Giới thiệu du lịch Việt Nam trên chiếc xe máy

Những người giới thiệu du lịch Việt Nam ra thế giới trên những chiếc xe máy được gọi với một cái tên rất “du lịch” và gần gũi: easy rider. Họ đã góp phần mang nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc đến với du khách.
Quỳnh Chi, phóng viên RFA
2013.01.07
dalat-easyrider.com-305.jpg Đội xe Easy Rider ở Đà lạt
Photo courtesy of dalat-easyrider.com

Đội easy rider

Chị Minh Tâm, chủ quán cà phê ở số 70 Phan Đình Phùng, Đà Lạt đon đả đón khách bằng vẻ thân thiện của vùng nổi tiếng về du lịch. Chị không phải là một easy rider nhưng có lẽ để tìm hiểu về đội easy rider ra đời sớm nhất thì bắt đầu từ chị cũng có cái lý của nó.

“Tôi thì ở Đà Lạt từ nhở đến lớn và theo quan sát của tôi thì đội Easy rider này có thể được gọi là tốt nhất Đà Lạt. Tôi không cho thuê mà chỉ cho những anh em trong đội Easy rider ngồi để tôi có thể bán cà phê cho họ thôi. Nhưng mà tôi coi những người này như người nhà vì đã làm việc với nhau quá lâu rồi”.

Mở quán cà phê được 15 năm, quán cà phê của chị Minh Tâm từ đó được dùng làm trụ sở của đội easy rider nổi tiếng không chỉ ở Đà Lạt mà cả Việt Nam. Chị vồn vã chia sẻ, trước khi mở quán, thì những easy rider này đã xuất hiện tại Đà Lạt.

Anh đội trưởng Nam Trần tiếp chuyện bằng sự hiếu khách vốn rất đặc trưng của người Đà Lạt cùng với sự hóm hỉnh rất “easy rider” của một người chuyên chở khách du lịch:

“Khi chúng tôi đi đến vùng sâu vùng xa thì họ hỏi chúng tôi easy rider là gì. Chúng tôi chỉ cười và nói vui rằng chúng tôi là những người đi bán gió và không khí trong lành”.

Những easy rider là những người lái xe máy nhưng không phải là những tài xế xe ôm vì họ chỉ chuyên chở khách đến những điạ điểm du lịch theo một lịch trình được thiết kế trước. Và họ cũng là người đồng hành cùng khách trên tuyến đường đồng thời kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên, giải thích ý nghiã của tất cả các địa danh cũng như những nét văn hóa đất nước.

Là một trong những easy rider lâu năm của đội easy rider được thành lập đầu tiên ở Đà Lạt, anh Nam tự tin kể về tiểu sử của đội. Đầu những năm 90, khi đất nước chưa phát triển, nhiều người Đà Lạt, trong đó có những giáo viên Anh văn và Pháp văn bị rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhìn thấy nhu cầu được tìm hiểu đất nước của du khách nước ngoài, họ đã thành lập đội easy rider đầu tiên tại Đà Lạt vào năm 1992.  14 người trong đội đầu tiên đã đặt ra phương châm mang văn hóa Việt đến với thế giới ngoài việc tìm cho mình một nghề để sống.

Khi mới thành lập, họ đặt tên nhóm là motor taxi. Nhưng tên gọi này chưa thật sự phản ánh đúng bản chất công việc của họ. Cho đến năm 2000, một nhóm khách du lịch Mỹ sau khi đi cùng họ trên xe máy theo một tour dài ngày đã nảy ra ý định:

“Sau khi khám phá tất cả các ngõ ngách, các bãi chiến trường xưa, các bản làng thì họ nói rằng tổ chức chúng tôi rất hay nhưng vì sao không có một cái tên. Họ nói có bộ phim mang tên Easy Rider và kể cho chúng tôi biết nội dung bộ phim. Họ nói là họ sẽ gọi chúng tôi là easy rider và sẽ tuyên truyền trên mạng xã hội và Internet. Chúng tôi thấy hay hay và từ đó chúng tôi có một cái tên đặc trưng như thế”.

Sau hơn 20 năm, đội Đa Lạt Easy rider này có 50 thành viên, trong đó có những người đã 70 tuổi. Họ không còn sức đi những tour dài ngày đến các ngõ ngách Việt Nam nhưng họ vẫn phục vụ các tour trong ngày ở Đà Lạt. Họ từng là những nhân viên làm việc cho các trường học Pháp lúc trước và muốn đem sự hiểu biết của mình chia sẻ cho du khách. Họ thèm được kể về những trận đánh xưa, những điạ danh gắn bó với lịch sử dân tộc. Anh Nam Trần chia sẻ, mặc dù rất nhiều người trong đội xuất thân là những trí thức với vốn tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức nhất định, điều quan trọng nhất để làm hài lòng khách là việc tìm tòi, học hỏi:

“Nghề nó dạy nghề. Có những lúc mình được đi chung những người giỏi hơn thì mình học hỏi. Những địa danh là do mình hỏi  dân mà ra. Có những địa danh, trận đánh chỉ có các cụ già mới biết và họ kể cho mình. Còn những địa danh nổi tiếng, các danh lam thắng cảnh thì đương nhiên là dễ tìm tòi. Nhưng cái quan trọng là phải trao dồi tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng Đức nữa”.

Gìn giữ văn hóa Việt

Khách du lịch được đến thăm những bản làng của người dân tộc. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Khách du lịch được đến thăm những bản làng của người dân tộc. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Khách du lịch được đến thăm những bản làng của người dân tộc. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Anh Nam nói chuyện lưu loát, tự tin và thỉnh thoảng lại “chêm” vài câu tiếng Anh. Có lẽ việc tiếp xúc và hướng dẫn khách nước ngoài hằng ngày đã tạo cho anh thói quen dùng chữ tiếng Anh. Sự tự tin về khả năng ngoại ngữ không phải là cái làm du  khách ấn tượng với đội easy rider này:

“Chúng tôi giới thiệu những cái thật độc đáo và thật “Việt Nam”, đưa khách về những cội nguồn dân tộc: dù có nghèo nhưng hiếu khách. Chúng tôi mang khách đến mọi nẻo đường Việt Nam và mang họ đến với văn hóa Việt Nam”.

Những easy rider có thể chở khách trên chiếc xe gắn máy đi tham quan mọi miền đất nước. Trong những tour dài ngày, họ đưa khách về với những gì bình dị nhất của dân tộc. Có những lúc, chỉ có họ và khách ngồi sau xe máy chạy trên con đường làng. Có những lúc khách tham gia làm mộc ở một làng nghề hay cùng cấy lúa trên một cánh đồng của dân địa phương. Có những tour cả khách, cả rider tìm về những bản làng, cùng ngủ trên những láng tre giữa rừng thẳm mà nghe tiếng suối rì rào.

Anh Nam tiếp chuyện chúng tôi trong lúc đang thực hiện một tour khám phá các con thác sâu, các ngôi làng dân tộc cách Đà Lạt khoảng 300 cây số. Anh đang đi cùng một đôi vợ chồng mới cưới người Israel. Ron, tên người chồng, chia sẻ với sự phấn khởi rằng vợ chồng anh đã có những trải nghiệm tuyệt vời trong tuần trăng mật tại Việt Nam:

Chúng tôi giới thiệu những cái thật độc đáo và thật “Việt Nam”. Chúng tôi mang khách đến mọi nẻo đường Việt Nam và mang họ đến với văn hóa Việt Nam.
Đội trưởng Nam Trần

“Cảm giác tuyệt vời khi không có khách du lịch nào trước và sau tôi. Đây là tuần trăng mật của tôi và những Easy rider này đã cho chúng tôi cảm giác thật tuyệt vời. Đúng là một cảm giác thật “authentic”.

Ron đã không quá lời khi cho rằng anh đã trải qua cảm giác đậm đà bản sắc Việt Nam. Những tour của các easy rider ngoài các danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên mọi miền đất nước, còn có các tour đi khám phá, tìm tòi và sinh họat gần gũi với người dân địa phương. Bí quyết của họ là thành thật với khách và với người dân. Đã không ít bao phen cả khách, cả rider gặp khó khăn trên đường nhưng sự thành thật đã giúp họ an toàn. Đối với họ, có  những kinh nghiệm mà chỉ có easy rider mới có. Anh Nam kể, có lần một rider trong đội dẫn một khách Thụy Điển khám phá cao nguyên. Rủi thay họ gặp mưa to và phải xin tá túc nhà một người dân tộc và trải qua những kinh nghiệm đáng nhớ:

“Nhà họ có 3 cái mền mà đã cho mượn 2 cái, cho ăn khoai lang và lấy nước suối cho uống. Sáng ra họ cho ăn sáng bằng măng luộc. Thấy thế người bạn tôi trả tiền cho họ nhưng họ không lấy. Bạn tôi cho họ cây đền pin và một cái dao cạo râu. Vậy mà sau bao nhiêu năm bạn tôi trở lại thì họ vẫn giữa món quà đó, mặc dù chúng đã rỉ sét. Chỉ có easy rider mới có những trải nghiệm đó”.

An toàn trên hết

Du lịch trên lưng voi. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Du lịch trên lưng voi. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Du lịch trên lưng voi. Photo courtesy of dalateasyrider.com
Tiêu chí lớn nhất của những người làm easy rider là tuyệt đối giữ an toàn cho khách. An toàn trong cách đi lại, ăn ở và sinh hoạt. Họ có những nhật ký lịch trình được giám sát kỹ lưỡng. Họ thu thập phản hồi của khách và tổ chức nhóm họp để chia sẻ và rút kinh nghiệm. Anh Nam nói:

“Từ đó mà người ta thành lập một kỷ luật như quân đội vậy. Easy rider mà không có kỷ luật thì không thể nào khống chế được”.

Mỗi tháng, họ thường tụ họp lại nhận xét hiệu quả công việc từng người. Nếu làm tốt sẽ được phân công thêm tài. Ngược lại, rider phải chịu phạt. Nhẹ thì họ bị cảnh cáo, nặng thì phạt tiền và treo tài trong một thời gian. Chị Minh Tâm nhận xét:

“Họ làm việc rất nghiêm túc đàng hoàng, đều được địa phương xác minh lý lịch và những nhật ký các chuyến đi đều được công an nắm giữ. Nghĩa là họ làm việc rất nghiêm túc về mặt pháp luật cũng như xã hội. Cho nên phải nói họ rất chuyên nghiệp, không phải cứ hễ thấy Tây là chạy đến bắt khách”.

Họ làm việc rất nghiêm túc đàng hoàng, đều được địa phương xác minh lý lịch và những nhật ký các chuyến đi đều được công an nắm giữ.
Chị Minh Tâm

Sau những tour dài ngày trên xe máy, những rider thường dành một vài ngày nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình và tìm hiểu thêm văn hóa các vùng miền để giới thiệu cho khách. Khi phải tìm khách, họ luôn trong một tư thế chuyên nghiệp với đồng phục của đội. Có lẽ sự chuyên nghiệp đã làm khách du lịch vui vẻ chọn họ thay vì chỉ chọn những chiếc xe ôm thông thường, mặc dù giá có đắt hơn.

Đối với một easy rider, sức khỏe là một trong những nhân tố quan trọng bên cạnh khả năng ngoại ngữ nhất định, kiến thức, đạo đức, sự mến khách. Những easy rider lớp đầu tiên của Đà Lạt đang trở nên già đi. Lúc này, ngoài việc muốn giới thiệu Việt Nam ra thế giới, họ mong muốn truyền đạt kinh nghiệm cho những thế hệ trẻ hơn. Họ quan ngại rằng du lịch Việt Nam có thể phát triển nhưng lại xa rời văn hoá dân tộc. Nghe họ tâm sự, ai dám cho rằng easy rider chỉ là một công việc?

Liên lạc với tác giả tại: Quynhchi@rfa.org

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.