Thế nào là Diva? (phần 1)

Bài "Casta Diva" do Maria Callas, giọng ca Opéra trứ danh của thế giới trình bày. Tựa đề bài này thật thích hợp với Maria Callas vì đề cập đến Diva thì phải nói đến Maria Callas trước tiên.
Thy Nga, phóng viên RFA
2010.08.10

maria-callas-wikipedia-200.jpg
Maria Callas, một trong những nữ ca sĩ opera danh tiếng nhất trong thập niên 1950. Photo courtesy of wikipedia
Maria Callas, một trong những nữ ca sĩ opera danh tiếng nhất trong thập niên 1950. Photo courtesy of wikipedia
Theo những tài liệu mà Thy Nga tham khảo thì Diva là từ tiếng Ý có nghĩa là "Nữ thần". Bên Ấn Độ cũng có từ tương tự là Deva. Mang ý nghĩa thần thoại như thế, thành ra sau này, người nữ nào có tài nghệ xuất chúng về ca diễn Opéra thì được người đời xưng tụng là Diva. Sân khấu Opéra đòi hỏi không những ca mà còn diễn nữa, Maria Callas được coi là Diva hàng đầu của ngành nghệ thuật này.

Maria Callas gốc Hy Lạp nên vào năm 2007, kỷ niệm 30 năm bà từ trần, chính phủ Hy Lạp phát hành đồng coin cho giới sưu tầm. Coin mệnh giá 10 Euro mang hình ảnh Maria Callas, mặt kia thì mang quốc huy của Hy Lạp cùng với chữ ký của bà.

Cũng trong năm ấy, Maria Callas được truy tặng giải Grammy cho thành tựu trọn đời, và được tạp chí âm nhạc của BBC bầu là "Nghệ sĩ Soprano số 1 của mọi thời đại".

Năm sau đó thì một tấm plaque vinh danh Maria Callas được gắn tại bệnh viện nơi bà chào đời, ghi là

"Những bức tường này đã được nghe cất lên lần đầu tiên cái giọng mà sau này, chinh phục cả thế giới. Xin ghi ơn người đã chuyển tải âm nhạc, ngôn ngữ chung của toàn cầu".

Định nghĩa Diva là nữ danh ca thượng thặng về Opéra nơi phương trời Âu thì đối với Việt Nam mình, có lẽ ta có thể áp dụng cho sân khấu cổ nhạc mà hàng đầu có Ái Liên, Kim Chung, Bích Hợp, Phùng Há, Năm Phỉ, Thanh Nga, ...

Cuộc đời của Maria Callas được dựng thành phim, và các bài ca của bà cũng được sử dụng trong 2 cuốn phim khác.

Định nghĩa Diva là nữ danh ca thượng thặng về Opéra nơi phương trời Âu thì đối với Việt Nam mình, có lẽ ta có thể áp dụng cho sân khấu cổ nhạc mà hàng đầu có Ái Liên, Kim Chung, Bích Hợp, Phùng Há, Năm Phỉ, Thanh Nga, ...

Tuy không thể sánh với qui mô, tầm vóc của xứ người nhưng với dân mình thì các nữ nghệ sĩ vừa kể, quả là thượng thặng về ca diễn.

Kim Chung được giới hâm mộ gọi là “Tiếng chuông vàng thủ đô”. Phùng Há được Nhà nước tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân Dân”, Ái Liên cũng vậy.

Thanhnga-wikipedia-200.jpg
Cố nghệ sĩ Thanh Nga. Photo courtesy of Wikipedia
Cố nghệ sĩ Thanh Nga. Photo courtesy of Wikipedia
Thanh Nga thì được những người ái mộ gọi là “Nữ hoàng sân khấu”.

"Mưa rừng" sáng tác của Huỳnh Anh. Thanh Nga ca ...

Sau này, danh hiệu Diva được áp dụng rộng ra cho cả ca kịch nghệ, tân nhạc và điện ảnh nữa. Người nữ ca diễn xuất sắc trong các ngành này cũng được gọi là Diva.

Bên Pháp, có giọng ca trứ danh Edith Piaf.

"Non, je ne regrette rien" ...

(Không, tôi không có gì phải hối tiếc) nội dung bài hát này thật đúng với Edith Piaf với lối sống rất phóng khoáng. Chẳng thế mà nhiều người đã chọn "Non, je ne regrette rien" làm khúc ca đánh thức để mở mắt ra là phấn khởi cho một ngày mới.

Và quý vị biết không, trong cuốn phim hiện đang trình chiếu khắp nơi là Inception, mỗi khi nhân vật nào sắp bị tống ra khỏi cơn mơ, là khúc hát "Non, je ne regrette rien" trỗi lên báo hiệu.

Cuộc sống của Edith Piaf từ khi ra đời tới các năm sau cùng có những chi tiết lạ lùng, được dựng thành phim "La vie en rose" (tựa đề bài hát nổi tiếng nhất của bà).

Mùa Thu 1963, tòa Tổng Giám Mục Paris không cho phép cử hành đám tang Edith Piaf theo nghi thức đạo, xét vì lối sống buông thả của bà. Tuy vậy, hàng chục ngàn người đã theo sau xe tang tới tận nghĩa trang.

Danh ca Charles Aznavour kể lại rằng đám tang Edith Piaf đã khiến thủ đô Paris tắc nghẽn xe cộ, mà chỉ có ngày mừng chiến thắng sau Thế Chiến Thứ Hai mới như vậy.

Edith_Piaf-wikipedia-200.jpg
Tượng Édith Piaf tại Ba Lan. Photo courtesy of wikipedia
Tượng Édith Piaf tại Ba Lan. Photo courtesy of wikipedia
Năm 1982, một hành tinh nhỏ được nhà thiên văn Lyudmila Karachkina khám phá ra và đặt tên là Piaf.

"Come prima" qua giọng ca Dalida.

Là ca sĩ đầu tiên trong lịch sử âm nhạc thế giới, được trao tặng dĩa Diamond, Dalida xứng đáng được gọi là Diva.

Dalida hát và thâu âm được hơn 10 thứ tiếng, tổng số hơn 125 triệu băng nhạc, dĩa hát bán ra trên thế giới, lãnh 55 dĩa vàng, và vô số giải thưởng từ huy chương cao quý nhất nước Pháp đến những giải từ nhiều quốc gia khác.        

Quý vị cao niên có lẽ cũng nhớ lần Dalida đến Việt Nam. Thy Nga nghe kể là hồi đó, đâu khoảng năm 1961, Dalida tới Saigon trình diễn tại rạp Rex, hát liên tiếp hai chục bài làm khán thính giả thán phục quá vì thường thì chỉ nghe ca sĩ Việt Nam hát mấy bài là hết hơi sức rồi (thể lực mình đâu có khoẻ bằng người ngoại quốc, họ vừa hát vừa diễn nữa cơ).

Danh vọng tràn đầy nhưng về tình cảm thì mang nhiều thảm kịch: ba người đàn ông trong cuộc đời tình ái của Dalida tự tử. Sau nhiều cuộc tình chẳng đi đến đâu, Dalida bị sa sút tinh thần trầm trọng và kết liễu đời mình.

Ngay năm đó (1987), giới tài chánh Pháp cho đúc đồng coin bằng vàng, đồng và bạc mang hình ảnh Dalida cho các nhà sưu tầm.

Năm sau, cuộc thăm dò của Encyclopaedia Universalis cho thấy Dalida là nhân vật thứ nhì có ảnh hưởng trong xã hội Pháp, chỉ sau Tướng Charles de Gaulle.

Năm 1997, công trường Dalida với pho tượng bán thân của nữ danh ca này được khánh thành tại Quận 18, Paris.

Hình ảnh Dalida cũng được in trên hai tem bưu chính Pháp.

Cuộc sống của Dalida được soạn thành kịch, và dựng thành phim truyền hình.

"Bambino" ca khúc đã đưa tên tuổi Dalida lên cao ...

Danh hiệu Diva được áp dụng rộng ra cho cả ca kịch nghệ, tân nhạc và điện ảnh nữa. Người nữ ca diễn xuất sắc trong các ngành này cũng được gọi là Diva.

Nghe về các Diva vừa kể, chắc quý vị cũng nhận thấy là cuộc đời của họ gồm có những tình tiết ly kỳ, khác hơn người thường. Dân Âu Mỹ ưa chuộng câu chuyện khởi đi từ nghèo khó, lên tới tột đỉnh danh vọng nhưng phải bao gồm những cú thất bại, những chuyện tình ái rắc rối, cộng với yếu tố kỳ bí nữa để thiên hạ say mê theo dõi. Và một điều nữa là phải kèm theo thảm kịch vì thiên hạ quan niệm rằng Trời không cho ai được hưởng tất cả, càng cao danh vọng thì càng lắm đau thương. Điển hình như trường hợp nữ minh tinh màn bạc Marilyn Monroe được coi là thần tượng trong văn hoá Mỹ sau này.

Trở lại với âm nhạc thì về sau, các nữ danh ca Aretha Franklin, Diana Ross, Barbara Streisand, Liza Minnelli, Cher, Madonna, Whitney Houston, Celine Dion, ... được nhiều người coi là Diva. Nhưng rồi ... danh hiệu này cũng bị lạm dụng đi, như trong bài "Diva" Beyoncé hát sau đây ...

Về ngành ca hát Việt Nam thì đứng đầu, phải nói là Thái Thanh. Người Việt mình không gọi là Diva nhưng đã tặng cho Thái Thanh danh hiệu "Tiếng hát vượt thời gian".

Làng ca hát Việt Nam còn các nữ ca sĩ nào mà ta có thể gọi là Diva? mời quý vị đón nghe tiếp trong chương trình kỳ tới.


Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.