Nghệ sĩ Thành Lộc với “Tâm Thành và Lộc Đời”

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2015.01.31
thanh-loc-1-622.jpg Bích chương quảng cáo cuốn tự truyện của nghệ sĩ Thành Lộc Tâm Thành và Lộc Đời.
Courtesy NXBPN

Tạp chí VHNT kỳ này xin giới thiệu nghệ sĩ Thành Lộc và cuốn tự truyện của anh mang tên “Tâm Thành và Lộc Đời” vừa được Nhà xuất bản Phương Nam xuất bản.

Nền tảng văn hóa gia đình

Mặc Lâm: Cám ơn nghệ sĩ Thành Lộc rất nhiều đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn rất đặc biệt này. Thưa anh cuốn sách mới nhất của anh có tên “Tâm Thành và Lộc Đời” theo chúng tôi được biết thì 5 ngàn bản đã bán hết ngay những ngày phát hành đầu tiên và đang được in lại, đây là điểu đáng ngạc nhiên vì trong giới đọc sách tại Việt Nam ít có hiện tượng như vậy lắm. Khi đọc qua vài chương trên báo Tuổi Trẻ tôi có cảm nhận rằng man mác trong đó là một nền giáo dục rất nghiêm khắc của gia đình anh mặc dù gánh cải lương có trôi nổi như thế nào. Theo nhận xét của anh thì người nghệ sĩ trong giới sân khấu truyền thống nói chung ra sao thưa anh, tôi muốn nói về văn hóa ứng xử của anh chị em nghệ sĩ với nhau, thưa anh.

Thành Lộc: Dạ thưa anh xin được chia cái câu hỏi của anh trong phần trả lời của Lộc thành hai phần. Thứ nhất về nền văn hóa đọc ở Việt Nam hiện giờ cũng đang có một xu hướng mà theo Lộc nó đang có tín hiệu vui vui là hiện nay các bạn trẻ bắt đầu thích tìm đọc sách hơn là văn hóa nghe và nhìn. Có lẽ cái gì nó cũng có một giai đoạn bão hòa ở một loại hình nào đó và một loại hình khác người ta bắt đầu tìm hiểu khám phá nó. Có một khoảng thời gian văn hóa đọc nó đứng lại dành cho nghe và nhìn trong giới giải trí. Bây giờ độc giả trẻ người ta bắt đầu yêu thích sự đọc bởi vì đã có xuất hiện một vài cây bút trẻ với lối hành văn đơn giản không quá cầu kỳ phức tạp với những tản văn, những mẫu chuyện trải nghiệm cuộc đời mình, những gì đang thay đổi và xảy ra chung quanh họ. Điều đó nó gần với khán giả trẻ với những công chúng bây giờ và người ta bắt đầu quay lại với văn hóa đọc nhờ như vậy mà “Tâm Thành và Lộc Đời” của Lộc nói vui vui là nó ăn theo và nó tạo được sự quan tâm bởi vì hiện nay người ta đang thích thú trong trào lưu tìm hiểu những gì đang xảy ra đối với người thật việc thật, hơn là những câu chuyện mà nó xa rời cuộc sống của chính mình.

Lộc phải cám ơn gia đình mình, cám ơn ba. Dù sinh ra trong một gia đình xuất thân từ giới sân khấu nghệ thuật truyền thống hát bội và cải lương, ba chỉ là một kép hát từ Vĩnh Long lên Sài Gòn lập nghiệp nhưng ba lại luôn luôn ý thức về vấn để văn hóa, đặc biệt cái nền tảng văn hóa cho gia đình mình.
-Thành Lộc

Bản thân Lộc là người hoạt động nghệ thuật được nhiều người biết đến ở Việt Nam thành ra khi mình ra một cuốn tự truyện như vậy thì với bề dày tuổi đời và thời gian hoạt động nghệ thuật của mình nó cũng đủ để tạo được sự chú ý. Thật ra ngày hôm nay nói chuyện với anh là ngày 20 tháng Giêng thì cũng là ngày mà trong hai tiếng đồng hồ nữa Lộc sẽ chính thức ra mắt cuốn sách trên phạm vi toàn quốc với 5.000 bản đầu tiên khi chưa ra mắt thì đã được đặt hàng mua qua mạng và đã bán hết rồi! Cho nên nhà xuất bản Phương Nam sẽ tái bản với 7.000 cuốn nữa, hy vọng cũng giúp cho bạn đọc giải khuây được trong vài giờ đồng hồ vì cuốn sách chỉ có 156 trang thôi.

Trở lại với phần thứ hai của câu hỏi mà anh đặt vấn đề với gia đình Lộc. Lộc phải cám ơn gia đình mình, cám ơn ba. Dù sinh ra trong một gia đình xuất thân từ giới sân khấu nghệ thuật truyền thống hát bội và cải lương, ba chỉ là một kép hát từ Vĩnh Long lên Sài Gòn lập nghiệp nhưng ba lại luôn luôn ý thức về vấn để văn hóa, đặc biệt cái nền tảng văn hóa cho gia đình mình, cho những người nghệ sĩ tương lai của ba! Cho nên ngay từ nhỏ mặc dầu tụi này cũng chưa có ai có trình độ đại học đâu nhưng mà cái nền tảng cơ bản nhất mà ba muốn là tất cả mọi đứa phải tốt nghiệp phổ thông trung học hết, tức là tốt nghiệp lớp 12 rồi sau đó là quá trình tự học, tìm hiểu trong cuộc sống, tự vận hành lấy mình mà cái này đều từ ý thức của ba cả.

Ngay vào thời xưa ở trong một gia đình nghèo như vậy nhưng mà không có ai dốt cả và ai cũng có khả năng viết tạm được vì ba là một thầy tuồng ba viết tuồng được cho nên tất cả khả năng đó của ba ba truyền lại cho đàn con. Đây là điều mình rất cám ơn ba.

Giới nghệ sĩ, đặc biệt là bộ môn sân khấu truyền thống thường thường rất yêu nghề và bỏ học đi theo nghề thôi nhưng đối với gia đình mình thì ba lại không bao giờ chấp nhận chuyện đó thành ra mọi người hiểu được cái điều là một nghệ sĩ muốn thành danh thì nền tảng tri thức cần phải có. Chính vì vậy mà sau này khi Lộc chuyển sang kịch nói củng là ý thức từ một người có tri thức hiểu biết cuộc sống, hiểu biết về mọi chuyện xung quanh mình và chọn một cái nghề bằng khả năng, tự giác, hiểu biết mà mình có được và mình chọn chứ không đơn thuần là nối nghiệp ông bà cha mẹ theo truyền thống.

Có điều mình không phủ nhận được là môi trường làm nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam. Mình đã trải qua một khoảng thời gian rất lâu thì hầu hết những nghệ sĩ ở bộ môn nghệ thuật truyền thống thì thường là những gia đình không giàu có mà vì đam mê nghề nghiệp thôi chính vì vậy mà văn hóa kiến thức của họ không được hoàn hảo. Sau này Lộc thấy rằng nghệ sĩ của mình dần dần có một ý thức là bao giờ cũng muốn học hỏi, bằng nhiều cách khác nhau chứ không nhất thiết phải học từ trong nhà trường. Họ học từ trong cuộc sống từ trong những người xung quanh.

Những cung bậc của nghệ sĩ Thành Lộc khi giao lưu với khán giả trong buổi giới thiệu cuốn tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời. Courtesy FB Thành Lộc.
Những cung bậc của nghệ sĩ Thành Lộc khi giao lưu với khán giả trong buổi giới thiệu cuốn tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời. Courtesy FB Thành Lộc.

Lúc nãy anh có nói vấn đề ứng xử, cư xử với nhau trong giới văn nghệ thì Lộc nghĩ đây là một vấn đề rất là tế nhị đôi khi nó xuất phát từ một cái văn hóa nền nhưng đôi khi cũng không hẳn là như vậy. Tại vì bên cạnh Lộc học rất nhiều bậc tiền bối của mình. Họ cũng đâu phải là những người có một nền tảng văn hóa hoàn hảo nhưng mà trong cư xử, hành xử của họ với nhau thì có rất nhiều điều mình cần phải học hỏi.

Cũng có những người có trình độ đại học có bằng này bằng nọ nhưng trong cư xử hàng ngày thì chưa chắc họ đã bằng người làm nghệ thuật cư xử có văn hóa. Cho nên Lộc nghĩ văn hóa này là một khái niệm rất là lớn không phải học hành tử tế mới là người có văn hóa mà nó thuộc về nền tảng từ gia đình, từ ý thức của con người. Đó là những kinh nghiệm mà Lộc thấy từ môi trường nghệ thuật mà Lộc là một thành viên ở đó.

Mặc Lâm: Vâng, trong cuốn sách chúng tôi thấy anh nói tới người cha với một lòng trìu mến đặc biệt và anh có nhắc lại câu chuyện cha anh thường chở anh đi xem biểu tình của các nhà sư và sinh viên học sinh. Mỗi lần như vậy thì mẹ lại nhét vào túi chị em của anh mỗi người một bao ny lông và miếng chanh để lỡ gặp lựu đạn cay thì nặn chanh vào mắt…đây là một kỷ niệm đặc biệt đáng quý và chúng tôi nghĩ rằng có phải vì được giáo dục như vậy cho nên anh có ý thức các vấn đề xã hội, chính trị một cách sâu sắc ngay từ nhỏ hay không?

Thành Lộc: Dạ thưa anh Lộc nghĩ Lộc cũng chịu ảnh hưởng cái đó từ ba tại vì hồi xưa đi đâu ba chở mấy chị em đi thì ba hay dạy dỗ các con trong khi ba lái xe, về luật giao thông rồi khi có biểu tình thì bản thân mình cũng hay thắc mắc chuyện này chuyện kia, tại sao lại có biểu tình, tại sao lại có chống đối? Ba mới giải thích là tại vì cái thời này nó có chuyện này chuyện kia, có những người bị thế này bị thế kia, vậy đó…thành ra ngay từ nhỏ mình đã được ba giáo dục nhận thức những gì xảy ra chung quanh mình cho đến bây giờ mình cảm thấy cám ơn ba vô cùng về chuyện đó.

Chịu trách nhiệm những gì mình kể

Mặc Lâm: Vâng, bên cạnh những điều đáng nhớ ấy thì cũng có việc làm cho anh xao xuyến không ít cho tới bây giờ. Trong “Tâm Thành và Lộc Đời” anh ghi lại cảm giác của mình về căn nhà và việc anh nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú (*), anh có ngại để nói vài lời về việc này hay không thưa anh?

Thành Lộc: Thưa anh tại vì đây là một cuốn tự truyện cho nên không ngại không kể và đó là câu chuyện có thật về mình. Đây đó Lộc cũng có trả lời phỏng vấn của nhiều tờ báo ở Việt Nam thì Lộc cũng nói thẳng suy nghĩ của mình rằng có thể đối với một số bạn trẻ và ngay cả những người cùng thời với mình chắc chắn họ sẽ đánh giá. Bên cạnh việc có người cho rằng Lộc thẳng thắn dám kể sự thật nhưng Lộc cũng tin chắc rằng cũng sẽ có người nói Lộc xuyên tạc, nói chuyện không có thật.

Khi mà mình đã dám kể trong một quyển sách để phổ biến rộng rãi trong công chúng thì mình chịu trách nhiệm những gì mình kể bởi vì thứ nhất đó là câu chuyện của tôi chứ không phải tôi kể câu chuyện của anh.
-Thành Lộc

Khi mà mình đã dám kể trong một quyển sách để phổ biến rộng rãi trong công chúng thì mình chịu trách nhiệm những gì mình kể bởi vì thứ nhất đó là câu chuyện của tôi chứ không phải tôi kể câu chuyện của anh, tôi không kể câu chuyện của bạn hay của mọi người mà nó là câu chuyện của đời tôi. Nó như vậy thì tôi kể như vậy thôi!

Điều quan trọng là qua câu chuyện kể đó thì người ta thấy được điều gì? Người ta thấy được trong cuộc sống người ta có thể đón bắt những tai ương, trăn trở trong cuộc đời bởi vì trên con đường đời không ai hoàn toàn trơn tru cả. Tuy vậy người ta vẫn sống vẫn làm việc và vươn lên với niềm đam mê và ước mơ của mình. Đó là chân giá trị sống mà mình muốn gởi gấm trong cuốn tự truyện của mình.

Bất cứ một nhà văn, một tác phẩm văn học nào cũng vậy người ta có kể bao nhiêu bi kịch trong tác phẩm của người ta thì cuối cùng người ta vẫn muốn truyền đạt đến với ít ra là với hậu bối của mình, là có một câu chuyện như vậy để nói rằng chúng ta hãy vượt lên chính mình, những điều đó hết sức đơn giản cho nên Lộc không ngại gì cả.

Mặc Lâm: Vâng trong tự truyện “Tâm Thành và Lộc Đời” anh cũng có kể lại cha anh là nghệ sĩ nhân dân Thành Tôn cũng có người con trai là hạ sĩ quan trong Quân lực VNCH và đã chết trận vào năm 1970, cảm giác sống giữa hai chế độ có làm cho gia đình họ Thành khó hòa nhập vào xã hội mới sau năm 1975 hay không thưa anh?

Thành Lộc: Dạ thưa cũng có, chắc chắn là có nhưng mà lịch sử là lịch sử. Lộc là người sống nặng về tôn giáo cho nên lộc nghĩ ngay cả chuyện lịch sử có thay đổi thì cũng là ý trời. Cho nên khi mình sống ở giữa thay đổi như vậy thì bản thân mình phải thích nghi để tồn tại và để mình hòa mình vào, mình không bỏ cuộc với cuộc sống ít ra là chịu trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Điều đó nó giống như mình vật vã để mình tồn tại cho nên dĩ nhiên là có! Dĩ nhiên là sự đấu tranh mạnh mẽ với bản thân mình và đấu tranh với bản thân mình mới quan trọng hơn là đấu tranh với chung quanh.

Mặc Lâm: Thưa anh năm nay cũng là dịp kỷ niệm 40 năm ngày thống nhất đất nước nhưng xem ra thì bất công, thành kiến và những thói tật không đẹp giăng mắc toàn xã hội Việt Nam anh có nghĩ rằng mình sẽ trở thành một kịch tác gia để miêu tả những mặt trái ấy một cách cụ thể và không sợ chuyện nhạy cảm như Lưu Quang Vũ đã từng làm hay không?

Thành Lộc: Lộc không dám đặt mình vào cái vị trí như anh Lưu Quang Vũ đâu. Anh Lưu Quang Vũ là một hiện tượng nhưng Lộc thì đánh giá ảnh là một thiên tài, bởi vì ảnh là một người dũng cảm nữa. Lộc nghĩ rằng có dũng cảm hay không thì là cái type của người nghệ sĩ bởi vì bản thân ảnh là người đi trước thời đại một cái đầu rồi.

Mình chỉ nghĩ với khả năng của một người làm nghệ thuật đơn thuần thì hướng tới giá trị chân thiện mỹ và những giá trị trong đời sống, Ngay cả viết chuyện hồi ký của Lộc cũng vậy, Lộc ví von chỉ là chuyện đơn giản thôi chứ còn cuộc sống chung quanh mình, nhất là cái nhà mình đang ở, mình đâu có hài lòng cái nhà mình đang ở đâu! Nhà mình có thể bị dột chỗ này, bị hư chỗ kia nhưng nếu cứ ngồi than thở thì cái nhà mình nó cũng sẽ như thế. Mình nghĩ điều đầu tiên là mình xắn tay áo lên làm cái nhà mình trước. Điều quan trọng là bản thân mình sống với nó chứ mình đâu có bỏ nó đi được? Mình đâu đủ giàu có để mình mua cái nhà khác?

Mặc Lâm: Thưa anh bước qua phần sự nghiệp của anh, là một nghệ sĩ trình diễn rất đa năng từ thiếu nhi cho tới chính kịch và bước sang hài hước nữa. Theo anh muốn thành công trong một vai diễn thì người nghệ sĩ phải chú ý đến yểu tố nào nhất, dĩ nhiên là rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố quan trọng nhất theo anh là gì?

Thành Lộc: Thưa anh thật ra mà nói thì cái quan trọng nhất là khả năng thiên bẩm, khả năng trời cho nó mang tố chất không hẳn là quyết định nhưng nó góp phần vào sự thành công trong người nghệ sĩ đó tới 60 phần trăm. Sau đó là sự rèn luyện, sự khổ luyện của chính bản thân bởi vì Lộc nghĩ ai cũng có thể là một viên ngọc nhưng nếu mình không mài giũa thì nó không phát sáng được.

Nghệ sĩ Thành Lộc giao lưu với khán giả trong buổi giới thiệu cuốn tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời. Screen capture.
Nghệ sĩ Thành Lộc giao lưu với khán giả trong buổi giới thiệu cuốn tự truyện Tâm Thành và Lộc Đời. Screen capture.

Lộc có cái may mắn là được người ta giao cho mình nhiều tác phẩm, nhiều vai diễn đa dạng vể phong cách, phong phú về tính cách nhân vật cho nên mình mới có cơ hội bộc lộ ở nhiều dạng khác nhau cho nên người ta mới biết mình. Nhiều nghệ sĩ khác Lộc thấy người ta rất tài năng có khi còn hơn mình nhưng người ta không có cái cơ may. Sự may mắn quyết định cũng lớn lắm thưa anh. Mình có được cơ may đó mình sử dụng có hiệu quả nhất.

Lộc nghĩ sự tích lũy vốn sống của người nghệ sĩ cũng rất quan trọng. Hàng ngày cuộc sống diễn ra chung quanh mình, luôn luôn mình có ý thức thu vào tầm mắt để mình lưu lại, mình chắt lọc nó để khi gặp những vai diễn có hoàn cảnh, cá tính hay hình ảnh gần giống như những gì mình thu nạp thì mình đem nó ra mình áp dụng bằng tư duy sáng tạo nghệ thuật của mình. Đó là một chức năng quan trọng của người nghệ sĩ, mình phải luôn luôn sáng tạo vận dụng suy nghĩ để làm ra tác phẩm của mình. Nói chung quy lại vẫn là sự nỗ lực của mình. Bản thân mình phải làm việc chứ không dám ỷ y vào cái gì cả.

Không chạy theo những tiếng cười dễ dãi

Mặc Lâm: Chúng tôi nhận thấy khán giả rất thích thú khi xem Thành Lộc diễn trong những vai hài. Thành Lộc đã diễn tả chất hài trong các vai có trình độ cao hơn hẳn nhiều danh hài khác. Xin được hỏi là khi diễn hài anh có cho phép mình “cương” ra ngoài kịch bản hay không?

Thành Lộc: Thưa anh sự ngẫu hứng của người diễn viên trên sân khấu đặc biệt là sân khấu hài nó mang một tố chất nghệ sĩ rất lớn. Lộc nghĩ sân khấu của Việt Nam mình chịu ảnh hưởng nền sân khấu Pháp rất mạnh bởi vì mình có thời gian làm nghệ thuật của người Pháp lâu đời rồi, thực ra cả trăm năm rồi! Cho nên sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam mình cũng gần giống với người nghệ sĩ Pháp mà sự trình diển của Pháp thì sự ngẫu hứng nó phát tiết nên cái tinh hoa của người nghệ sĩ đó.

Người Việt Nam mình đặc biệt với sân khấu cải lương thì người ta quen gọi là hát cương! Nhưng mà cái đó nó như một sợi chỉ mỏng manh giữa sự trí tuệ và tự nhiên chủ nghĩa một cách thô kệch. Bời vì nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có trình độ kiến thức thẩm mỹ, nói chung là phông nền về văn hóa tương đối phải có thì người nghệ sĩ mới biết tiết chế, kiểm soát mình. Ngay cả những ngẫu hứng của mình nó cũng phải đáp ứng được nhân vật cho nó hoàn hảo chứ nó không bị chạy theo những tiếng cười dễ dãi thưa anh.

Mặc Lâm: Vâng, anh vừa nhắc tới yếu tố thẩm mỹ nên nảy sinh ra câu hỏi là anh có nghĩ rằng người nghệ sĩ trình diễn cũng như sáng tác có phải là người trực tiếp hướng dẫn thẩm mỹ của quần chúng hay không?

Thành Lộc: Thưa anh hoàn toàn đúng là như vậy. Lộc nghĩ người nghệ sĩ là người làm công việc văn hóa cho nên đã là công việc chuyển tải một thông điệp gì đó của tác giả kịch bản, của những người đương thời đặt những vấn để gì đó mang tính thời sự, đương đại nói chung thì nó phải có cái tầm triết học nhất định cho công chúng. Nhiều người nói rằng người nghệ sĩ cái bước chân của họ đi trước thời đại ít ra phải là nửa bước. Còn nhiều người thì nói đi trước cả cái đầu. Tức là công việc định hướng cho người ta có cả thẩm mỹ và triết học nữa thưa anh.

Lộc nghĩ công việc của người nghệ sĩ nó rất quan trọng, nó không đơn thuần dừng lại ở yếu tố giải trí mà còn có giá trị chân thiện mỹ nữa.

Mặc Lâm: Theo anh nếu người nghệ sĩ có trách nhiệm với văn hóa trình diễn, ở đây chúng tôi chỉ nói là trách nhiệm thôi, thì việc gì họ phải làm mỗi khi xuất hiện trước khán giả thưa anh?

Thành Lộc: Dạ theo Lộc nghĩ cái gì mình phải làm thì làm cả cuộc đời mình chứ còn phải đợi tới khi bước ra xuất hiện với khán giả đâu à! Lộc chỉ biết là mình phải luôn luôn có một kỹ năng tiếp nhận thông tin hàng ngày, trong đó có việc đọc sách, theo dõi thời sự nâng cao kiến thức của mình hàng ngày để tác phẩm của mình không bị lạc hậu và nó theo kịp xu hướng, trào lưu mà thế giời chung quanh ta nó đang diễn ra. Xét cho cùng thì nó là tri thưc và Lộc nghĩ người nghệ sĩ phải luôn luôn bổ túc kiến thức của mình để mình không bị đứng lại.

Mình nói một chuyện cụ thể hơn nữa là trước khi mở màn trình diễn, bản thân Lộc nếu trong những vai diễn vào vai bi kịch hay các vở chính luận v...v...thì bản thân mình luôn luôn có một tâm thái là mình phải ổn định. Ổn  định tâm thái cho thanh thản và bắt đầu nhập vai vào cốt chuyện mình sắp sửa kể cho khán giả nghe. Nói một cách hơi lý tưởng một chút là mình phải làm sạch tâm hồn mình, tâm thái mình trước giờ diễn. Gạt bỏ những hệ lụy nào nó không liên quan đến vai diễn, vở diễn mình sắp trình diễn trước công chúng.

Trong nghề nghiệp của chúng tôi có một bậc thầy trong nghệ thuật sân khấu thế giới là ông Stanislavski, ông ta có nói một câu như thế này: Hãy bỏ những đôi hài khi qua cổng thánh đường. Nếu chúng ta xem nghệ thuật như thánh đường của mình thì trước khi chúng ta vào thánh đường thì chúng ta phải gạt bỏ những vướng mắc của cuộc sống để đến đó với tâm thái nhẹ nhàng bay bổng.

Đối với Lộc trước khi mở màn trình diễn Lộc cũng luôn luôn chuẩn bị một tâm thái như vậy.

Mặc Lâm: Chúng tôi được biết là anh từng làm giám khảo nhiều chương trình trên TV, theo anh thì sự tôn trọng khán giả của chương trình có được xem là ưu tiên số một hay mục tiêu tìm số đông khán giả mới là chính thưa anh?

Thành Lộc: Thưa anh thật ra thì Lộc chỉ ngồi ở ghế nóng ở Việt Nam nó có một chương trình lá Việt Nam got Talent thôi chứ Lộc không tham gia làm giáo khảo ở bất cứ chương trình nào cả. Trở lại câu hỏi của anh thì Lộc nghĩ rằng hiện nay ở Việt Nam đang có sự bùng phát những chương trình truyền hình thực tế về những cuộc tranh tài nhưng suy cho cùng thì nó cũng chỉ là giải trí cho nên ngay cả cái điều mà anh đặt vấn đề với Lộc thì Lộc thấy rằng đúng là không thể loại trừ yếu tố này.

Cũng có những cái game người ta lại muốn khai thác sự chú ý của công chúng tới chương trình đó hơn là đi sâu vào chất lượng của chương trình để tạo nên uy tín và tên tuổi cho một chương trình truyền hình. Chính vì vậy mà đôi khi nó bị đánh đồng làm cho công chúng bị ngộ nhận giữa giá trị thật và giá trị không thật.

Về cá nhân của Lộc khi Lộc đến với chương trình Việt Nam got Talent thì Lộc luôn luôn đứng đúng vị trí mà người ta giao cho mình là người cầm cân nảy mực mà cũng muốn góp phần định hướng cho công chúng Việt Nam làm quen được với những thể loại nghệ thuật mới. Lạ, hấp dẫn và có tính sáng tạo nghệ thuật thực sự. Còn tất cả những cái gì nó không thuộc về cái đó thì dĩ nhiên với tư cách giám khảo mình phải có trách nhiệm.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nghệ sĩ Thành Lộc.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.