Trao đổi thư tín ngày 29.04.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
2016.04.29
000_9U46E.jpg Một người dân cho thấy cá biển chết ông thu thập trên một bãi biển huyện Phú Lộc, trung tâm tỉnh Thừa Thiên Huế vào ngày 21 tháng 4 năm 2016.
AFP PHOTO

“Biến cố cá chết tháng 4”

Kể từ khi chiến tranh kết thúc vào ngày 30/4/1975, có lẽ chưa bao giờ những người con của dân tộc Việt lại thảng thốt kêu lên “Biến cố Tháng Tư” thật nhiều như trong thời điểm tháng 4 của năm 2016 này. Qua các lá thư gửi về đài, nhiều thính giả viết “Dường như tháng Tư là tháng định mệnh đối với Tổ quốc và dân tộc Việt Nam”. Trong những lá thư có vị gọi là “Biến cố Cộng sản tháng 4” và cũng có người cho là “Biến cố cá chết tháng 4”.

“Hỡi quê hương yêu thương phút thanh bình

Miền Trung đi qua bao mưa nắng vẫn thắm tình…

Bỗng đâu nghe đau thương đến không ngờ

Chiều nay ai ơi, nghe tin xác cá khắp bờ…

Hoang mang muôn ngàn câu hỏi, ai có hay?

Bữa cơm quê nghèo rơi lệ nhìn trắng đôi tay!

Ai gây nên niềm đau ấy?

Ai gieo vào lòng biển cái chết hôm nay?

Vì ai? Hãy nói đi!”

Nhà nước Việt Nam ơi, Chính phủ ơi! Hãy chọn tôm và cá, giữ gìn rừng xanh, biển sạch cho nhân dân bây giờ và muôn đời sau. Thép không sản xuất được thì mua. Môi trường biển trong lành mà mất đi thì không còn lấy lại được nữa.
-Một thính giả

Những lời trong bài hát vừa rồi chính là tiếng lòng của ca sĩ Cáp Anh Tài, người viết nhạc phẩm “Biển chết” và cũng là tiếng nói của hàng triệu người Việt Nam trước hiện tượng cá chết trắng bờ dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung, bắt đầu xảy ra từ đầu tháng 4 cho đến nay đã thu gom được khoảng 70 tấn.

Trong tuần qua, dư luận đều tập trung vào chuyện gì đang xảy ra ở khúc ruột miền Trung khi tất cả thông tin gây ra sự hoang mang tột độ. Từ những người dân là nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi “biến cố cá chết” cho đến những người quan tâm kể cả trong và ngoài nước bày tỏ sự phẫn nộ khi các cơ quan chức năng xử lý khủng hoảng này quá thụ động và chậm chạp cũng như lời phát biểu của Phó Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh rằng “cứ yên tâm ăn cá và tắm biển”.

Hòa Ái ghi nhận sự phẫn nộ càng tăng cao qua kết quả điều tra mà Bộ Tài nguyên-Môi trường đưa ra cùng tuyên bố vào tối 28 tháng 4 rằng chưa có bằng chứng kết luận về sự liên hệ giữa Tập đoàn Formosa và các nhà máy hoạt động ở Vũng Áng đối với hiện tượng cá chết hàng loạt gần đây tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Ban Việt ngữ Đài RFA nhận được nhiều chia sẻ của quý khán thính giả và độc giả khắp nơi gửi về. Sau đây, Hòa Ái trích đăng các ý kiến liên quan:

“Cá đã chết và dân mình sắp chết

Vào một ngày chắc sẽ không xa

Biển giờ này vật vạ những thây ma

Của oan khiêng biết bao nhiêu hồn cá?”

“Tôi thấy hàng xóm nhà tôi vẫn vớt cá chết về ăn tỉnh bơ. Tôi xin yêu cầu những nhà khoa học phổ biến những chất độc làm cá chết để đồng bào ta đừng dùng những con cá đó bởi vì rất nghiêm trọng cho sức khỏe của họ.”

Tương lai của đất nước Việt Nam là một ổ bệnh tật vì nước biển nhiễm độc, thực phẩm ăn uống nhiễm độc và không khí nhiễm độc. Đất nước không thuộc về người dân Việt chúng ta nữa rồi. Nơi nơi đều có các khu công nghiệp của các công ty nước ngoài, đặc biệt của Trung Quốc. Còn nước đổ từ thượng nguồn sông Mê Kông chảy về đồng bằng sông Cửu Long thì Trung Quốc cũng xây đập chặn lại, làm hoa màu của bà con chết hết vì nước mặn xâm nhập vào. Việt Nam rừng vàng biển bạc nhưng giờ thì sao? Rừng thì lâm tặc chặt phá khai thác bán hết gỗ, còn biển bạc là bạc trắng một màu cá tôm chết kín ven biển miền Trung do nguồn nước bị ô nhiễm vì chất thải. Vậy chất thải từ đâu mà ra, không phải từ một khu công nghiệp hay sao? Là người Việt Nam, tôi chọn cá tôm và biển xanh.”

Bản đồ các tỉnh có xuất hiện cá chết hàng loạt tính đến ngày 29/4/2016.
Bản đồ các tỉnh có xuất hiện cá chết hàng loạt tính đến ngày 29/4/2016.
RFA

“Đáng buồn cho một đất nước với những người lãnh đạo ngày càng tha hóa và suy đồi. Chỉ vì đồng tiền tư lợi mà đang tâm hại chính đồng bào mình.”

“Thương quá, cuối cùng thiệt thòi vẫn là người dân chúng tôi. Đồng tiền đã che đi lương tâm của các vị lãnh đạo rồi.”

“Tôi thấy trong vụ cá chết này nói lòng vòng, nào là môi trường, nào là họp đủ thứ mà không biết từ đâu? Hãy suy luận xem, nhà máy ở Vũng án có từ bao giờ thì chất độc thải ra giết từ từ những con cá đó rồi nhưng những con cá bị giết trong một lần, vậy thì phải có một bàn tay nào đó bỏ chất độc. Sợ quá hay sao mà không nói thẳng điều này ra? Bắt đường dây nóng hỏi đi! Bởi vì kẻ thù đang đứng bên cạnh mình mà. Tôi thấy rằng vừa giận, vừa đau khổ cho dân tộc mình.”

“Tôi hay nghe nói nào là ‘thế lực thù địch’, ‘phản động’…Những lúc như thế này mới thấy rõ ai là kẻ phản bội quê hương, đất nước; kẻ nào quay lưng với dân tộc.”

“Là người dân Việt Nam thì ai cũng bức xúc hết vì đụng đến công việc của họ, chén cơm của họ…Nếu thật sự do công ty đó thải ra thì không riêng mình tôi mà kể cả nước Việt Nam cũng bức xúc vì ảnh hưởng môi trường, thế hệ con cháu sau này nữa, tương lai tất cả mọi thứ…Nếu thật sự do họ xã ra thì kể cả tôi, hàng trăm, hàng ngàn người Việt Nam yêu cầu đóng cửa vì nó ảnh hưởng quá lớn. Nếu tôi có thẩm quyền thì tự ký quyết định, cần gì phải đợi mấy ‘ông kia’?”

“Nhà nước Việt Nam ơi, Chính phủ ơi! Hãy chọn tôm và cá, giữ gìn rừng xanh, biển sạch cho nhân dân bây giờ và muôn đời sau. Thép không sản xuất được thì mua. Môi trường biển trong lành mà mất đi thì không còn lấy lại được nữa. Thép không nuôi sống được con người nhưng tôm cá thì có.”

“Ngày 30/4 không chỉ còn là ngày kỷ niệm đất nước hòa bình độc lập nữa mà sẽ là một ngày đáng nhớ với hình ảnh người dân miền Trung quấn trên mình lá cờ đỏ sao vàng gào khóc vì biển cả Việt Nam.”

Việt Nam sau 41 năm

Thưa quý thính giả, trong thời khắc lịch sử ngày 30/4 của 41 năm Việt Nam im tiếng súng, không còn cảnh bơm rơi đạn nổ. Hòa Ái gửi đến quý vị một vài chia sẻ của người dân trong nước để nghe những tâm tư của họ ra sao quý vị nhé!

Người dân chúng tôi chỉ mơ được thở không khí không bị độc hại; được ăn thực phẩm, nhất là hải sản mà không phải vào nhà thương để bị... cưa nhầm cái chân.
-Một thính giả

“Người Việt Nam đang đối diện với rất nhiều cuộc chiến đang tiếp diễn. Cuộc chiến của nông dân, dân oan mất đất hay cuộc chiến chống lại ô nhiễm môi trường, cuộc chiến với tham nhũng, cuộc chiến với cường quyền, rất nhiều cuộc chiến khác... Nói chung nó hiển hiện mọi nơi mọi lúc. Ví dụ chỉ lấy đơn giản những nạn nhân chết vì giao thông có khi còn nhiều hơn cả chiến tranh ở Trung Đông, chẳng hạn như thế.”

“Tất cả chính sách hiện tại của chính quyền đi ngược lại với lợi ích của người dân. Họ chỉ chăm chú và chăm chút vào quyền lợi của riêng họ, của một nhóm nào đó nên gây ra cho mình điều gì đó cũng bức bí về mọi mặt, nói chung những gì ảnh hưởng tất cả trong cuộc sống của mình, len lỏi từ những điều nhỏ nhất cho đến những gì lớn hơn. Điều nhỏ nhặt nhất về quyền lợi của mình là mình có quyền bày tỏ, có quyền phản ứng mà hiện tại mình không được nên mình mới đặt câu hỏi ‘tại sao lại như vậy? Chính quyền, họ đang muốn điều gì và họ đưa đất nước tới đâu?’”

“Kể cả thế hệ thứ nhất trong kháng chiến chống Pháp và thế hệ chúng tôi có thể gọi là thế hệ thứ hai, nói chung sau này nhiều người đã ngộ ra nhiều điều là do tuyên truyền quá giỏi nên nhiều lúc bị ngu ngơ, mờ mịt, bưng bít. Sau này dần dần mọi thông tin từ nhiều luồng mà đặc biệt qua internet thì mới hiểu vấn đề. Và lúc ấy, có nhiều người ngỡ ngàng ra mình đã bị lừa. Quá buồn vì sự hy sinh của đồng đội tôi không nghĩ rằng sẽ đem lại một đất nước quá tồi tệ như thế này.”

Quý thính giả quý mến, Việt Nam 41 năm được hòa bình độc lập, hơn 90 triệu người Việt trong nước mong ước điều gì? Mời quý vị cùng nghe ước muốn của một vị thính giả:

Người dân chúng tôi chỉ mơ được thở không khí không bị độc hại; được ăn thực phẩm, nhất là hải sản mà không phải vào nhà thương để bị... cưa nhầm cái chân; mơ bán vé số được thu nhập ổn định đủ ăn đủ mặc qua ngày chứ không dám mơ tới 100 triệu đồng/tháng như lời khẳng định của quan chức đâu; mơ không bị côn đồ Công an đánh trong cuộc sống mưu sinh vất vả hàng ngày. Và chúng tôi mơ mỗi đêm được trở về nơi gọi là nhà mà không bị cưỡng chiếm, đẩy ra đường vào lúc nửa đêm. Chúng tôi mơ mỗi sớm mai thức dậy mình không phải là ‘dân oan’ và cuộc đời tuy nghèo mà được yên ổn.”

Thưa quý vị, người dân trong nước nhờ qua làn sóng phát thanh của Đài RFA gửi đến giới lãnh đạo Đảng CSVN rằng những giấc mơ bình dị như thế này sẽ sớm thành hiện thực hay không?

Mục “Trao đổi Thư tín” đến đây xin tạm dừng. Quý thính giả có thể liên lạc với chương trình qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hay hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Cảm ơn thời gian lắng nghe của quý thính giả cùng Hòa Ái trong mục “Trao đổi Thư tín”. Hòa Ái kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong chương trình này lần sau.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.