhưng liệu có thời gian giới hạn mỗi ngày trẻ nhỏ được dùng video chat hay không? Bác sĩ Myers cho biết:

Có những nghiên cứu chỉ ra khi trẻ có người xem cùng màn hình và giúp trẻ hiểu được các phản ứng thì các em học được nhiều hơn.
- Bác sĩ Myers

Nghiên cứu của chúng tôi không đề cập đến giới hạn thời gian một ngày trẻ được dùng video chat. Lý do là vì công nghệ phát triển rất nhanh, nhanh hơn các nghiên cứu. Vì lý do đo, các bậc phụ huynh phải tự quyết định thời gian mà họ cho trẻ sử dụng màn hình đối với những video chat. Họ sẽ tự quyết định thời gian nào là tốt cho trẻ và trẻ học được những gì từ màn hình. Bất cứ thời gian sử dụng màn hình nào có sự tham gia của cha mẹ đều có thể giúp trẻ học được nhiều hơn.

Nếu bố mẹ đi xa và họ muốn được nói chuyện với nhau qua video chat, người ở nhà có thể giúp trẻ hiểu được là bố hoặc mẹ trên màn hình, họ có thể nói chuyện về những gì họ đã làm cùng nhau. Họ có thể giúp trẻ có những phản ứng và nói theo. Có những nghiên cứu chỉ ra khi trẻ có người xem cùng màn hình và giúp trẻ hiểu được các phản ứng thì các em học được nhiều hơn.

Bác sĩ Myers cho rằng, dù công nghệ tiên tiến phát triển đến thế nào đi chăng nữa thì cũng không có gì có thể thay đổi được những khoảng thời gian bố mẹ trực tiếp dạy con học nói và đọc sách cho các em. Và đây cũng là lời khuyên mà các bác sĩ nhi khoa dành cho các ông bố bà mẹ muốn giúp con phát triển kỹ năng giao tiếp và khả năng tập nói sớm.

Xin quý vị chia sẻ các thông tin và câu hỏi về các vấn đề y tế, sức khỏe đến trang tạp chí sức khỏe đời sống tại email vietha@rfa.org hoặc www.facebook.com/vietharfa

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.