Văn hào Gabriel Garcia Marquez

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2014.04.26
Một vài tác phẩm của văn hào Gabriel Garcia Marquez Một vài tác phẩm của văn hào Gabriel Garcia Marquez
Files photos

Nghe bài này

 

Gabriel Jose Garcia Marquez sinh năm 1927 tại Aracataca, một thị trấn thuộc miền Bắc Colombia. Là một nhà văn nhưng ông cũng là một nhà báo, một nhà hoạt động chính trị nổi tiếng. Mỗi tác phẩm của ông đều để lại dấu ấn riêng và gần như từ truyện ngắn tới tiểu thuyết ông đều viết thành công ngang nhau. Tình yêu thời thổ tả, Tướng quân giữa mê hồn trận, Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi, Nhật ký người chìm tàu, Mùa thu của vị trưởng lão, Ngài đại tá chờ thư… là những tác phẩm được nhiểu thế hệ độc giả say mê trên khắp thế giới.

Trăm năm cô đơn

Tuy nhiên Tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, sáng tác năm 1967 là đỉnh cao của sự nghiệp Garcia Marquez. Trước khi đoạt Nobel văn chương năm 1982 nó đã nổi tiếng khắp thế giới khi được hơn 30 quốc gia xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ trong đó có Việt Nam. Chỉ trong vòng 3 năm, Trăm năm cô đơn đã được in bằng tiếng Tây Ban Nha hơn nửa triệu bản. Cho tới nay người ta chưa thống kê đích xác đã in được bao nhiêu bản nhưng có điều chắc chắn rằng ít nhất gần như cả khu vực nói và viết tiếng Tây Ban Nha của Mỹ La tinh đều biết tác phẩm này trong mọi giai cấp xã hội sau khi Trăm năm cô đơn được Nobel văn chương, giải thưởng danh giá mà châu lục này đạt được lần đầu tiên.

Nhưng trên hết, sở dĩ Mỹ La tinh biết đến nó vì sự nghiệp sáng tác của Garcia Marquez đã mô tả một cách sống động mọi mặt từ xã hội, văn hóa cho đến chính trị cùng những biến động của nhiều nước trong đó có Columbia, Mexico, Argentina, Venezuela…

Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc đã viết về điều này trên facebook của ông sau khi Garcia Marquez qua đời:

Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào

Nguyễn Hưng Quốc

Ông đã biến Colombia, quê hương của ông, thành một xứ sở văn học thay vì chỉ là nơi nổi tiếng về việc trồng và buôn bán thuốc phiện. Ông đã thần thoại hóa nguyên cả một lục địa (Nam Mỹ) và qua đó, làm cho cả vùng đất ấy bỗng dưng có một linh hồn để từ các lục địa khác, các nền văn hóa khác, người ta có thể hình dung được con người châu Mỹ La Tinh thực sự như thế nào. Ông đã làm cho tiếng Tây Ban Nha trở thành một thứ ngôn ngữ văn học ở phạm vi toàn thế giới, một vai trò mà, theo nhiều nhà phê bình, chỉ có Miguel de Cervantes (1547-1616), với tác phẩm Don Quixote là có thể so sánh được.

Nhà văn Lê Minh Quốc từ Việt Nam chia sẻ nhận xét của ông về Trăm năm cô đơn khi tác phẩm này xuất hiện tại Việt Nam:

Rõ ràng có điều này: khi Trăm năm cô đơn được in ấn và tác phẩm của Marquez đã tạo một dư luận dữ dội ở Việt Nam. Trong thời điểm đó báo Văn Nghệ có một loạt bài nói về chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Marquez rồi sau đó là một loạt các nhà văn của châu Mỹ La tinh và cánh cửa mở ra phía văn học nước ngoài được người ta chú ý nhiều hơn trong lúc đó. Nó đã tạo một sự kiện lớn trong văn học qua tờ Văn nghệ trung ương có nhiều bài giới thiệu lắm.

Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez trong một buổi lễ sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn Mexico Carlos Fuentes 'ở Mexico City, ngày 17 tháng mười năm 2008.
Nhà văn Colombia Gabriel Garcia Marquez trong một buổi lễ sinh nhật lần thứ 80 của nhà văn Mexico Carlos Fuentes 'ở Mexico City, ngày 17 tháng mười năm 2008.
AFPFiles photos

Trăm năm cô đơn được xem như tiểu thuyết khai phóng một chủ nghĩa mới trong văn học mà các nhà phê bình thế giới đều đồng ý với cái tên Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo. Chủ nghĩa này được thể hiện qua cách trộn lẫn các chi tiết hiện thực với những yếu tố phi hiện thực. Sự trộn lẫn ấy đòi hỏi người viết phải có một suy tưởng vượt không gian cũng như thời gian để kết hợp, nhào nắn với thế giới hiện thực mà tác giả đang sống, tạo ra một kết quả làm người đọc ngơ ngác không biết nên tin vào ảo giác hay phi ảo giác đã từng xảy ra nhưng không ai nghĩ là nó tồn tại.

Tôi đã đưa truyện ngắn của tôi vào tiểu thuyết của mình đấy là cái có thể nói ảnh hưởng rất rõ nhất. Nhưng còn ảnh hưởng lớn hơn đó là cái không thực, cái thế giới ảo, những cái mà chúng ta không sờ mó thấy. Nếu như người nào không một lần chứng kiến, sờ mó thì cứ tưởng đấy là yếu tố phi thực tế, yếu tố siêu nhân thì có lẽ là Marquez đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều

Nhà văn Y Ban

Nhà văn Y Ban thú nhận tác phẩm của Garcia Marquez đã từng ảnh hưởng sâu đậm đến tác phẩm của bà đến nỗi gây cho bà sự sợ hãi:

Thực ra khi tôi chưa vào văn chương thì tôi đã đọc Trăm năm cô đơn, tôi đã đọc Ngài đại tá chờ thư, Tình yêu thời thổ tả và chính một trong những tác phẩm đó nó đã dẫn dắt tôi vào với văn chương. Nhưng Trăm năm cô đơn thì nó ảnh hưởng đến với sáng tác của Y Ban nhất. Khi đọc tác phẩm của Garcia Marquez ta biết rằng ông có lối viết truyện trong truyện, tức là trong một tiểu thuyết của ông thì ông lại đưa một truyện ngắn của ông vào và cái lối này đã ảnh  hưởng đến văn chương của Y Ban qua tác phẩm Đàn bà xấu thì không có quà.

Tôi đã đưa truyện ngắn của tôi vào tiểu thuyết của mình đấy là cái có thể nói ảnh hưởng rất rõ nhất. Nhưng còn ảnh hưởng lớn hơn đó là cái không thực, cái thế giới ảo, những cái mà chúng ta không sờ mó thấy. Nếu như người nào không một lần chứng kiến, sờ mó thì cứ tưởng đấy là yếu tố phi thực tế, yếu tố siêu nhân thì có lẽ là Marquez đã ảnh hưởng tới tôi rất nhiều sáng tác sau này.

Ban đầu khi mới viết mình cảm thấy không bị ảnh hưởng của ai cả nhưng về sau khi càng viết nhiều thì tôi càng thấy sự ảnh hưởng đó ngày càng lớn đôi khi là vô thức. Với một vô thức nào đó thì nó đã tự nhập vào mình trong một lúc nào đó nhưng mình cứ nghĩ rằng đấy là của mình chứ không phải của người khác và khi ý thức được điều đó thì tôi đã tự giảm việc đọc của mình từ người khác.

Trong thời gian 5 năm liền ngôi làng Macondo ngập dưới những cơn mưa không dứt chẳng những không làm cho người đọc bỡ ngỡ trái lại trong thế giới huyển ảo đầy nước ấy độc giả có thể tưởng tượng thỏa thích những gì đang bơi lội trong đó kể cả những con cá có thể nói tiếng nói của người hay những con người có thể một ngày nào đó mọc lên những chiếc đuôi heo đầy thành kiến nhơ bẩn.

Điều còn ấn tượng rõ ràng trong tâm trí của tôi suốt mấy mươi năm qua sau khi đọc Trăm năm cô đơn là sự trộn lẫn và xóa nhóa những sự kiện hiện thực cũng như những sự kiện phản hiện thực

Hoàng Ngọc Tuấn

Những ảo giác hiện thực ấy làm tiểu thuyết Trăm năm cô đơn mỗi lần đọc là một lần khám phá ra cái mới từ kết quả suy tưởng trên từng phần của tác phẩm. Yếu tố thần thoại của các sắc dân da đỏ đã được Garcia Marquez trộn lẫn với nền văn minh của thế kỷ 20 biến chúng trở thành huyền ảo để có thể đắm đuối hòa vào trong đó chứ không phải chỉ để thực hành trên những nghi lễ mà tính thần thánh làm cho con người sợ hãi.

Sự xóa nhòa giữa hiện thực và ảo ảnh

Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn chia sẻ nhận định của ông về những pha trộn tài tình của Garcia Marquez với những gì tác giả bắt phải xảy ra tại ngôi làng Macondo:

Điều còn ấn tượng rõ ràng trong tâm trí của tôi suốt mấy mươi năm qua sau khi đọc Trăm năm cô đơn là sự trộn lẫn và xóa nhóa những sự kiện hiện thực cũng như  những sự kiện phản hiện thực.

Trong cuộc sống hiện thực của ngôi làng Macondo có những hình ảnh hoàn toàn phản hiện thực nhưng lại được dân chúng xem như hoàn toàn hiện thực. Chẳng hạn như Mauricio Babilonia, đi đâu thì từng bầy bươm bướm bay theo. Hay là nhân vật Aurelian có một cái đuôi heo, hay cô nàng Remedios bay lên trời….do những hình ảnh phi hiện thực này được mô tả một cách rành mạch và thản nhiên đến độ nó có vẻ thực hơn những hình ảnh có thực cho nên rất khó quên sau khi đọc xong. Qua đó mình có thể thoáng thấy những bí mật kỳ dị nó nằm ngay trong bản chất của cuộc sống, những bí mật mà mình không thể tìm thấy trong nền văn chương hiện thức trước đó

Nhưng ngược lại ở chính ngôi làng Macondo đó rất nhiều điều hoàn toàn hiện thực nhưng dân chúng lại xem như những ảo ảnh. Chẳng hạn như: nước đá, nam châm, xe lửa, phim ảnh rồi điện thoại…họ không thể hiểu nổi vì sao một nhân vật đã chết và đem chôn trong một một bộ phim khiến họ khóc hết nước mặt rồi sau đó chính nhân vật ấy lại có thể xuất hiện trong một cuốn phim khác dưới hình hài của một người Ả rập?

Sự xóa nhòa bất khả phân biệt giữa hiện thực và ảo ảnh không chỉ trong cái nhìn của người dân Macondo mà còn nằm ngay trong chính cái hiện thực chính trị ở đó nữa. Maquez mô tả cuộc đình công trong một đồn điền trồng chuối nhưng ông luật sư của đồn điền này tuyên bố trước công luận là không hề có một cuộc đình công nào cả vì đồn điền không có một tập thể công nhân nào, chỉ mướn những người làm ngắn hạn và trả lương công nhật mà thôi.

Thế rồi khi tất cả các công nhân của đồn điền nổi lên biểu tình đình công thì họ bị giết hết. Xác của họ được chất lên xe lửa, được chở trong đêm tối một cách bí mật đến một nơi khác để thủ tiêu hầu phi tang. Một nhân chứng đã thấy tất cả những sự thật này nhưng nhân chứng ấy chỉ có một mình nên không thể thuyết phục ai tin vào sự thật khủng khiếp ấy. Mọi người đều cho rằng không có cuộc đình công nào cả và cho tới các thế hệ sau trẻ em được học trong sử ký rằng chẳng hề có cuộc đình công hay thảm sát nào và thậm chí chẳng có cái đồn điền trồng chuối nào ở đó cả!

Nói tóm lại người dân ở đó có thể xem những điều phi hiện thực là hiện thực, nhưng chính họ lại xem những điều có thật, hiện thực lại là những điều không hề có bởi họ bị đánh lừa bởi một hệ thống chính trị gian manh. Đây mới chính là điều làm tôi lạnh mình và mang một ấn tượng mạnh trong tâm trí cho tới bây giờ.

Nhiều người tiếc cho thái độ chính trị của Garcia Marquez  khi ông rất thân thiện với những thủ lĩnh chính trị cộng sản, tuy nhiên cái chết của ông hầu như đã xóa sạch mọi lên án, tán đồng thậm chí tẩy chay ông mà chỉ còn lại một ánh hào quang văn học. Ánh hào quang ấy ôm ấp lấy người nào từng đọc ông và điều này cho thấy văn học tồn tại lâu hơn bất cứ một tượng đài chính trị nào. Nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc viết:

Khi ông nhìn hiện tại qua lăng kính của tương lai, với những điều ông mơ ước, Márquez lại rất hay nhầm lẫn: nhầm giữa hiện thực và lý tưởng, giữa cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, giữa dân chủ và độc tài. Chuyện ông làm bạn với Fidel Castro và Hugo Chávez, lúc nào cũng chằm chặp bênh vực cho Cuba và Venezuela là ví dụ. (Ông cũng bênh vực cho miền Bắc trong chiến tranh Việt Nam và Việt Nam sau năm 1975, ngay cả khi làn sóng người tị nạn đang ào ạt đổ ra biển!) Qua đời, Márquez được thanh tẩy tất cả những lỗi lầm ấy. Còn lại là những cuốn sách. Các cuốn sách ấy không ham mê danh vọng và quyền lực. Như ông. Tự chúng đã là quyền lực và danh vọng.

Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn tuy khá định kiến về thái độ chính trị của Garcia Marquez, nhưng tài năng của văn hào hình như đã bù đắp lại tình yêu văn chương và mọi định kiến đã trôi theo sự ra đi của ông:

Tôi không bao giờ tán thành thái độ chính trị đạo đức giả của ông Marquez khi ông ấy ủng hộ, bào chữa cho nhà độc tài Fidel Castro nhưng về tài năng văn chương của Gabriel Garcia Marquez thì tôi rất khâm phục.

Gabriel Garcia Marquez mất vào ngày 17 tháng 4 năm 2014  tại Mexico hưởng thọ 87 tuổi. Quê hương Colombia của ông chính thức làm lễ quốc tang cho đứa con yêu dấu của họ sau nhiều chục năm các tác phẩm văn chương của ông đã biến đất nước này trở nên tươi đẹp và đáng sống, bất kể những cánh đồng thuốc phiện cũng như hoạt động mafia bao trùm xã hội trên xứ sở này.

(*) Theo nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Tuấn cho biết thì Garcia Marquez không phải là người châu Mỹ Latin đầu tiên đoạt giải Nobel Văn Chương. Người đầu tiên là nhà văn Miguel Ángel Asturias (1899-1974) người Guatemala, đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1967. Xin cám ơn anh Hoàng Ngọc Tuấn và trân trọng xin lỗi quý thính giả, độc giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.